Đề xuất quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050

​MTXD - Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một dấu ấn mới, là cơ sở chính trị hết sức quan trọng và kịp thời cho định hướng phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới, đáp ứng các yêu cầu phát triển mới.

MTXD - Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một dấu ấn mới, là cơ sở chính trị hết sức quan trọng và kịp thời cho định hướng phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới, đáp ứng các yêu cầu phát triển mới.

I. Phát triển đô thị - nông thôn trong hệ thống quy hoạch quốc gia

Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một dấu ấn mới, là cơ sở chính trị hết sức quan trọng và kịp thời cho định hướng phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới, đáp ứng các yêu cầu phát triển mới. Giai đoạn 2021 - 2030, tỷ lệ đô thị hóa Việt Nam dự báo đạt trên 50%, phấn đấu xây dựng hệ thống đô thị có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Luật Quy hoạch, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập các quy hoạch trên cả nước (hình 1). Mục tiêu chính của quy hoạch tổng thể quốc gia kỳ này là nâng cao năng lực cạnh tranh của lãnh thổ, liên kết các vùng miền và liên quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, thịnh vượng, phù hợp với bối cảnh mới, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hoá và thiên nhiên.

 

Đường làng nông thôn tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Hợp phần quy hoạch đô thị nông thôn là bộ phận quan trọng của quy hoạch tổng thể quốc gia, là luận chứng khung không gian phát triển quốc gia, các đô thị lớn, hành lang kinh tế, các trung tâm (động lực) tăng trưởng…

Quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn quốc gia (quy hoạch ngành đô thị - nông thôn) là quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia; là cơ sở để ngành Xây dựng thống nhất với các ngành trong đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị và nông thôn, hướng dẫn các địa phương lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, nông thôn.

Mục tiêu chính của quy hoạch ngành đô thị - nông thôn kỳ này là thúc đẩy quá trình đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới hiệu quả, có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội nhanh bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, an ninh lương thực.

Đồng thời quy hoạch ngành đô thị - nông thôn là cơ sở để ngành Xây dựng triển khai hợp phần quy hoạch đô thị nông thôn. Sau đây là những vấn đề chính hợp phần quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia.

Hình 1: Phát triển đô thị - nông thôn trong hệ thống quy hoạch quốc gia

II. Phương hướng chung

Giai đoạn 2021 - 2030 đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành hệ thống đô thị tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, với các nhiệm vụ chủ yếu:

i, Tổ chức không gian đô thị - nông thôn cân bằng, bền vững

Thúc đẩy dịch cư từ nông thôn ra đô thị, đảm bảo ổn định không gian cư trú, cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho cư dân nhập cư tiếp cận bình đẳng các dịch vụ: nhà ở xã hội, y tế, giáo dục, đi lại, sử dụng nước sạch, thông tin, điện chiếu sáng.

Tổ chức, sắp xếp lại hệ thống đô thị - nông thôn trên cơ sở tối ưu hoá tiềm năng lợi thế mỗi vùng miền; tập trung đầu tư phát triển các đô thị lớn, các cực và hành lang đô thị hoá có khả năng cạnh tranh quốc tế; tạo cơ chế hợp lý phát triển các đô thị vừa và nhỏ đảm bảo cân bằng giữa đô thị và nông thôn; tăng cường mạng lưới giao thông và thông tin, hình thành các đầu mối hạ tầng đa phương thức ở các đô thị trung tâm vùng và trung tâm quốc gia; đẩy mạnh phát triển mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biển đổi khí hậu.

Phát triển hoà nhập đô thị và nông thôn, thúc đẩy tiến trình đô thị hoá nông thôn và triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới chất lượng cao trên phạm vị toàn quốc.

ii, Bảo vệ toàn diện tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với BĐKH

Tăng trưởng đô thị hoá theo nguyên lý bảo tồn tài nguyên sinh thái, quy hoạch và quản lý đô thị trên cơ sở phù hợp với sinh thái môi trường và khoanh vùng khu vực tài nguyên sinh thái cần bảo tồn và phục hồi cấp quốc gia; các chương trình phát triển đô thị hoá phải phù hợp với quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực hệ thống sông lớn; chương trình phát triển đô thị - nông thôn các tỉnh, thành phố TW phải tối ưu hoá sử dụng năng lượng, giảm thải khí CO2, thúc đẩy đô thị tăng trưởng xanh và phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, không đối chọi với thiên nhiên, thích ứng với BĐKH.

iii, Kinh tế đô thị

Không phát triển kinh tế đô thị bằng mọi giá, mỗi đô thị lựa chọn các ngành kinh tế trụ cột trên nguyên tắc cân bằng các lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường.

