Chính sách phát triển không gian xanh đô thị: Học hỏi quốc tế và áp dụng cho các thành phố ở nước ta

MTXD - Ngoài những đóng góp tích cực về mặt môi trường, được coi là lá phổi của thành phố, không gian xanh (KGX) còn là điểm đến hấp dẫn của người dân, địa điểm phục vụ các hoạt động nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe.

 

MTXD - Ngoài những đóng góp tích cực về mặt môi trường, được coi là lá phổi của thành phố, không gian xanh (KGX) còn là điểm đến hấp dẫn của người dân, địa điểm phục vụ các hoạt động nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe.

Giới thiệu

Hệ thống công viên, vườn hoa, mặt nước, và đường phố tại các đô thị, những không gian công cộng đô thị có tiềm năng phát triển cây xanh và các hoạt động xã hội, sau đây được gọi chung là không gian xanh công cộng đô thị (KGX) đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường đô thị lành mạnh, có lợi cho sức khỏe, làm cho các thành phố trở nên đẹp hơn, hấp dẫn hơn, đáng sống hơn cho tất cả mọi người. 

Khi đến thăm quan trực tiếp hoặc xem những tài liệu giới thiệu về một thành phố, điều gây ấn tượng nhất bao giờ cũng là những hình ảnh của các KGX như quảng trường, công viên, vườn hoa, sân chơi, các điểm sinh hoạt cộng đồng… những không gian trồng cây xanh và phục vụ các hoạt động ngoài trời của người dân đô thị, tạo nên những nét đặc trưng của mỗi thành phố. Nhưng không chỉ có thế, các KGX đã đem lại lợi ích cho cuộc sống của người dân đô thị nhiều hơn những gì mà chúng ta có thể nhìn thấy. 

Dự án Con đường xanh vùng Connswater (Bắc Ireland) có sự tham gia của cộng đồng dân cư. (Nguồn: The Conversation)

Ngoài những đóng góp tích cực về mặt môi trường, được coi là lá phổi của thành phố, KGX còn là điểm đến hấp dẫn của người dân, địa điểm phục vụ các hoạt động nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy các hoạt động thể chất như đi bộ, tập thể dục, vui chơi hàng ngày trong các KGX như công viên, vườn hoa… có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường đến 50%, tắc ruột và ung thư vú giảm 30% và Alzheimer giảm 25%(1). Những KGX này không chỉ cần thiết đối với người cao tuổi và trẻ em mà còn quan trọng đối với thanh niên và phụ nữ bởi đây là môi trường mà họ thư giãn, giao tiếp, vui chơi. Các KGX giúp mọi người gắn kết và giúp họ trở nên gắn bó với thành phố, với cộng đồng nơi mình học tập, làm việc và sinh sống. 

Mặc dù KGX đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhưng chúng thường ít được quan tâm, thậm chí bị bỏ quên trong các chiến lược và kế hoạch của các đô thị. KGX chưa được quan tâm đúng mức và chưa đưa vào các kế hoạch phát triển đô thị. Kết quả thực tế là đang diễn ra một sự thiếu hụt nghiêm trọng về công viên ở nhiều thành phố trên thế giới(2) . Điều đáng lo ngại hơn nữa là nhiều KGX hiện hữu đang hàng ngày bị lấn chiếm, dù đó là sự chiếm dụng có chủ ý hoặc vô tình. Việc lấn chiếm đang làm giảm giá trị mọi mặt của các KGX từ giá trị môi trường, kinh tế và xã hội. Việc lấn chiếm và sử dụng các KGX thiếu quản lý phù hợp làm giảm tính hấp dẫn và mỹ quan, từ đó làm giảm số người đến chơi tại các không gian công cộng này. Các chính sách hỗ trợ phát triển KGX công cộng đô thị có thể giúp ngăn chặn việc lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, và đảm bảo chúng được đưa vào kế hoạch quản lý và phát triển. Điều này sẽ góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các KGX và từ đó nâng cao giá trị trong việc phục vụ đời sống người dân đô thị.

Do các KGX giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ nền kinh tế địa phương và cải thiện môi trường, nên việc phát triển các chính sách bảo tồn và cải thiện là rất cần thiết. Bài viết này trình bày các ví dụ quốc tế về các chính sách đã giúp các thành phố và quốc gia thành công trong việc duy trì và phát triển KGX. Bài viết cũng đề cập đến vai trò của chính quyền thành phố và các giải pháp hiệu quả mà các chính sách nhằm đem lại cho việc phát triển các KGX sử dụng công cộng tại địa phương. Từ các ví dụ quốc tế, chúng tôi cũng cố gắng đưa ra một số khuyến nghị giúp gợi ý cho các đô thị tại Việt Nam trong việc quản lý và phát triển các KGX trong đô thị, tài sản quý báu của người dân địa phương.

(1) [Nguồn: Chiến lược không gian xanh Oxford 2013 – 2027, www.oxford.gov.uk]
(2) [ Nguồn: Không gian công cộng – Không phải thứ để trang trí mà là thứ cần thiết cơ bản cho các thành phố, http://blogs.worldbank.org/endpovertyinsouthasia/public-spaces-not-nice-have-basic-need-cities]

Chính sách hỗ trợ phát triển không gian xanh của các đô thị trên thế giới

Cả chính quyền trung ương và địa phương đều có vai trò trong việc phát triển KGX. Chính phủ có thể ban hành những chính sách cấp quốc gia, ví dụ như Chính sách Đô thị Quốc gia, trong đó đưa ra định hướng cho cấp địa phương và đề ra các tiêu chuẩn và quy chuẩn tối thiểu mà thành phố phải tuân thủ, nhằm hỗ trợ tốt hơn và khuyến khích các chính quyền đô thị phát triển KGX. Trong khi đó, ở cấp địa phương, các chính quyền đô thị chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc đầu tư, thiết kế, xây dựng, quản lý và duy trì KGX công cộng.

