Bên bến sông còn lửa một làng nghề
MTXD - Làng rèn ấy từng rèn vũ khí cho cách mạng, bao năm lửa nghề vẫn chưa tắt với những người chai sạn với tay quai tay búa. Ở đó, có gia đình 5 đời làm nghề rèn. Sau những chênh vênh của nghề, giờ người ta đã biết đến Hồng Lư.
Ông Trần Đình Thông là đời thứ 3 trong gia đình vẫn miệt mài giữ lửa nghề rèn.
Lửa nghề rèn
Nằm nép mình bên sông Trường Giang, dưới những bóng cây mát rượu đổ hoa vàng rực vào những ngày đầu hạ, làng rèn Hồng Lư (thành phố Tam Kỳ- Quảng Nam) đã trải qua hàng trăm năm tuổi với bao thăng trầm thời cuộc.
Ông Trần Đình Thông, người nắm giữ nhiều bí quyết của làng rèn, và cũng là người gìn giữ và trao truyền lại danh tiếng của làng. Ngừng tay búa, ông Thông nheo đôi mắt đã già nua, gạt nhẹ giọt mồ hôi nhỏ xuống cánh mũi trong chiều mùa hè đổ lửa. Ông kể, những ngày khởi nguồn của làng rèn này chỉ có vài hộ gia đình làm.
Trong kháng chiến chống Pháp, làng rèn Hồng Lư đã có những năm tháng lẫy lừng khi được cống hiến cho cách mạng. Lúc bấy giờ, trong làng không ai không biết ông Trần Ngọc, người tiên phong đi theo cách mạng. Trong khoảng thời gian chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám, ông Ngọc cùng nhiều thợ rèn khác trong làng đã âm thầm sản xuất ra các loại vũ khí để cung cấp, phục vụ cho lực lượng kháng chiến.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông Trần Ngọc được Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ trao tặng bằng khen vì đã tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám. Từ đó, danh tiếng của làng rèn Hồng Lư vang đi khắp nơi, trong đó, tay rèn của ông Ngọc cũng được nhiều người biết tới.
Những người thợ Hồng Lư chăm chỉ với nghề dù thu nhập thấp.
Từ một lò rèn đầu tiên của ông Xã Y sang đời sau đã có 4 lò rèn là của 3 người con là ông Trần Đới, ông Trần Duyên, ông Trần Ngọc cùng với 5 lò nữa của những người trong làng, … Sau đó, đến đời con của ông Trần Ngọc là ông Trần Đình Bá cũng nổi tiếng không kém cha mình vì tay rèn sắc lẹm. Những kỹ thuật của ông Bá sau đó được truyền lại cho con là ông Trần Đình Thông. Và được ông Thông giữ nghề đến tận bây giờ. Hiện ông Thông đang truyền lại cho cháu là Trần Đình Chức. Ông Thông kể và nhẩm đếm, như vậy nghề rèn này đã truyền lại đến đời anh Chức là đời thứ 5 rồi.
Và đến nay, tổng cộng trong làng có đến 15 lò rèn lớn nhỏ; nghề này không còn là truyền thuyết nữa mà đã trở thành chuyện miếng cơm, manh áo của người dân nơi đây. Ông Thông tự hào bảo cách đây trên dưới 40 năm, đi khắp làng, nhà nào cũng có lò rèn riêng, ngày đêm đỏ lửa, những vị khách phương xa trong tỉnh Quảng Nam, hay các tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Định đều phải lặn lội đến đây đặt hàng trước hàng tháng trời mới làm kịp. Thanh niên trai tráng trong làng thời gian đó ai ai cũng học nghề rèn. Các sản phẩm làm ra nhờ chất lượng tốt và uy tín nên làng rèn Hồng Lư này thời đó nổi danh khắp nơi.
