Chuyện kể ở vùng “quốc bảo”
MTXD - Trên đỉnh mù sương của dãy Ngọc Linh, “thuốc giấu” của người dân Xê Đăng, Giẻ Triêng nơi đại ngàn này chẳng ngờ lại được thành “Quốc bảo”, không chỉ mang lại ấm no mà còn góp phần làm rạng danh xứ sở trên bản đồ dược liệu thế giới.
“Quốc bảo” trên đỉnh mù sương
Đứng trên mép núi, nơi những làn sương mờ lãng đãng phủ kín phía làng thung, anh Hồ Văn Tấn (thôn 3, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) hồ hởi chỉ tay lên những rặng cây rừng, bảo rằng thuốc giấu ở đó, có ở khắp mọi nơi của vùng núi Trà My (Quảng Nam), sang tận Đăk Glei (Kon Tum). Nhưng, muốn tìm nó không phải dễ. Thuốc giấu mọc ở rừng, là loại sâm Ngọc Linh tự nhiên nổi tiếng không chỉ trong nước, mà còn trên thế giới, sánh ngang với các loại sâm của Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản...
Việc bảo tồn và nhân giống sâm Ngọc Linh được tiến hành tại Trạm dược liệu Trà Linh (Quảng Nam).
Sở dĩ gọi là thuốc giấu, bởi hàng trăm năm qua người dân Xê Đăng, Giẻ Triêng ở dãy núi Ngọc Linh này đã biết tới loại sâm này. Thủa ấy, ở những ngọn núi trên độ cao hơn 1500m so với mực nước biển này này, khi trời chuyển đông, cái lạnh giá như cắt đứt da thịt. Người Xê Đăng, Giẻ Triêng vùng núi Ngọc Linh phải dùng thứ bột lá thuốc chống lạnh bí truyền tên “kă crâu” để vượt qua mùa đông. “Kă crâu” có nghĩa là thuốc giấu, tức loại thuốc chẳng ai biết tên nằm trong đất dưới những tảng lá rừng mục nát và rất khó tìm vào mùa đông. Chỉ những người có tâm, và thực sự hiểu biết về núi về rừng mới có thể tìm được. Anh anh Hồ Văn Tấn bộc bạch như thế.
Sâm Ngọc Linh được trồng bằng hạt hoặc củ, những cây giống được bảo vệ nghiêm ngặt.
Thế rồi, những năm chống Mỹ cứu nước, nhiều chiến sỹ giải phóng bị thương ở vùng núi này được người dân đắp lá, tẩm bổ bằng một loại cây rừng. Họ phát hiện ra đặc tính có một không hai của loại thuốc giấu này. Và cứ thế, bộ đội ta phát hiện khoảng vào năm 1973. Qua thực tế chữa bệnh cho thương - bệnh binh và những nghiên cứu khoa học bước đầu đã có thể kết luận sâm Ngọc Linh là một dược liệu quý. Sâm Ngọc Linh là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới, chỉ mọc ở nơi có độ cao từ 1.200 m trở lên. Thân và rễ của sâm Ngọc Linh có tới 52 saponin (đây là thành phần chính của nhân sâm, càng nhiều saponin càng tốt). Có 26 saponin thường thấy ở nhân sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật Bản và 26 saponin mới phát hiện. Người ta xếp sâm Ngọc Linh cùng sâm Triều Tiên, sâm Mỹ là ba loại sâm tốt nhất thế giới.
Việc trồng sâm Ngọc Linh tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định để bảo tồn nguồn gene thuần chủng của loại dược liệu quý hiếm này.
