Cơ hội và thách thức về xác định tiêu chuẩn sử dụng đất công viên cây xanh
MTXD - Công viên cây xanh là một hợp phần quan trọng trong hệ thống không gian xanh đô thị. Nhất trong thời đại, các đô thị đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu, các đô thị cần áp dụng các biện pháp toàn diện để kiến tạo không gian xanh nhằm cân bằng sinh thái cho đô thị.
1- Mở đầu:
Bước sang thế kỷ 21, nhu cầu giải trí cho dân cư đô thị ngày càng tăng, đòi hỏi các nhà quản lý đô thị phải tính đến việc xây dựng nhiều mảng xanh đô thị hơn nhằm cân bằng sinh thái cho đô thị. Đô thị Viêt Nam, trong lịch sử đã phát triển trên nền khung thiên nhiên gắn kết chặt chẽ với không gian xanh. Không gian xanh (KGX) đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển bền vững đô thị, bao gồm bảo vệ môi trường (giúp điều hòa khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng môi trường không khí, tính đa dạng sinh thái đô thị và hình thành hạ tầng xanh - thoát nước, lưu trữ nước ngầm và cấp nước sinh hoạt cho đô thị); phát triển kinh tế đô thị (cung cấp không gian sống chất lượng cao, làm gia tăng giá trị bất động sản); tạo dựng và phát triển giá trị văn hóa - xã hội (tạo không gian gắn kết cộng đồng, bản sắc đặc trưng cho đô thị).
Công tác quy hoạch và quản lý công viên cây xanh trong khu vực đô thị dựa trên các quy chuẩn tiêu chuẩn hiện hành, như: TCVN 8270:2009 Quy hoạch cây xanh sử dụng hạn chế và chuyên dụng trong đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế; TCVN 9257:2012 Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - Tiêu chuẩn cây xanh thiết kế... chủ yếu bằng các chỉ số m2 đất cây xanh/người, đối với khu vực có mặt nước (tính bằng 50% đất cây xanh).
Trên thực tế, việc áp dụng quy chuẩn và tiêu chuẩn không khả thi đối với nhiều khu vực nội thành và nội thị, do quỹ đất thiếu nên chỉ đạt 10 - 50% so với yêu cầu. Ví dụ các quận trung tâm Hà Nội (2-3m2/người, bằng 25-30% so với quy chuẩn); Do vậy cần phải có cách tiếp cận khác để quy hoạch và quản lý KGX đảm bảo tính khả thi. Nhiều đô thị trên thế giới, ngoài chỉ số m2/người, có thêm các chỉ số tỷ lệ % độ che phủ hoặc chỉ số về sinh khối.
Mặt khác, theo quan niệm hiện đại, công cụ quản lý KGX cần được nhìn nhận đa chiều, gắn với hệ sinh thái đô thị. Từ đó, đòi hỏi xây dựng cơ sở lý luận, thiết lập công cụ quản lý hệ thống công viên cây xanh - KGX đô thị, để tiêu chuẩn sử dụng đất công viên cây xanh nói riêng và KGX nói chung trong quy hoạch đô thị, ngày càng đáp ứng nhu cầu, phát huy đúng vai trò của hệ thống công viên cây xanh.
2. Các khái niệm cơ bản và giải thích từ ngữ
2.1. Hệ thống không gian xanh đô thị
a) Định nghĩa không gian xanh
Trên thế giới đã có rất nhiều định nghĩa được đưa ra. Mỗi chuyên ngành khác nhau đã đề xuất các định nghĩa khác nhau từ góc độ chuyên môn của họ, chẳng hạn như: KGX đô thị, không gian mở đô thị, hệ thống vườn đô thị, hệ thống vườn sinh thái (Manlun, 2003).
Theo tổ chức Greenspace Scotland: KGX là "lá phổi xanh" của các thị trấn và thành phố. Về cơ bản “KGX” là bất kỳ diện tích thảm thực vật nào đó trong khu vực. Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) định nghĩa KGX là đất đai mà một phần hoặc hoàn toàn bao phủ bởi cỏ, cây, cây bụi, hoặc thảm thực vật khác. Chúng bao gồm các công viên, vườn cộng đồng và nghĩa trang.
Theo GS. Simon Bell, trường Đại học tổng hợp Estonian - Hoa Kỳ: “KGX bao gồm các công viên và các khu vườn công cộng, vườn cá nhân, nghĩa trang, cây xanh trên các tuyến đường phố, dọc các bờ sông với cây xanh và các thảm thực vật, các hành lang giao thông vận tải với các cây xanh và các thảm thực vật…”
Theo WHO, KGX như công viên, sân thể thao cũng như rừng và các đồng cỏ tự nhiên, đất ngập nước hoặc các hệ thống sinh thái, là một thành tố cơ bản của bất kỳ hệ sinh thái đô thị nào…
Đề cập đến một số định nghĩa từ các nước khác như Anh, Mỹ, Nhật Bản thì đinh nghĩa về KGX được ưu tiên với ý nghĩa không gian. Anh định nghĩa KGX là đất ở các khu dân cư nơi mà các diện tích kiến trúc hạ tầng thấp hơn 1/20 của toàn bộ khu vực (không bao gồm đất hoang). Mỹ định nghĩa rằng KGX là đất trong môi trường tự nhiên phục vụ cho mục đích giải trí hay quy hoạch xây dựng đô thị. Nhật Bản đưa ra định nghĩa: KGX là đất không có các kiến trúc hạ tầng như Công viên, quảng trường, sân thể dục, vườn thú, khu vườn thực vật (trừ đường và kênh) (Gaoyuan Rongzhong, Yang Zhengzhi, 1983).
