Cơ chế phòng, chống tham nhũng và sự tham gia của truyền thông đại chúng

​1. Tham nhũng và nguyên nhân hình thành tham nhũng Tham nhũng là hiểm họa đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Do sự khác nhau về truyền thống, lịch sử, văn hóa, chế độ chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội…nên ở các quốc gia khác nhau, khái niệm tham nhũng cũng được giải thích theo các cách khác nhau.

1. Tham nhũng và nguyên nhân hình thành tham nhũng

Tham nhũng là hiểm họa đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Do sự khác nhau về truyền thống, lịch sử, văn hóa, chế độ chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội…nên ở các quốc gia khác nhau, khái niệm tham nhũng cũng được giải thích theo các cách khác nhau. Theo từ điển Tiếng Việt, “tham nhũng là lợi dụng quyền hạn để nhũng nhiễu dân và lấy của”[1]. Theo Từ điển Oxford thì tham nhũng là sự bóp méo hoặc phá hoại tính liêm chính trong thực hiện công vụ bởi hối lộ hay thiên vị. Từ điển Bách khoa của Cộng hòa Liên bang Đức giải thích tham nhũng là hiện tượng mất phẩm chất, hối lộ, đút lót thường xảy ra đối với công chức có quyền hành. Tài liệu hướng dẫn của Liên Hợp quốc về cuộc đấu tranh quốc tế chống tham nhũng cho rằng: tham nhũng - đó là sự lợi dụng quyền lực nhà nước để trục lợi riêng. Theo Ngân hàng thế giới tham nhũng là việc lợi dụng quyền lực công cộng nhằm lợi ích cá nhân. Tổ chức Minh bạch quốc tế - tổ chức phi chính phủ đi đầu trong nỗ lực chống tham nhũng toàn cầu lại đưa ra khái niệm: Tham nhũng là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ lợi ích cá nhân. Ngân hàng Phát triển Châu Á có quan niệm rộng hơn về tham nhũng, đó là lạm dụng chức vụ công hoặc chức vụ tư để tư lợi. Ở Việt Nam, Luật phòng, chống tham nhũng 2018 quy định “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”[2].

Tham nhũng có hai yếu tố cơ bản: yếu tố lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ quyền hạn và yếu tố vụ lợi. Như vậy, lạm dụng chức vụ, quyền hạn hay thực chất là lạm quyền để mang lại lợi ích cho bản thân, cho người thân, cho cơ quan, tổ chức... là biểu hiện mang tính bản chất của hành vi tham nhũng. Tham nhũng tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau như tham nhũng vật chất, tham nhũng quyền lực hay tham nhũng lớn, tham nhũng vặt, tham nhũng chính trị, tham nhũng hành chính, tham nhũng kinh tế, là hệ quả tất yếu của những kẽ hở trong quản lý kinh tế - xã hội. Bất cứ lĩnh vực nào tồn tại lỗ hổng về mặt quản lý thì nơi đó, sai phạm, tham nhũng có “đất” để nảy sinh.

Căn cứ theo những tiêu chí khác nhau, người ta có các cách phân loại tham nhũng khác nhau: Một là, căn cứ vào mức độ tham nhũng, thì tham nhũng có thể phân chia thành hai loại: Tham nhũng lớn và tham nhũng nhỏ; hai là, dựa trên mức độ chủ động của đối tượng có hành vi tham nhũng thì tham nhũng có thể được chia thành hai loại: tham nhũng chủ động và tham nhũng bị động; ba là, theo tiêu chí lĩnh vực có thể chia thành: Tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế là tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ…; Tham nhũng trong lĩnh vực chính trị và tham nhũng trong lĩnh vực hành chính. Bốn là, căn cứ theo tiêu chí giới hạn phạm vi lãnh thổ mà hành vi tham nhũng xảy ra thì tham nhũng được chia thành hai nhóm: Tham nhũng trong nội bộ quốc gia và tham nhũng xuyên quốc gia; năm là, căn cứ theo phạm vi tham nhũng, thì tham nhũng được chia thành hai loại: tham nhũng trong lĩnh vực công và lĩnh vực tư; sáu là, theo tính chất của hành vi, tham nhũng có thể được phân loại thành: tham nhũng cá nhân đơn lẻ và tham nhũng có tổ chức. Tuy nhiên, việc phân loại tham nhũng theo các cách trên chỉ là tương đối bởi trên thực tế, hành vi tham nhũng thường diễn ra rất đa dạng, phong phú, tinh vi và phức tạp, các loại hình tham nhũng thường thâm nhập vào nhau.

Tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ với các mức độ khác nhau. Có nhiều nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, trong đó có thể kể đến những nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng là do lòng tham của con người. Lòng tham tồn tại như một thuộc tính cố hữu của con người - là một “tính người”. Nhắc tới lòng tham, người ta thường nghĩ tới ý nghĩa tiêu cực nhưng trong một số trường hợp lòng tham trở thành động lực thôi thúc con người làm việc và sáng tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần.

