Chung cư cũ Hà Nội – chứng nhân lịch sử và những đổi thay
MTXD - Mô hình kiến trúc khu nhà ở, giờ đây được gọi là khu chung cư cũ thoái trào khi đất nước bước vào thời kỳ “đổi mới”. Sáu mươi năm đã qua kể từ khi những khu chung cư đầu tiên được xây dựng, và cũng đã ba thập kỷ khép lại một trào lưu kiến trúc theo mô hình này ở Hà Nội. Tuy vậy, lý thuyết quy hoạch tiểu khu áp dụng cho mô hình này còn có ảnh hưởng đến tận ngày nay, với tên gọi mới mà cũ “Đơn vị ở”. Bài viết này muốn ngược dòng lịch sử, tìm về nguồn gốc ra đời của mô hình kiến trúc này. Nhìn nhận quá trình phát triển, và nhận diện sự biến đổi cấu trúc không gian của chúng dưới những tác động của mô hình kinh tế, quản lý ở Hà Nội.
Nguyên mẫu Domino năm 1914 của Le Corbusier được dựng tại triển lãm kiến trúc tại Venice – Ý 2014
1- Cội nguồn lịch sử và trào lưu phát triển chung cư ở Châu Âu.
Từ năm 1914, Le corbusier, kiến trúc sư và nhà quy hoạch hiện đại có nhiều ảnh hưởng nhất đã xây dựng hệ thống “Domino” (hình 1), cho phép hoàn thành một cấu trúc được tiêu chuẩn hóa với những chi tiết xây dựng được chọn theo các-ta-lô. Sau ông, Deutscher Werkbund, thuộc trường Bauhaus đã đưa ra luận đề nêu bật việc sản phẩm nghệ thuật cần đặc biệt thức ứng với công nghệ sản xuất công nghiệp và cũng thực tế trong sử dụng.
Và sự xuất hiện của chủ nghĩa duy lý (còn gọi là công năng) hay phong cách quốc tế (1920-1945) với tư tưởng đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ, đòi hỏi các hình thức thẩm mỹ được cách tân. Tất cả đã khiến kiến trúc thời kỳ này được tương đồng hóa cùng một nhịp độ với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai bởi sự ra đời của các dây chuyền sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn. Vấn đề khủng hoảng liên tiếp về nhà ở sau chiến tranh thế giới thứ nhất, đã thúc đẩy việc sử dụng các phòng theo mô hình lắp ghép và sản xuất hoàng loạt. đó là những nền móng cho sự xuất hiện của dạng nhà chung cư tại các nước phương Tây.
Hình 2: Căn hộ dành cho công nhân ở Hoek Van Holland (Hà Lan): thiết kế, xây dựng (1924-1930) và ngày nay
1.21Những khu chung cư xây dựng cơ giới hóa đầu tiên
Ơn-xơ Mây, nhà tư vấn cho công tác quy hoạch của Francfort-sur-leMain từ 1924 đến 1930, là người tiến xa nhất trong phong cách “xây dựng cơ giới hoá” các khu nhà ở trước Đại Thế chiến II. Ngay từ năm 1926, đã có một nhà máy sản xuất các chi tiết xây dựng cho những thành phố trọn bộ, như trường hợp của Rốt-téc-đam (1928-1930). Các căn hộ dành cho công nhân ở Hoek van Holland (Hà Lan) được xây dựng 1925-1930, của J.J. Oud, đồng sáng lập viên tạp chí “Stijl” và là kiến trúc sư trưởng của thành phố Rotterdam, không chỉ là những ví dụ đặc trưng về xây dựng theo phong cách duy lý với những căn hộ song sinh thẳng hàng trong một “khu ở bình dân chỉn chu” (hình 2).
Ở Đức, một phong cách mới lạ mang sắc thái cách mạng tiếp nối mô hình xây dựng cơ giới hóa của Francfort mang tên “khu bếp của Francfort”, do Grete Schütte Lihotzky thiết kế, đã thành công khi xây dựng được ở Béclin (Đức), trung tâm thứ hai sau Francfort dưới thời cộng hoà Weimar, 100.000 căn hộ do Nhà nước trợ cấp năm 1924 1931.