Một công viên rừng ở thành phố Milan, Italy. (Nguồn: Flickr)

Để có được những định hướng, hướng dẫn cho các hoạt động này, các chính quyền đô thị cần xây dựng các tài liệu chính sách như chiến lược hoặc kế hoạch quốc gia về phát triển KGX công cộng tại các thành phố. Những tài liệu này có thể là một tài liệu độc lập mang tính định hướng hoặc có thể bắt buộc tích hợp trong quy hoạch tổng thể của thành phố.

Nhưng xét về mặt nội dung thì các chiến lược hoặc kế hoạch quốc gia cần phân định rõ các hình KGX cần có trong các thành phố; hướng dẫn bố trí các địa điểm xây dựng KGX để đảm bảo được khả năng tiếp cận và khoảng cách từ các khu vực dân cư tới KGX; đưa ra những quy định về thiết kế KGX bao gồm tỉ lệ diện tích cho các chức năng/tiện ích, chất lượng các hạng mục hạ tầng, yêu cầu về thẩm mỹ và môi trường… các quy định khung về quản lý, bảo trì KGX và cuối cùng là đề cập đến những chiến lược nguồn lực về nhân lực và tài chính cho việc xây dựng và vận hành các KGX. 

  • Chính sách phân loại không gian xanh: 

Một thành phố thường cần nhiều loại KGX sử dụng công cộng đa chức năng để đáp ứng nhu cầu xã hội, sức khoẻ, kinh tế và môi trường của cộng đồng, do đó mỗi thành phố nên xác định hệ thống phân loại riêng, bao gồm tên, quy mô, mục đích sử dụng cho mỗi loại KGX.

Phổ biến, các loại KGX công cộng được phân loại theo cấp quản lý/phục vụ như (1) KGX cấp thành phố là những không gian công cộng ngoài trời có quy mô lớn, đa chức năng, phục vụ cư dân và du khách toàn thành phố, (2) các KGX cấp quận là các không gian công cộng ngoài trời có quy mô trung bình, phục vụ một số dân nhỏ hơn so với các không gian công cộng thành phố.

Singapore đang đứng đầu danh sách những đất nước sở hữu số cây xanh tại các khu đô thị nhiều nhất trên thế giới. (Nguồn: AFP)

Các không gian công cộng cấp quận hoạt động như là đầu mối hoặc điểm thu hút chính của hai hoặc nhiều khu dân cư và thường nằm trên các trục đường chính), và (3) Các KGX cấp khu dân cư là các không gian công cộng được thiết kế để phục vụ một khu dân cư cụ thể trong bán kính 5 đến 10 phút đi bộ, tương đương 400 m đến 800 m.

Ngoài ba loại hình KGX công cộng đô thị được phân loại theo cấp quản lý/phục vụ như trên, còn có thể có các loại hình KGX khác được phân loại theo chức năng như KGX đường phố, công viên, vườn hoa và quảng trường cây xanh… Các chính quyền đô thị nên xây dựng các chính sách phân loại KGX dựa trên kinh nghiệm địa phương và sự tham gia của cộng đồng.

Trong bản Hướng dẫn Phát triển Công viên và Đường dạo của Thành phố Ottawa, Canada có phân loại các công viên trong thành phố như sau:

Thành phố sẽ phát triển một hệ thống các công viên cung cấp nhiều trải nghiệm cho người dùng theo Hệ thống Phân loại Công viên:

Công viên Quận

Bán kính phục vụ: Thành phố và Quận 

Sử dụng: Sử dụng đa mục đích, giải trí thể chất và tinh thần ngoài trời, các tiện ích thể thao lớn và / hoặc các sân thể thao thi đấu

Quy mô: Tối thiểu 10ha

Công viên cộng đồng

Bán kính phục vụ: Toàn cộng đồng (được xác định bằng khu vực quy hoạch)

Sử dụng: Các loại giải trí thể chất và tinh thần ngoài trời, có thể gồm nhà cộng đồng hoặc sân ngoài trời

Quy mô: Tối thiểu 3.2ha đến 10ha

Công viên khu dân cư 

Bán kính phục vụ: Khoảng cách đi bộ khoảng 10 phút, tương đương 800m

Sử dụng cho giải trí thể chất và tinh thần ngoài trời

Quy mô: tối thiểu 1,2ha đến tối đa 3,2ha

Nguồn: http://ottawa.ca/en/city-hall/planning-and-development/community-plans-and-design-guidelines/design-and-planning/completed-guidelines/park-and-pathway-development-manual

  • Chính sách về bố trí các địa điểm không gian xanh

Vị trí của các KGX trong thành phố là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự tiếp cận của người dân đến các không gian công cộng. Các nghiên cứu cho thấy khoảng cách gần đến các KGX ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng và việc quyết định có nên đến các không gian công cộng hay không(3). Một KGX ở càng xa thì mọi người càng ít có khả năng sẽ đến đó.

Các nội dung về địa điểm bố trí trong Kế hoạch tổng thể về phát triển KGX giúp các thành phố xác định các không gian công cộng hiện có và xác định những khu vực cần phát triển thêm các không gian công cộng mới. Nếu có quỹ đất thì thành phố cần xác định các vị trí phát triển trên bản đồ trong quy hoạch và chỉ định phạm vi sẽ được sử dụng làm KGX công cộng trong tương lai. Điều này sẽ giúp bảo vệ quỹ đất đai để sử dụng cho mục đích công trong tương lai.

Những mảng xanh cần được nhân rộng

Quỹ đất trống, chưa sử dụng của thành phố là một cơ hội tốt cho việc phát triển KGX trong tương lai. Tuy nhiên, tại các thành phố đã phát triển, mật độ xây dựng đã cao thì tìm kiếm những khu vực đất trống là một thách thức.

