Có một bàn chân không mỏi
MTXD - Tỉnh dậy sau một biến cố bất ngờ của gia đình, tai ương ập xuống nhưng chàng trai trẻ đã đứng dậy bằng một chân với nghị lực tuyệt vời để mang đến những sẻ chia diệu kỳ cho những cảnh ngộ khác.
Bị tai ương nhưng không gục ngã
Lương Phi (SN 1990, ngụ thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) một chàng trai khuyết tật sau một biến cố lớn ập xuống gia đình mình. Một thanh niên với dáng người cao gầy, gương mặt điển trai và nụ cười thân thiện luôn thường trực trên môi. Hơn 30 tuổi, Phi đã sống khiếm khuyết chân trái ngót nghét 27 năm nay.
Lương Phi chia sẻ những dự định ấp ủ của mình.
Mấy đài truyền hình làm Phim về Phi, báo viết về Phi xếp đầy trên ngăn tủ trang trọng của phòng sách. Chẳng mấy người biết Phi là một trong số ít những con người vượt qua số phận một cách đường hoàng và giá trị. Cuộc đời Phi thật lạ, có đủ các cung bậc của cuộc sống: Hạnh phúc có, may mắn có. Thế nhưng những bất hạnh, khổ đau cũng thật tận cùng cũng có.
Cuộc đời lận đận lắm! Phi cười, như muốn gạt đi mọi thứ thuộc về quá khứ không vui của mình. Lâu lắm rồi Phi không còn muốn nhớ nữa, đó là ngày kinh hoàng cách đây 26 năm. Ba mẹ con Phi bị một người đàn ông trong xóm truy sát. Mẹ Phi lúc này đang mang thai đứa con gái út bị chém vào đỉnh đầu, gục tại chỗ. Chị gái Phi bị chém vào chân, Phi bị chém đứt lìa chân trái. Cả ba mẹ con sau đó được người dân tức tốc đưa vào bệnh viện cấp cứu. Chị gái Phi may mắn được nối lại chiếc chân sau khi bị người đàn ông chém suýt đứt lìa. Còn Phi, kể từ lúc mới 3 tuổi, đã vĩnh viễn mất đi chiếc chân trái của mình.
Những chuyến thiện nguyện cuối tháng 4 vừa qua của Phi.
Khi ấy, sau những đau đớn về thể xác, Phi còn quá nhỏ để hiểu rằng mình sẽ không còn được bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa khác nữa. Cậu bé ngây ngô thủa ấy vẫn hay vừa khóc vừa về nhà hỏi mẹ rằng tại sao bạn bè có hai chân, còn mình chỉ có một. Mẹ Phi những lúc ấy không muốn khơi gợi tâm hồn vốn chịu nhiều tổn thương, lại nhớ về ngày kinh hoàng ấy nên chỉ ôm con vào lòng rồi khóc. Bà Hồ Thị Tuyết (63 tuổi) suốt mấy chục năm qua từng nhiều đêm mất ngủ, trầm cảm bởi canh cánh nỗi lo con mình sẽ sống mãi trong sự tự ti, mặc cảm. Phi lớn lên bằng những câu hỏi và một bàn chân như thế.
Hàng ngày ngồi nhìn bạn bè chạy nhảy, thả diều, đá bóng,… nước mắt Phi đã không biết bao nhiêu lần rơi ướt áo. Thế nhưng trong nghịch cảnh ấy, niềm lạc quan và nghị lực của Phi đã chẳng thể bị khuất phục. Và rồi, Phi tập đi bằng nạng, tập chạy nhảy bằng nạng, và tập cả… đá bóng với 2 cây nạng gỗ. Một điều gần như phi thường khi mọi người thấy Phi ra sân bóng của làng đá bóng cùng những người bình thường.
Những ngày sau biến cố ấy, cuộc sống của gia đình Phi là chuỗi những tháng ngày hết sức cơ cực. Mẹ Phi bị ảnh hưởng bởi vết thương nên sức khỏe rất yếu, ba Phi phải cáng đáng toàn bộ gia đình, lo thuốc men cho vợ, và nuôi mấy đứa con ăn học trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Rồi Phi theo học ngành Công nghệ thông tin tại một trường Trung cấp ở TP Đà Nẵng. Sau đó, hiểu hoàn cảnh và cảm phục với nghị lực của chàng trai ấy, một mạnh thường quân giúp đỡ, mua sắm thiết bị giúp Phi mở một phòng thu ở Đà Nẵng. Phi từ đó có công việc, có thể tự nuôi sống mình và giúp đỡ được cha mẹ bớt những tháng ngày khốn cùng.