Ở nức ta, theo quan điểm của Nhà nước, trong thực tế hiện nay, cụm từ “KGX” đã được sử dụng trong một số đồ án quy hoạch chung đô thị và thông tư 06/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn nội dung thiết kế đô thị. Tuy nhiên, để hiểu thế nào là KGX thì chưa có định nghĩa một cách rõ ràng, minh triết. Đồng thời, trong thực tiễn cũng đã có những khó khăn khi xác định KGX trong đồ án quy hoạch đô thị cũng như triển khai quản lý KGX theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.
Trong quy định của pháp luật hiện hành, thông tư 06/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về nội dung thiết kế đô thị đã xác định KGX bao gồm “hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, công viên hoặc rừng tự nhiên, nhân tạo trong đô thị”. Ngoài ra “cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa” đã được quy định tại các văn bản về quy hoạch đô thị trước đây gồm: Nghị định 64/2010, Nghị quyết 1210/2016/NQ-UBTVQH, Tiêu chuẩn số 4449/1987/TCVN. Như vậy, hiện nay khái niệm về KGX chưa có quy định cụ thể và rõ ràng trong các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng, hệ thống không gian xanh toàn đô thị là hệ thống không gian có các loại cây xanh như sau[9]:
- Cây xanh sử dụng công cộng là tất cả các loại cây xanh được trồng trên đường phố và ở khu vực sở hữu công cộng (công viên, vườn thú, vườn hoa, vườn dạo, thảm cỏ tại các dải phân làn, các đài tưởng niệm, quảng trường).
- Cây xanh sử dụng hạn chế là tất cả các loại cây xanh trong các khu ở, các công sở, trường học, đình chùa, bệnh viện, nghĩa trang, công nghiệp, kho tàng, biệt thự, nhà vườn của các tổ chức, cá nhân.
- Cây xanh chuyên dụng là các loại cây xanh trong vườn ươm, cách ly, phòng hộ và phục vụ nghiên cứu.
b) Không gian xanh đô thị
- Hành lang xanh đô thị là KGX dọc các trục đường (thủy, bộ) hoặc trục không gian kết nối hai khu vực địa lý với nhau bằng một dải xanh thiên nhiên hoặc nhân tạo; nó là một bộ phận cấu thành hệ thống KGX đô thị.
- Vành đai xanh đô thị là vùng đất thiên nhiên chưa hoặc đã chịu sự tác động của con người, thường ở gần hoặc ở ngoài rìa đô thị. Vành đai xanh cũng có thể là những không gian mở, tạo ra những điều kiện phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí ngoài trời. Vành đai xanh là cầu nối đô thị với thiên nhiên (không gian trung chuyển) có chức năng làm hạn chế việc mở rộng đô thị quá mức ra xung quanh. Nó là một bộ phận cấu thành hệ thống KGX đô thị.
- Cây xanh tại Không gian mở: Không gian mở đề cập đến môi trường ngoài trời, như: quảng trường, sân chơi trẻ em, trong đó kết hợp khuyến khích các hoạt động thể chất của con người. Không gian mở bao gồm các khu vực mở (cả mặt đất và mặt nước) có giá trị vui chơi giải trí, bảo tồn thiên nhiên, văn hóa lịch sử hoặc các mục đích thẩm mỹ.
Các thuật ngữ, định nghĩa, khái niệm về cây xanh (bao gồm: cây phân tán, cây lâu năm, cây đa mục tiêu, cây gỗ lớn, …) được quy định, thể hiện ở nhiều Văn bản khác nhau.
3. Tình hình tổng quan tiêu chí, tiêu chuẩn quy hoạch, quản lý hệ thống không gian xanh tại một số đô thị tiêu biểu tại Việt Nam.
3.1. Đặc điểm lịch sử phát triển hệ thống không gian xanh đô thị tại Việt Nam.
Hệ thống KGX tại các điểm dân cư đô thị Việt Nam có nguồn gốc từ văn hóa nông nghiệp đặc trưng được phát triển trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc ảnh hưởng văn minh của các nước. Tuy nhiên, thời hiện đại hệ thống KGX đứng trước nguy cơ mất dần những đặc điểm, giá trị truyền thống. Những đặc điểm chính của hệ thống KGX trong đô thị Việt Nam như sau:
3.1.1. Không gian xanh đô thị thời kỳ phong kiến.
a) Không gian cây xanh mặt nước tại vườn cung đình Việt Nam
Yếu tố mặt nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và cấu trúc các Ngự viên. Tất cả các Ngự viên đều có diện tích mặt nước rất đáng kể dưới nhiều hình thức khác nhau: hồ, ao, khe, ngòi... Yếu tố mặt nước thường được sử dụng làm nền hoặc phối cảnh cho các công trình kiến trúc, tạo nên vẻ mềm mại, thơ mộng đặc biệt của cảnh quan. Ngay trong giai đoạn đầu của chế độ phong kiến dưới triều Tiền Lê, Lý, Trần, việc xây dựng các ngự viên đã gắn liền với yếu tố mặt nước. Đến thời Nguyễn thì đặc điểm này càng trở nên nổi bật. Hầu như tất cả các ngự viên của triều Nguyễn đều gắn với mặt nước rộng lớn. Bên cạnh đó, sự kết hợp sơn-thủy thông qua sự phối trí giữa dòng nước với các non bộ, giả sơn cũng hết sức phổ biến và đạt đến trình độ tinh tế.