Trong những trường hợp như vậy, các thành phố cần rà soát lại toàn bộ hệ thống không gian công cộng hiện có để xác định liệu có thể cải thiện và thêm chức năng cây xanh vào những mục đích sử dụng hiện có hay không. Ví dụ, nhiều thành quốc tế đã xác định các khoảng sân của các công trình công cộng là nguồn quỹ đất có khả năng phát triển thành các KGX.

Nhiều thành phố đã bắt đầu thực hiện phương án kết hợp các trường học và KGX. Ví dụ, tại Carlisle, Pennsylvania, chính quyền thành phố sử dụng các cơ sở giáo dục cho công viên và sân chơi.

Các trường học có nhiều không gian mở, cũng như thiết bị chơi và thể thao, làm cho các thành phố dễ đáp ứng nhu cầu của cộng đồng hơn. Đây là một chiến lược hiệu quả, vì mọi cộng đồng đều có trường học và đây là phương án khả thi để thêm công viên và KGX công cộng cho những khu dân cư hiện đang thiếu (Thành phố Carlisle, 2009). 

Một chiến lược hiệu quả khác là rà soát không gian đang sử dụng chưa hiệu quả trong cộng đồng. Một không gian chưa được sử dụng hiệu quả có thể là không gian có giá trị cho sử dụng công cộng nhưng đang bị bỏ quên hoặc đang bị chiếm dụng cho mục đích cá nhân.

Ví dụ về không gian chưa được sử dụng hiệu quả trong cộng đồng có thể là bãi đậu xe, đường phố, khu vực dưới gầm các đường trên giao thông trên cao, cầu vượt, và những khu đất trống, bỏ hoang. Xem xét các không gian chưa được sử dụng trong cộng đồng có mở ra khả năng xây dựng thêm các KGX công cộng ngoài trời.

Như phần về chính sách phân loại KGX đã đề cập ở trên, có nhiều loại KGX khác nhau phục vụ những nhu cầu khác nhau. Vì thế các thành phố cần xây dựng các chính sách bố trí địa điểm với mỗi loại hình KGX và nên xem xét kỹ khi xác định các KGX trong tương lai. Theo quy tắc chung, mỗi người dân cần có khả năng tiếp cận ít nhất một KGX trong khoảng cách 5 phút đi bộ, tương đương 400m, từ nhà mình, hoặc gần hơn càng tốt. 

Ngoài việc lập bản đồ các vị trí của các công viên hiện có và quy hoạch cho tương lai, một số yếu tố khác mà thành phố có thể đưa vào quy định về bố trí địa điểm: 

  • Các KGX phải được quy hoạch, xây dựng ở vị trí có thể tiếp cận an toàn được, sử dụng được và có các chức năng thỏa mãn nhu cầu của cư dân trong cộng đồng;
  • Các KGX có thể được bố trí cùng hoặc gần với các mục đích sử dụng thiết yếu và quan trọng khác của cộng đồng như trường học, thư viện, trung tâm cộng đồng;
  • Các KGX nên được xây dựng ở những khu vực đất có điều kiện địa hình phù hợp, thuận tiện cho sử dụng đa chức năng;
  • Các KGX cấp thành phố cần được xây dựng dưới sự kết nối với các tuyến giao thông công cộng để tăng khả năng tiếp cận;
  • Các đường phố tiếp cận các KGX nên là những phố thân thiện với người đi bộ và đi xe đạp.

Những chính sách này giúp quyết định khu đất nào có thể dành để phát triển các KGX trong tương lai và cải thiện các KGX hiện có. Ngoài ra, chính sách cũng có thể là những nguyên tắc hướng dẫn khi xây dựng các chính sách về tái thiết các khu đất đã sử dụng thành các KGX.

Quy hoạch tổng thể KGX và khu vui chơi giải trí của thành phố Dublin (Thành phố Dublin, 2015) có quy định như sau:

Sử dụng các tiêu chí sau khi xem xét tính phù hợp của các vị trí có thể xây dựng KGX:

Khả năng tiếp cận của cộng đồng. Tránh những địa điểm nằm ngoài phạm vi tiếp cận từ các hành lang giao thông đa phương thức;

Gần các cơ sở công cộng khác như trường học;

Kết hợp và tối ưu hóa các đặc điểm tự nhiên như sông, suối, thung lũng... Nếu có thể, các vị trí KGX cần được lựa chọn dưới sự xem xét và kết hợp với các yếu tố tự nhiên trong khu vực;

Khả năng dễ dàng nhận diện được, có thể dễ dàng nhìn thấy từ các tuyến giao thông chính. Hệ thống KGX là một phần không thể tách rời của hình ảnh của cộng đồng, vì vậy việc nhận diện được chúng từ đường phố là rất quan trọng, không chỉ khuyến khích sử dụng mà còn cải thiện cảnh quan của thành phố. 

Vị trí các KGX công cộng cần có diện tích và địa hình phù hợp với đa mục đích sử dụng. Hạn chế lựa chọn những địa điểm có diện tích quá nhỏ và địa hình quá dốc gây cản trở cho việc tiếp cận để sử dụng"

(3) [Nguồn: Công viên, sân chơi và sống lành mạnh. https://activelivingresearch.org/parks-playgrounds-and-active-living]

  • Chính sách về thiết kế không gian xanh đa dụng

Việc thiết kế KGX sử dụng công cộng trong đô thị rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng chung của không gian. Đặc biệt thiết kế ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động có thể diễn ra tại KGX. Thiết kế các khu vực cây xanh bóng mát hợp lý trong tổng thể khu đất sẽ tạo ra cảm giác tiện nghi, thoải mái cho người sử dụng.

