Chênh vênh Làng thanh niên lập nghiệp A Lưới
MTXD - Gần 15 năm trước, Dự án Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) đã kêu gọi thu hút nhiều gia đình trẻ đến với vùng đất mới mang theo khát vọng lập nghiệp, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, khác với kỳ vọng ban đầu, các hộ dân nơi đây lâm vào tình cảnh khó khăn, túng bấn, thiếu thốn mọi bề.
Nhọc nhằn ở làng lập nghiệp
Dự án LTNLN biên giới A Lưới là một trong 18 làng TNLN dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, khu vực biên giới và các xã đặc biệt khó khăn đã được Chính phủ phê duyệt xây dựng. Làng TNLN biên giới A Lưới do T.Ư Ðoàn đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng được khởi công vào năm 2009 và đã thu hút được 45 hộ thanh niên đến định cư, sinh sống. Với sức trẻ, trí tuệ và nghị lực, sẵn sàng thử thách với mọi gian khó, những chàng trai, cô gái của Làng TNLN A Lưới đang đem nhiệt huyết tuổi trẻ quyết tâm lập làng, lập nghiệp trên vùng đất biên giới phía tây của tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng được đầu tư xây dựng với nhiều hạng mục công trình về giáo dục, văn hóa, giao thông, điện, nước sinh hoạt, đập thủy lợi... trên tổng diện tích đất tự nhiên là 4.260 ha, thuộc địa phận ba xã là Hương Phong, Hồng Thượng và Phú Vinh (A Lưới, Thừa Thiên-Huế).
Cổng làng TNLN A Lưới (xã Hương Phong, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Dự án LTNLN biên giới A Lưới xác định các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở vùng khó khăn biên giới, khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, tài nguyên, phát triển kinh tế hàng hoá, xây dựng kinh tế hộ bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên và nhân dân tại làng thanh niên, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng mô hình hoạt động Đoàn thanh niên tham gia phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, Hội tại địa phương. Bên cạnh đó, dự kiến ban đầu Làng TNLT biên giới A Lưới sẽ thu hút khoảng 100 hộ đến thanh niên đến sinh sống, lập nghiệp làm ăn.
Đường bê tông dẫn vào làng TNLN đã xuống cấp.
Tuy nhiên đến nay, Dự án Làng TNLN biên giới A Lưới dù đã triển khai nhiều năm, nhiều hộ dân vẫn chưa nhận được đầy đủ các khoản hỗ trợ như phê duyệt ban đầu. Để thực hiện được những mục tiêu này, Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế (Chủ đầu tư Dự án) cam kết hỗ trợ mỗi hộ dân 30 triệu đồng tiền làm nhà, 4,8 triệu đồng tiền hỗ trợ chăn nuôi, cấp cho mỗi hộ 2.000m2 đất ở và đất vườn, tối thiểu 2ha đất rừng sản xuất và 14 triệu đồng/ha để khai hoang, mua cây giống. Sau 12 tháng, khi các hộ gia đình ổn định cuộc sống tại làng TNLN sẽ được Ban quản lý dự án phối hợp với các cơ quan liên quan của địa phương hoàn thành các thủ tục đề nghị UBND huyện A Lưới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng hộ theo Luật Đất đai. Sau nhiều đợt tổ chức di dời, làng được bàn giao cho UBND xã Hương Phong, A Lưới quản lý. Tuy nhiên, theo phản ảnh của lãnh đạo xã Hương Phong, hiện cuộc sống của người dân ở làng TNLN A Lưới còn rất nhiều khó khăn.
Con đường vào làng dù đã được bê tông hóa nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Cổng chào cao to với dòng chữ “Làng TNLN biên giới A Lưới” lọt thỏm buồn hiu hắt không một bóng người qua lại. Xa hơn một chút là thấp thoáng những ngôi nhà lặng lẽ giữa núi đồi điệp trùng. Nhiều hộ dân đã bỏ đi không quay lại, một số hộ dân thi thoảng mới trở về nhà để xem lại nhà cửa rồi sau đó tiếp tục đi nơi khác làm thuê kiếm sống. Các khoản hỗ trợ được nhận không như ban đầu, đặc biệt là thiếu đất canh tác khiến đời sống người dân ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người đã phải đi làm thêm để cải thiện thu nhập. Thực trạng này khiến một số cặp vợ chồng sau khi chuyển lên làng TNLN sinh sống đã phải bỏ về nơi ở cũ.
Nhiều hộ gia đình tại làng đã bỏ đi để lại vườn không nhà trống.