Tuỳ thuộc lợi thế so sánh của mỗi đô thị đề ra tầm nhìn và mục tiêu phát triển giai đoạn 2020-2030, đối với đô thị lớn và cực lớn cần tăng năng lực cạnh tranh quốc tế khẳng định vị thế kinh tế đô thị trung tâm cấp vùng và quốc gia, đối với đô thị vừa và nhỏ cần vươn lên trở thành trụ cột tăng trưởng địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện), thúc đẩy phát triển hài hoà giữa các vùng miền.

Phát triển thị trường bất động sản đô thị phù hợp với chính sách tài chính quản lý quỹ BĐS đô thị, Nhà nước quản lý lợi nhuận chênh lệch địa tô để phát triển hạ tầng đô thị.

iv, Đảm bảo công bằng và bản sắc

Không gian cư trú đô thị - nông thôn phải đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu cho mọi cư dân, hướng tới nỗ lực giảm nghèo đa chiều và giảm thiểu chênh lệch giữa các vùng đồng bằng và miền núi, đô thị và nông thôn, khu vực trọng điểm đầu tư và khu vực hạn chế phát triển.

Quy hoạch và thiết kế đô thị, nông thôn phù hợp với cảnh quan, văn hoá vùng miền, chú trọng vào các không gian văn hoá và các thiết chế văn hoá công cộng. Kiến trúc cảnh quan của mỗi vùng và đô thị phải có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, dân số - xã hội, trình độ khoa học, kỹ thuật, truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương và các yêu cầu phát triển mới; thủ đô Hà Nội, TP.HCM phải bảo vệ, tôn tạo cấu trúc không gian khu di sản văn hoá, di sản đô thị, di sản cảnh quan; các đô thị đặc thù về văn hoá, cảnh quan như Huế, Hội An, Đà Lạt, Sa Pa, các khu phố cổ, phố cũ… được bảo vệ và phát huy giá trị bền vững theo quy định quốc tế; thúc đẩy các xu hướng kiến trúc xanh, kiến trúc sử dụng hiệu quả năng lượng.

III. Đề xuất phát triển mạng lưới đô thị - nông thôn

3.1 Mạng lưới đô thị

Phát triển hệ thống đô thị theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững, phân bố hợp lý hệ thống đô thị trên địa bàn cả nước và các vùng, miền; có tính liên kết tổng thể chặt chẽ, xác định rõ vai trò, chức năng của từng đô thị, nhất là đô thị động lực đối với hệ thống đô thị và vùng nông thôn phụ cận.

Chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển các đô thị có vai trò là đô thị trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng liên tỉnh, vùng tỉnh tại các hành lang kinh tế quan trọng của quốc gia, quốc tế (hành lang Bắc - Nam và hành lang Đông - Tây), hành lang duyên hải và hành lang biên giới gắn với các khu đô thị - kinh tế cửa khẩu quan trọng. Hình thành và phát triển một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới.

Xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các thành phố trực thuộc Trung ương thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á.

Tại Hà Nội, TP.HCM tập trung phát triển các dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo, công nghệ thông tin..., hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều đất, lao động. Phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TP.HCM.

Phát triển hệ thống đô thị trung tâm vùng phù hợp với chức năng của từng vùng. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng đô thị trọng điểm, các vùng đô thị động lực để lan tỏa, thúc đẩy khu vực phụ cận, các vùng khác phát triển.

Phát triển hệ thống đô thị ven biển và hải đảo với vai trò là những trung tâm dịch vụ hỗ trợ thúc đẩy các tiềm năng, lợi thế biển như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên biển, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Tập trung phát triển hạ tầng đô thị ven biển theo hướng đồng bộ, hiện đại xanh, thông minh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hình thành một số đô thị ven biển có chức năng quốc gia với các lợi thế nổi trội về du lịch, cảng biển, dầu khí và các ngành kinh tế biển mới như Hải Phòng, Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Mỹ, Vũng Tàu, Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên...