Thiết kế công viên có thể là một công cụ tốt để tạo nên bản sắc của KGX và từ đó đóng góp vào phát triển văn hoá địa phương. Thông qua thiết kế, có thể làm cho KGX trở thành một nơi hấp dẫn cộng đồng địa phuong và du khách. Cuối cùng, thiết kế KGX hợp lý sẽ giúp tăng cường giá trị sử dụng và tạo điều kiện tốt cho cư dân tiếp cận với thiên nhiên.

Các chủ đầu tư dự án cần chú trọng tối ưu diện tích mảng xanh thiên nhiên tại các không gian sinh hoạt chung. Ảnh ITN

Chính quyền địa phương có thể phát triển các hướng dẫn thiết kế KGX nói chung và không gian công cộng ngoài trời nói riêng tuân thủ các đặc điểm cụ thể mà thành phố hướng tới.

Mỗi địa phuong và thành phố đều có những tầm nhìn và mục tiêu khác nhau, quan trọng là quá trình thiết kế KGX cần có sự tham gia của người dân và người sử dụng để đảm bảo rằng chúng được phát triển đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của cộng đồng từ đó tạo nên sự thành công của địa điểm.

Các quy định về thiết kế KGX công cộng cấp quốc gia hoặc thành phố có thể được lập thành hai phần, phần cứng gồm những yêu cầu bắt buộc và phần tùy chọn gồm những khuyến nghị mang tính tham khảo để các địa phương phát triển tùy theo điều kiện và nhu cầu thực tế.

Thành phố Mexico đã thành lập Sở Không gian Công cộng (tiếng Tây Ban Nha viết tắt là AEP) vào năm 2009, chịu trách nhiệm về phát triển KGX công cộng, bao gồm công viên và đường phố, trong thành phố. Thị trưởng Thành phố cho rằng phát triển KGX công cộng đô thị là một phần của một chiến lược lớn hơn về cải thiện chất lượng môi trường và cuộc sống đô thị và giảm bất bình đẳng xã hội. Nhiệm vụ của AEP là Tư duy dài hạn - hành động cụ thể.

AEP đã đề xuất chương trình phát triển "công viên nhỏ" tại các khu dân cư chật hẹp và đông đúc. Không giống như các ban, ngành về phát triển không gian công cộng truyền thống, AEP không được giao thực hiện nhiệm vụ bảo trì. Vì Thành phố cho rằng gánh nặng công tác duy trì hàng ngày có thể làm giảm khả năng sáng tạo và tầm nhìn dài hạn của AEP. Và không giống như các ban ngành về giao thông truyền thống, AEP chịu trách nhiệm đề xuất các ý tưởng phát triển đường phố vì con người hơn là cho xe cộ.

Thiết kế là một phần rất quan trọng của Sở Không gian Công cộng và cơ quan này có thể được hiểu là một văn phòng thiết kế đô thị, tập trung vào KGX công cộng. Công viên Linear La Viga là sản phẩm có quy mô lớn đầu tiên của AEP. Với những ý tưởng tối ưu hóa các điều kiện thiên nhiên để phát triển bền vững như nước mưa được thu gom và chứa trong hệ thống bể chứa ngầm để sử dụng trong các đài phun nước, hồ nước, nhà vệ sinh công cộng, vòi nước uống công cộng và tưới cây xanh.

Nguồn: CityScope (2016). http://citiscope.org/story/2016/what-mexico-city-learned-devoting-office-designing-public-spaces

AEP: http://www.aep.cdmx.gob.mx/

  • Chính sách về quản lý vận hành không gian xanh

Quản lý vận hành sau khi xây dựng là công việc quan trọng cần được đề cập trong Kế hoạch tổng thể phát triển KGX của các đô thị. Công tác bảo trì quan trọng đối với sự thành công của KGX và không gian công cộng mở. Nếu công viên cây xanh được duy trì với chất lượng kém sẽ làm giảm đáng kể số lượng người đến cũng như các lợi ích nhiều mặt khác mà chúng có thể đem lại.

Việc bảo trì hiệu quả cũng giúp giảm chi phí vận hành công viên cây xanh. Cách hiệu quả nhất để phát triển KGX là bảo dưỡng thường xuyên, giúp kéo dài tuổi thọ sử dụng, giảm đáng kể việc cần một ngân sách lớn để cải tạo lớn hoặc xây dựng lại (De Vries và Kotze, 2016).

Các chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách quản lý. Khi xây dựng kế hoạch quản lý, chính quyền thành phố có hai lựa chọn: xây dựng một kế hoạch chung áp dụng cho tất cả các KGX công cộng đô thị hoặc xây dựng một kế hoạch quản lý theo các loại hình KGX cụ thể.

  • Kế hoạch quản lý không gian xanh toàn thành phố

Kế hoạch và chính sách quản lý KGX toàn thành phố sẽ mang lại lợi ích to lớn cho chính quyền thành phố và cộng đồng địa phương trong công tác quản lý và duy trì KGX của đô thị. Một kế hoạch quản lý KGX toàn thành phố thường sẽ phát huy hiệu quả tại các thành phố cỡ vừa và nhỏ. Tại các thành phố lớn hoặc siêu lớn các kế hoạch quản lý KGX theo từng loại hình cụ thể, hoặc phân vùng cụ thể sẽ giúp ích cho chính quyền đô thị quản lý và duy trì hệ thống KGX của mình tốt hơn là một kế hoạch chung cho toàn đô thị.

Tại thành phố Whitehorse, một chính sách bảo trì không gian xanh đã được triển khai thực hiện với các nội dung cụ thể như:

Trách nhiệm:

Hội đồng Thành phố sẽ:

Thiết lập và thông qua ngân sách bảo trì các KGX;

Thiết lập và thông qua mức độ dịch vụ; và

Thiết lập và thông qua danh sách KGX được ưu tiên đầu tư theo định kỳ.