Thế nhưng, để có được điều đó, là cả một hành trình vượt lên số phận đầy nghiệt ngã của chàng trai ấy. Phi vượt qua mặc cảm, vượt qua khó khăn của cuộc sống, vượt qua những bi phẫn của hoàn cảnh. Gặp Phi, lúc nào cũng thấy chàng trai ấy cười. Phi bảo, cuộc sống vốn đã quá nhiều tủi cực rồi, vậy thì sao lại không cười! Chỉ có cười lên, tin thêm vào cuộc sống, tin vào những điều tốt đẹp thì mới có thêm nhiều hy vọng. Phi tin vào cuộc sống sẽ luôn có điều tốt đẹp, tin vào con người với những phần thiện lương luôn hiện hữu. Như mạnh thường quân thủa nào đã giúp đỡ Phi, như các Phi mang niềm tin của mình truyền lại cho người khác, như cách nhiều người mà trong đó có rất nhiều bạn bè của Phi đang giúp đỡ người khác. Phi bảo rằng thương yêu vốn không có gì là khó, cứ mở lòng mình ra, tin vào người và đời thì thiện lương sẽ mang đến nhiều điều tốt đẹp không ai ngờ được.
Lương Phi đã nỗ lực vượt qua bản thân, để có thể giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn và truyền cảm hứng đến những người kém may mắn khác.
Bằng khen của Trung ương Hội LH Thanh Niên Việt Nam trao tặng Phi.
Người ta gọi Phi là "Phi một chân", hay "Thánh một chân" không phải vì Phi chỉ có một chân, mà bởi những nơi Phi đến ngay cả người lành, người khỏe cũng chẳng mấy ai dám đến, và cả bởi những việc Phi đã làm khiến nhiều người tròn mắt ngạc nhiên.
Chưa mỏi dù chỉ một bàn chân
Hành trình thiện nguyện kỳ diệu của chàng trai một chân ấy khiến nhiều người kinh ngạc. Phi lập một kênh YouTube có tên "Thánh một chân". Phi đã làm được khoảng hơn 300 clip giúp người nghèo, với lượt xem một video cao nhất là 981.000 người. Dù sao đi chăng nữa thì cuộc sống vẫn tiếp diễn, phía trước vẫn là bầu trời. Số phận không thể thay đổi, nhưng cuộc sống luôn có thể tốt hơn. Những những video clip được Phi chia sẻ là những hoàn cảnh, những số phận, những cuộc đời kém may mắn. Đó cũng là kênh để Phi mong muốn có thể giúp đỡ cho những người không may mắn như mình. Từ năm 2018 đến nay, Lương Phi đã trực tiếp kêu gọi cộng đồng quyên góp tiền giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, phát quà cho bà con nghèo nơi vùng sâu vùng xa.
Lương Phi và kỹ năng đá bóng một chân đáng nể.
Phi đi những đâu cũng không nhớ nữa. Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk, Nha Trang - Khánh Hòa, Bình Định - Quy Nhơn, Huế, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh… hay cả những chốn rừng thiêng nước độc tít tận triền núi cao cũng đã từng in dấu chân mình. Cuối năm 2020, tại vùng sạt lở Trà Leng, giữa hiện trường thiên tai tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, hình ảnh một thanh niên tình nguyện chỉ với 1 chân, tập tễnh chống nạng lội bộ trên con đường lầy lội và dốc đứng để mang thực phẩm “tiếp tế” cho đồng bào gặp nạn đã khiến nhiều người ngỡ ngàng, thán phục. Hình ảnh chàng trai chỉ một chân nhưng có sức mạnh thật phi thường được bạn đồng hành ghi lại. Đôi tay rắn chắc, anh sử dụng 2 chiếc nạng để đi qua con đường ngập nước theo kiểu "cà kheo" mà không để chân chạm đất khiến nhiều người phải ồ lên vì thán phục.