-Hình 3: Bên trái - Khu định cư Hellerhof, Frankfurt (Đức): Thiết kế KTS Hà Lan Mart Stam (1899-1986), xây dựng từ năm 1929-1932; và hình ảnh ngày nay . Bên phải – Khu dân cư tại Britz, Berlin (Đức): Thiết kế KTS Bruno Taut & Martin Wagner, xây dựng từ 1925-1933; và hình ảnh ngày nay
Ở Francfort-sur-le-Main, các dãy nhà được bố trí song song, vuông góc với các phố hơn là các khối chạy dài theo phố. Không gian giữa các dãy đủ để trồng cây. Nguyên tắc dãy nhà không cản trở gì tới việc xây dựng các dự án lớn cầu kỳ như “tòa nhà hình Móng ngựa” của Bruno Taut và Martin Wagner, các nhà quản lý quy hoạch đô thị ở Béc-lin (Đức) (hình 3). Tại nước Áo, nhất là ở thành Viên, người ta đã chọn những toà nhà khổng lồ có sân trong trồng cây, như KarlMarx-Hof, dài hơn 1km. Mục đích của phong cách kiến trúc này là củng cố ý nghĩa tập thể trong các “siêu khối”. Một mục tiêu đã được hoàn thành, bởi các toà nhà sau đó được gọi là “kinh thành đỏ” [1].
1.2 Từ mô hình “Đơn vị ở láng giềng” của Clarence Perry đến lý thuyết “tiểu khu” với các khu chung cư được cơ giới hóa, tiêu chuẩn hóa, tiến tới modul hóa để lắp ghép đại trà ở Liên Xô cũ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Quan niệm tổ chức khu ở thành phố theo các đơn vị ở được đề cập đến trong cuộc thi thiết kế quy hoạch ở Chicago (Mỹ) năm 1916 và đã được Clarence Perry phát triển hoàn chỉnh vào năm 1923. Perry quan niệm thành phố là tập hợp của nhiều đơn vị ở nhỏ và là “đơn vị ở láng giềng” (neighbourhood unit) được chọn là đơn vị cơ sở (hình 4). Mỗi đơn vị ở là một cộng đồng dân cư nhỏ phù hợp với điều kiện và quan hệ xã hội, được trang bị đầy đủ các điều kiện phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của người dân đô thị. Đơn vị ở láng giềng có quy mô 5.000- 6.000 dân, diện tích đủ lớn để có thể đặt ở đó một trường học phổ thông cơ sở cho khoảng 1.000-1.200 học sinh với bán kính phục vụ không quá 1/4 dặm Anh (400m). 1/10 diện tích đơn vị ở được dành để trồng cây xanh. Đường giao thông cơ giới không được tổ chức đi xuyên qua đơn vị ở để đảm bảo điều kiện nghỉ ngơi, giải trí và trẻ em đi lại an toàn.[2]
Hình 4: Mô hình “Đon vị ở láng giềng” (neighbourhood unit) của Clarence Perry
Nhiều nghiên cứu đã nhìn nhận: mô hình ở dạng tiểu khu nhà ở phát triển tại Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sau chiến tranh thế giới thứ II cơ bản dựa vào nguyên tắc tổ chức của đơn vị ở láng giềng của C.Perry và phát triển thêm một số nguyên tắc để phù hợp với tính chất tập thể của cuộc sống mới [2][3]. Những nguyên tắc mới hướng đến sự phục vụ tối ưu nhất điều kiện ở như: giao thông khu vực được tổ chức là các đường cụt, không xuyên qua tiểu khu nhà ở; trong tiểu khu nhà ở chia thêm cấp phục vụ nhóm ở với trung tâm là công trình Mẫu giáo - Nhà trẻ; nhà ở trong tiểu khu nhà ở chủ yếu là nhà chung cư có khoảng không gian cây xanh và vườn trẻ... [3].
Chủ nghĩa duy lý, cũng như thành tựu của các nước Tây Âu trong việc xây dựng cơ giới hóa các khu chung cư được Liên Xô cũ và các nước xã hội hội chủ nghĩa ở Đông Âu tiếp thu, tích hợp trong mô hình tiểu khu nhà ở. Có lẽ mô hình kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa, hình thức “tập thể hóa” ở Liên Xô lúc bấy giờ nhìn thấy niềm tin về thế giới được kế hoạch hóa từ vị kiến trúc sư lỗi lạc trong, một cấu trúc đô thị riêng, như một cách thức để tái thiết và phát triển các thành phố ở Liên Xô
sau sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh.
