Biến những gốc cây xù xì, thô ráp thành tiền triệu
MTXD - Những gốc cây xù xì, thô ráp, vô giá trị ở bờ rào, vườn hoang, đồi rậm qua bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của chàng trai quê lúa Nguyễn Trọng Tiến ở xã Kim Thành, Yên Thành, Nghệ An đã trở thành những tác phẩm bonsai nghệ thuật có giá trị hàng chục triệu đồng.
Những thế cây độc đáo trong vườn của Tiến
Trong cái rét ngọt của những ngày cuối đông, theo lời giới thiệu của chủ tịch UBND xã Kim Thành Cao Xuân Toản, rằng “Đi, đến mô hình này hay lắm. Sinh năm 87, tuổi Mão nhưng lại ưa cây, ưa hoa. Tìm được sinh kế, kiếm được tiền nuôi sống cả gia đình từ đam mê, mình rất phục, rất nể”, chúng tôi đến thăm Nguyễn Trọng Tiến ở xóm Đồng Luốc.
Mỗi dáng cây là một sự sáng tạo, tỉ mẩn, cẩn trọng.
Trong bộ đồ lao động lấm đất, đang bận mải với những gốc cây vừa đánh được từ rừng về, có khách vào, Tiến ngơi tay tiếp đón. Pha ấm trà, giữa vườn cây cảnh xanh tươi, Tiến kể về đam mê của mình. “Em đam mê cây cảnh từ nhỏ. Em học không giỏi nhưng em say các bài giảng về cây, tìm hiểu về giới thực vật và không bỏ sót chương trình nào về nghệ thuật cây cảnh trên ti-vi. Trong khi bạn bè vùi đầu vào những cuốn truyện tranh thì em lại mê đắm những cuốn sách, những cuốn tạp chí bàn về cây cảnh. Học hết THPT, em học nghề mộc mỹ nghệ và đi làm thuê cho các xưởng mộc ở ngoài Bắc. Đến năm 2016, em trở về quê theo đuổi đam mê sinh vật cảnh của mình”.
Để có những tác phẩm bonsai độc đáo thì ngoài công sức, tâm huyết là sự sáng tạo.
Khởi nghiệp với nghề sinh vật cảnh quả là không dễ dàng gì. Không có nhiều vốn để mua các gốc cây tiền triệu, Tiến tự mình lặn lội đi hết vùng này, làng nọ lên tận những bản xa để tìm cây. Tìm được gốc cây ưng ý rồi thì xin người dân bứng về. Tiến chỉ vào gốc cây lội xù xì, cổ thụ ở góc vườn rồi giới thiệu: Như gốc này, em mất cả tháng trời đi lùng, thấy nó đẹp, để ghép lan, ghép tường vi vào đó thì tuyệt phẩm nhưng để đưa nó về không dễ. Cây đã bị chặt phần ngọn, chỉ còn gốc bám cheo leo ở vực, đợt sạt lở vào cuối tháng 10 vừa rồi khiến gốc cây bật rễ. Em nghĩ nếu không nhanh chóng tìm cách đưa gốc về thì sẽ chết khô, em thuê người dân địa phương, dòng dây thừng đưa gốc xuống, thả xuôi dòng sông rồi “đón lõng” đưa gốc lên bờ. Hay như gốc cây săng lẻ hình con ốc này, nó ở trong vườn nhà một người dân vùng cao ở Tương Dương, họ cho không em đó, nhưng để đưa từ trên ấy về đến nhà mình cũng gian nan lắm”.
Tiến giới thiệu với mọi người về gốc cây hình con ốc trong vườn nhà mình
Sau khi đưa được những gốc cây ưng mắt về vườn là quá trình ươm cây, dưỡng cây, chiết ghép, tạo dáng, tạo thế. Có những gốc cây mất đến hàng tháng trời nhưng cũng có những cây phải mất đến vài ba năm mới hoàn thiện. Theo Tiến chia sẻ thì tạo dáng cho cây phải hợp với phong thủy cũng như thẩm mỹ nên phải tính toán chính xác đến từng xen-ti-mét. Khi làm phải nhập tâm, tập trung, phát huy hết khả năng tạo ra sản phẩm hoàn mỹ nhất. Tạo thế, dáng cho cây ngoài đôi bàn tay khéo léo, đòi hỏi người thợ phải có sự tinh tế và những kiến thức nhất định. Trước hết, phải biết gốc cây này có thể ghép được cây gì phù hợp vào đó, đặc tính sinh trưởng của nó ra sao? Dáng cây có sẵn như thế này thì giờ can thiệp vào đó thế nào để có tác phẩm độc đáo? Hoặc loại cây này, thế cây này thì vào chậu loại nào là phù hợp? Tất cả đều phải có sự tính toán kỹ lưỡng, có mắt thẩm mỹ, nhà nghề. Từ những gốc cây trần trụi qua bàn tay khéo léo, sự sáng tạo và khiếu thẩm mỹ, Tiến đã tạo thành những tác phẩm nghệ thuật bán với giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Từ những gốc cây xù xì Tiến tạo hình để bán với giá từ 5 triệu đến hàng chục triệu mỗi cây.
Hiện, trong khuôn viên vườn Tiến có hàng trăm loại cây với hàng trăm thế dáng khác nhau, không cây nào giống cây nào. Mỗi thế, dáng cây mang theo thông điệp, gửi gắm mong muốn con người đến cuộc sống tốt đẹp, thiện lương, tình nghĩa. Với Tiến, cây cảnh là một nghề mưu sinh, nghề sinh ra từ chính đam mê của bản thân. Song, không vì thế mà bất chấp, kiếm tiền bằng mọi giá. Trước hết, sưu tầm, săn lùng cây nhưng không được chặt phá rừng, không vi phạm pháp luật. Thứ hai là buôn cây cảnh nhưng không vì thế mà đặt nặng lợi nhuận lên đầu, phải luôn đặt cái đẹp, cái nhân văn lên trên hết. Đó là mỗi cây phải mang trong đó sự cát tường, lá xanh, hoa đẹp. Thứ ba, điều khiến Tiến cảm thấy hạnh phúc nhất, thoả mãn nhất, tâm huyết với đam mê của mình chính là ngoài giá trị kinh tế mà nghề cây cảnh mang lại thì đã rèn cho Tiến cốt cách là người, rèn chữ Tâm, chữ Nhẫn cho bản thân.
Bài, ảnh: Mỹ Hà
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.