Để làm được các nông cụ, hay những vật dụng thì người làm nghề vô cùng vất vả, và tất nhiên có những bí quyết riêng. Để làm ra được một con dao thì người thợ đã phải mất nhiều công sức và thời gian nên chỉ cần nhìn vào là có thể biết ngay đó là sản phẩm do lò nào làm ra. Một con dao trải qua nhiều công đoạn, bắt đầu là cắt sắt, rồi nung, khối sắt được rèn đập nhanh cho các phần tử kim loại khuếch tán vào nhau thành một khối. Tiếp theo là giai đoạn nung chín và dát mỏng, đồng thời uốn, nén sao cho khối thép dần dần hình thành phôi dao và cuối cùng là hình dạng con dao bán thành phẩm.
Khi người thợ chính “quăng” con dao bán thành phẩm ra thì bên ngoài có người thợ phụ thực hiện giai đoạn làm nguội để hoàn chỉnh sản phẩm bằng cách đập, dát, gọt, dũa; sau đó lại trả cho người thợ chính thực hiện công đoạn “tôi”; đây là công đoạn bí quyết của nghề, con dao sau này có bén, tốt hay không phụ thuộc vào trình độ “tôi thép” của người thợ rèn. Và cuối cùng con dao được đưa ra cho người thợ phụ mài cho bén để xuất lò.
Ông Trần Đình Bá hiện là người lớn tuổi nhất của làng rèn Hồng Lư nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Hơn 90 tuổi, ông không còn làm thợ rèn nữa. Thế nhưng ký ức một thời cả làng hừng hực lửa lò rèn, hừng hực lửa đấu tranh cách mạng vẫn được ông nhắc đến cho con cháu. Theo ông Bá, thì nghề rèn không chỉ có sức khỏe là làm được mà cần phải học, để học được tinh thông nghề này, người nhanh nhẹn cũng phải mất 3 năm chuyên cần, không có sách vở nào ghi chép bí quyết cả, chỉ có người đi trước truyền lại cho người đi sau. Cho nên, thợ học việc phải có lòng nhẫn nại học hỏi, rồi cảm nhận bằng sự tinh tế của tai, mắt, của bàn tay chính mình. Đến khi có thể làm được sản phẩm sắc bén, rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm, thì coi như thành nghề. Hơn nữa, các bậc tiền bối “luôn nhiệt tình truyền dạy cho lớp thợ trẻ tiếp nối, không có chuyện giấu nghề, giữ bí quyết đâu, và chỉ có người có tâm mới có thể theo nghề này lâu dài được".
Trong tất cả quá trình thực hiện các thao tác như thế đòi hỏi sự công phu kỹ lưỡng và kinh nghiệm cũng như trình độ tay nghề của người thợ, “non quá dễ bị quăn lưỡi, già quá sẽ bị mẻ hoặc rạn nứt, đập sắt phải khỏe mạnh, mài cũng giữ một vai trò quan trọng, đôi tai và con mắt của người thợ lâu năm trong làng nghề chỉ cần nhìn vào hoa lửa bắn ra hoặc nghe tiếng máy kêu cũng có thể biết được sản phẩm đã hoàn thiện hay chưa. “Đó chính là lí do vì sao những người vùng khác đến học nghề không thể "lấy" được bí kiếp của người thợ Hồng Lư!”, ông Thông cười khi chia sẻ về nghề.
: Độ tinh xảo của từng sản phẩm ở đây luôn khiến người dùng hài lòng.
Thăng trầm của làng rèn
Đã có một thời, làng nghề rèn Hồng Lư chao đảo, tưởng như không tồn tại lâu dài được, các lò rèn hoạt động cầm chừng, sản phẩm không tiêu thụ được. Nguyên nhân là do người tiêu dùng bị choáng ngợp trước sự xuất hiện ồ ạt của các loại sản phẩm nhập ngoại từ Trung quốc, Thái lan… tràn vào thị trường Việt Nam với mẫu mã đẹp, màu sắc trắng sáng, giá rẻ hơn.
