Chung tay đẩy lùi 'ô nhiễm trắng' - Bài cuối: Kiểm soát môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển

​MTXD - Các tỉnh Nam Trung Bộ có lợi thế thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng từ kinh tế biển. Việc kiểm soát chặt môi trường, ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm rác thải nhựa sẽ góp phần phát huy giá trị, lợi thế lớn từ biển mang lại.

MTXD - Các tỉnh Nam Trung Bộ có lợi thế thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng từ kinh tế biển. Việc kiểm soát chặt môi trường, ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm rác thải nhựa sẽ góp phần phát huy giá trị, lợi thế lớn từ biển mang lại.

Cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) được hồi sinh với làn nước trong xanh, bờ cát dài mịn màng không rác thải nhựa (chụp ngày 26/5/2023). Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Thực thi khung pháp lý

Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, tại Việt Nam, khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường; 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới) nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Nghị quyết đề ra mục tiêu, đến năm 2030 nước ta ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải đại dương đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Đây là khung pháp lý quan trọng để các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương gắn với thực tiễn địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, để góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, tỉnh đang có nhiều giải pháp chiến lược giảm thiểu, đẩy lùi rác thải nhựa. Ngày 31/8/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025. Kế hoạch này đề ra các mục tiêu: Giảm 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom. 70% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác vùng ven biển, hải đảo không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. 70% diện tích Khu Bảo tồn biển Lý Sơn không còn rác thải nhựa….

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nằm cách đất liền 15 hải lý (khoảng 30km). Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Trước mắt, Quảng Ngãi tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Trong đó, tỉnh đặc biệt tập trung vào các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ, đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện đồng bộ việc kết hợp các công cụ kinh tế một cách hiệu quả dựa. Việc này thực hiện trên nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả tiền và người được hưởng lợi phải trả tiền, người xả thải càng nhiều chất thải càng phải trả nhiều phí.

Quảng Ngãi xác định kiểm soát, xử lý rác thải nhựa tại nguồn, hạn chế tiến tới loại bỏ hoàn toàn chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Tỉnh chuẩn bị đầy đủ hạ tầng để thực hiện tốt kế hoạch phân loại rác tại nguồn, thu phí rác sinh hoạt thực hiện đồng loạt tại các địa phương, chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Đồng thời, tỉnh xây dựng, nhân rộng mô hình quản lý rác thải dựa vào cộng đồng tại tất cả khu dân cư ven biển của tỉnh và huyện đảo Lý Sơn, góp phần nâng cao công tác quản lý rác thải nhựa đại dương.

Kiểm soát môi trường

Mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa ở xã Đảo Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên đã tham mưu UBND tỉnh kêu gọi nguồn lực hỗ trợ từ Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (Greenhub) triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm thải nhựa phát sinh vào môi trường.

Dự án “Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” tại Phú Yên thực hiện từ năm 2022-2025 do WWF-Việt Nam tài trợ. Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hình thành mô hình trường học không rác nhựa, mô hình phân loại rác chợ và khu dân cư. Greenhub hỗ trợ cung cấp các kiến thức về rác thải nhựa; hình thành mô hình “Chung tay bảo vệ Khu dân cư ven biển Xanh - Sạch - Đẹp” tại huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu; mô hình “Trạm làm đầy nước tẩy rửa sinh học - Giảm rác thải khu dân cư” tại huyện Phú Hòa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo chia sẻ: Đảng bộ và chính quyền tỉnh luôn quán triệt quan điểm phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn lợi từ biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển và xâm thực, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

Tỉnh Phú Yên đã tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện nhiều dự án về bảo vệ môi trường như: Tăng cường năng lực cộng đồng bảo tồn rạn san hô Hòn Yến; thu gom rác thải nhựa ngoài biển với sự đồng thuận của cộng đồng ngư dân. Tỉnh phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga hợp tác nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái... Tất cả đều hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, gắn liền với việc bảo vệ môi trường.

Vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực ven biển nói chung và tại các vịnh, đầm trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói riêng đã được các cấp, ngành trong tỉnh sớm xác định cần giải quyết. Là cơ quan quản lý trực tiếp vấn đề môi trường, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ  tăng cường các hoạt động tuyên truyền để xây dựng thêm nhiều mô hình phân loại, giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, Sở tiếp tục kêu gọi các tổ chức phi chính phủ quan tâm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, con người và tài chính nhằm quản lý tốt rác thải, nhất là khu vực ven biển.

Tỉnh Bình Định và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý là nội dung kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải; kinh tế biển xanh, bao gồm quy hoạch không gian biển và quản lý tổng hợp đới bờ; thích ứng biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học... Đây là những lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh.

Thu gom rác thải nhựa dưới biển xã đảo Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: TTXVN phát

Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết, giải quyết vấn đề chất thải nhựa đại dương là vấn đề quan trọng đối với "sức khỏe" của đại dương, con người và hành tinh. UNDP kỳ vọng cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) sẽ có thể xử lý 2 - 4 tấn nhựa mỗi ngày để tái sử dụng; giúp thành phố Quy Nhơn ngăn chặn việc phải chôn lấp rác thải nhựa hoặc rò rỉ ra biển. Bà hy vọng, dự án đang triển khai và dự án mới về quản lý rác thải nhựa đại dương cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định và các cơ quan liên quan có thể tạo thành hành động tập thể nhằm cải thiện quản lý chất thải và rác thải nhựa, làm giảm ô nhiễm nhựa ở Bình Định, sẽ là mô hình điểm để nhân rộng ra các tỉnh thành khác tại Việt Nam và khu vực ASEAN.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa Nguyễn Thị Lan cho rằng, để giải quyết vấn nạn rác thải nhựa trên biển, ý thức của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nilon, rác thải nhựa trên biển cần được thực hiện thường xuyên. Mặt khác, để bảo vệ môi trường trên biển cần có một chế tài đủ mạnh để người dân tuân thủ và thực hiện đúng theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng như cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung.

Việc bảo vệ môi trường phải được phân cấp đến các địa phương. Do đó, vai trò của các đơn vị, địa phương trong việc vận động, thu gom cần được làm thường xuyên, xuyên suốt. Việc đầu tư hạ tầng với công nghệ tiên tiến xử lý rác thải sinh hoạt nói chung, rác thải nhựa nói riêng để bảo vệ môi trường cũng cần được quan tâm, chú trọng; nuôi trồng thủy sản nên theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường theo định hướng của kinh tế biển xanh nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ô nhiễm rác thải nhựa vùng biển không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, hệ sinh thái mà còn tác động đến phát triển kinh tế, cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh lương thực. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, cùng sự chung tay hành động của người dân, doanh nghiệp, trong hạn chế rác thải nhựa, những nỗ lực trên đang góp phần để môi trường vùng biển Nam Trung bộ thật sự xanh, sạch, đẹp.

Theo Nhóm phóng viên CQTT tại Nam Trung Bộ (TTXVN)- Báo tin tức

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.