Tuy nhiên, nếu không giữ được lòng tham trong vòng giới hạn trật tự của nó thì lòng tham lại là động lực thúc đẩy của con người vượt ngưỡng và trở thành tác nhân ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội, được biểu hiện dưới hình thức tham nhũng. Tham nhũng, bởi vậy, cần được coi là biểu hiện của lòng tham không được kiểm soát. Nói cách khác, tham nhũng có nguyên nhân sâu xa là lòng tham, nhưng nguyên nhân trực tiếp là lòng tham ấy không được kiểm soát hiệu quả.

Thứ hai, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng là do hệ thống thể chế lỏng lẻo. Lịch sử đấu tranh chống tham nhũng trên thế giới cho thấy, nếu thiếu hệ thống thể chế đủ mạnh thì cuộc đấu tranh PCTN khó đạt kết quả. Ở nhiều quốc gia, sự quản lý lỏng lẻo về kinh tế thường dẫn đến sơ hở, tạo điều kiện, mầm mống cho tham nhũng, tiêu cực và các loại tội phạm phát triển. Hệ thống thể chế lỏng lẻo đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, dẫn tới tệ tham nhũng. Turkmenistan một trong những quốc gia được đánh giá có mức độ tham nhũng cao nhất thế giới, ở đây hệ thống pháp luật lỏng lẻo và lạc hậu khiến tham nhũng tiếp tục phát triển trong Chính phủ. Thực tế cho thấy tổng thống Turkmenistan thỏa sức tiêu xài từ tiền bán hydrocarbons – nguồn thu nhập chính của đất nước theo ý mình, còn các thẩm phán thì sẵn sàng nhận hối lộ. 

Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên xét ở nhiều góc độ, pháp luật về phòng ngừa và xử lý tham nhũng vẫn còn những lỗ hổng, là mảnh đất sinh sôi, phát triển của tham nhũng. Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật đặc biệt là pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng chưa được chú ý đúng mức, nhiều chế độ chính sách còn mang tính ban phát. Chính hệ thống pháp luật với những quy định chưa chặt chẽ về xử phạt đối với tội tham nhũng, cùng với cải cách hành chính đạt hiệu quả chưa cao... dẫn tới nạn sách nhiễu tham nhũng vẫn tồn tại, đã và đang tạo nên nhiều rào cản trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thứ ba, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng là từ yếu tố văn hóa. Văn hoá là sản phẩm tinh hoa của con người, là yếu tố quyết định đến xử sự của con người với con người. Trong nhiều nền văn hóa, quà tặng trở thành một phong tục, một thói quen truyền thống. Trong các nền văn hóa Đông Á, chịu ảnh hưởng của Nho Giáo, việc con biếu tặng quà cho cha mẹ, trò tặng quà cho thầy, cấp dưới tặng quà cho cấp trên trong các dịp lễ, tết..v.v. là tương đối phổ biến, và được coi là “phải đạo”, là nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, với các mối quan hệ xã hội ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp, đôi khi người ta có thể lợi dụng việc tặng quà để hối lộ cho các cá nhân, tổ chức nhằm đạt được các mục đích nào đó. Ở đây, ranh giới giữa quà tặng và hối lộ không phải bao giờ cũng rõ ràng.

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định trình độ dân trí và tham nhũng có mối quan hệ tỉ lệ nghịch với nhau. Thực tiễn chứng minh, New Zealand được đánh giá là nước ít tham nhũng nhất thế giới và cũng là nước nằm trong nhóm 5 nước có trình độ dân trí cao nhất thế giới. Đan Mạch - một trong những quốc gia luôn dẫn đầu bảng xếp hạng “Những quốc gia minh bạch nhất”, người dân Đan Mạch không sẵn sàng trả tiền hối lộ cũng như không chấp nhận hối lộ.

Thông thường, khi nói đến tham nhũng là nói đến các quan chức nhà nước - những người lợi dụng chức quyền để lấy tiền, tài sản… của Nhà nước, của doanh nghiệp, cá nhân để mang lại lợi ích cho bản thân. Tuy nhiên, hiện nay, quan niệm tham nhũng đã thay đổi. Đối tượng tham nhũng không chỉ là những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước mà còn là những người hoạt động kinh doanh ở các doanh nghiệp. Theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, hành vi tham nhũng bao gồm các hành vi cụ thể như đưa hối lộ, nhận hối lộ, tham ô, gây ảnh hưởng, lạm dụng quyền hạn, làm giàu bất chính của các quan chức; và các hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, tham ô và các hành vi chiếm đoạt khác trong khu vực tư nhân,...

