Danh phận cho miền đất cổ. Bài 2: Nâng giá trị cho miền di sản
MTXD - Gò Cỏ bây giờ “bỗng dưng” nổi tiếng, dù ít năm vừa qua người dân nơi đây đã đón không ít đoàn khách đến tham quan thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa, và cả để nghỉ dưỡng.
Trong Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh nằm bên đầm An Khê cách trung tâm làng Gò Cỏ vài trăm mét, nhiều người khách lạ như thấy mình lạc vào vùng đất đã từng hàng ngàn năm dung chứa nhiều câu chuyện của người xưa. Với hành trình chống chọi với đủ thứ khắc nghiệt của thiên nhiên, để ghè đẽo chế tác, săn bắt, canh tác, ăn uống, yêu đương… rồi cả những hoạt động thương mại với các nên văn minh Trung Hoa, Ấn Độ, đều hiện hữu nơi này. Sa Huỳnh là vùng đất giàu có, thương cảng Sa Huỳnh một thời giao thương phồn thịnh, nơi đây có cửa biển nằm cạnh dòng hải lưu ven bờ, có vịnh kín, ghe thuyền ẩn trú an toàn. Đây cũng là điểm xuất phát con đường muối, từ vùng muối Sa Huỳnh lên Tây Nguyên và đi các nơi theo đường biển. Muối gắn liền với cư dân Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt, đem lại sự giàu có và quyền lực.
Đầm An Khê tổ chức nhiều hoạt động du lịch như chèo thuyền, đánh bắt cá...được du khách thích thú.
Dù chỉ đôi dòng ngắn ngủi, nhưng cũng hình dung được công sức vô cùng lớn lao của những nhà khảo cổ Pháp và Việt nhiều năm qua để tạc dựng lại dáng hình một nền văn hóa độc đáo nhiều thành tựu này. Để rồi bây giờ, người và người trong nước cũng như ngoài nước được chiêm nghiệm những tầng vỉa lịch sử, một bước chân quá dài của người Chăm cổ từ những chum vại, nồi niêu, đồ trang sức, rìu cuốc, vật sinh hoạt đủ thứ… còn lại nơi đây. Mảnh đất Gò Cỏ, mà rộng ra là cả vùng Sa Huỳnh đã phải trải qua bao biến thiên lịch sử, trải qua những sự lãng quên và hồi sinh ngoạn mục như bây giờ.
Sa Huỳnh gần như là nơi duy nhất còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh, từ môi trường sinh thái, địa lý nhân văn, địa chất địa mạo... Đây là nguồn tài nguyên quý hiếm, là “bảo tàng sống” cho công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững. Di sản văn hóa dân gian của cư dân sống quanh đầm An Khê, nương tựa vào đầm An Khê là một di sản văn hóa phong phú, đặc trưng. Vài ba năm trở lại đây, làng Gò Cỏ và các khu vực lân cận như đầm An Khê, Gò Ma Vương...được định hướng để xây dựng thành điểm du lịch, làng du lịch cộng đồng. Những người dân một đời chỉ quen đi biển, làm muối, trồng cấy đã hăng hái trước vận mệnh của làng, của vùng đất này. Ngay cả những người nhiều tuổi trong làng như Bùi Thị Vân (68 tuổi), bà Huỳnh Thị Thương (71 tuổi) cũng học làm du lịch. Ngôi nhà tranh của bà Vân giờ đã thành homestay. “Làng tôi từng không ai biết, không ai thèm đến. Chính con cháu trong làng cũng bỏ đi nơi khác sinh sống. Nhưng giờ khác rồi, du khách đến nờm nợp, nhiều đến mức có khi chúng tôi phải từ chối đón đoàn vì quá tải”, bà Vân tâm sự.
Tiến sỹ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi trong một lần đi điền dã văn hóa Sa Huỳnh.
Cùng với đó, như ông Lê Minh Phụng - Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cũng tự hào khi nói rằng bà con ở vùng này đã chú trọng quan tâm tôn tạo, chỉnh trang đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp, xây dựng các hạ tầng homestay, dịch vụ ăn uống, tham quan trải nghiệm đan lưới, làm bánh, hát hố, hát bài chòi. “Cái này đang làm rất tốt, thu hút được con em có kiến thức đi làm ăn xa trở về cùng tham gia. Nhiều người trẻ sau khi đi học đã mang kiến thức về để phát triển du lịch địa phương. Đời sống người dân đã khá lên trông thấy nhờ di sản này. Hy vọng trong tương lai, với sự đầu tư của các cấp các ngành và các doanh nghiệp, thì Sa Huỳnh sẽ là điểm du lịch nổi bật ở miền Trung này!”, ông Phụng cho biết.
