Chính sách, giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam
MTXD - Chiều 14/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Công Thương cùng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam lần thứ 6, năm 2023 với chủ đề “Chính sách, giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam”.
Diễn đàn là cơ hội các bên đánh giá nguyên nhân, hiện trạng và tìm cơ chế chính sách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa lĩnh vực năng lượng tái tạo nhằm phổ biến, thực hiện hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, chuyển giao, phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, từ sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể, triển khai quyết liệt các hành động một cách hiệu quả nhằm đạt mục tiêu này.
Bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, phát biểu tại diễn đàn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã công bố những hành động Việt Nam đã và đang triển khai trong khuôn khổ Hội nghị COP28 tại Dubai, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Theo đó, Chính phủ đã tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chiến lược biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo; Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo...
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng có nội dung xác định ưu tiên nguồn lực và có cơ chế chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, trong đó có công nghiệp năng lượng; khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Nhờ những chính sách và hành động mạnh mẽ trên, Việt Nam đã trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.250 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 25,4%.
Theo bà Trần Thị Hồng Lan, tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng cũng như sự tham gia sâu của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) còn thấp. Dữ liệu thống kê, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn nhập khẩu gần như 90% thiết bị từ Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Hoa Kỳ.
“Việc chậm nội địa hóa sản xuất thiết bị và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam một phần do còn thiếu năng lực đánh giá, phát triển dự án, cơ sở hạ tầng kém và phụ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh đó, năng lực công nghệ, trình độ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, chính sách và cơ chế hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ cho điện tái tạo còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh”, bà Trần Thị Hồng Lan cho hay.
Toàn cảnh Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam.
Diễn đàn sẽ góp phần nâng cao tính lan tỏa, xây dựng hoàn thiện chính sách phát triển công nghệ năng lượng và đưa lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng thành một trong những lĩnh vực có đóng góp ngày càng hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, Diễn đàn thúc đẩy mở rộng hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tăng cường chuyển giao công nghệ có hàm lượng tri thức cao, nguồn vốn từ các đối tác quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến góp phần vào mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Theo ông Simon Kreye, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức cho biết, vấn đề chuyển dịch năng lượng đang là nội dung được quan tâm. Đức tiếp tục là đối tác của các quốc gia đang phát triển, quốc gia có nền kinh tế mới nổi về hợp tác năng lượng và chuyển dịch năng lượng. Việt Nam và Đức cũng triển khai lĩnh vực hợp tác này trong nhiều năm qua, trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng ưu tiên trong hợp tác giữa Chính phủ hai nước. Chính phủ Đức cũng có những hỗ trợ trong lĩnh vực hydro xanh, điện gió ngoài khơi nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cũng như trung hòa carbon.
Theo đó, hàm lượng nội địa hóa đóng vai trò quan trọng để có thể giúp cắt giảm chi phí phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, những nội dung được đề cập tại Diễn đàn rất phù hợp; giúp trao quyền cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm điện gió và diện mặt trời.
Diễn đàn gồm hai phiên: Nội địa hóa công nghệ trong phát triển năng lượng tái tạo; thực trạng và giải pháp thúc đẩy nội địa hóa công nghệ trong phát triển năng lượng điện gió, mặt trời. Các đại biểu đã bàn thảo các nội dung về hiện trạng phát triển năng lượng điện gió, mặt trời tại Việt Nam; tiềm năng nội địa hóa trong phát triển ngành năng lượng điện gió và điện mặt trời; chính sách khoa học và công nghệ cho nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển công nghệ điện gió, điện mặt trời; chính sách nâng cao năng lực nội địa hóa cho lĩnh vực điện gió, điện mặt trời...
Thanh Tùng
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.