Hình 5: Lý thuyết tiểu khu (microrayon) và xây dựng các khu chung cư lắp ghép panel tại Maxcova Liên Xô (cũ)
Thực tế đã cho thấy, Liên Xô đã phát triển nhanh nhà ở bằng việc cơ giới hóa và tiêu chuẩn hóa trong giai đoạn 1941- 1959. Qua bẩy năm (1959-1965) đặc biệt chú trọng đến công nghiệp hóa trong xây dựng cơ bản, để sau đó (1965-1991), phát triển mạnh các khu chung cư dạng lắp ghép panel bê tông cốt thép tấm lớn, bằng việc đi từ modul hóa tấm panel đến modul hóa cả khối phòng [4] (hình 5).
2-Sự du nhập và quá trình phát triển mô hình khu chung cư ở Hà Nộ
Sau khi người Pháp rút khỏi Đông Dương 1954-1955, Hà Nội đối mặt với tình trạng khủng hoảng về nhà ở tương tự như ở các nước sau chiến tranh, cộng với quỹ nhà ở quá nghèo nàn do xã hội cũ để lại. Trong khoảng thời gian 5 năm (1956-1960) Hà Nội đã đưa vào xây dựng nhiều khu nhà ở dạng nhà “tạm”, xây dựng rất đơn giản bằng gỗ chỉ từ 1-2 tầng tại An Dương, Phúc Xá, Mai Hương, Đại La… thậm chí thiếu cả khu vệ sinh và bếp như tại khu nhà ở tập thể dốc Thọ Lão và tập thể 8-3. Sự non kém ban đầu trong xây dựng nhà ở tại Hà Nội đã được khắc phục bằng việc du nhập kiến trúc chung cư từ các nước xã hội chủ nghĩa.
2.1 Những thử nghiệm ban đầu
Cuối những năm 50, đầu những năm 60 của Thế kỷ XX, mô hình quy hoạch khu nhà ở do các chuyên gia Liên Xô (cũ) giúp đỡ, và sự trợ giúp của chuyên gia Triều Tiên đã xuất hiện ở Hà Nội. Những kiến trúc song song kiểu tập thể gia đình, được dựng lên ở hai khu nhà ở: Nguyễn Công Trứ, Kim Liên. Cấu trúc cơ bản của khu nhà theo lý thuyết tiểu khu với các tòa nhà công cộng như trường học, cửa hàng bách hóa, thực phẩm… để phục vụ người dân tại các nhóm nhà ở trong bán kính từ 250-500m.
Từ việc bước thử nghiệm mô hình mới với quy mô nhỏ (9ha) ở khu nhà ở Nguyễn Công Trứ, tại địa điểm ven khu phố thời Pháp thuộc – sẵn có hạ tầng kết nối với trung tâm; Hà Nội bắt đầu xây dựng thí điểm khu nhà ở bằng phương pháp lắp ghép tấm nhỏ tại Kim Liên với quy mô lớn hơn (40ha) và ở vị trí xa hơn, cần đầu tư hạ tầng nhiều hơn. Cùng với sự gia tăng về quy mô đất đai, khoảng cách so với trung tâm thành phố, phương pháp xây dựng tại khu chung cư Kim Liên đã thay thế việc xây tay cũng là bước tiến bộ mới.
Giải pháp kiến trúc cùng là kiểu phân đoạn (đơn nguyên) nhưng đã có sự phát triển trong tư duy thiết kế từ 4-5 phòng dùng chung bếp ở và vệ sinh tại khu Nguyễn Công Trứ sang căn hộ 2 phòng có bếp và vệ sinh sử dụng chung ở khu Kim Liên. Tuy nhiên, thực tế sử dụng theo quan niệm tập thể với việc bố trí hai gia đình vào ở một căn hộ, một sự sao chép – lặp lại phương thức sống “tập thể” như tại khu Nguyễn Công Trứ.
Hình 6: Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Kim Liên những năm 1960
Có thể thấy thời điểm xuất hiện mô hình khu nhà ở chung cư ở Hà Nội gần như tương đồng tại nơi lý thuyết quy hoạch kiến trúc này được sinh ra vài năm trước đó. Ở đó, mỗi quan hệ giữa các tòa nhà và không gian công cộng là cân bằng để thúc đẩy các hoạt động mở trong không gian công cộng. Tỷ lệ, mật độ và các dịch vụ được điều phối theo sự cần thiết với một mức chuẩn hóa. Có thể xem đây là kết quả của một hoạt động cộng đồng cho một loại hình mẫu của một đơn vị tự cung tự cấp. Cách thức xây dựng tiến bộ góp phần vào việc giải quyết nhu cầu của người dân Thủ đô khi đó.