Hiện tại, làng TNLN A Lưới chỉ còn chưa đầy 28 hộ dân sinh sống. Bên cạnh đó, do thu nhập bấp bênh, cuộc sống luôn “thiếu trước hụt sau” nên nhiều hộ gia đình còn trụ lại tại đây đang rất khó khăn. “Do không làm được sổ đỏ nên muốn thế chấp đất đai để vay vốn ngân hàng, hoặc giải quyết các vấn đề về tín dụng rất khó. Chính vì thế mà sau gần 6 năm di dời lên làng, kinh tế của vợ chồng tôi cũng chỉ phục thuộc vào việc chăn nuôi gia cầm, trồng rau màu nên cuộc sống rất vất vả…”, anh Hồ Văn Lân, một hộ dân ở làng TNLN A Lưới bày tỏ. Anh Nguyễn Sỹ Dức (34 tuổi, nguyên quán xã Hùng Thượng, huyện A Lưới) đến định cư tại Làng TNLN từ cuối 2011 cho biết: Dù các hộ gia đình đều cố gắng trồng trọt, chăn nuôi để tăng gia kinh tế nhưng không đủ sống, hiện tại phần lớn lao động trong làng đều đi làm “thợ đụng” (ai thuê gì làm sẽ làm việc đó – PV). Vì vậy đời sống hiện tại của anh em trong làng hết sức khó khăn. Mong lãnh đạo các cấp tạo công ăn việc làm cho anh em ổn định cuộc sống chứ hiện tại anh em ở đây không thấy gì mà chỉ thấy đói!”, anh Dức chia sẻ.
Giải pháp nào cho những người lập nghiệp?
Đi chẳng được, ở chẳng xong là tình cảnh mà hàng chục hộ dân ở làng TNLN huyện A Lưới đang phải đối mặt. Trái với mục tiêu ban đầu của dự án là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn thì người dân ở đây lại rơi vào cảnh thiếu việc làm, nguy cơ đói kém bởi không được cấp đủ đất sản xuất, không đủ vốn làm ăn, không thể vay vốn khi nhiều năm sống trên đất không có sổ đỏ.
Gia đình anh Ai cũng ổn định với thu nhập từ vườn keo lai, cây ăn quả.
Dẫu có những thất vọng, nhưng chí ít ở làng vẫn còn một vài điểm sáng. Vẫn còn một vài hộ dân tật dụng tốt đất sản xuất được cấp để trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Đơn cử như gia đình anh Trần Văn Dương trồng hàng trăm trụ thanh long, cùng với đó là hơn 1200 gốc cao su. Vợ chồng anh Dương cũng mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua bò và chăn nuôi thêm bò vàng, nuôi thêm gà...để cải thiện đời sống. Trung bình thu nhập mỗi năm của gia đình anh Dương cũng đạt hơn 200 triệu đồng. Hay trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Ai là hộ đồng bào DTTS cũng mạnh dạn trồng keo lai, cây ăn quả với thu nhập đạt gần 80 triệu đồng mỗi năm. Anh Trần Văn Dương cho biết, mong muốn nhà nước hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ cây con giống và đặc biệt là kỹ thuật để các hộ dân tại đây có thể phát triển cây trồng vật nuôi nhằm đảm bảo đời sống.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Dự án Làng TNLN đã được Tỉnh đoàn chuyển về địa phương quản lý từ năm 2016, hiện tại ở đây đang gặp hai vấn đề lớn, đó là chưa cấp đủ đất canh tác tối thiểu 02ha/01 hộ theo dự kiến ban đầu và nhiều hộ dân chưa được cấp sổ đỏ. Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến những vướng mắc tại Dự án, cùng với đó, UBND huyện và UBND xã cũng đang rốt ráo tìm cách giải quyết cho các hộ dân này”. Còn bà Nguyễn Thị Hải Thúy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết, những vướng mắc tại Dự án Làng TNLN khiến công tác quản lý của xã cũng gặp nhiều khó khăn. Với cương vị chủ tịch xã, bà Thúy mong muốn sẽ được UBND tỉnh và Chính phủ quan tâm tới vấn đề cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình, đồng thời có những hỗ trợ các mô hình kinh tế sản xuất phù hợp cho các hộ dân phát triển.
Gia đình anh Trần Văn Dương có kinh tế khá lên nhờ trồng cao su, thanh long và chăn nuôi.
Do nhiều lý do nên quá trình thực hiện triển khai dự án làng TNLN đã tồn tại những khó khăn chưa được giải quyết. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhiều lần yêu cầu UBND huyện A Lưới khẩn trương kiểm tra, rà soát lại điều kiện cơ sở vật chất, chính sách an sinh, thu nhập của người dân… tìm ra giải pháp để 28 hộ dân còn bám trụ ở làng TNLN được cấp đủ đất sản xuất; đồng thời Tỉnh cũng yêu cầu các Sở, ngành liên quan giảm hạn mức đất ở để tạo điều kiện thuận lợi cấp giấy chuyển quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Cùng với đó, yêu cầu huyện A Lưới cần lập đề án phát triển các mô hình sản xuất kinh tế phù hợp với người dân làng TNLN và tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí để các mô hình này phát huy hiệu quả; cần quan tâm đảm bảo việc học hành cho con em ở làng TNLN, phải thực hiện tốt các giải pháp để các hộ dân sớm vượt qua khó khăn, có cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới...
Thất nghiệp, khó khăn bủa vây đời sống với các hộ gia đình tại làng TNLN A Lưới là thực trạng đáng buồn, cho thấy sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm từ phía đơn vị chủ quản. Hàng chục tỷ đồng đã được đầu tư trở nên lãng phí khi không mang lại cho sự đổi thay cho các gia đình đi xây dựng tương lai trên vùng đất mới. Thực trạng trên cần được chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới nhằm trả lại vị thế của các làng TNLN trên hành trình xây dựng quê hương, đất nước của tuổi trẻ.
Tiêu Dao – Vĩnh Kết
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.