Từng bước xây dựng các đô thị đảo trở thành các trung tâm phát triển dịch vụ cấp quốc gia, vùng nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế biển như du lịch, dịch vụ biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái biển. Ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh tại một số địa bàn huyện đảo đã có tiền đề phát triển đô thị như Phú Quốc, Vân Đồn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Phú Quý, Côn Lôn.

Hình thành và phát triển một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh, lấy Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ là hạt nhân liên kết mạng lưới đô thị thông minh, kết nối với khu vực và thế giới.

Ưu tiên phát triển các nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng công nghệ số để ứng dụng hiệu quả trong các hoạt động quản lý đô thị thông minh, từng bước hình thành mạng lưới đô thị thông minh liên thông, đồng bộ, giải quyết tốt các yêu cầu phát triển mới trong các lĩnh vực hạ tầng đô thị, quản lý dân cư, trật tự xã hội, an ninh an toàn trong đô thị.

Ưu tiên phát triển các đô thị gắn với các hành lang kinh tế để trở thành các đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng, thúc đẩy lan tỏa phát triển. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng đô thị trọng điểm, các vùng động lực để lan tỏa, thúc đẩy các vùng phụ cận, các vùng khác phát triển.

Phát triển đô thị vừa và nhỏ trong mối quan hệ chặt chẽ, chia sẻ chức năng với các đô thị lớn, giảm dần khoảng cách giữa các đô thị. Dành nguồn lực phù hợp để đầu tư, phát triển các đô thị trung bình và nhỏ trên cơ sở khai thác các lợi thế, tiềm năng di sản văn hóa lịch sử, kiến trúc, thiên nhiên để phát triển du lịch tại tất cả các vùng, liên kết hỗ trợ để tất cả các vùng đều phát triển.

Chú trọng phát triển các đô thị nhỏ (loại V), vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn.

Xây dựng tiêu chí và phát triển các mô hình đô thị có chức năng đặc thù (đô thị du lịch, đô thị đại học, đô thị sáng tạo, đô thị kinh tế cửa khẩu, đô thị đảo...). Tăng mật độ đô thị tại các địa bàn có điều kiện khu vực miền núi, trung du, ven biển.

3.2. Khu vực nông thôn

Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông thôn đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị. Tập trung xây dựng, hoàn thiện, bảo trì hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng công nghệ thông tin, thương mại, y tế giáo dục, văn hóa, thể thao; khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung theo hình thức xã hội hóa...

Xây dựng nông thôn mới với cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, tạo sinh kế bền vững cho người dân nông thôn; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao; môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Xây dựng các mô hình phân bố dân cư nông thôn phù hợp với từng vùng sinh thái tự nhiên, phù hợp với đặc điểm văn hoá, dân tộc, điều kiện kinh tế - xã hội.

Định hướng đa dạng hóa chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với lợi thế vùng miền, điều kiện và cơ hội phát triển địa phương theo 3 hướng:

- Đối với các xã khu vực ven đô có kinh tế phi nông nghiệp chiếm đa số, dịch vụ, thương mại và kết cấu hạ tầng phát triển mạnh định hướng đẩy mạnh đô thị hóa.

Phát triển nông nghiệp đô thị, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ xã hội có chất lượng tiệm cận với thành thị, hình thành các “đô thị xanh”, “khu đô thị sinh thái”. Phát triển các đô thị vệ tinh giảm tải cho các đô thị chính và từng bước đưa đô thị phát triển về địa bàn nông thôn.

- Đối với các xã thuộc các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn tại vùng ĐBSCL, Tây Nguyên định hướng xây dựng các vùng chuyên canh đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, kết cấu hạ tầng và các cụm ngành chế biến - dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Hỗ trợ kết nối hạ tầng với các thị trường lớn, khu trung chuyển, dịch vụ hậu cần lớn, kết nối với thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển các khu dân cư nông thôn phân tán theo địa bàn sản xuất, liên kết hài hòa với các đô thị để đảm bảo cung cấp dịch vụ kinh tế - xã hội.

- Đối với các xã nông thôn truyền thống như ở khu vực miền núi phía Bắc, một số vùng ở đồng bằng sông Hồng và các vùng miền khác định hướng tiếp tục phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề; phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương.

Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Phát triển các khu dân cư tập trung có quy mô thích hợp liên kết với đô thị ở các cấp địa phương và vùng.

Tầm nhìn đến năm 2050 nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.