Mức độ dịch vụ:

Mục tiêu của dịch vụ là duy trì cảnh quan gọn gàng và trật tự, thích ứng và bền vững dưới điều kiện môi trường. Cây xanh và bãi cỏ tạo cảnh quan thiên nhiên và có lợi cho sức khỏe. Cỏ được cắt và tỉa trong giới hạn chiều cao từ 2" đến 2½" (51 mm đến 64 mm). Các loại cỏ dại cần đảm bảo ở mức thấp, chấp nhận được trong giới hạn. Các đoàn kiểm tra thường xuyên sẽ được tổ chức nhằm đảm bảo rằng công tác duy trì đang được thực hiện tốt. Công tác bảo trì thường xuyên có tần suất và mức độ phù hợp kết hợp với việc kiểm tra, giám sát thường xuyên để tránh những xuống cấp nghiêm trọng.

Bảo trì cây xanh và hoa:

Việc bảo trì cây xanh và hoa được thực hiện nhằm duy trì cảnh quan phù hợp với mức độ ưu tiên của công viên, bảo vệ thảm thực vật và đảm bảo an toàn cho người dân. Công tác bảo trì cây xanh và hoa bao gồm: kiểm tra chung; kiểm tra chất lượng đất, bón phân; thêm đất bồi; kiểm soát sâu bệnh; trồng mới; tỉa cành; kiểm soát cây, cỏ dại và chăm sóc cây cảnh.

Thu gom chất thải rắn:

Việc thu gom rác được tiến hành để duy trì vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn công cộng. Việc nhặt rác bao gồm thug om rác vụn trên KGX. Việc vận chuyển và xử lý chất thải rắn từ thùng chứa chất thải của KGX sẽ do đơn vị chuyên ngành về công trình công cộng của thành phố thực hiện.

Bảo trì chung:

Công tác bảo trì chung được thực hiện để duy trì cảnh quan phù hợp với mức độ ưu tiên của công viên, để duy trì các công trình và thiết bị trong KGX được sửa chữa tốt và đảm bảo an toàn công cộng. Bảo trì tổng thể bao gồm: kiểm tra; sơn/vệ sinh các thiết bị; và sửa chữa/thay thế thiết bị chiếu sáng cảnh quan, sửa chữa / thay thế thiết bị/công trình kỹ thuật khác;

Trích dẫn vắn tắt từ: Chính sách bảo trì công viên của thành phố Whitehorse (http://www.whitehorse.ca/home/showdocument?id=477)

  • Chính sách quản lý theo loại hình không gian xanh 

Xây dựng các kế hoạch quản lý, duy trì khác nhau cho từng loại hình KGX trong thành phố có thể rất hữu ích cho chính quyền đô thị và cộng đồng. Nếu các loại công viên trong thành phố đa dạng và khác biệt đáng kể, thì các chính quyền thành phố nên xem xét việc xây dựng các chính sách quản lý theo nhu cầu bảo trì của từng loại công viên. Những kế hoạch quản lý này đặc biệt hiệu quả đối với các đô thị lớn. 

Ví dụ về nội dung trong Kế hoạch quản lý theo loại không gian công cộng

Khu vực không gian xanh tự nhiên và không gian công cộng ngoài trời

Thành phố giao cho nhân viên lập kế hoạch và duy trì các khu vực cảnh quan tự nhiên của các không gian xanh (bao gồm trồng cây xanh, cây bụi, theo nguyên tắc sự dụng các cây trồng bản địa)

Thuê nhân công để duy trì không gian xanh 

Tăng cường bảo vệ môi trường thông qua quản lý và thiết kế

Cung cấp các điều kiện để thúc đẩy việc tự nhiên hóa các không gian xanh

Phát triển không gian xanh cộng đồng

KGX cộng đồng cần nguồn lực lớn để bảo trì, và do đó phải được theo dõi để bảo dưỡng thường xuyên và nhất quán.

Việc thu gom rác thải cần được thực hiện hàng ngày đặc biệt vào mùa nắng nóng

Cây xanh, thảm cỏ và các thực vật khác phải được bảo trì định kỳ hàng tuần

Các hạ tầng và thiết bị khác trong KGX như nhà vệ sinh công cộng cũng cần được bảo trì thường xuyên, tần suất tùy thuộc vào mức độ sử dụng tại mỗi nơi.

Không gian xanh Khu dân cư

Nếu cần thiết phải cải tạo hoặc thiết kế lại, hãy đảm bảo có sự tham gia đóng góp tích cực của cộng đồng 

Cây xanh, cỏ và các thảm thực vật khác phải được duy trì hàng tuần

Thu gom rác thải nên thực hiện hàng ngày. Thùng rác nên được bảo trì thường xuyên, và người dân phải dễ dàng tiếp cận được. 

Không gian quảng trường

Hoạt động liên tục nhằm giữ các quảng trường sống động 

Cung cấp cây xanh, hoa và thảm thực vật để có cảnh quan tự nhiên

Cung cấp ghế ngồi nghỉ chân để tăng cường giao tiếp xã hội

Việc bảo trì và thu gom rác nên được thực hiện thường xuyên.

Không gian thể thao

Thường xuyên nâng cấp hoặc cải tạo nhà vệ sinh và phòng thay đồ trong các không gian thể thao

Liên tục làm việc với các đối tác và các đội thể thao để cập nhật lịch thi đấu và tránh trùng lịch

Duy trì thường xuyên các hạ tầng phục vụ hoạt động thể thao, sân tập và khu thể thao

Thường xuyên duy tu thảm cỏ

Nguồn: Quy hoạch tổng thể không gian công cộng Vernon (Thành phố Vernon, 2015)

  • Quản lý không gian xanh công cộng đô thị với sự tham gia của cộng đồng 

Người dân địa phương đến để sử dụng các KGX, họ là nguồn lực lớn giúp thực hiện công tác quản lý và duy trì. Chính quyền thành phố có thể phát huy sự tham gia của cộng đồng tại các KGX của địa phương. Đặc biệt tại các KGX khu dân cư, các thành viên cộng đồng sẽ là người hiểu rõ và thực hiện việc quản lý tốt hơn ai hết. 