Phi lặng lẽ làm những clip của mình, lặng lẽ chia sẻ buồn đau, mất mát với những người khác và dường như quên rằng mình cũng cần được trợ giúp. Phi luôn gửi gắm vào đó thông điệp về sự lạc quan và nghị lực sống phi thường. Phi di chuyển bằng xe máy và có những ngày phải lặn lội hàng trăm km chỉ để đến khảo sát một hoàn cảnh, sau đó vận động những nhà hảo tâm giúp đỡ bằng chính những thước Phim chân thực về đời, về người, về số phận mà mình ghi lại. Nhiều clip được đăng tải, có những nhân vật được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng. Phi nói trên kênh Youtube của mình rằng: “Có lẽ, tôi không thể giúp người nghèo hết khổ được, nhưng ít nhất tôi có thể mang cho họ niềm tin rằng giữa cuộc đời rộng lớn này họ vẫn được quan tâm và không đơn độc. Hy vọng, tôi sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành từ các nhà hảo tâm để có thể kết nối yêu thương và mang niềm vui đến với nhiều người bất hạnh hơn nữa!”.
Từ khi kênh Youtube của Phi có thể kiếm được tiền, Phi đã trích một phần để góp vào nuôi dưỡng nhiều cụ già neo đơn, bệnh tật tại tỉnh Quảng Nam. Hằng tuần, sau những chuyến đi, Phi lại tranh thủ thời gian đến dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn và chăm sóc họ như những người thân ruột thịt của mình.
Chùm ảnh vượt lên số phận của Lương Phi (Ảnh Lê Trọng Khang)
Có rất nhiều chuyến đi đến những vùng núi cao, vùng sâu vùng xa như thế. Phi đi để trao tiền cho người khốn khổ hơn, trao quà bánh, sách vở, áo ấm cho lũ trẻ nghèo. Phi cứ đi, một chân tập tễnh chấm phẩy cũng chẳng ngại. Người lành nhiều khi còn mệt còn nản, Phi chẳng lành nhưng chưa chút từ nan. Chàng trai ấy luôn tâm niệm rằng chỉ cần cố gắng thêm 1 bước chân, sẽ có 1 mảnh đời éo le hay 1 đứa trẻ nghèo hiếu học được giúp đỡ.
Và rồi, dường như cuộc đời cũng bù trừ lại cho Phi một niềm an ủi. Đó là kết tinh của chuyện tình cổ tích giữa đời thường, được vun đắp từ hai trái tim cùng chung nhịp đập. Họ đến với nhau không vụ lợi, chỉ có nhu cầu được bên cạnh, đùm bọc, bù đắp cho nhau, bất chấp mọi thử thách. Đó là một gia đình nhỏ, với người vợ hiền dịu đảm đang và hai đứa con nhỏ đẹp như một thiên thần. Khi làm việc tại phòng thu ở Đà Nẵng, chị Nguyễn Thế Nguyên Thu (SN 1991), khi đó là cô sinh viên đại học năm cuối dễ thương, xinh đẹp. Người con gái vì cảm phục với nghị lực Phi thường của Phi nên đã chấp nhận tất cả khó khăn để về với Phi. Cơ duyên tiền định, năm 2016, một đám cưới nhỏ được tổ chức, hai người dọn về một nhà. Gia đình nhỏ lại hạnh phúc khi lần lượt chào đón 2 thành viên mới "đủ nếp đủ tẻ". Từ đây, chàng trai một chân đã trở thành trụ cột của gia đình, là điểm tựa cho ba mẹ già, vợ và 2 con nhỏ. Phi tự nhận rằng mình đã may mắn khi bên cạnh luôn có sự đồng hành của một người vợ biết cảm thông, yêu thương và chia sẻ. Những điều này luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc giúp Phi đứng vững trên “một chân” của mình.
Có người nói Phi “này nọ”. Phi chỉ chặc lưỡi “thây kệ!”. Phi chỉ có bấy nhiêu. Phi muốn cho. Lương Phi đã nỗ lực vượt qua bản thân, để có thể giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn và truyền cảm hứng đến những người kém may mắn khác. Đó là lẽ sống cao đẹp mà Phi đã chọn. Phi khát khao được trải tấm lòng mình với mọi người. Thế thôi! Phi vẫn “Phi thường” như từ bao năm qua. Lương Phi – ‘Lương’ trong chữ Lương thiện, ‘Phi’ trong chữ Phi thường. Cái tên như ám vào cuộc đời Phi chuyện làm phước. Không công. Không nề hà!
Với những cống hiến của mình, cuối tháng 12/2020, “Phi 1 chân” đã vinh dự được nhận bằng tuyên dương trong chương trình Thanh Niên tỏa sáng nghị lực Việt do Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức mới đây. Và hơn hết, đó là sự tin tưởng và yêu thương của nhiều người dành cho Lương Phi suốt thời gian qua. |
TIÊU DAO – THANH BÌNH
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.