- Quy mô các Ngự viên Việt Nam đều khá khiêm tốn, ngay cả dưới thời Nguyễn (trừ các khu lăng tẩm), nhưng các loại hình kiến trúc rất đa dạng. Các Ngự viên triều Nguyễn thường chỉ có quy mô vài ba mẫu, Tịnh Tâm hồ thuộc hàng lớn nhất cũng chỉ đạt đến 20 mẫu (10ha), tuy nhiên các công trình kiến trúc trong Ngự viên lại rất phong phú về thể loại và đa dạng về hình thức. Về thể loại thì có điện, đường, lâu, các, tạ, quán, tự, trai, đình, hiên, lang, kiều, cống... Về hình thức, thì có loại 1 gian, 3 gian, 5 gian, một tầng, 2 tầng, 3 tầng…; bình diện hình vuông, tròn, lục giác, bát giác...; mái lợp ngói ống, ngói âm dương, ngói liệt, men vàng, men xanh...; hành lang thì có trường lang, dực lang, vạn tự hồi lang...
Đối với các hình thức đắp núi, xây non bộ, vườn cung đình Việt Nam cũng coi trọng và xem như thành tố không thể thiếu trong cấu trúc vườn. Việc đắp núi và tạo các hang động cũng ít phổ biến như ở vườn Trung Quốc. Người Việt cũng ít dùng các viên đá lớn có hình thù kỳ quái (Trung Quốc gọi là Kỳ thạch hay quái thạch) xếp đơn lẻ mà chủ yếu là xây đắp các non bộ từ gạch hoặc đá nhỏ. Đây có lẽ là đặc điểm của người phương Nam, ít sùng bái đá mà chú trọng hơn yếu tố nước? Thực vật thì gồm các loại kỳ hoa dị thảo đưa về từ muôn nơi; động vật thì có đủ cả chim, thú, cá cảnh quý hiếm…Nhưng đó là đối với loại hình cung uyển. Còn với các loại hình vườn cung đình khác thì xem ra người Việt chú trọng đến yếu tố tự nhiên hơn. Ở các biệt cung, li cung thời Nguyễn, cây cối phần nhiều là loài cây bản địa tự nhiên (gồm cả cây ăn quả, cây hoa, cây lấy gỗ…), cá nuôi cũng là cá tự nhiên chứ hầu như không nuôi cá cảnh nhiều màu sắc. Đặc biệt, thời Nguyễn còn có khu vườn Dữ Dã trên đảo Dã Viên được thiết kế hết sức gần gũi với các khu vườn dân dã của xứ Huế[23].
b) Không gian cây xanh mặt nước tại vườn nhà ở nông thôn Việt nam.
Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, kinh tế, văn hóa, đặc điểm đô thị hóa thời kỳ phong kiến là sự hòa đồng của thành phố vào nông thôn. Đó là đặc tính phường hội có nguồn gốc nông thôn trong cơ cấu tổ chức đô thị. Nghĩa là yếu tố nông thôn khá đậm nét trong đô thị phong kiến. Bởi vậy, tìm hiểu không gian xanh trong đô thị cần xét cả hai yếu tố trên.
Vườn nhà ở nông thôn thường bao gồm vườn trước, vườn sau, vườn bên, ngoài ra còn có thêm giàn cây leo (thiên lý, gấc, bầu, bí, mướp...) và ao trước hoặc sau nhà. Các vườn này kết hợp với ao cá, chuồng chăn nuôi để sinh lợi, tăng thu nhập hơn là để tạo cảnh giải trí. Các loại cây trồng trong vườn có lợi ích kinh tế thiết thực, song rất được chú trọng trong lựa chọn để có tác dụng cải thiện môi trường sinh thái. Đó là:
- Vườn trước: bố cục không gian mở để đón gió mát, chỉ trồng vài cây cau, vài khóm hoa hồng, đôi khi là cây thuốc, rau thơm...
- Vườn sau: bố cục theo kiểu rừng tự nhiên, trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ, có tác dụng che chắn gió lạnh.
- Vườn bên: bố cục tự do với cây có tán lớn để che nắng đầu hồi như mít, tre...
Vườn nhà ở đã đóng góp phần không nhỏ vào kho tàng nghệ thuật Việt Nam nói chung và cảnh quan điểm dân cư nói riêng[41]. Khuôn viên nhà ở được đánh giá như là một đơn vị cân bằng sinh thái
3..1.2. Không gian xanh trong nhà ở đô thị
Vườn nhà ở thành thị
Kiến trúc nhà vườn nông thôn ở vùng đồng bằng Bắc bộ xưa là những ngôi nhà một tầng đơn sơ, nền làm sát mặt đất tạo sự thanh toát, mát mẻ, vật liệu chủ yếu tận dụng những gì có sẵn ở địa phương như tre, nứa lá, rơm rạ.
