Để cùng kiến tạo thành phố thông minh bền vững

MTXD - Xu hướng đô thị hóa ngày càng tăng đang dẫn đến những thách thức ngày càng lớn, nhất là khi các thành phố trở thành nguyên nhân chính gây ra tình trạng xuống cấp môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững.

MTXD - Xu hướng đô thị hóa ngày càng tăng đang dẫn đến những thách thức ngày càng lớn, nhất là khi các thành phố trở thành nguyên nhân chính gây ra tình trạng xuống cấp môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững. Những vấn đề đô thị đang đòi hỏi những cách tiếp cận sáng tạo hơn, nhằm giúp các thành phố triển khai cơ sở hạ tầng thân thiện hơn với môi trường, và cải thiện hơn nữa chất lượng sống của người dân. Trong bối cảnh này, thuật ngữ “thành phố thông minh bền vững” được đưa ra dựa trên nhiều khía cạnh như: xã hội, thể chế, kinh tế, công nghệ và môi trường.

UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu việc đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh phải bảo đảm tính kết nối, tương thích về công nghệ với các trung tâm điều hành sẵn có, thí điểm xây dựng đô thị thông minh gồm (Q.1, Q.12 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm).

1. Thành phố thông minh bền vững

Để thúc đẩy sự tham gia của cộng đông trong kiến tạo thành phố thông minh bền vững, cần quan tâm đến nhiều khía cạnh. Khía cạnh thể chế đòi hỏi sửa đổi chính sách đô thị, thay đổi cơ cấu hành chính và khởi xướng các cộng đồng thông minh như một phương tiện để thúc đẩy chuyển đổi đô thị bền vững. Trong khi đó, các khía cạnh kinh tế và xã hội đòi hỏi phải đầu tư vào các giải pháp đổi mới, trong đó người dân sẽ tham gia với tư cách đồng sáng tạo, chứ không chỉ là người tiêu dùng. Trong lĩnh vực này, đã có nhiều sáng kiến thành phố thông minh đang được các đô thị trên khắp thế giới áp dụng với những chủ đề mục tiêu như: quản trị thông minh, di chuyển thông minh, kinh tế thông minh, con người thông minh, môi trường thông minh, lối sống thông minh.

Hình 1-Các thành phần của thành phố thông minh bền vững

Hình trên mô tả các thước đo và chủ đề phát triển thành phố thông minh nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh khu vực và vốn xã hội của các doanh nghiệp trong môi trường đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho kết quả quy hoạch đô thị và tăng cường mạng lưới di chuyển đô thị, sử dụng CNTT-TT, hiện đại hóa các dịch vụ cung cấp cho người dân, sự tham gia của cộng đồng nhiều hơn của cư dân thành thị.

“Thành phố thông minh bền vững” quan tâm đến việc triển khai CNTT để số hóa và nâng cao hiệu quả, khả năng tương tác và tích hợp các dịch vụ đô thị như chăm sóc sức khỏe, giao thông, quản lý đô thị, an toàn công cộng và giáo dục. Trong thực tế, các thành phố thông minh bền vững có khả năng giảm thiểu rủi ro, mang lại lợi ích kinh tế và sự ổn định xã hội bằng cách cung cấp cho các doanh nghiệp nguồn lực về kiến thức và cung cấp cho người dân môi trường sống chất lượng hơn.

Khía cạnh công nghệ đã được khám phá trong quá trình phát triển thành phố thông minh bền vững, nhưng điều quan trọng là phải gắn kết xã hội chứ không chỉ tập trung vào công nghệ, vì cộng đồng là tài sản quý giá nhất trong quá trình phát triển. Điều quan trọng là phải thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng với quan niệm họ là người dùng cuối của các dịch vụ số hóa do chính quyền cung cấp. Khía cạnh xã hội được liên kết với quan điểm “con người thông minh” nhằm đạt được sự bình đẳng vì sự bền vững xã hội.

2. Xã hội thông minh

Một trong những phương châm chính trong phát triển xã hội thông minh bền vững là triển khai CNTT-TT và trao quyền kỹ thuật số cho công dân, bảo đảm quyền riêng tư của họ khỏi bị bóc lột, ngăn chặn tham nhũng, hướng tới một nền kinh tế nhân bản hơn, công bằng hơn và khả tín hơn.