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công việc rất quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp bởi tham nhũng là hiện tượng gắn liền với quyền lực, liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng của cá nhân, liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn. Phòng tham nhũng được hiểu là việc thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa không để tham nhũng, hoặc nguy cơ tham nhũng xảy ra. Còn chống tham nhũng là những biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng và khắc phục hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra.

2. Cơ chế phòng chống tham nhũng và sự tham gia của truyền thông đại chúng

Phòng, chống tham nhũng được hiểu là việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với hành vi tham nhũng và khắc phục hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra theo quy định của pháp luật.

Để phòng, chống tham nhũng cần có cơ chế phòng, chống tham nhũng. Cơ chế là tập hợp các quy định, luật lệ do các chủ thể quyền lực đưa ra nhằm (hướng tới) giải quyết một vấn đề nào đó trong đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, cơ chế phòng, chống tham nhũng được hiểu là tập hợp các quy định, luật lệ do các chủ thể quyền lực (Nhà nước, Đảng, các tổ chức xã hội...) đưa ra nhằm ngăn chặn và giải quyết vấn đề tham nhũng trong xã hội. Điều cần lưu ý ở đây là các quy định, các luật lệ này không tồn tại một cách riêng lẻ, mà tạo thành một chỉnh thể thống nhất, tương tác với nhau và bổ sung cho nhau, cùng nhằm vào mục tiêu chung là ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong xã hội.

Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, cần có cơ chế phòng, chống tham nhũng tốt. Các quốc gia trên thế giới hiện nay đã và đang xây dựng, thực hiện cơ chế phòng, chống tham nhũng trên các phương diện cơ bản:

Một là, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước: giữa lập pháp,hành pháp và tư pháp để phòng, chống tham nhũng

Đối với các quốc gia được tổ chức theo hình thức quyền lực nhà nước được tập trung, thống nhất trong đó có Việt Nam, để phòng, chống tham nhũng, các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cần được quy định rõ ràng về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ để tránh sự lạm quyền. Hiến pháp năm 2013 khẳng định nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực này thống nhất, không phân chia nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa giữa ba loại quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.[3].

Đối với những quốc gia được tổ chức theo mô hình phân quyền, để phòng, chống tham nhũng, các quốc gia thực hiện triệt để quyền lực phân chia thành các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp theo hướng kìm chế, đối trọng lẫn nhau. Chẳng hạn, nước Mỹ với chính thể cộng hòa tổng thống, nhà nước thực hiện cơ chế tam quyền phân lập triệt để giữa ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mỗi nhánh quyền lực thực hiện một số quyền đối với các nhánh khác, sự phân công quyền lực rõ ràng, rành mạch này rất quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm soát quyền lực ở nước Mỹ. Ở Pháp, bộ máy nhà nước được tổ chức theo hình thức hỗn hợp, nghị viện có chức năng kiếm soát đối với hành pháp. Bên cạnh đó, chính phủ cũng có những quyền lực nhất định đối với nghị viện nhất là trong vấn đề xây dựng pháp luật, giữa lập pháp và hành pháp cũng có sự kiềm chế lẫn nhau[4].

Hai là, kiểm soát quyền lực của các cơ chế khác: các đảng phái, các tổ chức xã hội, các tổ chức truyền thông để phòng, chống tham nhũng.

Thứ nhất, kiểm soát quyền lực nhà nước được thực hiện thông qua các đảng phái chính trị đối lập. Các đảng phái chính trị đối lập hay là các đảng phái không cầm quyền có vai trò quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhà nước để phòng, chống tham nhũng. Nước Nga thừa nhận sự đa dạng về tư tưởng; không một hệ tư tưởng nào được coi là chính thức và bắt buộc, đồng thời thừa nhận sự đa nguyên, đa đảng. Có thể nói, từ một nước theo mô hình Xô viết, có xu hướng độc tôn tư tưởng một cách cực đoan, Liên bang Nga đã có sự thay đổi quan trọng về đường lối chính trị, tư tưởng theo mô hình phổ biến của nhân loại, đây là cơ chế quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng, chống tham nhũng. Ở Anh, bên cạnh chính đảng cầm quyền, đảng đối lập có vai trò khá quan trọng. Vai trò này thể hiện, nhà nước cho phép các đảng đối lập thành lập “Nội các bóng” để giám sát các chính sách cũng như hoạt động của đảng cầm quyền[5].

Đối với Việt Nam, với sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản và cơ chế nhất nguyên chính trị-lấy chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Không có đa đảng đối lập. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Do đó, để kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua vai trò của quần chúng nhân dân, đặc biệt là phát huy chức năng phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Thứ hai, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng, chống tham nhũng ở nhiều nước được thực hiện thông qua các tổ chức xã hội.