Kết quả là trong 3 năm (1960-1963) Hà Nội đã xây dựng được 99.700m2nhà ở. Sự tiến bộ trên nhiều phương diện chỉ trong một giai đoạn ngắn ở khu chung cư Kim Liên so với Nguyễn Công Trứ là khá đáng kể. Tuy nhiên, có thể nhận thấy do hạn chế về vốn đầu tư, và đặc biệt là quan điểm về một mô hình cư trú kiểu “tập thể” với tư duy phân phối theo tiêu chuẩn 4m2/người từ khu Nguyễn Công Trứ dập khuôn máy móc sang khu Kim Liên, đã khiến chất lượng ở vẫn hạn chế do sự gia tăng mật độ gấp đôi so với thiết kế ban đầu. [5]
Hình 7: Phân bố KTT ở Hà Nộ
Khu chung cư được xây dựng tại Nguyễn Công Trứ, Kim Liên vào giai đoạn 1956-1960 (hình 6) là những thử nghiệm, thí điểm một cách thức xây dựng các quần thể nhà ở mới với phương thức sống mới, rời bỏ kiểu nhà phường phố, làng xóm truyền thống. Mô hình hoàn toàn mới ở thời điểm đó xuất hiện tại Hà Nội như một cách tiếp dẫn kiến trúc đương đại vào Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của hình thức kế hoạch hóa xã hội với cơ cấu quy hoạch có tên gọi tiểu khu nhà ở - biến thể kiểu Xô Viết từ lý thuyết đơn vị ở của Tây Âu.
2.2 Sự tiến hóa của mô hình chung cư ở “thế hệ thứ hai và thứ ba”
Trong giai đoạn chiến tranh, việc xây dựng lớn ở Hà Nội bị dán đoạn. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, các khu ở theo mô hình khu chung cư được nhân rộng với những bước tiến mới cả về quy mô, kiến trúc công nghệ xây dựng. Tính đến khi Việt Nam bước vào thời kỳ “Đổi mới”, trong ba thập kỷ Hà Nội đã xây dựng tổng cộng 1.579 nhà chung cư, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư độc lập [6] (hình 7). Một con số không hề nhỏ trong bối cảnh chiến tranh, cấm vận, nguồn vốn và tiềm lực rất hạn chế.
Hầu hết các khu chung cư xây dựng sau này đều kế thừa cơ bản mô hình quy hoạch tiểu khu được xây dựng ở khu Kim Liên. Điều này cho thấy niềm tin vững chắc vào một lý thuyết đô thị của các nhà quy hoạch Việt Nam. Tuy vậy, thực tiễn cũng cho thấy đã có những thay đổi, điều chỉnh nhỏ trong cơ cấu của từng khu do điều kiện thực tiễn.
Hình 8: Khu tập thể Trung Tự, Giảng Võ và Thành Công những năm 1980
- Đầu tiên là sự thích ứng của mô hình với địa hình nhiều ao, hồ của Hà Nội. Các khu chung cư Trung Tự, Phương Mai, Giảng Võ, Thành Công, Nghĩa Tân… hầu hết được quy hoạch trên cơ sở giữ lại một phần các ao hồ tự nhiên, vừa để phục vụ thoát nước, cải thiện vi khí hậu và cũng là
yếu tố cảnh quan của khu vực.
- Nếu như cấu trúc nhóm ở với các dãy nhà chung cư bao quanh hạt nhân là nhà trẻ được coi là thành phần cơ bản không thay đổi, thì việc bố trí các trường học phổ thông (cấp 2) tại một số khu, dù vẫn tuân thủ nguyên lý về bán kính phục vụ, nhưng khá linh hoạt mang tính bổ trợ cho các khu dân cư lân cận. như trường hợp của trường Đống Đa, Khương Thượng… Trường hợp này cho thấy sự phát triển tư duy về một khu ở quy mô lớn “Khương Kim” của Hà Nội.
- Một số công trình công cộng đô thị thậm trí đã được bổ xung, lồng ghép trong khu để phục vụ cho dân cư khu vực rộng lớn hơn như trường hợp bệnh viện xây dựng ở khu Thanh Xuân Bắc, hoặc cũng là để khai thác lợi thế về cảnh quan như công trình khách sạn Hà Nội – công trình cao nhất (11 tầng) được xây ở khu Giảng Võ tính đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX.
- Cấu trúc không gian kiến trúc các khu chung cư được thiết kế ngày một sinh động hơn tiêu biểu là tại khu Giảng Võ và Thanh Xuân Bắc. Các công trình dịch vụ và thương mại được bố trí ở tầng một của các dãy nhà ven đường giao thông thành phố. Đây là giải pháp tốt vừa góp phần đa dạng hóa không gian kiến trúc mặt phố, vừa tăng cường hoạt động kinh doanh như một cách kế thừa tập quán truyền thống.