Phát triển thành phố thông minh bền vững chỉ có thể được thực hiện một cách đầy đủ thông qua sự kết hợp hài hoà giữa công nghệ, con người và chính sách, chứ không phải là chỉ một, hay hai, trong ba điều đó. Để đạt được sự bền vững xã hội ở các thành phố thông minh, người dân phải có quyền tiếp cận bình đẳng với lợi ích từ đầu tư công, đồng thời được đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình như: an toàn, an ninh, công bằng trong phân phối lợi ích và khả năng tiếp cận nhà ở giá cả phù hợp. Trong xã hội thông minh bền vững, công dân phải là người cùng tạo ra hệ thống xã hội nơi họ cư trú.

Nếu phương pháp tiếp cận sự tham gia của cộng đồng ở các thành phố thông minh quá mang tính kỹ trị, nó sẽ sớm trở nên không thực sự phù hợp với lợi ích của xã hội. Để sự tham gia của cộng đồng được triển khai hiệu quả, cần chủ yếu dựa trên các nền tảng mở để người dân có thể từng bước làm chủ những biến đổi tương lai của chúng. Trong quản lý đô thị, sự tham gia của cộng đồng cung cấp một quy trình mang lại cho tất cả các bên liên quan cơ hội tác động đến các nhiệm vụ hành chính và việc ra quyết định trong quá trình phát triển đô thị. Sự tham gia của cộng đồng cũng được duy trì bởi phong trào chính phủ mở, trong đó đề xuất rằng người dân và các bên liên quan chỉ thực sự tham gia vào phát triển đô thị khi thiết lập thành công được nền tảng quản trị minh bạch và tự nguyện hợp tác.

3. Cộng đồng thông minh

Cộng đồng bao gồm một nhóm người ảo hoặc thực tế thực hiện các hành động riêng lẻ hoặc hợp tác. Sự tham gia có nghĩa là cùng góp phần một việc gì đó trong cả quá trình, cũng như trong sự thừa hưởng thành quả. Sự tham gia của cộng đồng là một hoạt động có tổ chức có mục tiêu chung. Sự tham gia không gián đoạn của cộng đồng sẽ cung cấp cho người dân một phương tiện gần như quyền lực, mà thông qua đó, họ có thể cho chính quyền thành phố biết về nhu cầu và các vấn đề mà họ phải đối mặt. Sự tham gia của cộng đồng giúp các thành phố có thể phát triển một cách hữu cơ chứ không chỉ được thúc đẩy bởi một chiều tầm nhìn của lãnh đạo.

Chẳng hạn như, thành phố có thể cung cấp cơ hội cho tất cả các bên liên quan gửi các đề xuất cải tiến đô thị. Từ đó, người dân dần dần tham gia tích cực hơn vào công tác hoạch định chính sách. Điều này trái ngược với kiểu tham gia của cộng đồng theo cách tiếp cận từ trên xuống, khi người dân chỉ được hỏi ý kiến một cách thụ động xem họ có đồng thuận hay không với các quyết định quy hoạch đã được dự thảo sẵn.

Sự tham gia của cộng đồng cần được nhìn nhận như một hệ thống các bên liên quan. Họ cộng tác từ khi bắt đầu phát triển quy hoạch đô thị. Hệ thống bao gồm các tổ chức hành chính như chính quyền, doanh nghiệp, các công ty dịch vụ đô thị, các nhà cung cấp công nghệ, các trường đại học… và tổ chức phi hành chính như hiệp hội, công dân, nhà khoa học… Các bên liên quan này cuốn lấy nhau như một chuỗi xoắn, tạo thành một cộng đồng thực hành mới tham gia phát triển xã hội thông minh và bền vững hơn cho tương lai. Hệ thống này mang đến cơ hội cho tất cả các bên liên quan. Mỗi trong số họ đều có thể nêu rõ quan điểm, mối quan tâm và ý kiến để tạo ra những cuộc thảo luận cởi mở về những lợi thế và bất lợi. Các ý kiến đóng góp mang trong nó giá trị thực dụng đôi khi lớn lao hơn những khoản đầu tư khổng lồ, cho thấy đã đến lúc mà giữa chính quyền và người dân có thể hình thành mối quan hệ đối tác, không phân biệt họ là doanh nghiệp lớn hay chỉ là một cá nhân yếu ớt.