Sa Huỳnh bây giờ đã lột xác không ngờ, bởi nơi ấy không chỉ có di sản, mà văn hóa làng còn vẹn nguyên. Du khách đến vẫn được người dân hướng dẫn đánh bắt cá bằng thuyền nan trên đầm An Khê hay trên sông Cửa Lỗ, vun đất trồng khoai hay ngồi đan lưới, làm bánh ít... Gò Cỏ cùng với hàng loạt địa điểm như Gò Ma Vương tháp Núi Một, tháp Gò Đá, cầu Đá, miếu Champa, bia ký Vũng Bàng, hệ thống giếng Champa gồm 12 giếng, con đường xếp đá cổ, hệ thống mương dẫn nước cổ; địa điểm Đầm An Khê và lạch An Khê – sông Cửa Lỗ… tạo thành một hệ thống du lịch từ văn hóa cổ tới thiên nhiên, và nghỉ dưỡng rất tiềm năng. Không những thế, địa danh văn hóa Sa Huỳnh bây giờ đã có danh phận, trong khi Di sản văn hoá Sa Huỳnh lại may mắn hội tụ đầy đủ những giá trị địa du lịch. Tất cả các mặt giao thông đường thuỷ, đường bộ và đường hàng không đều thuận lợi như việc nằm giữa hai sân bay lớn là sân bay Phù Cát của Bình Định chỉ cách 80km, và cách sân bay Chu Lai của tỉnh Quảng Nam 90km. Nơi đây nằm ở tuyến đường biển cận bờ, có tuyến quốc lộ 1 và tuyến đường sắt xuyên Việt đi ngang qua với Ga Sa Huỳnh, cùng với đó là cạnh cao tốc Bắc – Nam đang được xây dựng.
Sa Huỳnh bên làng, bên biển. Nếu từ trên cao nhìn xuống mới thấy được sức sống mới của Sa Huỳnh. Một bên, ruộng lúa sóng lúa xanh rì nhấp nhô, cò bay thẳng cánh, một bên, biển xanh dạt dào, êm êm từng nhịp sóng. Bên những dòng xe bon bon là những đoàn tàu ra khơi tung lưới, chở về bến cảng quê hương rộn rã những tiếng cười. Biển cho muối mặn, biển cho cá tôm khoang đầy, biển nuôi sống từng người con sinh ra nơi đất Sa Huỳnh, và miền di sản cũng đang sống dậy những thì thầm từ đất. Trong mơ màng theo những bước chân tiền nhân ngàn năm, những con đường vẫn tồn tại rất nhiều đá minh chứng cho sự vĩnh hằng, cho sự “giao lưu” giữa đất liền và biển khơi qua hàng hàng thế kỷ. Đá chồng đá, đá làm tường bao cho các ngôi nhà. Đá lớn từng tảng vươn ra đường và đá điểm xuyết cho những homestay nhỏ xinh bây giờ. Như một sự tiếp biến đầy hy vọng, cộng đồng cư dân bản địa nơi đây tiếp tục giữ vững linh hồn một ngôi làng cổ Chăm Pa và khoác lên nó tấm áo mới mang tên di tích quốc gia đặc biệt về văn hóa.
Ngày 24/3/2023, Quảng Ngãi đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt về văn hóa Sa Huỳnh của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Đưa văn hoá Sa Huỳnh là điểm nhấn phát huy được giá trị văn hoá cũng như luật quy định. Từ đây sẽ định huớng cho các ngành, các địa phường phù hợp với điều kiện kinh tế, phát triển kinh tế xã hội. đồng thời kết hợp xây dựng Lý Sơn thành Trung tâm biển đảo quốc gia, kết nối giữa du lịch biển đảo với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, trải nghiệm tại khu văn hoá Sa Huỳnh. Đây là điểm nhấn, điểm mới của Sa Huỳnh chúng ta so với các khu vực khác.
Tiêu Dao
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.