Ở các nước Bắc Âu như Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch, Aixơlen, Phần Lan đều đề cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động quyền lực nhà nước và coi trọng phát triển các tổ chức xã hội bởi vai trò quan trọng của các tổ chức này. Ở Mỹ, các hội, hiệp hội có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các chính sách của Chính phủ, các nhóm lợi ích có vai trò nhất định trong sự tham gia, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, và là công cụ đắc lực giúp người dân tham gia quản lý xã hội. Hoặc ở Nhật, các tổ chức xã hội rất phát triển và luôn tác động, giám sát quyền lực nhà nước. Chính phủ Nhật Bản luôn coi trọng, lắng nghe, tiếp thu những tham gia, đòi hỏi, yêu cầu hợp lý của các tổ chức xã hội và coi đó là một trong những biện pháp để Chính phủ có ý thức, trách nhiệm hơn trong sử dụng quyền lực nhà nước.

Trên cơ sở đó ta thấy tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc ban hành và triển khai các chính sách của nhà nước nhất là đối với các vấn đề công cộng. Thông qua các tổ chức này, nhà nước khi thực thi quyền lực của mình cũng chịu sự giám sát. Đây chính là một trong những cách thức cân bằng mối quan hệ giữa nhà nước (chính phủ) và xã hội.

Ba là, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước được thực hiện bằng các phương tiện truyền thông đại chúng.

Trong kiểm soát quyền lực nhà nước, truyền thông đại chúng là kênh thông tin quan trọng, đóng góp vai trò lớn thậm chí quyết định đến hiệu quả kiểm soát quyền lực, hạn chế lạm quyền. Tại Mỹ, phần lớn cơ quan truyền thông đại chúng thuộc sở hữu tư nhân, vừa có mục đích kinh doanh vừa có mục đích chính trị. Với sức mạnh của mình, truyền thông có vai trò quan trọng tạo dư luận xã hội, định hướng công chúng nhất là đối với các vấn đề chính trị. Cũng giống như Mỹ, ở Anh, đại đa số báo chí thuộc về các tập đoàn truyền thông, tỷ lệ này lên tới 70%. Truyền thông đại chúng ở Anh ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội, là chủ thể đồng thời là phương tiện quan trọng tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước của nhân dân[6].

Ở Việt Nam, những năm qua, các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung và báo chí nói riêng đã chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Trong phòng, chống tham nhũng, báo chí giữ vai trò là chủ thể khơi nguồn phản biện xã hội mạnh mẽ nhất. Phần lớn các sự kiện, hiện tượng tham nhũng mà báo chí nêu ra đã tạo áp lực cũng như cơ hội, điều kiện cho các cơ quan chức năng tham gia phòng, chống tham nhũng. Điều 3, Luật Báo chí đã khẳng định “ Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”.

Tóm lại, lòng tham của con người, hệ thống thể chế lỏng lẻ, những hạn chế trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng và văn hóa là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới hành vi tham nhũng. Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, các quốc gia trên thế giới sử dụng nhiều cơ chế khác nhau, trong đó có thể kể đến như kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước: giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp để phòng, chống tham nhũng; kiểm soát quyền lực của các cơ chế khác: các đảng phái, các tổ chức xã hội, các tổ chức truyền thông để phòng, chống tham nhũng và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước được thực hiện bằng các phương tiện truyền thông đại chúng./.

TS. Lê Thị Thu Hằng

Phó vụ trưởng Vụ V, Ban Tổ chức Trung ương

 

[1] Viện Ngôn ngữ học (2005), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr.910

2 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Luật Phòng, chống tham nhũng, Hà Nội.

3Phạm Hồng Đào (2016), “Những yếu tố ảnh hưởng và yêu cầu hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta”, Trang thông tin điện tử Bộ Tư pháp, tại trang http://moj.gov.vn/qt/tintuc/ Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1922, [truy cập ngày 07/4/2022]

4 Nguyễn Thị Thu Hà (2018), “Kinh nghiệm tổ chức kiểm soát quyền lực của một số nhà nước trên thế giới”, Tạp chí Mặt trận online, tại trang http://tapchimattran.vn/the-gioi/kinh-nghiem-to-chuc-kiem-soat-quyen-luc-cua-mot-so-nha-nuoc-tren-the-gioi-11700.html, [truy cập ngày 04/4/2022]

5 Vũ Hà (2018), Internet - vũ khí chống tham nhũng ở Trung Quốc, Hà Nội

6 Nguyễn Thị Thu Hà (2018), “Kinh nghiệm tổ chức kiểm soát quyền lực của một số nhà nước trên thế giới”, Tạp chí Mặt trận online, tại trang http://tapchimattran.vn/the-gioi/kinh-nghiem-to-chuc-kiem-soat-quyen-luc-cua-mot-so-nha-nuoc-tren-the-gioi-11700.html

 

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.