Đà Nẵng ra quân xử lý nạn bò, chó thả rông gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông
MTXD - Thời gian qua, người dân thành phố Đà Nẵng tỏ ra bức xúc, lo lắng trước tình trạng các đàn trâu bò, chó thả rông trong khu dân cư, phóng uế, gây ô nhiễm môi trường làm mất mỹ quan đô thị, đồng thời rất mất an toàn giao thông... Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra khi đụng phải trâu bò, chó trên đường.
Lực lượng chức năng phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu ra quân xử lý nạn trâu bò thả rông, phóng ếu, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT cao.
Sau thời gian tuyên truyền, quán triệt về việc nuôi trâu, bò thả rông đến các hộ gia đình, ngày 15/11, lãnh đạo UBND phường Hoà Minh (quận Liên Chiểu) đã triển khai lực lượng ra quân bắt giữ nhiều bò thả rông trong khu dân cư, làm cản trở giao thông, gây mất vệ sinh môi trường. Ngay sau khi tạm giữ, các cơ quan chức năng của phường Hòa Minh đã mời chủ của số gia súc trên lên làm việc, xử phạt nghiêm theo quy định. UBND phường này đã nhiều lần gửi thông báo cần chấm dứt ngay việc nuôi trâu, bò thả rông trong khu dân cư.
Còn tại phường Hòa Hiệp Nam, lãnh đạo UBND phường đã cho ra quân 3 đợt. Gồm lực lượng và phương tiện tham gia 19 người với quyết tâm cao và đã bắt giữ nhiều bò thả rông, đồng thời phạt theo quy định của pháp luật.
Văn bản yêu cầu chấm dứt tình trạng trâu bò thả rông trên các tuyến đường
Qua ghi nhận của phóng viên sau các đợt ra quân và mạnh tay của các địa phương. Riêng tại khu đô thị sinh thái Golden Hills (thuộc phường Hòa Hiệp Nam) Các chủ và hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò thả rông đã có giảm đáng kể, hiện tượng trâu, bò về đêm không còn đi lang thang các nơi và phóng uế bừa bãi, một số khu vực giáp ranh với xã Hòa Liên, Huyện Hòa Vang vẫn còn trâu, bò thả rông trên đoạn đường Nguyễn Tất Thành nối dài với khu công nghệ cao. Người dân tại quận Liên Chiểu nói riêng và toàn thành phố nói chung với hy vọng tệ nạn trâu bò thả rông sẽ sớm chấm dứt để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Người dân ký biên bản cam kết đảm bảo việc chăn nuôi gia súc
Bên cạnh đó, việc xử lý chó thả rông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng được triển khai rất quyết liệt. Mới đây, nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại; thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thái độ của chủ nuôi chó, mèo trong việc chấp hành tiêm vắc xin phòng Dại cho chó, mèo và thay đổi hành vi trong phòng, chống bệnh Dại và quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn phường. Không để hiện tượng chó thả rông, chó không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó và có người dắt, chó nghi mắc bệnh Dại, chó phóng uế bừa bãi ngoài đường, nơi công cộng... gây nguy hiểm cho người và ô nhiễm môi trường. UBND phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) đã tổ chức buổi ra mắt tổ bắt, xử lý chó thả rông trên địa bàn phường.
Ra mắt tổ chức buổi ra mắt tổ bắt, xử lý chó thả rông trên địa bàn phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.
Lãnh đạo UBND phường đã nhấn mạnh, mục tiêu khi thành lập Tổ bắt, xử lý chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại là để thực thi pháp luật, để quản lý việc nuôi chó của người dân đi vào nề nếp, không để chó thả rông, không để chó chạy ra đường mà không có rọ mõm, không có xích và phóng uế bừa bãi, nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ vật nuôi. Bên cạnh đó, có biện pháp xử phạt chủ vật nuôi không chấp hành, không thực hiện nghiêm các quy định về nuôi chó làm ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị và an toàn của người dân.
Sau buổi ra mắt các thành viên của Tổ bắt, xử lý chó thả rông phường Thạc Gián đã triển khai ra quân đi diễu hành trên các tuyến đường thuộc địa bàn phường nhằm tuyên truyền các thông tin về các yêu cầu đối với chủ vật nuôi, biện pháp và quy trình xử lý chó thả rông trên địa bàn phường.
Một số Quy định của pháp luật về chăn nuôi gia súc mà các hộ gia đình, cá nhân cần biết để thực hiện đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của người chăn nuôi:
Chủ nuôi gia súc:
Không thả rông gia súc nơi công cộng.
Không để gia súc phóng uế nơi công cộng; để gia súc phóng uế trên các trục đường thôn, xóm gây mất vệ sinh công cộng.
Không để gia súc gây thiệt hại tài sản người khác.
Không thả gia súc trong rừng trồng dặm cây non.
Thực hiện chăn nuôi, chăm sóc gia súc đảm bảo theo các quy định hiện hành của Pháp luật nhất là đảm bảo về chuồng trại, tiêm phòng vắc xin…
Thường xuyên theo dõi, kiểm soát gia súc, tránh tình trạng thả rông gây thiệt hại về người, tài sản… và gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng các công trình công cộng.
Chủ chăn nuôi phải bồi thường thiệt hại do gia súc gây ra cho người khác theo quy định tại điều 603 Bộ luật dân sự 2015.
Căn cứ Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 10. Xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
1-Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không nhường đường theo quy định, không báo hiệu bằng tay khi chuyển hướng;
b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố;
d) Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới;
đ) Để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông;
e) Đi dàn hàng ngang từ 02 xe trở lên;
g) Để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển;
h) Điều khiển xe không có báo hiệu theo quy định.
2-Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
b) Dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ;
c) Xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định.
Hữu Văn
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.