Khuôn viên nhà gồm: qua cổng đến vườn cây, vào đến sân rồi mới đến nhà chính, nhà phụ, nhà bếp, khu vệ sinh, chuồng nuôi gia súc, trâu bò, vườn sau ao trước, hàng rào cây bao quanh, bên ngoài bao bọc bởi lũy tre làng... tạo nên mô hình sinh thái khép kín vườn - ao - chuồng. Đây là nơi tăng gia và cũng là nơi cải thiện môi trường sống, tạo không gian thoáng đãng cho ngôi nhà.
Tổ chức giữa nhà trong với nhà ngoài, trong vườn thường có bể non bộ, xung quanh là những chậu cây cảnh nhỏ, bên trên có giàn hoa. Vườn cảnh này được chăm sóc nhằm mục đích thưởng ngoạn, giải trí.
Vườn của giới thượng lưu nho sỹ:
Trung tâm vườn cũng là bể non bộ hoặc có khi là một chậu cây thế trực. Xung quanh là các chậu cây thế hoành hoặc thế huyền. Các cây trồng chậu thường là xương rồng, địa lan, đa, si, sanh, bỏng nổ, tùng..., ngoài ra là cây quỳnh và cây giao.
Kiến trúc cảnh quan nhà vườn là nghệ thuật tạo hình mô phỏng thiên nhiên trong một không gian giới hạn, làm nền tạo cảnh tôn cao giá trị công trình chính hoặc quần thể công trình. Vườn cảnh chịu ảnh hưởng của vườn cảnh Á Đông, thường gồm ba thành phần: mặt nước, cây xanh và đá núi nhỏ.
Diện tích lý tưởng cho mỗi nhà vườn khoảng từ 1.000m2 đến 15.000m2 với rất nhiều loại cây trái mang hương vị của Việt Nam, như cam, quýt, thanh trà, xoài, măng cụt, nhãn, hồng nhung,... không chỉ tạo nên sự gần gũi với thiên nhiên cây cỏ mà còn thể hiện nét văn hoá đặc sắc trong phong cách sống của người dân.
3.1.3. Không gian xanh đô thị thời kỳ Pháp thuộc (1858 - 1945)
Đây là thời kỳ đô thị Việt Nam theo nghĩa hiện đại được hình thành. Đô thị dần tách khỏi nông thôn và hệ thống KGX từng bước được hình thành với nhiều KGX công cộng như vườn hoa, vườn ươm, dải cây đường phố kết hợp với cây xanh trong các công trình công cộng và biệt thự.
Điều đáng kể ở đây là hệ thống KGX đã có giải pháp kết hợp giữa phong cách châu Âu với truyền thống địa phương. Vườn hoa có bố cục đối xứng với những đường thẳng, đường chéo, những bồn hoa, bồn cỏ có dạng hình học (vườn hoa Ganđi, vườn hoa Con Cóc, vườn hoa Canh Nông... ở Hà Nội; vườn hoa Lê Lợi, vườn hoa Tao Đàn… ở Sài Gòn; vườn Quán Gió… ở Hải Phòng). Các vườn hoa này được trồng những cây to rợp bóng mát, xanh quanh năm; những loại hoa đẹp, thơm, có màu sắc rực rỡ, mùa nào hoa nấy.
Người Pháp đã chú trọng tổ chức xây dựng các công viên cho thành phố như Thảo Cầm Viên ở Sài Gòn, Bách Thảo ở Hà Nội. Công viên là sự kết hợp hài hòa giữa hồ nước, đường dạo và rất nhiều loại cây xanh ở miền Bắc, Trung, Nam và cả cây nhập ngoại. Người Pháp cũng hoàn thiện hệ thống cây xanh hai bên đường, cây xanh quanh hồ. Ở các công trình trụ sở văn phòng và nhất là những biệt thự trong khu phố Tây, người Pháp cũng tổ chức những vườn cây xanh để tạo bóng mát và cải thiện vi khí hậu. Các cây trồng trong những biệt thự không theo một quy tắc nào mà chỉ dừng lại ở dạng cây xén tỉa. Một số nhà giàu người Việt cũng tổ chức những khu vườn rộng, được xén tỉa công phu mang tính Á Đông, đặc biệt là nghệ thuật non bộ.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, đô thị có quy mô nhỏ song trong quy hoạch đã khai thác yếu tố cảnh quan tự nhiên và cây xanh[35]. Xây dựng đô thị với giải pháp phân khu chức năng đã tạo nên hệ thống KGX cho đô thị bao gồm: cây xanh trong công trình, KGX công cộng, tuyến cây xanh liên kết. Các vườn hoa ít và nhỏ nhưng cũng phần nào giải quyết được vấn đề môi trường và cảnh quan và nơi giao tiếp của cộng đồng.
3.1.4. Không gian xanh đô thị giai đoạn từ năm 1945 đến nay
Giai đoạn này có thể chia thành ba thời kỳ:
- Thời kỳ vừa có chiến tranh vừa có hòa bình, từ 1945 đến 1975.
- Thời kỳ thống nhất đất nước đến “Đổi mới”, từ 1975 đến 1986.
- Thời kỳ từ “Đổi mới” (từ 1986) đến nay.
