Cổ tích Núi Ông
Từ nỗi đau không của riêng ai
Anh bộ đội Nguyễn Văn Trư và chị Yến là người cùng làng, thuộc huyện Vũ Thư (Thái Bình). Anh chị cưới năm 1966, trước lúc anh đi B 6 ngày, chưa kịp có con. Do đã học y tá nên anh được công tác tại Trạm phẫu Tiểu đoàn 406 đặc công Quân khu 5. Ở hậu phương, chị Yến hăng say hoạt động xây dựng quê hương, một lòng một dạ chờ anh chiến thắng trở về.
Sau Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, bộ đội từ chiến trường miền Nam ra Bắc an dưỡng, củng cố sức khỏe để tiếp tục trở vào chiến đấu giết giặc. Một số chiến sĩ khẳng định đã cùng anh Trư quê Thái Bình chiến đấu giết giặc và anh Trư đã hy sinh. Biết tin này, chị Yến vật vã đau buồn hàng tháng trời. Bố mẹ anh Trư thương con dâu mới đôi mươi đã góa chồng thì không cầm lòng được, mới lựa lời bảo ban: “Con ơi! Nếu có ai yêu thương con thì con nhận lời nhé. Như thế là con thương bố mẹ mà vong linh Trư cũng hoan hỷ!..”.
Ông Trần Tuấn Kiệt (Nguyên cán bộ thông tin Trung đoàn 48 bộ đội Quảng Ngãi trong chiến tranh chống Mỹ - Nhân chứng sự kiện cung cấp tư liệu) và tác giả.
Hồi ấy, những cánh thư bộ đội từ chiến trường miền Nam đến được các gia đình ở miền Bắc theo đường bưu điện thường phải mất 6 tháng, thậm chí 8-9 tháng. Có khi thư không đến được người nhận, do trên đường đi bị trúng bom giặc. Đầu năm 1969, Nguyễn Văn Huy, em trai ruột anh Trư nhập ngũ vào chiến trường Quảng Ngãi, đúng lúc Tiểu đoàn 406 đang phối hợp với Tiểu đoàn 48 bộ đội Quảng Ngãi giữ vững thế trận chiến lược của ta. Huy theo nội dung lá thư anh Trư gửi về gia đình từ cuối năm 1967, xin chỉ huy đơn vị cho phép đến Tiểu đoàn đặc công 406 để hỏi về sự hy sinh của anh mình…
Oái oăm! Cái tin anh Trư quê Thái Bình chết là đúng sự thật. Nhưng đó là anh Trư quê ở huyện Tiền Hải! Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi vô cùng xúc động. Huy mừng khôn xiết vì anh trai còn sống. Song cũng rất đau lòng khi kể tỉ mỉ với anh về chuyện ở quê nhà, chị Yến đã lấy chồng và mới sinh con đầu lòng...
Nỗi niềm khiến anh Trư đau buồn, hốc hác cả mặt mũi. Anh gắng gượng để hoàn thành nhiệm vụ. Trong tình cảnh ấy, chị Thân (quê xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành) hơn anh Trư 2 tuổi, đồng nghiệp ở Trạm phẫu, đã hết lòng hỗ trợ anh trong công việc. Chị cũng trở thành chỗ dựa tinh thần của anh. Dần dà hai người yêu nhau và chị Thân đã mang trong mình giọt máu của anh Trư.
Biết rõ Quân Giải phóng ở thời điểm đó quán triệt sâu sắc tư tưởng “Gác tình yêu đôi lứa sang một bên. Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; hai người nhận rõ sự thể sẽ gây khó xử cho tổ chức, ảnh hưởng xấu đến tư tưởng của đồng đội. Lại nghĩ đến cái thai đang lớn dần… Vì vậy, hai người kín đáo ra đi, tìm đến bản đồng bào Co gần núi Ông trên đất Trà Bồng.
Bản tình ca trên núi
Anh Trư nói hết chuyện của mình với ông Trưởng bản Co và nhờ ông giúp đỡ, tạo điều kiện để sau này chị Thân sinh nở được “mẹ tròn con vuông”. Còn anh sẽ trở về đơn vị ngay để báo cáo tình hình của hai người, xin thi hành mọi biện pháp xử lý của cấp ủy, chỉ huy. Miễn là anh được tiếp tục làm nhiệm vụ đơn vị giao.
