Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Quyết liệt gỡ nút thắt về giải phóng mặt bằng và nguyên vật liệu xây dựng cho cao tốc Bắc - Nam
MTXD - Với hơn 98% mặt bằng được bàn giao cho chủ đầu tư, nhà thầu, Hà Tĩnh trở thành một trong những địa phương đi đầu về giải phóng mặt bằng đối với dự án trọng điểm quốc gia này.
Vậy Hà Tĩnh đã có những cách làm gì để đạt được những kết quả trên, PV Môi Trường Xây Dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Trọng Hải - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về vấn đề này:
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải
PV: Thưa ông, Xin ông cho biết kết quả giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam của Hà Tĩnh đến thời điểm này?
Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông (giai đoạn 2021-2025) qua địa bàn Hà Tĩnh gồm 3 đoạn: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng có tổng chiều dài 107,22km. Cùng với đó còn có 3 tuyến đường kết nối cao tốc dài 12,18 km là đường Ngô Quyền – ĐT.550, đường song hành cao tốc nối ĐT.550 - Hàm Nghi kéo dài và đường Cẩm Quan - Quốc lộ 1.
Theo đó, Hà Tĩnh cần bàn giao 1.000 ha đất các loại với hơn 8.500 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 404 hộ tái định cư; 746 hộ ảnh hưởng một phần tài sản, vật kiến trúc, cây cối; xây dựng 26 khu tái định cư, 4 nghĩa trang; di dời hệ thống đường điện cao thế, trung thế, hạ thế và các công trình, hạ tầng kỹ thuật khác. Tính đến thời điểm này, các khu TĐC đều đã được triển khai thi công, trong đó có 8 khu đạt khối lượng 100%, các khu còn lại đạt khối lượng từ 40-97%.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng hơn 98%. Phần vướng mắc còn lại chỉ rất ít và đang tiếp tục được giải quyết. Kết quả đó khiến chúng tôi thực sự hài lòng, phấn khởi, bởi Hà Tĩnh là một trong ít địa phương đến thời điểm này đạt được kết quả giải phóng mặt bằng cao như vậy.
Các đoàn thể cùng nhau giúp dân di dời đồ đạc, tài sản để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
PV: Để đạt được kết quả đó, tỉnh Hà Tĩnh đã có những biện pháp gì để thực hiện, thưa ông?
Hà Tĩnh xác định đường cao tốc Bắc Nam đi qua là huyết mạch quốc gia, là xương sống của đất nước trong phát triển kinh tế, liên kết với tất cả vùng, miền. Vì vậy, ngay khi có chủ trương Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã triệu tập cuộc họp với tất cả lãnh đạo với lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thị có cao tốc đi qua.
Sau đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp giao UBND tỉnh Hà Tĩnh thành lập các tổ công tác để triển khai tuyên truyền đến nhân dân về chủ trương xây dựng cao tốc Bắc - Nam của Chính phủ. Đây là công trình trọng điểm huyết mạch giao thông quốc gia, những lợi ích từ công trình mang lại là rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của tỉnh và rút ngắn thời gian đi lại, tạo thuận lợi cho người dân.
Xác định việc GPMB chưa bao giờ là dễ nên bên cạnh việc thành lập các tổ GPMB từ thôn, xã, huyện, tỉnh thì tỉnh Hà Tĩnh cũng xác định công tác tuyên truyền vận động là yếu tố “then chốt”nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Nhờ vai trò của thôn, xã làm tốt công tác tuyên truyền nên nhân dân các vùng có đường cao tốc đi qua hiểu và đã đồng thuận rất cao. Khi đã tuyên truyền xong, chính quyền tổ chức thành lập các Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng ở các huyện, thị. Hội đồng này làm việc đúng quy định, công khai, minh bạch, công tâm nên việc kiểm đếm thiệt hại, chi trả bồi thường, hỗ trợ được thuận lợi.
Mọi khó khăn, vướng mắc của người dân đều được nhanh chóng tháo gỡ, tất nhiên, phải làm khách quan, dân chủ, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.
Đối với những hộ dân có diện tích đất đai chưa rõ ràng về nguồn gốc hoặc lấn chiếm mà chưa có cơ sở để áp giá đền bù thì hội đồng GMPB sẽ giải đáp thắc mắc, khiếu nại bằng văn bản công khai. Tuy nhiên, quá trình GPMB cũng không tránh khỏi một số trường hợp đã giải thích, tuyên truyền, vận động đầy đủ mà vẫn cố tình phản đối dù không có căn cứ để bồi thường thì chính quyền kiên quyết cưỡng chế để bàn giao mặt bằng cho thi công.