Thời kỳ đầu ở miền Bắc đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội, công nghiệp hóa gắn với gia tăng đô thị hóa các thành phố mang chức năng sản xuất, công hữu hóa đất đai phục vụ lợi ích quốc doanh và vật chất cũng như tinh thần của đông đảo nhân dân lao động. Trong đô thị cùng với cải tạo đô thị cũ là phát triển theo mô hình khu ở, tiểu khu nhà ở chú trọng đến xây dựng hệ thống phúc lợi công cộng, trong đó có các công viên đô thị và các vườn hoa. Mô hình khu nhà ở xã hội chủ nghĩa dành 3% - 5% diện tích cho cây xanh, vườn hoa. Ở miền Nam, thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1975, do viện trợ Mỹ gia tăng nên đô thị hóa rất cao, nhiều đô thị cũ được mở rộng (Sài Gòn, Đà Nẵng, Biên Hòa…), các đô thị mới hình thành cạnh các khu quân sự (Xuân Lộc, Cam Ranh…). Trong các đô thị này, khu ở của giới quan chức, tư sản được chú trọng tổ chức KGX còn khu ở của người lao động thiếu tiện nghi, cây xanh và không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thời kỳ thống nhất đất nước từ năm 1975 đến năm 1986, Nhà nước đã chú trọng đến việc điều chỉnh hai hệ thống đô thị. Lợi ích công cộng của nhân dân được giải quyết thỏa đáng. Hệ thống KGX được quản lý theo hai hướng: gìn giữ và tôn tạo KGX đã có, xây dựng một số KGX mới nhất là trong các khu lao động, khu ở mới.
Thời kỳ từ năm 1987 đến nay, đường lối đổi mới nền kinh tế đúng đắn chuyển hóa từ “nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp” sang “nền kinh tế thị trường nhiều thành phần” có tác động rất mạnh mẽ tới bộ mặt đô thị Hà Nội. Nhà ở đa dạng (thấp tầng, liên kế, cao tầng) nhà do dân tự xây đã được thiết kế gắn kết giữa nhà và cây xanh, không gian trống. Nhiều công trình kiến trúc công cộng được xây dựng có mật độ xây dựng thấp tạo điều kiện hình thành KGX gắn với cảnh quan đô thị.
Những khu nhà ở mới có vườn hoa hoặc vườn dạo được xây dựng ở nhiều nơi góp phần không nhỏ vào việc cải thiện môi trường sống và cảnh quan đô thị. Nhiều công viên mới, dải không gian xanh... ven đường tạo cho đô thị diện mạo mới.
Cây xanh trường học, công sở có chủng loại tương đối phong phú, đa dạng, đã phát huy được mục đích tạo cây bóng mát, bảo vệ môi trường, cảnh quan đẹp, hài hòa với các công trình xây dựng.
Cây xanh vườn gia đình chất lượng tương đối tốt do được chăm sóc và bảo vệ, có hiệu quả kinh tế, tăng thêm vẻ đẹp cảnh quan môi trường nhưng chủng loại ít, nghèo nàn, chủ yếu là: Sấu, Nhãn, Muỗm, Bưởi, Na, Hồng xiêm, Roi, Xoan, Bạch đàn, Tre…, đặc biệt số loại cây cảnh rất phong phú: Hoa giấy, Thiết mộc lan, Cau, Phong lan, Địa lan…
Có thể nói, đổi mới về kinh tế đã tạo được “khởi sắc” cho hệ thống KGX của đô thị với nhiều yếu tố, thành phần và chất lượng KGX trong đó, chủng loại cây xanh đã được chú trọng lựa chọn. Chỉ tiêu cây xanh trong các quận nội thành đã có sự khác biệt.
3.2. Tình hình tổng quan tiêu chuẩn hệ thống không gian xanh tại một số văn bản pháp luật hiện hành tại Việt Nam.
3.2.1. Tổng quan các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành
Tổng quan các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan tới quy hoạch, quản lý cây xanh đô thị, bao gồm:
- Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;
- Luật Quy hoạch
- Luật Đa dạng sinh học
- Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị; Trong đó có những quy định cụ thể về trồng, chăm sóc, chặt hạ dịch chuyển và bảo vệ cây xanh đô thị; đánh số cây xanh đường phố, lập hồ sơ quản lý, trồng cây theo đúng tiêu chuẩn, chủng loại, chăm sóc cây xanh; cấp phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị; khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển cây xanh; quy hoạch cây xanh, công viên-vườn hoa đô thị...; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về cây xanh đô thị và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân...
- Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
- Thông tư số 20/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị; trong đó đã quy định các yêu cầu về kỹ thuật trồng cây xanh đô thị, cụ thể:
+ Chiều cao tối thiểu, đường kính tiêu chuẩn cây trồng trong đô thị; Các loại cây bóng mát: cây tiểu mộc, cây trung mộc và cây đại mộc. Tùy thuộc vào chiều rộng hè đường lựa chọn cây trồng phù hợp theo quy định phân loại cây đô thị của địa phương; quy định về ô đất trồng cây.... Hướng dẫn về cắt tỉa cây trưởng thành, cây chưa trưởng thành; Quy định về chăm sóc, chặt hạ dịch chuyển cây xanh.
- Công văn số 1482/SNNPTNT ngày 22/6/2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc hướng dẫn trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường
- Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở:
- Thông tư số 06/2008/TT-BXD ngày 20/3/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị.
- Thông tư số 06/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng công trình.
- Thông tư 13/2011/TT-BTNMT năm 2011, Quy định về Ký hiệu bản đồ hiện trạng sử dụng đất phục vụ quy hoạch sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất
- Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT năm 2018, Quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
- TCVN 9257: 2012 Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - tiêu chuẩn cây xanh thiết kế.
