Bình Dương: Khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân
MTXD - Tại tỉnh Bình Dương, hiện phần đông người lao động phải thuê nhà trọ sống tạm, chưa thể “an cư lạc nghiệp” vì thiếu nhà ở. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở cho người lao động rất lớn và đa số người lao động muốn có nhà ở trên địa bàn để ổn định làm ăn.
Dự án chung cư nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp được khởi công vào tháng 6/2022.
Để đáp ứng nhu cầu nêu trên, tỉnh Bình Dương đã xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ phát triển 86.877 căn nhà ở xã hội so với dự báo nhu cầu 115.836 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 phát triển 46.377 căn và giai đoạn 2026 - 2030 là 40.500 căn.
Mục tiêu của Đề án nhằm đảm bảo thực hiện chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời phát triển nhà ở xã hội nhằm thu hút nguồn lao động tại tỉnh, giải quyết chính sách nhà ỏ xã hội phải đảm bảo công bằng, phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với đó, tỉnh vận hành cơ chế, chính sách thông thoáng để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay, tiếp cận nguồn cung nhà ở. Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân phải đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội đảm bảo cho người dân được thụ hưởng đầy đủ các tiện ích của khu nhà ở theo quy định…
Để triển khai kế hoạch trên, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị quỹ đất 20% đã được quy hoạch từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội; trong đó tập trung tại 5 địa phương có nhu cầu lớn về nhà ở gồm thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An, thành phố Tân Uyên và thị xã Bến Cát.
Ngoài ra, tỉnh yêu cầu dành quỹ đất tối thiểu bằng 2% tổng diện tích của các khu công nghiệp trong Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2025 là một chủ trương lớn; theo đó tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng rà soát lĩnh vực đất công, nghiên cứu việc bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại một cách linh hoạt, khả thi, hiệu quả, phù hợp tình hình, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khuyến khích, các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch, thuế, tài chính - tín dụng.
Theo khảo sát của Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, mới khoảng 500.000 người trong số trên 1,3 triệu người lao động ngoại tỉnh ở Bình Dương có nhà ở ổn định, mua được đất xây nhà riêng, nhà ở xã hội hoặc ở cùng gia đình...
Theo đó, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương kiến nghị tỉnh rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, các khu dân cư thương mại và khu quy hoạch nhà ở xã hội dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người lao động có thu nhập thấp.
Các địa phương đã rà soát tại 33 dự án nhà ở thương mại có dành quỹ đất khoảng 100ha để phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, do tình hình thị trường bất động sản bị “ đóng băng” khiến các nhà đầu tư “ chùn bước” hoặc thiếu “mặn mà” thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến phát triển nhà ở xã hội dẫn đến tiến độ chậm mà Đề án tỉnh Bình Dương đặt ra.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Bồ Kỹ Thuật, cho biết đối với nhà ở xã hội do chủ đầu tư xây dựng mới đưa ra là giá tạm tính, sau khi hoàn thành mặt bằng giá sẽ thông qua hội đồng và được Sở Xây dựng và các cơ quan chuyên môn thẩm định sẽ có giá thành chuẩn để công khai đến đối tượng người có nhu cầu mua nhà ở xã hội.
Cũng theo đại diện Sở Xây dựng, Bình Dương là thủ phủ công nghiệp, thu hút hàng triệu người lao động khắp nới về làm ăn, sinh sống. Do tốc độ tăng trưởng dân số cơ học ở mức cao, nên nhu cầu nhà ở hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, trải qua nhiều đợt “ bão giá” bất động sản tăng cao, khiến người lao động có thu nhập thấp khó với tới những sản phẩm nhà ở thương mai hay những căn hộ trong khu dân cư.
Trước tình hình trên, đòi hỏi chính quyền, doanh nghiệp cùng vào cuộc chăm lo về nhà ở cho đối tượng yếu thế, nhất là công nhân lao động quanh các khu công nghiệp đang sống thuê nhà trọ hằng tháng với điều kiện sống chật hẹp, thiếu thốn, nên chưa thể “ an cư lạc nghiệp” do chưa làm chủ được căn nhà phù hợp với thu nhập hiện nay.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.