Thật không may cho anh chị! Luật của bản Co cấm kỵ người lạ sinh con trong bản. Vì vậy ông Trưởng bản quyết định phương án táo bạo, tuyệt mật, nhưng chắc ăn. Đó là đưa anh chị lên núi Ông, làm chỗ để chị Thân ở và sinh con. Mọi sự tính sau. Ông giới thiệu để hai người lường trước: Núi Ông cao 700m so với mặt biển, Vách đá tai mèo dựng đứng. Ngang sườn núi có một hang rộng chứa nguồn nước sạch từ nhũ thạch nhỏ xuống. Cửa hang được cây lá che kín, quân địch không thể phát hiện. Chưa có ai lên đấy bao giờ vì nó rất hiểm trở. Duy nhất, vào năm 1958, khi Mỹ Diệm tàn sát người tham gia kháng chiến, ông cùng các đồng chí ta đã lên đó lánh nạn.
Anh Trư lo lắng cắt lời ông: “Thưa bác! Nhà cháu bụng mang dạ chửa. Lên núi hiểm trở thế. Liệu có sao không ạ?”. “Đã có ta! Đừng lo gì cả!”. Không còn con đường nào tốt hơn và cảm phục tấm lòng cao cả cũng như bản lĩnh, sự từng trải của ông Trưởng bản, anh Trư quyết định theo kế hoạch của ông.
Ông Trần Tuấn Kiệt (Bìa trái, Nguyên cán bộ thông tin Trung đoàn 48 bộ đội Quảng Ngãi trong chiến tranh chống Mỹ - Nhân chứng sự kiện cung cấp tư liệu)
Hôm sau, ông Trưởng bản thu xếp công việc, giao người tin cậy, nếu có việc lớn thì tìm ông theo cách ông bày. Rồi ngày ngày, từ tinh mơ, ông dẫn anh Thân mang theo dao, móc sắt, đai thắt lưng, cơm nắm, nước uống… vào rừng lấy mây, song kết thành sợi to bằng bắp tay, gọi là dây tời. Sau gần một tháng, sợi dây dài 200 trăm mét (đủ để lên tới cửa hang) và cuộc chinh phục bắt đầu. Hai người buộc dây bảo hiểm (dây an toàn) cẩn thận. Ông Trưởng bản dùng que sào đưa móc sắt đã buộc chắc ở đầu dây tời (có khoác đầu dây bảo hiểm của hai người) ngoắc vào gốc cây chìa ra ở vách núi trên đầu. Ông bám dây đu lên trước, chọn chỗ đứng rồi hỗ trợ anh Trư leo dây tời lên. Leo hết đoạn này, tiếp tục thao tác vượt đoạn sau. Suốt một buổi chiều, hai người đã lên đến cửa hang. Lúc này thì phải đặc biệt chú ý, cố định ngay đầu dây tời. Nếu lúng túng để nó rơi, toi công; nguy khốn hơn nữa là không có phương tiện để xuống đất. Ông Trưởng bản chặt cây gỗ tốt ở quanh hang làm một cái tời lớn, đặt nó thật chắc chắn rồi cuộn hết sợi dây tời vào.
Quá trình từ khi khởi công tới lúc hai người lên đến hang mất gần một tháng trời. Hang đá rộng đủ cho trăm người ở. Chỗ để chị Thân ăn nghỉ, sinh con được ghép bằng cây rừng, sạch sẽ và gọn gàng.
Ông Trưởng bản bấm đốt tay, biết hôm sau là ngày đẹp nhất để đưa chị Thân lên hang. Bởi vậy, ông bảo anh Trư theo dây tời xuống. Còn ông ở luôn trên hang để chờ đón anh chị. Đúng giờ ông Trưởng bản đã dặn, Chị Thân bụng bầu 3 tháng, ngồi trong sọt kết bằng sợi giang. Anh Trư chằng buộc sọt vào đầu dây tời thật an toàn và ra hiệu để ông Trưởng bản từ trên hang tời chị Thân lên. Sau đó ông tiếp tục thả dây tời anh Trư lên. Tình yêu thương, tình người kết thành sức mạnh chinh phục kỳ diệu… Chia tay tạm biệt ông Trưởng bản, anh chị chỉ khóc mà không thể nói lên lời…
Hằng ngày anh Trư xuống đồng bằng mua hạt cườm, mắm muối, cá khô lên bản đổi cho đồng bào, lấy hạt cau, chè… mang xuống đồng bằng bán. Dùng tiền lãi mua đồ ăn thức dùng mang lên “nhà”. Xuống chợ, vào bản, anh khéo léo hỏi các bà má về cách tự đỡ đẻ. Anh làm như thế liên tục hai tháng liền nhằm dự trữ gạo, muối, đường, sữa, dầu thắp đèn… Bởi khi bầu bụng đã lớn thì chị không thể tời anh lên được nữa. Lúc đó anh phải tự đu dây để lên. Tháng thai cuối cùng, ngày nào anh cũng ở nhà để chăm sóc chị… Và, hạnh phúc tột đỉnh đã đến với anh chị. Cháu trai bụ bẫm lọt lòng mẹ, tiếng khóc vang vang hang đá lưng chừng trời…
Vòng tay đồng đội
…Đầu tháng 4-1970, Tiểu đoàn 48 sau nhiều tháng đánh địch ở các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn được lệnh chuyển quân lên chân núi Ông tập huấn, nghỉ ngơi. Sáng hôm ấy, đúng lúc Ban Chỉ huy Tiểu đoàn vừa mới giao ban xong thì anh Trư bước vào xin gặp anh Trần Tá-Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên tiểu đoàn.