IV. Đề xuất hành lang đô thị hoá quốc gia và các vùng đô thị, tiều vùng đô thị

4.1 Hành lang đô thị hoá quốc gia

Hành lang đô thị hoá quốc gia quan trọng nhất là hành lang kinh tế xuyên Á, Bắc - Nam và chuỗi đô thị biển miền Trung là hành lang kinh tế quan trọng nhất đối với nền kinh tế quốc gia, được cấu thành bởi QL1A, đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam và tuyến đường ven biển kết nối tất các trung tâm đô thị lớn, các khu kinh tế ven biển.

Tập trung những hạ tầng đầu mối quy mô lớn và những trung tâm công nghiệp lớn, khu công nghệ cao, trung tâm tài chính ngân hàng, viễn thông, đào tạo và y tế chất lượng cao, trung tâm dịch vụ vận tải giao thương quốc tế; phát huy thế mạnh và sức cạnh tranh của mỗi vùng, để mỗi vùng đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển chung của đất nước và trợ giúp các vùng khó khăn, nhất là các vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Hình 2: Hành lang đô thị hoá quốc gia và các vùng đô thị lớn.

4.2 Tiếp tục phát huy hiệu quả, tác động lan tỏa của 2 vùng đô thị lớn Hà Nội, TP.HCM

Vùng Thủ đô Hà Nội

Phạm vi vùng Thủ đô Hà Nội gồm ranh giới của thủ đô Hà Nội và các tỉnh xung quanh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và một số địa phương vùng Trung du miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang).

 Đây là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, có thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Xây dựng vùng Thủ đô có môi trường sống và môi trường cảnh quan phong phú, giàu tính văn hóa - xã hội, mang đậm bản sắc dân tộc với xu hướng phát triển hiện đại; là vùng đầu mối tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia; có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng.

Phát triển vùng Thủ đô Hà Nội trong mối liên kết, thúc đẩy phát triển khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, Duyên hải vịnh Bắc Bộ và vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Tập trung phát triển các đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong Vùng trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai (vành đai 4, vành đai 5); các trục, hành lang kinh tế (Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Hà Nam; Hà Nội - Thái Nguyên…).

Vùng đô thị TP.HCM

Vùng đô thị TP.HCM gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Long An, Tiền Giang thuộc vùng ĐBSCL.

Đây là vùng đô thị lớn có tỷ lệ đô thị hóa cao, vùng phát triển kinh tế năng động, bền vững; có khả năng cạnh tranh cao trong nước và quốc tế; trung tâm giao thương quốc tế của vùng Nam Bộ và cả nước; trung tâm công nghiệp, công nghệ cao, tài chính, thương mại, dịch vụ chất lượng cao tầm quốc gia và khu vực; trung tâm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch rừng cảnh quan tầm quốc gia; trung tâm văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của quốc gia và khu vực; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh của vùng Nam Bộ và cả nước; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Phát triển vùng TP.HCM trong mối liên kết, thúc đẩy phát triển khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và vùng ĐBSCL.

Tập trung phát triển các đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong Vùng trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai (vành đai 3, vành đai 4); các trục, hành lang kinh tế từ TP.HCM đi các địa phương trong vùng.

Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP.HCM - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Nghiên cứu xây dựng thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành.

4.3 Hình thành và phát triển một số tiểu vùng đô thị

Tiểu vùng TP Hải Phòng - Hạ Long: Đô thị trung tâm là TP Hải Phòng, Hạ Long và các địa phương ở vùng Duyên hải vịnh Bắc Bộ. TP Hải Phòng trung tâm quốc gia về kinh tế hàng hải, công nghiệp, dịch vụ logistics; trung tâm vùng về du lịch, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ.

TP Hạ Long là trung tâm quốc gia về kinh tế du lịch biển, bảo tồn di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, trung tâm cấp vùng về thương mại, dịch vụ biển. Kết nối với Hà Nội và vùng đô thị Hà Nội thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tiểu vùng TP Cần Thơ: Đô thị trung tâm là TP Cần Thơ và các địa phương lân cận vùng ĐBSCL. TP Cần Thơ là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; khai thác các tuyến đường cao tốc kết nối Cần Thơ - TP.HCM, Cần Thơ - Cà Mau, Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ - Châu Đốc... Vùng TP Cần Thơ thúc đẩy phát triển toàn bộ vùng ĐBSCL, trong mối liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ.