- Văn bản số 2273/BXD-VP ngày 10/11/2008 của Bộ Xây dựng công bố định mức dự toán duy trì cây xanh đô thị.
- Tiêu chuẩn thiết kế ký hiệu TCXDVN 362:2005 “Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế” ban hành kèm theo Quyết định số 01/2006/QĐ-BXD ngày 05/01/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;
- Quyết định: 392/2012/QĐ-CP
- Quyết định số 593/QĐ-BXD ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc công bố định mức dự toán duy trì cây xanh đô thị.
- Một số các quy định khác của các UBND các tỉnh
3.2.2. Tổng quan tiêu chuẩn hệ thống không gian xanh tại một số văn bản pháp luật hiện hành tại Việt Nam.
+ Theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng:
- Đất cây xanh sử dụng công cộng cấp ngoài đơn vị ở trong các đô thị bao gồm: công viên, vườn hoa phục vụ một hay nhiều đơn vị ở, toàn đô thị hoặc cấp vùng (bao gồm cả các công viên chuyên đề); diện tích mặt nước nằm trong khuôn viên các công viên, vườn hoa, trong đó chỉ tiêu mặt nước khi quy đổi ra chỉ tiêu đất cây xanh/người không chiếm quá 50% so với tổng chỉ tiêu diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng ngoài đơn vị ở; không bao gồm các loại cây xanh chuyên dụng.
- Đất cây xanh sử dụng công cộng trong đơn vị ở bao gồm sân chơi, vườn hoa, sân bãi TDTT phục vụ hàng ngày, phục vụ chung cho toàn đơn vị ở với quy mô tối thiểu là 5.000m2.
- Đối với đô thị miền núi, hải đảo chỉ tiêu diện tích đất cây xanh công cộng có thể thấp hơn nhưng không được thấp hơn 70% mức quy định trong bảng 3.1
Bảng 3.1: Diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng ngoài đơn vị ở
trong các đô thị
Loại đô thị |
Tiêu chuẩn (m2/người) |
Đặc biệt |
≥7 |
I và II |
≥6 |
III và IV |
≥5 |
V |
≥4 |
+ Theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9257:2012 về Quy hoạch cây xanh đô thị:
- Cây xanh sử dụng công cộng đô thị: các loại cây xanh được trồng trên đường phố; cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị. Trong đó:
+ Cây xanh công viên: khu cây xanh được trồng tập trung trong một diện tích đất lớn phục vụ cho mục tiêu sinh hoạt ngoài trời cho người dân đô thị vui chơi giải trí, triển khai các hoạt động văn hóa quần chúng, tiếp xúc với thiên nhiên, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần…
+ Cây xanh vườn hoa: chủ yếu để người đi bộ đến dạo chơi và nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn., có diện tích vườn hoa không lớn. Nội dung chủ yếu gồm hoa, lá, cỏ, cây và các công trình xây dựng tương đối đơn giản.
- Đất cây xanh sử dụng công cộng (đơn vị tính là m2/người).
Bảng 3.2: Tổng hợp tiêu chuẩn diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng
Loại đô thị |
Tiêu chuẩn đất cây xanh sử dụng công cộng m2/người |
Tiêu chuẩn đất cây xanh công viên m2/người |
Tiêu chuẩn đất cây xanh vườn hoa m2/người |
Tiêu chuẩn đất cây xanh đường phố m2/người |
1. Đô thị đặc biệt |
12 - 15 |
7 - 9 |
3 - 3,6 |
1,7 - 2,0 |
2. Đô thị loại I và loại II |
10 - 12 |
6 - 7,5 |
2,5 - 2,8 |
1,9 - 2,2 |
3. Đô thị loại III và loại IV |
9 - 11 |
5 - 7 |
2 - 2,2 |
2,0 - 2,3 |
4. Đô thị loại V |
8 - 10 |
4 - 6 |
1,6 - 1,8 |
2,0 - 2,5 |
3.2.3. Những vấn đề tồn tại
Bên cạnh đó có nhiều văn bản đã được đề cập trong Chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến BĐKH nhằm tăng cường quản lý và phát triển mảng xanh đô thị đmả bảo đô thị phát triển bền vững và UPBĐKH như:
- Tại Quyết định số 1183/QĐ-TTg này 30/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015, chương trình được triển khai thực hiện tại các Bộ, ngành và các địa phương trên toàn quốc. Các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cấp bách của Bộ Xây dựng như: đánh giá tác động cuả biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong các lĩnh vực do Bộ quản lý, xác định các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho các đô thị và vùng kinh tế biển; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn.
- Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra các mục tiêu cải thiện môi trường sống; nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước và đề ra định hướng các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường trong đó nêu rõ cải thiện môi trường không khí trong các đô thị, khu dân cư là thực hiện nghiêm các yêu cầu về bố trí đất cho công viên, cây xanh, không gian thoáng trong việc thực hiện quy hoạch phát triển, chỉnh trang đô thị; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu này đối với các dự án xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư;
- “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 đã đặt ra các mục tiêu trong đó xây dựng lối sống thân thiện môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các nhành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, phát triển hạ tầng xanh. Các giải pháp thực hiện để đến năm 2020 các đô thị đạt mức trung bình trở lên của hệ thống chỉ số đô thị xanh… trong đó bao gồm xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái, công trình xanh, lối sống xanh, xanh hóa cảnh quan đô thị: ưu tiên phân bổ đất công để nhanh chóng nâng cao diện tích không gian xanh và mặt nước ở các đô thị, đạt tiêu chuẩn theo loại đô thị; khuyến khích đầu tư và phát triển các khoảng không gian xanh trong các dự án đô thị và khuyến khích cộng đồng, doanh nghiệp và các hộ gia đình huy động nguồn lực để xanh hóa cảnh quan đô thị.