Trước mặt mọi người, anh Trư không ngại ngùng. Anh trình bày cặn kẽ tình cảnh của anh và chị Thân, đồng thời gửi anh Tá tờ đơn xin cho anh chị vào Trạm phẫu tiếp tục công tác, vì hai người đều có tay nghề mổ xẻ cứu chữa thương binh tương đối tốt. Anh Tá nhận được ánh mắt của anh Trần Tuấn Kiệt (Đài trưởng Đài 15W, Phó Bí thư liên chi đoàn, phụ trách chi đoàn tiểu đoàn bộ) như khẩn cầu sự giúp đỡ đối với người lỡ bước! Suy nghĩ một lát, anh bảo anh Trư: “Chú cứ đưa mẹ con cô Thân xuống đây đã. Rồi bàn tiếp”. Anh quay sang anh Kiệt: “Tôi giao cho chú Kiệt cùng chi đoàn bộ lo tổ chức đón mẹ con cô Thân về đây!”.
Ngay sáng hôm sau, chi đoàn tập trung dưới chân núi, các chị Hương, Hòa, Hậu mang chăn ấm, quần áo đón chờ. Sau hơn 3 giờ đồng hồ, việc đưa chị Thân và cháu bé cùng tất cả đồ dùng sinh hoạt của gia đình xuống mặt đất hoàn thành trước sự kinh ngạc và thán phục của mọi người. Ai cũng tranh bế cháu trai đã 2 tháng tuổi. Anh Kiệt nhạy cảm, biết bố mẹ cháu vẫn chỉ gọi cháu là thằng cu, nên anh đã đặt tên cho cháu là Nguyễn Đức Toàn, ngụ ý sự toàn thắng. Về đến đơn vị, mọi người ùa ra đón gia đình nhỏ, mừng vui xúc động vô bờ.
Sự việc trở thành mối quan tâm chung của lãnh đạo chỉ huy Tiểu đoàn 48 và Tiểu đoàn 406. Mấy ngày sau, anh Hùng Bí thư chị bộ Trạm phẫu cùng một số đồng chí ở Tiểu đoàn 406 đến đón gia đình nhỏ ấy. Nghe anh chị trình bày mọi sự, cán bộ chiến sĩ có mặt ở đấy đều rơi nước mắt. Và cũng lúc này anh Trư, chị Thân mới tỏ: Ngay sau đêm anh chị rời đơn vị, cấp ủy, chỉ huy trạm phẫu đã tổ chức đi tìm, đến những nơi có thể đến được, cả cử người về xã Nghĩa Hành quê chị Thân để lấy tin tức. Nhưng đều bặt vô âm tín. Trước toàn thể cán bộ, chiến sĩ đơn vị, anh Trư và chị Thân thành thực xin nhận mọi hình thức kỷ luật của Đảng và của chỉ huy đơn vị. Mong được chỉ huy và đồng đội cảm thông, thứ lỗi.
Sau buổi ấy, trong tình yêu thương của chị bộ và đơn vị, anh Trư cùng chị Thân tiếp tục công tác cũ, góp phần vào chiến công chung của bộ đội Quảng Ngãi và Mặt trận 44 Quảng Đà. Sau toàn thắng - 1975, anh chị xin giải ngũ, đưa con trai về Nghĩa Hành sinh sống, cùng đồng đội năm xưa xây dựng quê hương Quảng Ngãi anh hùng. Quyết định ấy cũng xuất phát từ một điều đặc biệt quan trọng. Đó là, để thuận tiện cho việc gia đình nhỏ của anh chị hướng về ân nhân nơi bản Co ở chân núi Ông, ơn nặng nghĩa dày…
PHẠM XƯỞNG
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.