Tại Bondo, Kenya, các thành viên cộng đồng và chính quyền thành phố quyết định di dời chợ địa phương cũ sang một vị trí phù hợp hơn và lấy diện tích đất đó để xây dựng một KGX cho khu dân cư. Các gian hàng trong chợ được dời đến một khu vực phục vụ tốt hơn cho công chúng. Kể từ khi KGX hoàn thành vào năm 2011, số lượng người sử dụng KGX này để thư giãn, giao lưu và tổ chức các cuộc họp cộng đồng thường xuyên ngày một tăng cao.

Nguồn: Bộ công cụ Không gian công cộng toàn cầu (UN Habitat, 2015)

  • Chính sách về nguồn lực tài chính

Xây dựng một chiến lược tài chính rõ ràng và đầy đủ là một phần quan trọng của Quy hoạch tổng thể KGX. Nếu không có kinh phí, công tác thiết kế, xây dựng và quản lý duy trì công viên sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Vì vậy cần xây dựng các chính sách về tài chính nhằm đảm bảo rằng kinh phí sẽ được cung cấp đầy đủ và kịp thời từ các nguồn đáng tin cậy và nhất quán. Để có các chính sách về tài chính toàn diện, lý tưởng là chúng cần được kết hợp từ nhiều nguồn gồm cả chính quyền địa phương và chính quyền các cấp cao hơn như thành phố, vùng/tỉnh và quốc gia.

Phát triển công trình xanh cần sự dẫn dắt từ Chính phủ các nước

Chính quyền địa phương đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ngân sách phát triển các KGX tại địa phương. Xác định mức ngân sách cần có cho từng KGX của địa phương để bố trí vốn phù hợp là rất cần thiết. 

  • Ngân sách thành phố theo cách truyền thống 

Thông thường, các chính quyền địa phương bố trí ngân sách cụ thể cho các công viên thông qua quy trình ngân sách của thành phố. Ngân sách thường được cấp từ thuế địa phương và các nguồn khác từ thành phố và quốc gia. Chính quyền địa phương sau đó sẽ xác định việc phân bổ cho các KGX. Đây là phương pháp cấp kinh phí phổ biến nhất khi nói đến không gian công cộng.

Tại St. Catharines, Ontario, chính quyền thành phố đã xây dựng chính sách cung cấp một khoản kinh phí nhất quán cho các công viên địa phương hàng năm. Trung bình, chính quyền của St. Catharine phân bổ khoảng $54 mỗi người hàng năm từ ngân sách thành phố cho các KGX địa phương. Đây là một ví dụ tuyệt vời về chính sách kinh phí địa phương. Điều này cho phép thành phố thường xuyên điều chỉnh quỹ công viên của họ để đáp ứng nhu cầu của dân cư. Một chính sách kinh phí linh hoạt dựa trên số dân là một cách phù hợp để phát triển KGX và các không gian công cộng khác theo nhu cầu của dân cư.

Nguồn: Kế hoạch chính sách công viên (Thành phố St. Catharines, 2005)

  • Ngân sách đa ngành huy động sự tham gia

Nguồn ngân sách đa ngành là việc chính quyền địa phương huy động nguồn tài chính từ các cơ quan khác nhau từ cả khu vực công, tư và phi lợi nhuận. Trong trường hợp này, các chính quyền thành phố tìm kiếm tài trợ từ các nguồn khác nhau đồng thời cũng dành kinh phí của mình cho các công viên.

Tại London, Công Viên Vùng Colne Valley được cấp kinh phí từ nhiều nguồn lực của địa phương và của các đối tác. Một số đối tác là các tổ chức tư nhân, các cơ quan khác nhau bao gồm Cơ quan Môi trường, và Thiên nhiên Anh quốc. Công viên cũng sử dụng ngân quỹ truyền thống của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, kinh phí từ nhiều cơ quan đã làm tăng đáng kể ngân sách dành cho phát triển các KGX của vùng.

Nguồn ảnh: colnevalleypark.org.uk

Nguồn: Trả tiền cho Công viên: Tám mô hình cấp kinh phí cho KGX (Ủy ban Kiến trúc và Môi trường Xây dựng, 2006)

  • Các sáng kiến về thuế 

Việc huy động nguồn lực về tài chính thông qua các sáng kiến về thuế đòi hỏi các chính quyền địa phương phải linh hoạt và có tính toán cụ thể cho việc thu thuế nào đó để phục vụ cho việc phát triển KGX. Đây là một chiến lược tốt để tạo ra một ngân quỹ với độ ổn định cao, vì thuế đã được chứng minh là một nguồn thu tin cậy. Tuy nhiên các sáng kiến về thuế sẽ cần được công khai, minh bạch để đảm bảo sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng, vì cộng đồng sẽ phải trả chi phí cho phát triển KGX một cách gián tiếp.

Thành phố Mexico đã ban hành hệ thống quản lý bãi đậu xe ô tô mới, với 426 chỗ đỗ xe trả phí tự động quy hoạch lại trên các tuyến phố mà trước đó được đậu xe miễn phí. Hệ thống mới có tên là ecoParq nhấn mạnh những lợi ích về môi trường của việc thu phí và quản lý bãi đậu xe tốt hơn. Cơ quan Không gian Công cộng của Thành phố quản lý 30% số tiền thu được từ phí đỗ xe tự động và ngân sách này được sử dụng cho việc cải thiện không gian công cộng. EcoParq đang giúp mang lại một nguồn lực tài chính ổn định cho quản lý và duy trì KGX tại thành phố Mexico. Biện pháp đang được thực hiện rất thành công và được các thành phố khác học tập nhân rộng.