Kể chuyện về sâm, già làng Hồ Văn Du cười móm mém bảo, trước năm 2000, sâm này rẻ lắm! Già Du nhớ, năm 1994 già tìm được một ít sâm, lội bộ hơn 1 ngày đường ra chợ Tăk Pỏ thấy mọi người gùi từng gùi đi bán như khoai lang. Một ký lô sâm đủ tuổi chỉ khoảng hơn 1.000 đồng. Mà người ta còn mua với tâm lý bán tin bán nghi, sắc lên uống như nước chè vậy. Có người như ông Nguyễn Cao Bằng (thôn Tắk Lang) thời điểm những năm 90 khi biết đến loại sâm này cũng đã bắt đầu trồng thử, nhưng khi đó mỗi ký sâm Ngọc Linh chỉ có giá khoảng vài ngàn đồng, thậm chí có lúc không bán được, sâm bị úng khiến ông thua lỗ. “Vậy mà ngoảnh lại, khi giá sâm Ngọc Linh tăng chóng mặt, đống lá ngày nào chỉ biết nấu nước uống nay đã hơn 10 triệu đồng mỗi ký lá tươi. Còn sâm củ thì đúng là một tấc lên trời, có thời điểm lên đến 15 - 200 triệu/kg. Vậy là tiền thi nhau đổ về, người dân ở đây đổi đời từ đó!”, Nguyễn Cao Bằng kể lại.
Từ khi có dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2016. Đến tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Sâm Ngọc Linh là sản phẩm Quốc gia. Cây sâm Ngọc Linh đã trở thành “quốc bảo”, là loại cây làm giàu cho bà con Xê Đăng. Từ đó, bà con nhận thấy giá trị từ rừng già và bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Bây giờ thì ngay tại thị trấn Tăk Pỏ (Nam Trà My) hay trên vùng Đăk Glei (Kon Tum) này, muốn mua sâm Ngọc Linh cũng chẳng dễ.
6,7: Hồ Văn Tấn là thổ địa vùng sâm nà, anh kể rất nhiều chuyện về vùng sâm Ngọc Linh.
Bắt đầu từ năm 2019, UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã tổ chức những Phiên chợ Sâm Ngọc Linh hàng tháng, với số lượng hàng chục gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các sản phẩm làm ra từ các làng nghề trên địa bàn tỉnh, nhất là những sản phẩm đặc trưng của huyện Nam Trà My như: Sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu. Những phiên chợ sâm ấy đã thu về vài tỷ, vài chục tỷ từ sâm khiến người trồng sâm viên mãn.
Mỗi kg sâm Ngọc Linh hiện nay có giá dao động từ 70 triệu đến hơn 190 triệu đồng tùy theo độ tuổi của sâm. Nhờ giá bán cao như vậy, đời sống của hàng trăm hộ đồng bào Xê Đăng, Ca Dong ở huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã trở nên giàu có, hàng ngàn hộ đồng bào khác đã coi việc giữ rừng, trồng sâm là một nghề mới để vươn lên làm giàu. Bây giờ, nhìn ngôi làng bề thế kiên cố nơi đỉnh Ngọc Linh, ít ai biết được, khoảng chục năm về năm trước, về xã Trà Linh này tìm “đỏ mắt” mới thấy một căn nhà đúng nghĩa, bởi hầu hết đều nghèo xơ xác. Trà Linh trước đây là xã khó khăn nhất của huyện Nam Trà My, bao đời nay, người dân chủ yếu phát nương làm rẫy để mưu sinh, rừng già vì thế cứ thu hẹp dần, thay vào đó là những nương ngô, rẫy lúa.
Hạt sâm ngọc Linh được bảo vệ khỏi thú rừng.
Nhưng nay, đã qua rồi cái thời đói đến mờ mắt và nghèo nàn, nhà cao tầng đã mọc san sát, đường ô tô cũng vào tận thôn làng heo hút trên đỉnh mây mù này. Ngay như bản làng cuối cùng là làng Tắk Lang nằm cao nhất trên sườn núi Ngọc Linh nơi đây được xem là làng tỉ phú đầu tiên, bởi các đại gia sở hữu những vườn sâm “khủng” đều đang an cư, lạc nghiệp ngay chính ngôi làng này. Hoành tráng nhất vùng là cơ ngơi của gia đình “vua sâm” Hồ Văn Hình, người có vườn sâm lớn nhất làng. “Bao đời nay người dân ở làng sống đều nhờ vào rừng. Cây sâm Ngọc Linh cũng nhờ thần rừng ban tặng. Chúng tôi sẽ dồn mọi tâm huyết để giữ những cánh rừng còn sót lại để nuôi cây sâm. Mình giữ rừng, mai sau con cháu còn có nguồn thu từ cây sâm nữa!”, già làng Hồ Văn Du chia sẻ.