- Trong “Chương trình phát triển đô thị quốc gia” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1659/QĐ-TTG ngày 07/11/2012 đã đặt ra mục tiêu đất dành cho cây xanh đô thị:
Đến năm 2020: Đất cây xanh đô thị, đối với đô thị đặc biệt đạt 15m2/người; đô thị loại I, loại II đạt 10m2/người; đô thị loại III, loại IV đạt 7m2/người; đô thị loại V đạt 3-4m2/người. Đất cây xanh công cộng khu vực nội thị, đô thị đặc biệt đạt 7m2/người; đô thị các loại khác đạt từ 4-6m2/người. Để đạt được mục tiêu đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện về cây xanh đô thị, bảo vệ môi trường cảnh quan trong đó nhấn mạnh: Bảo vệ và duy trì không gian xanh, mặt nước; Lựa chọn cây trồng phù hợp với khí hậu, chức năng và tính chất đô thị, tạo nét đặc trưng riêng cho từng vùng và mỗi đô thị…
- Tháng 9/2015, Liên Hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững đến 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) như là một lộ trình để chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng và chống biến đổi khí hậu trong 15 năm tới. Trong các mục tiêu có liên quan đến phát triển không gian xanh, cây xanh, đô thị xanh và biến đổi khí hậu được thể hiện ở mục tiêu 11, 13 và 15.
Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Quyết định số 622/QĐ-TTg. Các mục tiêu cụ thể đã giao cho các Bộ, ngành thực hiện ví dụ mục tiêu 11.7 Ban hành hướng dẫn quy hoạch đô thị xanh… xây dựng hệ tiêu chí quy hoạch không gian xanh… Ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật về công viên cây xanh…
+ Về tiêu chuẩn, tỷ lệ cây xanh
Hiện nay, chưa có thống kê đầy đủ về hiện trạng cây xanh phân tán toàn quốc (bao gồm cây xanh trồng trong đô thị và cây xanh phân tán nông thôn). Theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9257:2012 về quy hoạch cây xanh đô thị, diện tích cây xanh đối với đô thị loại đặc biệt là 12-15m2/người; đô thị loại I và II là 10-12m2/người; đô thị loại III và IV là là 9-11m2/người; đô thị loại V là 8-10m2/người. Tuy nhiên, theo Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2016 (Chuyên đề môi trường đô thị), hiện nay, hệ thống cây xanh, công viên đô thị còn chưa được quan tâm đầu tư thích đáng; tỷ lệ đất cây xanh, công viên đạt rất thấp so với tiêu chuẩn quy định; diện tích, mặt nước (sông, hồ) bị giảm xuống đáng kể. Cây xanh ở đô thị nước ta chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể. So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp.
Đến nay, đã có 45 tỉnh, thành phố ban hành quy định về quản lý cây xanh, phân công, phân cấp quản lý cây xanh trên địa bàn. Theo Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), trong các năm gần đây diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã từng bước tăng dần lên; như: Huế 18m2/người, Vinh 10,5m2/người, TP. Vũng Tàu 10m2/người, Hà Nội 5,52m2/người, Nam Định 5,39m2/người, Hải Phòng 3,09m2/người, TP.HCM 2,4m2/người, Đà Nẵng 2,4m2/người.
Hiện nay tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị lớn của Việt Nam ở mức từ 2 đến 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2; chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 đến 25 m2/người; nghĩa là cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 của thế giới. Công viên để vui chơi giải trí hầu như rất ít. Diện tích các công viên chức năng cũng rất hạn hẹp (0,5 - 4ha) và chỉ là nơi nghỉ ngơi thư giãn ngắm cảnh như các vườn hoa ở Huế, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên.
+ Về quản lý công viên cây xanh đô thị hiện nay ở Việt Nam
Về mô hình quản lý thiết kế KGX, tùy từng loại hình quy hoạch: Quy hoạch vùng; Quy hoạch chung; Quy hoạch phân khu; Quy hoạch chi tiết; mà KGX công cộng sẽ được quy hoạch có sự liên kết hài hòa từ địa phương tới trung ương.
