Dẫn vốn cho tăng trưởng xanh - Bài cuối: Những gợi mở về chính sách
MTXD - Sau Hội nghị COP 26, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn liên quan đến thể chế, chính sách cần phải tháo gỡ. Các chuyên gia đã gợi mở những chính sách mà Việt Nam có thể áp dụng trong thời gian tới để thu hút thêm nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng xanh.
Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) đóng điện Trạm biến áp và đường dây 220/500kV kết hợp điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam. Ảnh: TTXVN
Theo ông Donald Lambert, Trưởng ban Phát triển khu vực tư nhân của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), có 4 cách tài trợ cho các cam kết của Việt Nam tại COP 26. Đầu tiên là các ngân hàng xanh. Với tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP là 140%, tín dụng ngân hàng là động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam nên phải đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam. Để thúc đẩy hoạt động ngân hàng xanh, Chính phủ cần hoàn thiện, công bố danh mục phân loại về điều kiện được coi là tài sản xanh để các ngân hàng hiểu rõ những khoản nào là khoản vay xanh. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định hướng dẫn, bao gồm các cơ chế khuyến khích.
Ngân hàng Nhà nước có thể hỗ trợ vốn cho các khoản vay xanh, thực hiện song song với quy định mức trần tăng trưởng tín dụng của cơ quan quản lý nhằm khuyến khích các ngân hàng ưu tiên cho vay xanh. Tín dụng xanh liên quan đến việc phát triển chiến lược doanh nghiệp, các sản phẩm cho vay xanh, chính sách quản lý rủi ro, hệ thống thông tin quản lý, các chỉ số hoạt động chính và công bố thông tin. Các đối tác phát triển của Việt Nam có thể giúp xây dựng năng lực chuyên môn này.
Tiếp đến là cho vay khu vực tư nhân của các đối tác phát triển. Nếu các ngân hàng trong nước có thể đi đầu trong các khoản vay xanh quy mô nhỏ thì các ngân hàng phát triển có thể chủ trì những khoản vay xanh có tính sáng tạo. Điện mặt trời nổi, điện gió ngoài khơi, pin lưu trữ và địa nhiệt đều còn tương đối mới ở Việt Nam, nhưng các đối tác phát triển có thể mang đến kiến thức chuyên môn quốc tế cần thiết. Do đây là các khoản vay tư nhân, chúng sẽ không được tính vào nợ Chính phủ.
Các đối tác phát triển không chỉ mang nguồn tiền của mình đến cho các dự án này mà còn cả nguồn vốn đồng tài trợ quốc tế. Thực tế từ các dự án mà ADB đồng tài trợ tại Việt Nam, số vốn vay trị giá 428 triệu USD của ADB đã huy động thêm 663 triệu USD vốn tài trợ quốc tế, hệ số tương đương 1,5 lần.
Để chắc chắn nguồn tài chính xúc tác này có sẵn cho các dự án xanh sáng tạo, Chính phủ cần bảo đảm một môi trường chính sách thuận lợi. Mọi sửa đổi đối với Thông tư số 12/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không nên hạn chế các khoản vay xanh.
Chính phủ cũng cần xem xét quyền miễn trừ theo các điều ước quốc tế đối với dự án của các đối tác phát triển, gồm cả vốn đồng tài trợ mà họ huy động được và các bên vay trong nước của các đối tác phát triển xứng đáng được hưởng các ưu đãi về thuế một cách phù hợp.
Thêm nữa là cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM). ADB đã và đang triển khai thí điểm một sáng kiến mới ở Đông Nam Á; trong đó, nguồn tài chính hỗn hợp được sử dụng để đẩy nhanh việc ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi cơ cấu của các nhà máy nhiệt điện than để thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo, sạch hơn. ETM mang tính đột phá và có tiềm năng trở thành một trong những chương trình giảm phát thải carbon lớn nhất thế giới.
