Chống tiêu cực cần mạnh hơn, đừng "đóng đinh" báo chí vào "tôn chỉ, mục đích"
MTXD - Từ chuyện chung cư mini cháy và các công trình sai phép “phạt cho tồn tại”, cho thấy rất cần báo chí vào cuộc, phát huy hơn nữa vai trò giám sát hoạt động xã hội.
Từ câu chuyện “cháy chung cư mini gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” đến dấu hỏi về “lợi ích của thế lực chống lưng đằng sau những công trình sai phạm”, cho thấy sự giám sát đối với trật tự xây dựng hiện vẫn đang lỏng lẻo. Khi vụ cháy xảy ra, không ít nhà báo cảm khái "nếu báo chí vào cuộc mạnh mẽ hơn", sai phạm của chung cư này có lẽ đã được xử lý. Bởi cơ quan báo chí với hệ thống các nguồn tin từ nhân dân sẽ giúp phát hiện, đăng tải và chuyển các thông tin sai phạm đến các cơ quan chức năng, trong đó có sai phạm trong lĩnh vực xây dựng.
Nếu những điều này được phát huy tốt thì có thể góp phần vào việc ngăn chặn các sai phạm tồn tại và hạn chế được phần nào các nguy cơ thảm họa như trên xảy ra. Tuy nhiên, thời gian qua, tính phát hiện, phản biện các tiêu cực của báo chí phần nào bị hạn chế bởi “tôn chỉ, mục đích”, khi lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí, phóng viên ngay khi hỏi về dấu hiệu sai phạm trong vấn đề xây đựng đã bị cơ quan chức năng thay vì làm rõ nội dung báo chí phản ánh thì lại lấy lý do "tôn chỉ, mục đích" để giải quyết.
Minh chứng cho điều này, tháng 7/2022, trên Báo Dân Việt từng có bài “Sai phạm tại tuyến đường Lê Văn Lương: Sở Xây dựng Hà Nội thông tin sai sự thật”, theo đó chỉ ra việc cơ quan báo chí này gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin, phản ánh tiêu cực.
“...Trong văn bản gửi Báo Nông thôn ngày nay, Sở Xây dựng Hà Nội căn cứ thông tin từ Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam; trong đoạn trích, Sở Xây dựng Hà Nội cũng không trích nguyên văn mà chỉ trích, ghép một số đoạn vào với nhau (theo ý đồ riêng ?), rồi từ đó kết luận: Nội dung đề nghị cung cấp thông tin không phù hợp tôn chỉ, mục đích của báo”... - một đoạn trong bài viết nêu. [1]
Tháng 4/2022, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng từng có bài viết phân tích về vấn đề này, qua “Từ thực trạng hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của báo chí hiện nay”.
Trong bài viết có đề cập: “...Đầu tháng 11/2020, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa 14, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) chất vấn rằng, hoạt động theo tôn chỉ mục đích liệu sẽ hạn chế báo chí chống tham nhũng không?
Ngay khi nghiên cứu Nghị định 119, nhiều cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi: Liệu tôn chỉ, mục đích có bó hẹp hiệu quả thông tin không?...” [2]
Cùng một vấn đề, được lan tỏa rộng hơn, dư luận sẽ mạnh mẽ hơn
Trao đổi với phóng viên điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thuyền - nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉ ra: “Rõ ràng, nếu hoạt động theo tôn chỉ, mục đích, nhiều khi các cơ quan báo chí khó vào cuộc để phản ánh những tiêu cực, vi phạm, mặc dù có nguồn tin, có kỹ năng nghiệp vụ để phát hiện. Quan trọng nhất là thông tin phản ánh đúng hay sai, nếu cơ quan báo chí phản ánh sai chúng ta đã có những quy định của pháp luật để xử lý. Tôi cho rằng, nếu tất cả các thông tin cũng nên được chia sẻ rộng hơn. Khi một vấn đề, một vụ việc được tiếp cận và đăng tải cùng lúc trên nhiều trang báo chí khác nhau, sẽ có sức lan tỏa tốt hơn, dư luận cũng sẽ mạnh mẽ hơn.
Còn nếu chỉ tuân theo đúng tôn chỉ, mục đích, có những vấn đề chỉ được thông tin trên 1-2 tờ báo, sẽ không đủ “sức nặng” để tác động đến những đối tượng sai phạm”.
Ông Nguyễn Bá Thuyền. Ảnh: quochoi.vn
Từ những phân tích đó, ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng: “Theo tôi, nên linh hoạt, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí cùng vào cuộc, đóng góp tiếng nói chung. Đặc biệt, cho phép các cơ quan báo chí tiếp cận với những biểu hiện tiêu cực theo góc độ của mình để kịp thời truyền tải thông tin”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng: “Chính trong suốt thời gian vừa qua, nhiều vụ việc tiêu cực do nhân dân phát hiện và thông qua báo chí để nói lên tiếng nói của mình, cũng như có những vụ việc nhờ thông qua báo chí mới được xử lý đến nơi đến chốn, chứ không phải từ các cơ quan nhà nước phát hiện ra.