Dù khu TĐC chưa xây dựng xong nhưng nhiều hộ dân xã Kim Song Trường đã nhận đất xây nhà mới.
Thế nhưng, bên cạnh mặt tích cực cũng có một số người dân lợi dụng cơ hội đền bù, trồng cây, xây công trình để trục lợi, một số đối tượng cố tình kích động, lôi kéo. Những vấn đề này đều được cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
PV: Theo đánh giá của Bộ GTVT, Hà Tĩnh là địa phương luôn nằm trong “top đầu” về bàn giao mặt bằng trong 12 tỉnh thành có các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đi qua địa bàn. Ông có thể chia sẻ về những cách làm mà tỉnh đã áp dụng trong GPMB, thưa ông?
Trong công tác giải phóng mặt bằng, Hà Tĩnh có rất nhiều cách làm hay. Cả hệ thống chính trị không ai đứng ngoài cuộc trong dự án huyết mạch Quốc gia này. Đối với các huyện, bên cạnh lực lượng chủ chốt thì UBMT Tổ quốc các địa phương cũng đóng vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ thêm cho các gia đình. Ngoài ra, các lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, người cao tuổi, cựu chiến binh… đều tham gia vào công cuộc giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Nguyên tắc là nơi ở mới phải tốt hơn hoặc ít nhất phải bằng nơi ở cũ.
Tất cả các sở, ngành đều vào cuộc nhanh chóng. Hằng ngày, hàng tuần sẽ có báo cáo việc GPMB ở các huyện về tỉnh. Vướng ở đâu gỡ ở đó, huyện nào làm chậm sẽ bị phê bình, huyện nào làm nhanh được biểu dương, khen thưởng.
Tất cả các hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án trọng điểm Quốc gia này đều được giải quyết một cách nhanh nhất. Các thủ tục hành chính rườm rà đều được cắt giảm nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Quan điểm của tỉnh là làm nhanh, làm đúng, không làm sai.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đi kiểm tra vướng mắc về giải phóng mặt bằng và cấp mỏ vật liệu cao tốc Bắc – Nam.
PV: Thưa ông, Ông đánh giá như thế nào về ý thức và sự đồng hành của người dân Hà Tĩnh trong việc chủ động di dời để bàn giao mặt bằng cho đơn vị nhà thầu thi công.
Phải nói rằng phần lớn người dân rất tuyệt vời. Ngay sau khi đo đạc, cắm mốc cao tốc, biết phải di dời dù chưa chi trả bồi thường họ đã chủ động đi mua đất bên ngoài hoặc đăng ký suất đất tái định cư để chủ động di dời sớm, bàn giao mặt bằng sớm cho dự án. Có những khu TĐC tuy chưa xây dựng xong nhưng đã đến 70 – 80 % các hộ tiến hành xây nhà ở. Điều này thể hiện cấp ủy, chính quyền đã làm tốt công tác tư tưởng với người dân nên họ đồng thuận rất cao.
PV: Bên cạnh việc đẩy nhanh việc GPMB thì việc tháo gỡ khó khăn trong việc cung cấp mỏ vật liệu cao tốc Bắc – Nam được tỉnh Hà Tĩnh thực hiện như thế nào, thưa ông?
So với các địa phương khác thì Hà Tĩnh là tỉnh có số mỏ vật liệu phục vụ cao tốc Bắc - Nam lớn, đến 11 mỏ đất, cát. Đối với hồ sơ các mỏ vật liệu cao tốc thì các thủ tục hành chính rườm rà đều được cắt giảm nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Chỉ sau một thời gian ngắn đến nay các mỏ đã đưa vào khai thác.
Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương và chủ đầu tư phải phối hợp, tập trung tháo gỡ để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn.
Thực tế vẫn còn số hộ dân có đất rừng ở mỏ vật liệu đòi bồi thường cao gấp nhiều lần so với giá phê duyệt theo quy định. Chúng tôi vào cuộc giải thích, vận động. Và sau đó giữa nhà thầu và và người dân có sự thỏa thuận áp giá bồi thường. Tuy nhiên giá bồi thường đó phải nằm trong khung giá hợp lý. Cương quyết không để vấn đề mặt bằng, vật liệu xây dựng ảnh hưởng tiến độ cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh.
Một lần nữa, tôi khẳng định đến thời điểm này, kết quả thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và giải quyết cấp mỏ vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam tại Hà Tĩnh là rất tốt, rất đáng phấn khởi. Kết quả đó là nhờ cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng rõ ràng, minh bạch, mềm mỏng, hài hòa nhưng cũng rất cứng rắn, quyết liệt.Nhân dân rất phấn khởi với cách làm của Hà Tĩnh.
PV: Xin cảm ơn ông Võ Trọng Hải – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này./.
Thu Hường
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.