Năm 2021, ADB đã công bố nền tảng Đối tác ETM Đông Nam Á với Indonesia và Philippines. Tại Việt Nam, ADB sẽ làm việc với Chính phủ về một nghiên cứu khả thi để đánh giá những lợi ích tiềm năng. Một nghiên cứu như vậy không có tính ràng buộc và sẽ cung cấp cho Chính phủ thông tin về nguồn vốn tài trợ tiềm năng khác để đáp ứng các cam kết giảm phát thải carbon bằng 0 của Việt Nam đã công bố tại COP26, trong khi vẫn đảm bảo cung cấp điện đáng tin cậy và giá cả phải chăng.
Cuối cùng là các nhà đầu tư tổ chức trong nước. Nguồn lực của các ngân hàng trong nước và đối tác phát triển là không đủ để thu hẹp khoảng thiếu hụt tài chính xanh, song có một nguồn vốn chưa được khai thác là các công ty bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam và quỹ hưu trí công, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Việc cải tổ các nhà đầu tư tổ chức là rất phức tạp và sẽ đòi hỏi cải cách thị trường vốn trên diện rộng, vượt ra ngoài phạm vi các công ty bảo hiểm nhân thọ và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn vốn này có tiềm năng trở thành nguồn tài chính bền vững có tính bền vững nhất của Việt Nam.
Còn theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cần khơi thông nguồn vốn quốc tế dành cho năng lượng tái tạo. Chuyển đổi năng lượng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam, nhưng vẫn còn đó những thách thức; trong đó, rủi ro cắt giảm sản lượng điện theo Hợp đồng mua bán điện (PPA) hiện nay gây khó khăn cho các tổ chức tài chính quốc tế trong việc đưa ra những giải pháp tài trợ dự án hiệu quả.
Rủi ro Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể không thu mua nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo gây ra những bất ổn đối với dòng tiền của các dự án. Vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách kết hợp các giải pháp, nhưng không giới hạn ở cơ chế “nhận điện hoặc trả tiền” được đưa vào trong PPA và có thời gian gián đoạn tối đa trong giai đoạn mua điện.
Lấy Malaysia làm ví dụ, Tenega, công ty điện lực Malaysia có vai trò tương tự như EVN có thể có thời gian ngừng hoạt động lưới điện tối đa là 168 giờ/năm, vượt quá ngưỡng đó họ sẽ vẫn phải trả tiền cho các nhà máy điện. Quy định này sẽ thiết lập biện pháp bảo vệ cơ bản cho các nhà phát triển điện và những tổ chức cho vay xét từ quan điểm sản lượng/doanh thu.
Mặt khác, trái phiếu xanh Chính phủ sẽ thiết lập một tiêu chuẩn cho khối tư nhân khi tiếp cận với các thị trường vốn quốc tế, cụ thể là về chuyển đổi năng lượng. Trái phiếu ESG đóng góp 19,6% vào tổng phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu của tổ chức đa quốc gia và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (SSA) trong giai đoạn 2021 đến hết quý I/2022.
Chuyển đổi năng lượng là yếu tố rất quan trọng trên hành trình tiến đến cân bằng phát thải, nhưng đó không phải là tất cả. Có những lĩnh vực khác mà chúng ta cần tập trung khuyến khích nhiều tín dụng xanh hơn; trong đó, có 3 lĩnh vực trọng tâm như: Cần xem xét lộ trình chuyển đổi của các lĩnh vực có phát thải carbon cao như giao thông, nông nghiệp, sản xuất, xây dựng…; kinh tế tuần hoàn là chủ đề quan trọng nhưng nhiều doanh nghiệp đang đối mặt các thách thức khi triển khai. Điều này là do thiếu vắng những hướng dẫn và quy định rõ ràng trong việc kiểm soát lượng khí thải cũng như định nghĩa thế nào là “xanh” trong từng lĩnh vực cụ thể; công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) cũng là một mô hình đáng lưu tâm, cho phép các công ty có thể thuê một đơn vị thứ ba đứng ra đầu tư vào nguồn điện và các thiết bị/cơ sở vật chất về điện để cải thiện hiệu quả sử dụng điện của các tòa nhà hay văn phòng của họ...
Theo H.Chung (TTXVN)-Tintuc.vn
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.