Nếu như mẫu nhà ở Kim Liên được coi là thế hệ thứ nhất với tiêu chuẩn phân phối 4m2/người, sử dụng phương pháp xây tay, rồi thử nghiệm lắp ghép tấm nhỏ. Trải qua thế hệ thứ hai đại diện tại Trung Tự, Giảng Võ (hình 8), đến thế hệ thứ ba - nhà ở tại tiểu khu Thanh Xuân Bắc (hình 9), các căn hộ được cải tiến phù hợp với khả năng phân phối và điều kiện ở của Thành phố. Cấu trúc căn hộ đã được khép kín hoàn toàn không còn
sử dụng chung bếp và vệ sinh, với tiêu chuẩn được nâng lên 6m2/người. Việc tổ chức không gian theo hình thức ghép nối linh hoạt sinh động hơn, được lắp ghép bởi 70 loại hình cấu kiện khác nhau được sản xuất tại nhà máy bê tông Chèm.[5]
Hình 9: Khu tập thể Thanh Xuân Bắc
3. Sự biến đổi cấu trúc không gian
Có lẽ sự biến đổi cấu trúc không gian ở các khu chung cư này đã manh nha ngay trong quá trình hình thành và phát triển. Cho dù điều này hầu như được ghi nhận lại.
3.1 Sự biến đổi từ mô hình đến thực tiễn
So sánh thiết kế ban đầu và tài liệu ghi chép về tiểu khu Giảng Võ với hiện nay có thể thấy được sự biến đổi ngay trong quá trình hình thành và phát triển của khu chung cư này.
- Cấu trúc tiểu khu được tổ chức gồm 4 nhóm nhà ở vây quanh hồ Giảng Võ và một số công trình công cộng, mỗi nhóm nhà lại được tổ hợp quây quần xung quanh một không gian nhỏ có vườn cây, nhà gửi trẻ và lớp mẫu giáo…[5]. Tuy nhiên, quá trình xây dựng thực tế chỉ hình thành 2 nhà trẻ1 theo đúng quy hoạch. Chức năng nhà trẻ của 2 nhóm ở phía Đông và phía Tây đã được thay thế bằng trường thể thao thiếu niên 10-10 và trường tiểu học Kim Đồng. Trường học ở trung tâm tiểu khu vốn được thiết kế cho 1 trường thực tế cũng biến đổi thành 2 trường học2.
- Một số công trình được xây dựng là nhà ở cũng được điều chỉnh thành
khách sạn, cơ quan ngoại giao ở phía Bắc và Tây Bắc và khối nhà 11 tầng kiểu tháp tại trung tâm [5]. Chưa kể việc khu đất vốn được quy hoạch là không gian cảnh quan ở trung tâm (đầu hồi nhà B6 giáp hồ) lại được bố trí công trình cơ quan, hay ở sân vườn (đầu hổi nhà D2) ven đường Giảng Võ, lại được bố trí thêm khách sạn nhỏ3.
Những thay đổi này được nhận xét là “có làm giảm đi chút ít tính vẹn toàn của tiểu khu, nhưng vẫn được coi là khu ở được ưa chuộng do tổ chức không gian và cảnh quan môi trường tương đối tốt và địa bàn không quá xa trung tâm, đồng thời về mặt phục vụ sinh hoạt cũng khá hoàn chỉnh…” [5]. Có lẽ trước đây, chưa đề cập đến việc hình thành cả các khu nhà ở dạng chia lô xuất hiện ngay trong quá trình hình thành và phát triển khu chung cư Giảng Võ, có thể đây là chủ đề “nhỏ” trong một khu vực xây dựng có nhiều thành công.
- Một dãy nhà được quy hoạch kiểu phân lô được hình thành trong lõi khu C, được hình thành đồng thời với trường thể thao thiếu niên 10-10. Bản chất là việc thu hẹp diện tích trường học để chuyển đổi thành nhà ở.Hình thức tương tự cũng diễn ra tại khu vực giáp phía Nam hồ, kề cận chung cư D6; khi mà diện tích quy hoạch cây xanh – sân vườn biến đổi thành nhà ở phân lô.