Bảo vệ cho “quốc bảo”
Từ khi có dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2016, cây sâm Ngọc Linh đã trở thành “quốc bảo”. Thì sâm Ngọc Linh đã thực sự quý như sâm, đã trở thành “của hiếm” ngay trên mảnh đất sản sinh ra nó. Nhưng giữ và nhân giống nguồn sâm Ngọc Linh để chuyển giao cho đồng bào dân tộc thiểu số, để cải thiện đời sống người dân, để vùng đất núi ngàn đời nghèo khó này giàu lên là một công việc khó khăn và nhiều vất vả. Nhưng rồi tất cả đã làm được!
Hạt sâm Ngọc Linh khi chín có màu đỏ, tỏa hương thơm.
Sau rất nhiều cố gắng, các địa phương của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã xây dựng được những Trạm dược liệu Trà Linh (thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh, cũng như một số công ty chuyên bảo tồn, nhân giống sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Cùng với đó, Kon Tum, Quảng Nam là 2 địa phương được cấp chỉ dẫn địa lý Sâm Ngọc Linh.
Thổ địa Hồ Văn Tấn chia sẻ, mùa đông như thời điểm này là cây sâm đang ngủ. Sâm Ngọc Linh có thể nhân giống bằng củ và hạt. Ở đây người Xê Đăng và các công ty được phép trồng sâm sử dụng chủ yếu là hạt để gieo giống. Mỗi năm sâm chỉ có mỗi đốt mới trong khi một chùm hoa có thể thu được 17-18 hạt. Hạt sâm không cần xử lý, ngay sau khi hạt chín là gieo luôn xuống đất. Theo các tài liệu nghiên cứu về sâm Ngọc Linh, thì khoảng tháng 3 từ rễ củ dưới đất, sâm Ngọc Linh đâm lên một cuống lá rồi tỏa ra bốn cánh đều nhau hình chân vịt. Vài tháng sau từ đỉnh cuống nhô lên một chùm hoa vàng nhạt, tỏa hương thơm. Mỗi năm sâm chỉ ra được một đốt và mỗi đốt chỉ duy nhất một lá đó. Đến tháng 8 khi hạt chín thì lá cũng lụi dần và sâm chuyển sang thời kỳ “ngủ đông”, cho đến sang năm mới lại bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng mới. Hạt sâm gieo xuống đất, phải đợi đến 5 tháng mới nhú mầm. Một năm chỉ có 6 tháng được thấy sâm hiển hiện trên mặt đất.
Từng có người mang hạt giống giả sâm Ngọc Linh bán vào vùng sâm.
Những ngày này trời mùa đông, trên đỉnh mù sương trời lạnh cắt da cắt thịt. Chúng tôi đi qua những luống sâm được phủ kín lá mục. Nếu không được nói cho từ trước, chúng tôi chẳng thể biết ở phía dưới lòng đất là cả một kho báu của đất trời đang ngủ yên. Thi thoảng, chỉ còn một vài cây sâm ra hạt muộn, được nhân viên ở Trạm dược liệu Trà Linh lấy lưới mắt nhỏ bảo vệ chùm hạt đỏ tươi. Những hạt đỏ nhỏ bé này là nguồn giống quý giá để tiếp tục bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Người trồng sâm đã chủ động thu hoạch hạt sâm để gieo cây tạo giống mới, cắt lá sâm đem bán, gọi là “dưỡng sâm”, bởi nếu cứ để cây sâm nuôi lá trong quá trình héo rũ, củ sâm sẽ bị suy kiệt trong mùa “ngủ đông”. Sau khi cắt hết lá, người dân lấy lau hoặc lá mục che phủ một lớp dày nhằm giữ ẩm cho củ sâm và chống xói mòn nếu có mưa to tạo thành dòng nước chảy ngang vườn sâm. Sau đó, tạo rãnh, đường thoát nước tránh tình trạng nước tràn sẽ cuốn trôi củ sâm.
