Cần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

MTXD - Đó là nội dung chính của chương trình tập huấn "Các kịch bản điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vào ngày 31/1 tại Hà Nội.

MTXD - Đó là nội dung chính của chương trình tập huấn "Các kịch bản điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vào ngày 31/1 tại Hà Nội.

Chia sẻ tại buổi tập huấn, ThS. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm, thuốc lá gây ra hơn 8 triệu ca tử vong, chiếm khoảng 14% tổng số ca tử vong trên phạm vi toàn cầu, trong đó có 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động.

Tổn thất do thuốc lá gây ra cho toàn thế giới vào khoảng 1.400 tỷ USD, tương đương 1,8% GDP toàn cầu. Trong đó, làm mất 1,4% rừng; gây 10% số vụ cháy; tổn phí y tế 6 – 15%; giảm ngân sách 5 – 10% của các hộ nghèo; thuốc lá cũng làm giảm chi tiêu cho thực phẩm và giáo dục…

Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, dự báo đến 2030 sẽ tăng lên 70.000 người nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Năm 2022, thiệt hại do thuốc lá gây ra khoảng 4,5 tỷ USD cho Việt Nam, tương đương hơn 1,1% GDP.

 Toàn cảnh chương trình tập huấn.

Để giảm tỷ lệ hút thuốc lá, WHO cho rằng, thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất. Theo đó, nếu giá tăng 10% sẽ giảm tiêu thụ 4% ở các nước phát triển và giảm 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình; khoảng một nửa hiệu quả là giảm lượng và một nửa là bỏ hoặc không bắt đầu hút thuốc. Về lâu dài, hiệu quả có thể còn lớn hơn.

WHO khuyến cáo, mức thuế thuốc lá tối ưu nên chiếm 75% giá bán lẻ, mức trung bình của thế giới hiện là trên 61%.

Tuy nhiên, ở Việt Nam mức thuế này được tính là 75% giá xuất xưởng, quy đổi sang giá bán lẻ chỉ tương đương 38%, là mức thấp thứ ba trong khu vực ASEAN, chỉ cao hơn Campuchia (25 – 31,1%) và Lào (18,8%). Các nước như Thái Lan có mức thuế thuốc lá là 78,6% giá bán lẻ, Philippines là 71,3%, Malaysia 58,6%...

Bởi thuế thấp nên giá bán thuốc lá ở nước ta cũng thấp. Giá của nhãn hiệu thuốc lá phổ biến nhất trong năm 2020 (theo sức mua ngang giá - PPP) chỉ là 2,82 USD, trong khi Singapore hơn 16 USD, Philippines hơn 4 USD…

So sánh với thu nhập, mức thu nhập của người dân Việt Nam tăng nhanh hơn nhiều so với giá sản phẩm thuốc lá. Theo đó, nếu như năm 2010, thu nhập là 31,5 triệu đồng/người thì đến 2022 tăng lên 95,6 triệu đồng, tức tăng hơn 3 lần; trong khi đó, giá thuốc lá chỉ tăng từ 14.000 đồng/bao lên 22.000 đồng/bao, tương ứng khoảng 60%. Hệ quả là, việc tiếp cận thuốc lá với người dân khá dễ dàng, chuyên gia của WHO bình luận.

Cũng theo ông Lâm, vì lẽ đó nên tác động của các lần tăng thu thuế thuốc lá là không nhiều và không duy trì được tác động. Theo đó, mức thuế tăng 2006 – 2008 chỉ giảm sản lượng trong một năm. Mức thuế tăng 2016 – 2019 cũng không duy trì tác động, tổng sản lượng vẫn tăng nhờ xuất khẩu.

Từ những phân tích trên, chuyên gia của WHO lo ngại, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SGD) 2030.

“Năm 2010, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành là 47% thì đến 2021 giảm còn 41%. Việt Nam cam kết mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến 2030 sẽ giảm 30% tỷ lệ hút thuốc so với năm 2015, tức giảm còn 32% ở người trưởng thành. Như vậy, nếu không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá sẽ khó đạt được mục tiêu này”, ông Lâm phát biểu.

Dẫn kinh nghiệm của Thái Lan, chuyên gia cho biết, họ tăng thuế đều đặn qua các năm, nhờ đó tỷ lệ hút thuốc lá đã giảm từ 31% xuống còn 19%; thu ngân sách từ thuốc lá khoảng 2 tỷ USD/năm.

Hay tại Philippines, nhờ tăng thuế thuốc lá từ 300% - 600% tùy loại đã giúp nước này tăng thu ngân sách từ 680 triệu USD vào năm 2012 lên 2,9 tỷ USD năm 2021; tỷ lệ hút thuốc cũng giảm xuống còn 19,5%, đạt được mục tiêu SGD.

Chuyên gia đề xuất, khi sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Việt Nam nên xem xét điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá theo lộ trình từ nay đến 2030 để tiệm cận khuyến cáo của WHO lên 75%. Sau 2030 sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách thuế.

Theo quan điểm của ThS, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm: “Việt Nam có thể đạt được ở mức giảm tỷ lệ hút thuốc xuống 36% là khả thi, phù hợp với Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Song, để đạt mục tiêu SDG, Việt Nam cần có thêm các biện pháp khác như tăng kích cỡ cảnh báo, tăng cường thực thi tốt hơn môi trường không khói thuốc, truyền thông mạnh hơn, tăng cường các biện pháp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá…”.

Trong khuôn khổ buổi tập huấn, các chuyên gia, đại biểu, khách mời đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận nhằm kết nối những cá nhân, tổ chức có cùng mối quan tâm đến vấn đề cải cách thuế thuốc lá. Đây cũng là cơ hội để kết nối các bạn trẻ tham gia học hỏi, trao đổi ý kiến và thảo luận cùng các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan, góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường những hiểu biết sâu sắc về vấn đề thuốc lá tại Việt Nam.

Thanh Tùng – Văn Trì

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.