Nguồn: Viện chính sách Giao thông và Phát triển (2012). https://www.itdp.org/ecoparq-mexico-citys-on-street-parking-reform/

  • Các thỏa thuận Quy hoạch và Phát triển 

Ngân sách phát triển KGX có thể có được thông qua các thỏa thuận quy hoạch và phát triển. Chính quyền địa phương yêu cầu các nhà đầu tư cung cấp tài chính cho công viên hoặc xây dựng công viên như một điều kiện cần để chấp thuận các đề xuất phát triển của họ.

Phương pháp này liên quan đến sự tương tác và thảo luận giữa khu vực công và khu vực tư nhân. Các thỏa thuận về quy hoạch và phát triển có thể là một lựa chọn có hiệu quả nếu thiếu khu vực công thiếu kinh phí. Tốt hơn hết thì những thỏa thuận này phải được đưa vào quy hoạch sử dụng đất một cách chính thức.

  • Các cách huy động nguồn lực xã hội khác

Tài trợ từ các khu vực tư nhân như các doanh nghiệp và cá nhân có thể tạo ra một nguồn thu nhập cho các thành phố để hỗ trợ phát triển và duy trì các KGX. Các nguồn hỗ trợ có thể bao gồm các cửa hàng nhỏ, quán cà phê, nhà hàng ăn uống... Tài trợ không nhất thiết phải bằng tiền mà có thể là nhân lực hỗ trợ quản lý, duy trì một khu vực không gian công cộng hoặc một hạng mục cụ thể nào đó nằm trong một không gian công cộng.

Để tạo sự hấp dẫn tài trợ và cơ hội cho các bên cùng có lợi, các thành phố thường tạo điều kiện ưu đãi hoặc cấp giấy phép cho khu vực tư nhân thực hiện mục tiêu kinh doanh của mình và chung tay cùng nhà nước giải quyết các vấn đề của không gian công cộng. Các khoản tài trợ từ khu vực tư nhân là một nguồn thu ổn định, mang lại nguồn tài chính lâu dài cho các hoạt động phát triển KGX. 

Xây dựng quan hệ đối tác nhiều bên là một chiến lược mà chính quyền địa phương có thể huy động nguồn lực để xây dựng và duy trì công viên. Quan hệ đối tác có thể bao gồm chính quyền địa phương, người dân địa phương và các tổ chức trong nước và quốc tế cùng hợp tác để phát triển và duy trì công viên. Sự hợp tác như vậy có thể mang lại một nguồn lực gồm cả nhân lực và tài chính đáng kể để phát triển các KGX.

Singapore trở thành “đầu tàu” kiến trúc xanh của châu Á. Ảnh ITN

Mặc dù khu vực tình nguyện và phi lợi nhuận có thể không tài trợ kinh phí, nhưng họ có thể là nguồn nhân lực kỹ thuật giá trị. Hầu hết các tổ chức tình nguyện và các tổ chức phi lợi nhuận có thể giúp tổ chức các sự kiện để gây quỹ.

Tình nguyện viên có thể đem lại nhiều dịch vụ và hỗ trợ, bao gồm giám sát công viên, làm sạch và quản lý công viên, và thực hiện các công việc cần thiết để bảo trì công viên. Trong khi đó các tổ chức phi lợi nhuận có thể giúp huy động các nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật từ nhiều nơi.

Kết luận và khuyến nghị cho các thành phố tại Việt Nam

Các không gian xanh sử dụng công cộng trong đô thị nói chung và không gian công cộng ngoài trời nói riêng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân đô thị.

Các KGX thúc đẩy hoạt động thể chất và giải trí, tạo cơ hội giao tiếp xã hội cho mọi người, thu hút khách du lịch và cung cấp các khu vui chơi cho trẻ em. Các KGX làm tăng sự hấp dẫn cảnh quan đô thị và cung cấp những không gian tự nhiên đa dạng.

Các KGX cũng mang lại những lợi ích lớn về môi trường giúp giảm nhiệt đô thị và cải thiện ô nhiễm không khí và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì những lý do trên và nhiều lý do khác nữa, việc phát triển và duy trì các KGX cần được chính quyền các đô thị ưu tiên phát triển. Phát triển KGX cần được coi là một phần quan trọng của phát triển đô thị. Cùng với phát triển các hạ tầng công như giao thông, trường học, bệnh viện, chợ và nhà ở, phát triển KGX cần được nhìn nhận là một hạ tầng thiết yếu cho phát triển các đô thị.

Cả chính quyền trung ương và địa phương đều đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các KGX. Để có được những không gian xanh sử dụng công cộng đô thị thành công, các cấp chính quyền cần xây dựng những chính sách và hướng dẫn tổng thể về (1) phân loại các loại hình KGX đô thị (2) quy hoạch/xác định địa điểm, (3) nguyên tắc và tiêu chí thiết kế, (4) nguồn lực tài chính, (5) phương án quản lý/vận hành và duy trì. Khi tạo ra khung chính sách, sự hợp tác giữa chính quyền địa phuong, vùng và quốc gia cùng với sự tham gia của người dân sẽ góp phần giúp các chính sách được thực hiện hiệu quả hơn. 

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, phát triển hệ thống KGX sử dụng công cộng tại các đô thị là một quá trình liên tục cần nhiều nỗ lực và bền bỉ. Các thách thức sẽ liên tục nảy sinh ngay cả khi đã có những chính sách tốt và thực thi hiệu quả. Để có những KGX, không gian công cộng chất lượng thì công tác vận hành, bảo trì và giám sát thường xuyên là cần thiết.