- Lác đác ở những khu vực – cũng vốn quy hoạch để dành cho không gian xanh, biến thành nhà ở “bán tự phát” bên cạnh các nhà chung cư trong giai đoạn xây dựng. “Bán tự phát” ở đây để mô tả trạng thái của những ngôi nhà được phép làm lán trại cho công nhân xây dựng khu chung cư. Quá trình xây dựng kéo dài, dẫn đến việc tạm trú dần trở thành thường trú…
3.2 Những biến đổi tự phát sau “Đổi mới”
Nhà ở bước sang giai đoạn phù hợp với tư cách là một thực thể của nền kinh tế thị trường – chi phối bởi tư duy kinh doanh bất động sản, đáp ứng nhu cầu xã hội và tạo nên giá trị thặng dư. Những chung cư cũ nói riêng và tổng thể các khu chung cư cũ âm thầm biến đổi một cách tự phát, như những căn bệnh gậm nhấm âm ỉ trong lòng đô thị Hà Nội mà ta chỉ nhận thấy cho đến khi quá muộn. Việc chuyển đổi tự phát của các khu chung cư cũ trở thành một hiện tượng gây bất ngờ cho sự đa dạng về chủng loại và việc sử dụng các vật liệu tạm thời với sự bất chất của quy luật trọng lực [7].
Những nhà lắp ghép được “ghép” thêm ở phía sau nhằm mở rộng diện tích ở KTT Trung Tự
Với những căn hộ tối đa chỉ 41m2, nhỏ nhất có 16,5m2 thì việc những chung cư cũ oằn mình cõng theo những chiếc “ba lô” diễn ra trong nhiều thập kỷ là hệ quả của việc áp dụng tiêu chuẩn ở thấp (hình 10). Trên bình diện không gian, khoảng cách giữa các tòa nhà thoáng đãng với
việc sử dụng đất có phần rộng rãi, đã trở thành miếng mồi ngon cho hoạt động “xây cơi nới và lấn chiếm” khi chuyển sang cơ chế thị trường, với sự tăn lên vòn vọt của giá đất xây dựng đô thị.
Ở tầng trệt, các cửa hàng mở rộng chiếm phần đất của không gian chung. Nhà ở tự xây dựng mới xuất hiện tràn lan giữa hai tòa nhà và với việc thay đổi như vậy, chúng đã hợp nhất các tòa nhà vốn cách xa nhau trước khi thành một đơn vị duy nhất (hình 11). Vào giữa những năm 90
của thế kỷ XX, do ảnh hưởng của những biến đổi xã hội lớn, dân cư khu chung cư thậm trí tăng gấp bốn lần [8].
Sự biến đổi của không gian một cách tiêu cực, cũng cho thấy sức sống và sự thích nghi của con người trong các khu chung cư cũ, thông qua việc tiến hành sự pha trộn giữa một nền văn hóa không gian mang tính kỹ thuật và một nền văn hóa đại chúng [7]. Điều này rất đáng phải đặt ra cho những nghiên cứu bởi nếu mô hình cư trú được xem xét đến cả khía cạnh lối sống văn hóa truyền thống.
3.3 Những nỗ lực của nhà nước và sự biến đổi có chủ đích
Những nghiên cứu thử nghiệm nhằm khắc phục những nhược điểm của các chung cư cũ đã và đang diễn ra một cách chậm chạm. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, một cấu trúc mới được ghép thêm ở phía sau chung cư cũ ở Trung Tự nhằm mở rộng diện tích cho các căn hộ ở cả 5 tầng (hình 12). Đầu những năm 2000, những nhà chung cư mới B4, B7, B10, B14 mọc lên trên đường Phạm Ngọc Thạch, ở nơi vốn là những khoảng sân trống của khu Kim Liên (hình 13a). Với mô hình này, chính quyền dự định sử dụng để di dời các hộ dân, để tiếp tục xây dựng lại các chung cư cũ theo hình thức cuốn chiếu bằng nguồn vốn kinh phí thu lại từ việc bán các căn hộ ở tòa nhà mới.
Gần đây, rải rác các chung cư cũ D2, C7, B6 trong khu Giảng Võ (hình 13b) hay C1 trong khu Thành Công cũng được thực hiện theo mô hình đầu tư tương tự nhưng theo hình thức xây dựng mới sau khi phá bỏ nhà cũ với quy mô lớn hơn. Trong vòng xoáy của nền kinh tế thị trường, các công ty kinh doanh nhà của nhà nước quản lý việc cho thuê các căn hộ chung cư đã thực sự tỏ ra không kịp thích nghi với sự chuyển đổi. Vai trò và kinh phí để các doanh nghiệp này có thể duy tu, sửa chữa nhà rất hạn chế, người dân sống trong các khu chung cư hầu hết tự sửa chữa nhà.