Hình 2- Mô hình hệ thống gắn kết cộng đồng

Đã từng có nhiều cách làm để tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng như: hội đồng cư dân chung cư, các phiên họp mở tòa thị chính, các phiên điều trần công khai, khảo sát xã hội học, và xây dựng nền tảng kỹ thuật số… được áp dụng trong các cộng đồng địa phương trên toàn thế giới. Nhưng những cách tiếp cận này đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng vì ý kiến đầu vào không được lấy từ cộng đồng rộng lớn hơn, bao gồm người nhập cư, người khác ngôn ngữ, người khuyết tật, người khác biệt về văn hóa, công dân nghèo, người bận rộn…

Cần có những cách tiếp cận tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hợp tác và thảo luận. Các công nghệ kỹ thuật số có thể mang lại nhiều phương tiện thu hút sự tham gia và thúc đẩy hợp tác vui vẻ giữa cư dân trong thành phố.

4. Cùng sáng tạo

Một trong những phương tiện là chính quyền của người dân cùng sáng tạo đổi mới đô thị. Các hoạt động cùng sáng tạo có sự tham gia có thể kích thích phát triển đô thị và tạo ra các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, giải pháp và dịch vụ mới, mà không bị thị trường đào thải như nhiều trường hợp phát minh sáng kiến một chiều.

Ví dụ, trong quá trình cùng sáng tạo để chuyển đổi đô thị, trải nghiệm của người dân có thể góp phần giúp quyết định quy hoạch trở nên khả thi và phù hợp thực tiễn. Sáng kiến của một số cư dân có kiến thức có thể giúp giảm rủi ro thất bại của dự án. Tiếp thu ý kiến cộng đồng giúp việc triển khai các dịch vụ đô thị đạt được giải pháp tối ưu.

Như vậy, việc tạo ra dịch vụ đô thị cần sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan trong các giai đoạn khác nhau của dự án đô thị, tất cả các bên liên quan nên tham gia vào quá trình lên ý tưởng và đồng sáng tạo những đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp hơn với tầm nhìn đa chiều hơn. Để đạt được trạng thái đó, cần có phương tiện hỗ trợ là các kênh tương tác cộng đồng đa dạng, bao gồm không gian công cộng, nền tảng trực quan hóa kỹ thuật số và các phương pháp tiếp cận kết hợp. Không gian công cộng cung cấp địa điểm nơi những người cùng sáng tạo gặp gỡ, trao đổi, nói lên ý kiến của mình thông qua các hoạt động thể chất vui vẻ như viết, vẽ, nhảy múa, diễn thuyết…

Nếu như không gian công cộng giúp chính quyền có thể nhìn thấy và nghe thấy ý kiến của các cá nhân, không gian công cộng kỹ thuật số cung cấp một nền tảng ảo, nơi xã hội có thể tương tác và xem phản hồi từ tất cả những người tham gia khác. Số hóa rõ ràng là một phương tiện mạnh mẽ giúp thúc đẩy và cải thiện sự tham gia của người dân. Trong cách tiếp cận kết hợp, cả hoạt động đồng sáng tạo vật lý và kỹ thuật số đều được lên kế hoạch và thực hiện trong không gian công cộng được kiểm soát trong thành phố hoặc trong môi trường kỹ thuật số. Không gian công cộng vật lý, nền tảng trực quan hóa kỹ thuật số và phương pháp tiếp cận kết hợp cung cấp nền tảng tương tác cộng đồng hỗ trợ sự tương tác giữa các bên liên quan khác nhau, bao gồm công chúng, đại diện chính quyền, chuyên gia và các tổ chức cộng đồng.