Từ các ví dụ thành công tại các thành phố trên thế giới, chúng tôi đưa ra một vài khuyến nghị mang tính gợi ý để chính quyền các cấp từ địa phương tới trung ương tham khảo nhằm xây dựng và phát triển hệ thống KGX.

  • Bộ Xây dựng cần có những chính sách và hướng dẫn về phát triển KGX làm căn cứ định hướng giúp các đô thị triển khai công tác phát triển KGX tại địa phuong.

Nhằm giúp các thành phố có căn cứ phát triển hệ thống KGX sử dụng công cộng đô thị, các chính sách hỗ trợ cấp quốc gia và vùng là rất quan trọng và cần thiết. Các chính sách quốc gia có thể dành cho các loại KGX theo từng cấp quản lý, KGX theo mục đích sử dụng hoặc tổng hợp cả hai loại. Các nội dung chính của chính sách quốc gia cần quan tâm gồm:

  • Chính sách về phân loại KGX: qui định về định nghĩa các loại KGX sử dụng công cộng trong đô thị, các cách phân loại theo phạm vi phục vụ/cấp quản lý, mục đích sử dụng.
  • Chính sách về vị trí và địa điểm: qui định về số lượng và mật độ, đảm bảo nằm trong khoảng cách tiếp cận bằng đi bộ.
  • Chính sách về thiết kế: qui định nhưng yêu cầu cần có và gợi ý những yêu cẩu thêm giúp nâng cao giá trị thông qua thiết kế.
  • Chính sách về tài chính: qui định những nguồn tài chính công mà các đô thị có thể sử dụng để phát triển KGX, ngoài ra gợi ý các chiến lược tài chính song phuong và đa phương mà các thành phố có thể tham khảo để huy động hợp tác.
  • Chính sách về quản lý, duy trì: qui định về phuong pháp và nguồn lực quản lý, duy trì các KGX, với mục tiêu đảm bảo chất lượng và tăng cường giá trị của KGX thông qua việc khuyến khích các hoạt động đa dạng.

Để giúp các chính sách được thực thi tốt hơn, một hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn liên quan ở cấp quốc gia cũng cần được phát triển tương ứng. Các tiêu chuẩn về quy hoạch địa điểm/ vị trí KGX, các tiêu chuẩn về thiết kế KGX, các tiêu chuẩn về sử dụng ngân sách quốc gia và địa phương, các tiêu chuẩn về quản lý và duy trì KGX là những tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cơ bản ở cấp quốc gia cần có.

  • Các thành phố cần có chiến lược tổng thể phát triển KGX tại địa phương.

Chính quyền các đô thị cần có chiến lược tổng thể phát triển KGX công cộng đô thị để làm cơ sở hướng dẫn cho các quận/huyện và phường/xã trên toàn thành phố lập các kế hoạch hành động chi tiết cho địa bàn mình quản lý. 

Chiến lược tổng thể cấp thành phố cần đề cập tới các nội dung như hiện trạng về số lượng và vị trí các KGX hiện có, các khu vực đất trống tiềm năng phát triển KGX trong tương lai, để từ đó lập một bản đồ phát triển phù hợp, đáp ứng các chỉ tiêu về diện tích, số lượng và phân bổ KGX trên địa bàn đáp ứng các tiêu chí về tiếp cận. Các nội dung khác như thiết kế, ngân sách và quản lý, duy trì cũng cần được xác định cụ thể.

  • Các đô thị cần lập các chính sách ưu tiên sử dụng đất công để phát triển không gian xanh khu dân cư.

Để đạt được các mục tiêu về diện tích bình quân cho mỗi người dân và phân bổ KGX và không gian công cộng dễ dàng tiếp cận bằng đi bộ trong khu vực nội đô, đặc biệt là các đô thị hiện hữu với quỹ đất công còn lại hạn chế, các thành phố cần có chính sách ưu tiên sử dụng quỹ đất công chưa sử dụng hoặc đất công đang sử dụng nhưng có kế hoạch chuyển đổi chức năng sử dụng thành KGX công cộng đô thị. 

Các diện tích đất công chưa sử dụng hoặc chuyển đổi chức năng có thể được sử dụng cho KGX như quỹ đất có được từ việc di dời các cơ sở công nghiệp, diện tích đất công còn lại nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Những quỹ đất này cần được thành phố ưu tiên sử dụng cho việc phát triển KGX. Ngoài ra, Thành phố cũng có thể tận dụng các diện tích đất ngoài trời của các công trình công cộng như sân nhà văn hóa, sân trường học để phát triển KGX đô thị. Các vỉa hè dọc các đường phố đô thị cũng là quỹ đất tốt để phát triển KGX.

  • Các đô thị cần có cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực phát triển KGX và các loại hình không gian công cộng đa mục đích sử dụng khác.

Trong bối cảnh nguồn lực dành cho việc phát triển không gian công cộng của các thành phố vẫn còn hạn hẹp, đồng thời thực hiện chủ trương khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội vào việc phát triển hạ tầng công, các đô thị cần có những cơ chế để khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội khác nhau tham gia xây dựng và quản lý KGX. Cụ thể là:

  • Cải thiện công tác quản lý và nâng cấp các KGX hiện hữu với sự tham gia của cộng đồng, xử lý các hành vi vi phạm sử dụng KGX như lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.
  • Khuyến khích các nguồn lực đa dạng đầu tư, xây dựng, quản lý và duy trì KGX và đặc biệt là các sáng kiến phát triển KGX theo hướng đa dạng sử dụng như tích hợp sân chơi cho trẻ em, sân tập thể dục, thể thao cho người cao tuổi…

Kristie Daniel
Emma Strickland
Trần Thị Kiều Thanh Hà
Đinh Đăng Hải
Tổ chức HealthBridge Canada

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.