Ngoài chăm sóc cây sâm, những người trồng sâm ở Ngọc Linh còn phải đối mặt với thiên tai, dịch họa, và cả nhân tai. Thiên tai thì là thời tiết mưa nắng khắc nghiệt, ảnh hưởng lớn tới việc trồng sâm. Dịch họa là những loại chim, chuột. Ở Trà Linh này có một loại chuột sâm, chỉ chuyên ăn sâm. Chưa kể tới nhím, sóc, dúi, tê tê…cũng rất thích loại cây này.
Nhưng, ngoài thiên tai và dịch họa, còn có một “cuộc chiến” khác với những kẻ trộm sâm. Vườn sâm là cả một kho báu với giá trị tiền tỷ, thậm chí chục tỷ, vậy nên người dân phải canh gác vườn sâm 24/24 giờ. Ở vùng Ngọc Linh, mọi người canh sâm theo chốt. Theo thống kê, có tất cả 47 chốt ở vùng sâm Trà Linh này. Anh Hồ Văn Tấn chia sẻ, một luật bất thành văn ở vùng sâm này là ca trông sâm nào nào làm mất thì sẽ phải đền sâm cho những hộ gia đình cùng chốt. Ban ngày, thì trồng và bảo quản sâm, ban đêm phải tuần tra vườn sâm để đề phòng kẻ trộm sâm. Nhưng vẫn có rất nhiều vụ trộm sâm đã xảy ra, điển hình nhất là mới đây từ ngày 14 đến ngày 22/112021, tên trộm Hồ Văn Nhất đã nhiều lần lén đột nhập vào chốt sâm Băng Nao nhổ trộm 72 gốc sâm Ngọc Linh trị giá hơn 80 triệu đồng đem bán.
Từ năm 2019, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) thường xuyên tổ chức các hội chợ sâm và thu về hàng chục tỷ đồng mỗi phiên.
Không chỉ thế, vùng sâm các địa phương như Nam Trà My (Quảng Nam), hay Tu Mơ Rông, Đăk Glei (Kon Tum) còn phải đối mặt với tình trạng sâm Ngọc Linh giả. Giá trị dinh dưỡng cao, Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum chưa bán, hiện rất khan hiếm nên giá thành đẩy lên rất cao. Có thời điểm tại Kon Tum, chính quyền địa phương phát hiện tình trạng một số người, vì muốn tạo niềm tin cho khách mua cũng đã mang cả sâm giả lên các cánh rừng ở núi Ngọc Linh trồng. Hay một số người sử dụng hạt giống và củ có hình dạng giống sâm Ngọc Linh mang từ Trung Quốc vào vùng Kon Tum và Quảng Nam trồng. Điều này khiến cây sâm Ngọc Linh gốc bị lai tạp từng ngày, làm mất nguồn gen gốc. Chưa kể, việc bán sâm giả, mạo danh sâm Ngọc Linh bán tràn lan trên mạng, trên các hội chợ cũng làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của sản phẩm sâm Ngọc Linh. Thực chất, những giống và sâm bán ra thị trường hiện nay đa số giả, tỷ lệ 70-80%, sâm giả và chỉ người trồng có kinh nghiệm mới phân biệt được. Cuộc chiến với sâm Ngọc Linh giả không chỉ từ người trồng sâm, chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng mà của cả hệ thống.
Mùa đông ở vùng “quốc bảo”, ở phía bên trên tầng cây những vạt nắng buổi trưa hiếm hoi xuyên qua tán lá, soi những đường nắng chéo xuống vườn sâm đang vào thời kỳ “ngủ đông”. Và biết đâu đấy, từ thánh địa sâm Ngọc Linh này, sẽ trở thành “Cường quốc nhân sâm” như mong muốn của mọi người.
Tiêu Dao – Hồ Ý
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.