Các tỉnh miền Trung chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng
MTXD - Các chuyên gia cảnh báo người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng, đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ trưa 13/10 đến ngày 14/10, từ Nam Nghệ An đến Quảng Nam mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-400 mm, có nơi trên 700 mm. Từ ngày 12/10 đến 16/10, trên các sông ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 4-8m, hạ lưu từ 1-4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; trên các sông suối nhỏ có khả năng lên mức BĐ3; hạ lưu sông Cả, sông La dao động ở mức BĐ1. Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi.
Do mưa lớn, giao thông đi lại khó khăn nên một số trường học trên địa bàn đã thông báo cho học sinh được nghỉ học.
Ngày 11/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mưa lớn ở vùng đồng bằng, ven biển gây ngập lụt cục bộ từ 0,2-1,2m tại một số tuyến đường nội đô TP Huế và nhiều tuyến đường liên xã, tỉnh lộ thuộc các huyện thị vùng ven. Tại các vùng thấp trũng thuộc các huyện Quảng Điền và Phong Điền, người dân phải dùng thuyền nhỏ đi lại trên đường ngập nước. Tại Thừa Thiên Huế, mưa lớn kéo dài trong hai ngày qua khiến nhiều vùng thấp trũng ở các huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà và thành phố bị ngập sâu, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, đi lại của người dân. Đợt mưa lũ trong 2 ngày qua đã khiến một số vùng trũng hạ du sông Ô Lâu (Thừa Thiên- Huế) bị ngập cục bộ, nhiều tuyến đường bị chia cắt, một số trường đóng cửa để đảm bảo an toàn cho học sinh. Dự báo từ 13/10 đến ngày 14-10, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ đón một đợt mưa lớn với tổng lượng mưa cả đợt từ 200-400 mm, có nơi trên 700 mm. Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, đợt mưa lũ từ ngày 11-10 đến nay đã gây ra một số thiệt hại của người dân ở phường Hương Văn, thị xã Hương Trà. Đồng thời, dông sét cũng làm cháy, hư hỏng hệ thống phát truyền thanh thông minh của Trung tâm Văn hóa – Thể thao thị xã Hương Trà. Ngoài ra, một số tuyến kè, bờ sông bị sạt lở.
Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã thuộc huyện, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (Thừa Thiên Huế) bị ngập cục bộ, tình hình giao thông đi lại khó khăn.
Ngày 12/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã có văn bản về việc theo dõi, ứng phó với tình hình mưa lũ. Theo đó, tùy vào diễn biến mưa lũ và điều kiện thực tế tại cơ sở, Thủ trưởng các đơn vị cho học sinh nghỉ học trong trường hợp không bảo đảm an toàn cho học sinh; chủ động thông báo cho học sinh trở lại trường khi tình hình mưa lũ không còn diễn biến phức tạp.
Trước tình hình mưa lớn kéo dài, mới đây Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã gửi văn bản đến các Công ty CP thủy điện Đak Mi, Công ty CP thủy điện Sông Bung, Công ty CP thủy điện A Vương và Công ty thủy điện Sông Tranh về việc vận hành các hồ thủy điện Đak Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4, A Vương và Sông Tranh 2. Quảng Nam yêu cầu các chủ hồ thủy điện tổ chức vận hành đảm bảo mực nước hồ thủy điện không vượt cao trình mực nước đón lũ thấp nhất. Việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa. Tổ chức thực hiện việc thông tin, thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ.
Các chuyên gia cảnh báo người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lớn, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 950/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực miền Trung. Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi tổ chức rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực miền Trung. Thủ tướng yêu cầu không được lơ là, chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với thiên tai.
Một số người dân phải sử dụng ghe, thuyền để di chuyển.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành thực hiện một số nội dung. Trong đó, theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Nhận định xa hơn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa phát đi bản tin dự báo khí hậu thời hạn tháng. Theo đó, trong thời kỳ từ 11/10-10/11/2023, có khả năng xuất hiện khoảng từ 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Cũng thời kỳ này, không khí lạnh tiếp tục có xu hướng hoạt động gia tăng dần về tần suất và cường độ.
Nhóm PV Miền Trung
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.