Để tăng nguồn thu cho ngân sách, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, nhà nước ban hành chính sách bán căn hộ thay vì cho thuê như trước đây. Chính sách này cũng nhằm làm giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp kinh doanh nhà trong công tác quản lý, và để người dân được chủ động thực thi các quyền dân sự của mình đối với tài sản có giá trị nhất của mình.
Có thể chính sách này ra đời cũng bởi sự phân quyền quản lý giữa hai lĩnh vực xây dựng với đất đai. Tuy nhiên, việc biến đổi trạng thái pháp lý từ thuê nhà sang việc sở hữu riêng căn hộ thực sự đang là trở ngại cho việc cải tạo các khu chung cư cũ hiện nay.
Những công trình cao tầng mới thay thế các nhà lắp ghép cũ ở KTT Kim Liên, Giảng Võ
Ở khía cạnh khác, nhiều công trình có chức công cộng, cơ quan cũng dần thay thế những công trình vốn mang dáng dấp chung cư ban đầu bằng những kiến trúc mới, cao hơn tân kỳ hơn và đương nhiên mật độ xây dựng cũng lớn hơn; đó là những tòa nhà trên đường Kim Mã.
Thậm trí có những khu còn bố trí thêm các nhà ở mới như tại chung cư hỗn hợp GTC 15-17 Ngọc Khánh, hay xen cấy bên cạnh tòa nhà cũ như trường hợp KS Hà Nội. Hầu hết sự biến đổi này sảy ra đối với các trường hợp đất đai thuộc về các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa, và công trình kiến trúc thuộc sở hữu của doanh nghiệp – ít chủ thể nhất để dễ thực thi nhất.
Như vậy có thể, thấy thử nghiệm và những nỗ lực chủ động hay bị động của các chủ thể có liên quan đến khu chung cư cũ đều nhằm đến việc kiên cố hóa, mở rộng quy mô xây dựng, gia tăng quy mô dân số và phức hợp hóa công trình với hệ thống dịch vụ, văn phòng… Có thể nói tư duy áp dụng đối với khu Kim Liên đã thất bại, bởi việc di dân từ các chung cư cũ để cải tạo, xây dựng lại không đạt được. Các dãy nhà cũ vẫn tồn tại và những khoản sân cũ quý giá mất đi theo một cách chính danh. Cách xây dựng lại cục bộ sau đó ở Giảng Võ hay Thành Công đang được coi là hợp lý ở khía cạnh mô hình kinh doanh, bởi xét cho cùng cơ chế thị trường là nguồn gốc của sự thịnh vượng.… Nhưng mô hình này đang vấp phải những rào cản nhất định bởi những mâu thuẫn trên nhiều khía cạnh đặc biệt là sự gia tăng mật độ đô thị, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng vốn hầu như không có sự biến đổi so với nguyên gốc.
4-Kết luận
Đáng ngạc nhiên, khi nhận thấy mô hình chung cư ở các nước phương Tây, đến nay vẫn tồn tại mà hầu như không bị biến đổi. Rất nhiều trong số đó được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Chính sách cho thuê nhà gần một thế kỷ qua cũng cơ bản được giữ nguyên ở các nước tư bản chủ nghĩa. Có lẽ tính ổn định trong phát triển, sự tôn trọng lịch sử và chính sách kiểm soát dân số, xây dựng đã tạo nên kết quả như vậy. Đây có lẽ là một kinh nghiệm cần được nghiên cứu học học. Bài học về công nghiệp hóa việc xây dựng nhà ở còn nguyên giá trị cho việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho số đông phần lớn là các đối tượng có thu nhập thấp: giai cấp công nhân, người lao động...
Hà Nội đang tiến hành quy hoạch cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ với nhiều trở ngại: sự mâu thuẫn trong việc hạn chế quy mô dân số, tính pháp lý của việc sở hữu căn hộ của người dân, việc thảo luận với người dân sở tại, và lợi nhuận kinh tế mong muốn của những nhà đầu tư. Đã có những ý kiến chuyên môn hay của những bạn bè quốc tế cho rằng: tồn tại những mô hình có lợi để cải tạo các khu tập thể mà không phải hy sinh nét đặc sắc của chúng...”. Bởi họ nhận thấy dù nó dung dị, giản đơn... đang bị lu mờ bởi những bất cập hiện tại... nhưng lại phản ánh chân thực thời đại mà chúng sinh ra, là ký ức sống động của Hà Nội thời gian khó.