Giống như lãnh đạo Bộ Công an cũng đã từng nhiều lần nói rằng, từ tiếng nói của nhân dân, thông qua các cơ quan báo chí, mà các cơ quan chức năng có thể vào cuộc nhanh chóng, kịp thời.
Ông Nguyễn Túc. Ảnh: giaoduc.net.vn
Vì vậy, theo tôi, các cơ quan chức năng cũng cần phải tôn trọng những phát hiện của báo chí và coi đó là một nguồn tin vô cùng quan trọng, nghiêm túc xem xét đến nơi, đến chốn...
Từ đó, báo chí có thể phát huy vai trò nói lên tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, tất nhiên, các cơ quan báo chí phải tiếp xúc với nhiều tầng lớp, nhiều đối tượng, và phải chắt lọc ý kiến chính thống, nói lên những tiếng nói trung thực của nhân dân”.
Phản ánh tiêu cực là trách nhiệm xã hội của báo chí
Bàn luận về vấn đề này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cũng nhìn nhận: “Vai trò của báo chí, truyền thông rất quan trọng trong việc phát hiện, phanh phui các sai phạm; thông qua báo chí, các tiêu cực sẽ được thông tin để người dân được biết. Đó chính là vai trò tiên phong của báo chí.
Nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tôi thường xuyên theo dõi về báo chí. Và chúng tôi cũng rất động viên các cơ quan báo chí nên tiên phong trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... và vạch ra những mặt trái, tiêu cực trong xã hội”.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Thành An.
Ông Lê Như Tiến cũng đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, toàn diện và quyết liệt của báo chí trong các lĩnh vực.
“Có thể lấy ví dụ, như đối với vụ cháy chung cư mini gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vừa qua, khi báo chí vào cuộc rốt ráo, đã rung được tiếng chuông cảnh báo đối với cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, đối với các chủ đầu tư...” - ông nhấn mạnh.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, báo chí cần phát huy tốt hơn nữa, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. “Tôn chỉ, mục đích của báo chí thực chất phải là nguồn lợi cho người dân và phải đưa ra tiếng nói trung thực, khách quan, mang tính xây dựng, hướng về bảo vệ quyền lợi của nhân dân.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, XIII, tôi là người trực tiếp tham gia vào xây dựng Luật Báo chí. Và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là cơ quan thẩm tra về Luật Báo chí, chúng tôi khẳng định, luật rất cởi mở, và quy định rất rõ, các cơ quan nhà nước phải cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí khi báo chí cần...
Đồng thời, cũng cần cởi mở hơn về tôn chỉ, mục đích. Bởi lẽ, mỗi cơ quan báo chí đều có quyền đóng góp tiếng nói vào tất cả vấn đề trong đời sống xã hội, chứ không phải Báo Giao thông chỉ viết về lĩnh vực giao thông, Báo Tuổi trẻ chỉ viết về hoạt động của Đoàn Thanh niên, Báo Dân Việt, Nông thôn ngày nay chỉ viết về những vấn đề của người nông dân, diễn ra ở nông thôn... hay tương tự, mà không viết về những tiêu cực trong các lĩnh vực khác”.
“Chính vì vậy, tôi cho rằng, tôn chỉ, mục đích tồn tại là để các cơ quan báo chí có thể tập trung nhiều nội dung hơn theo những chủ đề đó, tập trung vào lĩnh vực đó nhiều hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là những cơ quan báo chí này không có quyền viết về các nội dung khác, như phản ánh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...
Báo chí có quyền nói lên tiếng nói của người dân, mà tiếng nói ấy không phải chỉ xoay quanh duy nhất một vấn đề, một lĩnh vực “đóng đinh” như tôn chỉ, mục đích. Đó cũng là trách nhiệm xã hội của báo chí” - ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Theo Thành An- giaoduc.net.vn
(https://giaoduc.net.vn/chong-tieu-cuc-can-manh-hon-dung-dong-dinh-bao-chi-vao-ton-chi-muc-dich-post238079.gd)
Tài liệu tham khảo:
[1] https://danviet.vn/sai-pham-tai-tuyen-duong-le-van-luong-so-xay-dung-ha-noi-thong-tin-sai-su-that-20220709105737882.htm
[2] https://giaoduc.net.vn/tu-thuc-trang-hoat-dong-theo-ton-chi-muc-dich-cua-bao-chi-hien-nay-post225727.gd
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.