Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn từ năm 2025
MTXD - Chiều 29/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Họp báo công bố phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.
Chủ trì Họp báo có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương.
Tham dự Họp báo còn có lãnh đạo Vụ Giáo dục trung học, Vụ Giáo dục thường xuyên, Vụ Giáo dục đại học, Vụ Pháp chế và Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Toàn cảnh buổi họp báo.
Phát biểu tại Họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, sau thời gian nghiêm túc, khẩn trương, công phu nghiên cứu phương án tổ chức thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến rộng rãi của xã hội, của nhà khoa học, chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu.
"Mục đích của họp báo là chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Đồng thời, qua buổi họp báo cũng kịp thời trao đổi thông tin chính xác khách quan, tạo sự đồng thuận thống nhất cao của xã hội về phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết.
Báo cáo tóm tắt phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương cho biết, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 đáp ứng được nhiều mục tiêu. Thí sinh dự thi hai môn thi bắt buộc gồm môn Toán, môn Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương chia sẻ về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 tiếp tục kế thừa kinh nghiệm quý báu trong việc tổ chức kỳ thi từ các năm trước, đặc biệt là các năm 2021, 2022 và 2023.
Về môn tiếng Anh là môn tự chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến rộng rãi, thí sinh được quyền lựa chọn thi môn tiếng Anh theo nguyện vọng của các em. Quá trình học môn tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 là nền tảng quan trọng nhất để các em cải tiến, nâng cao năng lực ngoại ngữ.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nhấn mạnh thêm, quá trình dạy và học ngoại ngữ được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, lồng ghép trong đầu ra của sinh viên đại học.
Về mẫu đề thi chung, trong phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Bộ đã nhấn mạnh và tiếp tục nghiên cứu lộ trình, điều kiện đảm bảo cho ngân hàng đề thi. Với môn Ngoại ngữ hiện mới chỉ dừng lại ở thi viết. Do đó, cần có điều kiện dạy và học, chuẩn bị đội ngũ trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện lộ trình.
Theo đó, phương án thi sẽ có 4 môn, trong đó, 2 môn Toán và Ngữ văn bắt buộc và 2 môn học sinh lựa chọn trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.
Như vậy, số môn thi và việc học sinh biết trước môn thi hoàn toàn giống với thi THPT cách đây hơn 40 năm. Tuy nhiên, việc thi 4 môn năm 2025 có nhiều điểm mới (có 36 cách lựa chọn các môn thi, thay vì 4 tổ hợp như trước đây).
Khi lấy ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cho đối tượng học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT từng đưa ra hai phương án.
Cụ thể:
Phương án 1: lựa chọn 3 + 2, thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Phương án 2: lựa chọn 4 + 2, thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Kết quả được Bộ GD&ĐT tập hợp là gần 74% chọn phương án 1 (thi ba môn bắt buộc). Theo nhận định của cán bộ, giáo viên tham gia lấy ý kiến thì phương thức 4+2 có ưu điểm là có nhiều môn học bắt buộc phải thi, tăng động lực học tập cho học sinh.
Nhưng nhược điểm là kỳ thi sẽ cồng kềnh (thêm số buổi thi, môn thi, tăng chi phí, nhân lực cho kỳ thi), học sinh chịu nhiều áp lực. Phương án này cũng ít tính mềm dẻo do cơ hội lựa chọn của học sinh thấp, không đúng tinh thần dạy học phân hóa ở cấp THPT.
Phương án 3+2 bớt cồng kềnh, áp lực. Nhưng nhiều ý kiến băn khoăn khi có bốn môn học bắt buộc nhưng lại chỉ có ba môn thi bắt buộc, môn lịch sử cuối cùng vẫn bị loại ra.
Trong quá trình trưng cầu ý kiến có 18.000 cán bộ giáo viên ở năm địa phương là TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang đề xuất một phương án khác, ngoài các phương án Bộ GD-ĐT đưa ra. Đó là thi bốn môn, trong đó có hai môn bắt buộc là ngữ văn, toán và hai môn lựa chọn (2+2).
Theo Bộ GD&ĐT, kết quả khảo sát trên phạm vi cả nước với 130.672 cán bộ, giáo viên tham gia: có 34.521 chọn phương án 4+2 chiếm 26,41%; có 96.151 chọn phương án 3+2 chiếm 73,59%;
Tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/8/2023 kết quả: có 64 chọn phương án 4+2 chiếm 31,2%; có 141 chọn phương án 3+2 chiếm 68,8%;
Kết quả có 17.981 cán bộ, giáo viên tham gia ý kiến: Trong đó 40% chọn Phương án 4+2; 59,8% chọn Phương án 2+2 môn thi và 0,2 % chọn ý kiến khác.
Kết quả lấy ý kiến 10 chuyên gia có 3 chuyên gia chọn phương án 3+2; 6 chuyên gia chọn phương án 2+2 và 1 chuyên gia đề xuất phương án 2+3.
Thanh Tùng
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.