GS. Trịnh Duy Luân cho rằng mô hình nhà ở XHCN - các Khu tập thể được xây dựng ở Hà Nội và các TP lớn của miền Bắc trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung bao cấp (1960-1985) có giá trị lịch sử và đương đại. Đó là:
- Giá trị xã hội - nhân văn, thể hiện ở chính sách nhà ở như một quyết tâm chính trị của nhà nước, nhằm cung cấp nhà ở cho người dân trong thời kỳ này;
- Giá trị kiến trúc - quy hoạch, với dấu ấn của trào lưu kiến trúc hiện đại từ châu Âu qua Liên Xô đến Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử kiến trúc - quy hoạch nhà ở đô thị Việt Nam;
- Chủ nghĩa quốc tế với nhiều dự án của các nước XHCN hỗ trợ Việt Nam xây dựng các đô thị, trong đó có các Khu nhà ở tập thể;
(4) Giá trị xã hội - văn hóa, thể hiện ở lối sống đô thị đặc thù của cư dân các khu tập thể, với tính gắn kết cộng đồng truyền thống như một di sản và những hoài niệm;
(5) Giá trị sử dụng và giá trị trao đổi trên trên thị trường nhà đất hiện nay, trong bối cảnh thị trường nhà ở và BĐS hiện nay. [9] Đô thị đã và đang phát triển theo nhiều xu hướng và trào lưu mới, mô hình “đơn vị ở” cũng đang biến đổi cả trên lý thuyết & thực tiễn [10] và có lẽ vai trò lịch sử của nó sẽ không còn. Tuy nhiên, lịch sử về tư tưởng và thực chứng hơn là lịch sử một thành phố, cả về môi trường xây dựng và đời sống tinh thần của nó đều mang tính liên tục và giàu bản sắc. Các khu tập thể như một mô hình cư trú, mô hình nhà ở ngự trị suốt nửa thế kỷ phát triển đô thị Việt Nam, nếu bị lãng quên sẽ là một khoảng trống, một sự đứt đoạn trong dòng chảy lịch sử ấy. Không phải như vậy là níu giữ tất cả để trở thành rào cản cho phát triển, nhưng để giải bài toán phát triển hài hòa có lẽ cần một tư duy mới cho những chung cư cũ, mà không nên bỏ qua phương án bảo tồn các kiến trúc ở một giai đoạn lịch sử của Thủ đô./.
TS. KTS. VŨ HOÀI ĐỨC
Từ khóa: khu chung cư, nhà lắp ghép
(1) Trường mầm non Tuổi Hoa và mầm non thực hành Hoa Sen.
(2) Trung HCS Giảng Võ và THPT Hà Nội – Amsterdam (sau này được bàn giao cho trường THPT Nguyễn Trãi).
(9) Lần lượt là các công trình: KS Sao Phương Đông, GTC Thăng Long, KS Hà Nội và KS Phương Đông.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Jan Gympel và các cộng sự (1996), Lịch sử kiến trúc từ cổ đại đến ngày nay, NXB Könemann, Berlin.
2. Đại học kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (2006), Lý thuyết quy hoạch đô thị, NXB Xây dựng, Hà Nội.
3. Trường đại học Kiến trúc Hà Nội (2009), Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, NXB Xây dựng, Hà Nội.
4. Đặng Hoàng Vũ (2016), Ảnh hưởng của kiến trúc Xô Viết đối với kiến trúc nhà ở và công cộng tại Hà Nội giai đoạn 1954-1986, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Hà Nội.
5. Trần Hùng & Nguyễn Quốc Thông (2000), Thăng Long - Hà Nội mười thế kỷ đô thị hóa, NXB Xây Dựng, Hà Nội.
6. Sở Xây dựng Hà Nội (2020), Hội thảo: “Cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, (12.4.2021), Hà Nội.
7. Matteo Aimini (2018), Hà Nội 2050 những câu chuyện về một thành phố châu Á, NXB Thanh Niên, Hà Nội.
8. Pierre Clément, Nathalie Lancret (2005), Hà Nội - Chu kỳ của những đổi thay, NXB Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.
9. Trịnh Duy Luân (2023), Những giá trị lịch sử và đương đại của mô hình nhà ở xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Tạp chí kiến trúc số 1/2023, Hà Nội.
10. Trương Văn Quảng (2023), Đơn vị ở và câu chuyện của tương lai, Tạp chí quy hoạch đô thị số 49, Hà Nội.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.