5. Cùng đổi mới đô thị

Phương pháp truyền thống để đổi mới đô thị thường được bắt đầu bởi các nhà hoạch định chính sách. Họ đưa ra các quyết định tập trung dựa trên tầm nhìn tổng thể, rồi thuyết phúc các bên liên quan cùng tham gia phát triển. Ngày nay một cách tiếp cận mới đang được công nhận ngày một rộng rãi, trong đó việc khéo léo phối hợp lợi thế của tất cả các bên liên quan có thể làm xuất lộ những phương cách khác để giải quyết các mục tiêu. Trong cách làm này, sự tham gia của cộng đồng có thể kích thích đổi mới đô thị và thúc đẩy phát triển đô thị. Cho nên cách khai thác sự tham gia của cộng đồng có thể cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những công cụ mới. Vai trò cùng sáng tạo của cộng đồng có thể là một cánh cửa mới mở ra con đường phát triển bền vững hơn cho đô thị. Cùng sáng tạo để đổi mới đô thị là một mô hình thể chế mới, trong đó thành phố và toàn bộ cộng đồng, dựa trên kiến thức, chuyên môn và kỹ năng của họ, tìm được giao thức với nhau để cùng hoạch định các dịch vụ đô thị mới, hữu ích hơn, trực tiếp mang lại lợi ích cho người dân và môi trường địa phương.

Hình 3. Các phương pháp huy động cùng sáng tạo đổi mới đô thị

Cùng sáng tạo trở thành một sự thay đổi rộng lớn hơn nhiều so với việc gắn kết cộng đồng. Châu Âu hiện đang sử dụng khái niệm “đổi mới đô thị mở” với mục đích tạo tạo ra sự tương tác và kết nối liền mạch các ý tưởng giữa các thành phần xoắn ốc trong hệ sinh thái các bên tham gia (công dân, học viện, chính phủ và ngành công nghiệp. Công cụ “đổi mới mở” giúp các thành phố trở thành phòng thí nghiệm sống cho công nghệ và ý tưởng xã hội để phát triển các dịch vụ lấy cộng đồng làm trung tâm (Paskaleva và cộng sự, 2015).

Có nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau có thể sử dụng để huy động sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, có phương pháp tương tác trực tiếp như phỏng vấn hoặc thảo luận nhóm giữa các chuyên gia và người dân. Có phương pháp gín tiếp thông qua môi trường kỹ thuật số như cổng thông tin cộng đồng, tương tác với các quan chức trên mạng xã hội. Các nền tảng cộng tác, công cụ mạng xã hội, ứng dụng tương tác và ứng dụng đặt câu hỏi có thể được sử dụng để giảm thiểu chi phí tham gia của cộng đồng bằng cách hỗ trợ người dân và các bên liên quan khác tham gia và đồng sáng tạo thông qua thiết bị di động của họ mọi lúc, mọi nơi từ xa để cải thiện mức độ dễ dàng cho các cuộc tranh luận.

Các công cụ kỹ thuật số như mạng xã hội, phương tiện truyền thông có thể được sử dụng để thu hút sự tham gia của cộng đồng như một phương tiện nhằm thu hút số lượng cư dân lớn. Ở Hàn Quốc, các nền tảng độc quyền như blog của chính phủ được người dân sử dụng để thảo luận về chính sách và gửi bình luận, giúp tăng cường niềm tin giữa người dân và đại diện chính phủ (Berntzen & Johannessen, 2016). Những nền tảng trực tuyến này có thể thu thập kinh nghiệm và ý kiến của người dân về các vấn đề đa dạng.

Một cách tiếp cận khác là phỏng vấn gián tiếp để biết mong cầu của người dân liên quan đến những dự án đô thị tiềm năng. Ngoài ra có thể huy động nguồn lực từ cộng đồng nhằm cung cấp phương tiện khiến người dân thay nhà quy hoạch thu thập dữ liệu đời thực.

“Phòng thí nghiệm sống” là một cách tiếp cận khác dựa trên sự hợp tác giữa công dân - doanh nghiệp - chính phủ. Trong đó, toàn bộ cộng đồng được tham gia ngay từ đầu vào quá trình phát triển đô thị khi lập quy hoạch. Các bên liên quan tham gia vào việc hình thành ý tưởng

và thử nghiệm các mô hình ảo đô thị. Phòng thí nghiệm sống có thể giúp thực hiện đánh giá thị trường và khám phá các ý tưởng đô thị khác nhau cũng như giảm rủi ro kinh doanh cho doanh nghiệp hoạt động trong thành phố.