Sở dĩ còn những vấn đề vướng mắc tồn tại trên có thể nhận thấy các vấn đề quản lý công viên cây xanh tại các đô thị Việt Nam còn nhiều vướng măc, cụ thể như sau:
Bảng 3.3: Các vấn đề về quản lý KGX tại các đô thị Việt Nam
STT |
Các vấn đề về quản lý KGX tại các đô thị Việt Nam |
Đô thị lớn (đặc biệt và loại I) |
Đô thị trung bình (loại II, III, IV) |
Đô thị nhỏ (loại V) |
1 |
Thiếu sự cập nhật các cơ sở pháp lý và văn bản của TW |
|
X |
X |
2 |
Thiếu sự cập nhật các cơ sở pháp lý và văn bản của Tỉnh, Thành phố |
|
|
X |
3 |
Thiếu QH hệ thống KGX và chưa có Quy chế quản lý hệ thống KGX đô thị thống nhất. |
X |
X |
X |
4 |
Tiêu chí hệ thống các không gian xanh công cộng chưa đạt chuẩn theo yêu cầu |
X |
X |
X |
5 |
Công tác phối hợp giữa các đơn vị quản lý các loại KGX trong đô thị chưa đồng bộ. |
X |
X |
X |
6 |
Việc áp dụng khoa học công nghệ để quản lý hệ thống KGX còn hạn chế. |
X |
X |
X |
7 |
Các Kế hoạch đầu tư, phát triển KGX sử dụng công cộng thiếu sự tham gia của cộng đồng. |
|
X |
X |
8 |
Tình trạng khai thác và sử dụng hệ thống KGX theo hướng tự do và tự phát, gây ảnh hưởng đến tổng thể KGX của đô thị. |
X |
X |
X |
9 |
Nhiều tuyến đường đô thị cây xanh là do người dân, doanh nghiệp tự trồng nên không thống nhất về chủng loại, chiều cao, tuổi cây, không đảm bảo kiến trúc cảnh quan đô thị. |
|
X |
X |
10 |
Các cấp quản lý về KGX của đô thị còn thiếu hụt và chưa được chú trọng. |
|
|
X |
NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI
Qua những khái quát ban đầu bài viết xin đưa ra những nhận xét ban đầu về những tồn tại trong việc tính toán chỉ tiêu công viên cây xanh vườn hoa trong hệ thống KGX đô thị:
- Mâu thuẫn về định nghĩa khái niệm KGX trong các văn bản pháp luật
- Chưa thống nhất về ký hiệu bản vẽ về KGX giữa các Bộ ngành (Đăc biệt Không gian công viên vườn hoa - KGX nhân tạo)
- Chưa thống nhất về cách tính toán chỉ tiêu KGX
- Chưa có nghiên cứu về tiêu chí đánh giá KGX cho một đô thị xanh phát triển bền vững
Trên đây là một vài ý kiến về những vấn đề tồn tại cho phát triển hệ thống công viên cây xanh đô thị Việt nam đảm bảo tiêu chuẩn cho các đô thị phát triển bền vững.
ThS.KTS. Nguyễn Hồng Diệp
Phòng nghiên cứu & phát triển đô thị (VIUP)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phạm Thị Việt Anh (2014), Nghiên cứu đánh giá tổng hợp chất lượng môi trường không khí khu vực Hà Nội, Luận án Tiên sĩ, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Lê Huy Bá, 1997- Môi trường (tập 1)- Nxb Khoa học và kỹ thuật, 330 trang Hoàng Hữu Cải,
- Bộ Xây dựng (2009), Thông tư số 20/2009/TT-BXD ngày 20/12/2005 Hướng dẫn quản lý cây xanh đô thi.
- Bộ Xây dựng (1987), Tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng đô thị - TCVN 4449: 1987.
- Bộ Xây dựng (2005), Tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thi - TCXDVN 362: 2005.
- Bộ Xây dựng (2008), Quy chuẩn quy hoạch xây dựng Việt Nam Quy hoach xây dựng QCXDVN01: 2008/BXD.
- Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2010), Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thi.
- Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2010), Nghị định 38/2010/NĐ-CP ngày 04/4/2010 cuả Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị.
- Chinh phủ nước CHXHCN Việt Nam (2010), Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 cuả Chính phủ vê quản lý cây xanh đô thi.
- Chinh phủ nước CHXHCN Việt Nam (2010), Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 tổ chức quản lý rừng đặc dụng.
- Phạm Ngọc Đăng (2011), “Phát triển đô thị Việt Nam - Thiếu không gian xanh”, Kiến Việt - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
- Phan Thu Giang (2016), “Việc quản lý cây xanh ở các nước phát triển”, Báo Điện tử cuả Bộ Xây dựng.
- Đỗ Hậu (2010), Xây dựng và quản lý không gian xanh trong các khu đô thị mới ở Hà Nội đến năm 2020 với sự tham gia cuả cộng đồng.
- Trần Hợp, 1998 - Cây xanh - cây cảnh Sài Gòn-TP.HCM - Nxb Nông nghiệp,
- Tô Văn Hùng (2015), Tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng đô thị sinh thái (lấy đô thị Đà Nẵng làm điạ bàn nghiên cứu), Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
- Jan Gehl (2009), Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc - Sử dụng không gian công cộng, Nxb Xây dựng.
- Phan Kế Long, 2007 - Cây xanh và môi trường đô thị - SAGA - www.saga.vn
- Chế Đình Lý, 1997- Cây xanh phát triển và quản lý trong môi trường đô thị-Nxb Nông nghiệp, TP.HCM
- Chế Đình Lý, 1998 - Thiết kế hoa viên - Giáo trình môn học, ĐHNL, TP.HCM
- Chế Đình Lý - Phạm Văn Hiếu, 2004 - Cây xanh đô thị và biện pháp bảo vệ rừng http://www.binhthuan.gov.vn
- Hàn Tất Ngạn, 1999 - Kiến trúc cảnh quan - Nxb Xây dựng, 224 trang
- TS, PGĐ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
- Nguyễn Hoàng Huy (1997), Vườn cảnh phương Đông, Nxb Văn hóa, Hà Nội, tr 17
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.