Quá khứ hào hùng là thế, nhưng vì sức ép của thị trường khiến nhiều lò rèn trong làng đành “tắt lửa” hoặc chuyển đổi nghề, bởi theo thời gian các sản phẩm của làng rèn Hồng Lư không còn được ưa chuộng, dần dần không còn chỗ đứng trên thị trường. Nếu như trước đây trong làng nhà nào cũng có lò rèn, thì vào lúc khủng hoảng nhất cả làng chỉ còn 4 hộ giữ được nghề, hoạt động cầm chừng yếu ớt. Các hộ dân trong làng đang tìm kiếm con đường mưu sinh mới.
Ông Thông kể chuyện với giọng buồn rầu, bởi chính ông cũng có lúc vì mưu sinh cũng đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề, nhưng rồi: “Nghề rèn là nghề truyền thống của gia đình. Làm dao, rựa, cuốc, xẻng, liềm… đều bằng công cụ thủ công nên rất khó cạnh tranh với các mặt hàng ngoài thị trường. Một cái rựa được rèn thủ công phải mất đến cả ngày, đổ mồ hôi nước mắt và cả công sức, bán ra với giá 500 nghìn đồng. Trong khi cũng là cái rựa nhưng làm công nghiệp nhập về từ Trung Quốc, Thái Lan chỉ bán hơn 100 nghìn đồng thì thử hỏi làm sao chúng tôi cạnh tranh nổi. Trước đây, tôi cũng đã tính thử làm nghề khác để có thu nhập cao hơn nhưng vì yêu nghề, yêu mảnh đất nơi đây nên vẫn bám trụ với cái lò rèn này cho đến bây giờ!”, ông Thông bộc bạch.
Những người thợ ở đây vẫn luôn quyết tâm giữ nghề cho đến những đời sau.
Khó khăn thì chồng chất, nhưng những người thợ ở đây vẫn luôn kiên trì giữ lửa làng rèn lớn nhất nhì xứ Quảng. Người dân Hồng Lư vẫn kiên nhẫn, cần cù, sáng tạo, thông minh tạo ra sản phẩm bằng chính bàn tay lao động của mình. Khi những loại dao hay các loại nông cụ sẳn xuất công nghiệp không thể có độ bền, thì chính các sản phẩm của Hồng Lư đã chứng tỏ được điều đó. Và đơn đặt hàng cũng như sản phẩm bày bán ở các chợ đều ngày càng tăng vì chất lượng thật và độ bền của sản phẩm đã được người dùng cảm nhận. Nhiều khu chợ trong và ngoài thành phố cũng đã xuất hiện hàng hoá của làng nghề Hồng Lư. “Nếu trước đây, thu nhập từ lò rèn rất ổn định thì bây giờ gần như là bỏ công làm lời. Một cái rựa, 2 người phải mất 4 tiếng đồng hồ mới rèn xong, bán được 200 - 250 nghìn đồng mới bù công được”, ông Thông chia sẻ.
Dẫu khó khăn, dẫu giá cả leo thang từng ngày và người thợ rèn chỉ lấy công làm lời, nhưng làng nghề này không những vẫn tồn tại vững vàng mà còn phát triển hơn xưa, từ 4 lò khi mới hình thành, đến nay làng nghề đã có trên 15 lò rèn lớn nhỏ hoạt động liên tục với đội thợ lâu đời.
Và hơn hết, để bắt kịp với thị trường, những người thợ thủ công Hồng Lư đã nhanh chóng áp dụng khoa học vào sản xuất và giảm nhọc nhằn cho người lao động, để nâng cao năng xuất lao động và chất lượng sản phẩm, đây cũng là biện pháp sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, chuyên môn hóa ngành nghề, dần dần tạo dựng thương hiệu của một làng rèn truyền thống. Sản phẩm của làng cũng rất đa dạng, nhưng điều đặc biệt hơn nữa là mỗi lò có một sở trường riêng: lò thì sản xuất cuốc, rựa nơi thì cho ra dao, rìu hay liềm, hái... Chính vì vậy, những người đến với làng rèn này, tìm đến những lò rèn như của ông Thông, ông Bá đặt hàng đều là sự tin tưởng tay rèn của người sống chết với nghề rèn.
TIÊU DAO – HOÀNG TÂN
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.