Dữ liệu mở còn có thể được sử dụng như một phương tiện hỗ trợ cùng sáng tạo cho phát triển đô thị. Nó có nguồn gốc từ các bên liên quan khác nhau và có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề đô thị phức táp, ví dụ như hỗ trợ và quản lý giao thông công cộng. Dữ liệu mở là dữ liệu không bí mật và không bị hạn chế, được sản xuất công khai và phổ biến mà không có bất kỳ hạn chế nào đối với việc phân phối hoặc sử dụng nó. Trong quản lý đô thị, dữ liệu mở có thể được sử dụng để cải thiện tính minh bạch của chính quyền đô thị và cung cấp cơ hội kinh doanh đổi mới cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc phân phối dữ liệu mở chắc chắn sẽ không dẫn đến sự tham gia của cộng đồng vì các tác nhân như công dân yêu cầu một số kỹ năng kỹ thuật để chuyển đổi và sử dụng dữ liệu, mới có thể cùng sáng tạo.

Ngoài ra, cảm biến công dân (citizen sensing) là một hình thức tham gia cộng đồng khác, nhằm đạt được các cam kết thực hành sáng tạo và dẫn dắt phát triển trong thành phố. Các dự án Tự làm (DIY) có thể được đề xuất như một phương tiện để cải thiện sự đổi mới đô thị bằng cách thu hút người dân sử dụng công nghệ cảm biến và phương tiện truyền thông có sự tham gia.

NGUYỄN XUÂN ANH

Tài liệu tham khảo

Paskaleva, K., Cooper, I., Linde, P., Peterson, B., & Götz, C. (2015). Sự tham gia của các bên liên quan trong thành phố thông minh: Làm cho các phòng thí nghiệm sống hoạt động. Trong Chuyển đổi chính quyền thành phố để thành phố thông minh thành công.

Berntzen, L., & Johannessen, MR (2016). Vai trò của sự tham gia của người dân vào các dự án thành phố thông minh cấp thành phố: Bài học từ Na Uy. Trong Thông minh hơn là chương trình nghị sự về đô thị mới.

Các tin khác

Việt Nam – Trung Quốc “bắt tay” phát triển ngành công nghiệp Điện và Năng lượng
Việt Nam – Trung Quốc “bắt tay” phát triển ngành công nghiệp Điện và Năng lượng

MTXD - Chiều 16/5, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Hợp tác Phát triển ngành điện lực Trung Quốc – ASEAN Kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc.

Tối ưu hóa hệ thống quản trị trong thời đại số
Tối ưu hóa hệ thống quản trị trong thời đại số

MTXD - Ngày 16/5, tại Hà Nội Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (SCE) - Trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Mutosi Việt Nam, IC Việt Nam tổ chức Hội thảo tối ưu hóa hệ thống quản trị trong thời đại số.

Tận dụng thời cơ, triển khai hiệu quả chương trình khuyến công tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc
Tận dụng thời cơ, triển khai hiệu quả chương trình khuyến công tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc

MTXD - Chiều 16/5, tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII và khai mạc hội chợ triển lãm Hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc – Hà Nội năm 2024.

Hướng tới sản xuất xanh, thương mại, năng lượng và công nghiệp xanh
Hướng tới sản xuất xanh, thương mại, năng lượng và công nghiệp xanh

MTXD - Ngày 16/5, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc “Triển lãm Quốc tế về Máy móc, Thiết bị, Công nghệ và Sản phẩm Công nghiệp lần thứ 19 - VINAMAC EXPO 2024”.

Việt Nam lần đầu điều trị thành công cho bệnh nhi bị sỏi niệu quản hiếm gặp
Việt Nam lần đầu điều trị thành công cho bệnh nhi bị sỏi niệu quản hiếm gặp

MTXD – Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tiếp nhận một bệnh nhi 17 tháng tuổi bị sỏi niệu quản. Đây là trường hợp mắc sỏi niệu quản nhỏ tuổi nhất Việt Nam. Bằng các phương pháp kỹ thuật tối ưu, đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện đã tán thành công sỏi niệu quản cho bệnh nhi này.