Tiểu vùng đô thị Đà Nẵng - Huế: Chuỗi đô thị Huế - Đà Nẵng - Chu Lai Kỳ Hà - Dung Quất (Vạn Tường) - Quảng Ngãi - Quy Nhơn. Đô thị Huế là trung tâm quốc gia về di lịch văn hoá, bảo tồn hệ  di tích di tích Cố đô Huế.

TP Đà Nẵng là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; là một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.

Vùng đô thị Đà Nẵng - Huế thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có mối quan hệ mật thiết với vùng Tây Nguyên; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

V. Vai trò của hệ thống phân loại đô thị

Vai trò kinh tế đô thị lớn và cực lớn (đô thị loại I và đặc biệt)

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế khẳng định vị thế kinh tế đô thị trung tâm cấp quốc gia, vùng; đảm nhận một hoặc nhiều chức năng lớn cấp quốc gia về kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục hoặc các lĩnh vực dịch vụ hiện đại; đi đầu cả nước đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi sang mô hình sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao, không thâm dụng đất đai, không thâm dụng lao động;

Thúc đẩy mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, sử dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng, tái chế, tái sinh, tăng số lượng xây dựng công trình kiến trúc xanh.

Từng bước chuẩn hóa tương đương các nước trong khu vực và thế giới về giáo dục và đào tạo nghề; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực nghiên cứu khoa học công nghệ tham gia vào chuỗi phân công lao động toàn cầu.

Hoàn chỉnh cấu trúc không gian đô thị lớn và cực lớn, liên kết chặt chẽ đô thị và nông thôn, tăng năng lực hạ tầng phát triển kinh tế đô thị theo cơ chế thị trường; kiểm soát đất đô thị theo quy hoạch, nâng hiệu quả sử dụng đất, khuyến khích phát triển tập trung, các chức năng sử dụng hỗn hợp gắn giao thông công cộng; tăng tỷ lệ không gian ngầm và hạ tầng ngầm trong đô thị; tăng không gian hạ tầng đa phương thức liên kết nhanh giữa các trung tâm đô thị lớn; giảm ách tắc giao thông; tăng không gian xanh trong các khu vực nội đô; giảm các hoạt động gây ô nhiễm môi trưởng, có biện pháp tránh ngập úng đô thị.

Vùng đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM cần có được tiếp cận để quy hoạch tạo cực động lực cho vùng xung quan phát triển theo.

Vai trò các đô thị vừa (đô thị loại II, III, IV)

Mỗi đô thị vừa tuỳ thuộc lợi thế so sánh của mình đề ra tầm nhìn và mục tiêu phát triển giai đoạn 2020 - 2030 vươn lên trở thành trụ cột tăng trưởng địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện), thúc đẩy phát triển hài hoà giữa các vùng miền.

Liên kết với đô thị lớn và cực lớn để tiếp nhận các chức năng chuyển đổi từ lõi đô thị trung tâm như: công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp và các dịch vụ đòi hỏi nhiều lao động. Liên kết với đô thị nhỏ và khu vực nông thôn, thúc đẩy sáng kiến sinh thái, văn hoá, xã hội để tăng trưởng các ngành kinh tế phi nông nghiệp.

Đô thị nhỏ (đô thị loại V) và khu vực nông thôn : không còn huyện không có đô thị. Các đô thị nhỏ được hoàn thiện cấu trúc không gian cơ bản, bố trí đầy đủ các tiện ích công cộng (khu văn hoá, thể dục thể thao) và an sinh xã hội (y tế, giáo dục), không gian vui chơi giải trí... Phát triển các chức năng dịch vụ mới, như trung tâm thông tin, trung tâm đổi mới, trung tâm logistic… hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang quy mô lớn, hiện đại.

Phân bố hợp lý nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển tiểu công nghiệp, dịch vụ tại chỗ gắn với các đô thị loại V.

Tăng cường đầu tư cho các đô thị loại V vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng biên giới và hải đảo. Phát triển các chức năng tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi đô thị nhỏ: (i) Đối với khu vực có ưu thế nổi bật về tài nguyên thiên nhiên, văn hoá, di sản được thúc đẩy phát triển, kết nối với chương trình lớn của quốc gia về du lịch, thương mại;

(ii). Đối với khu vực nông trường, lâm trường nằm cách xa thành phố hoặc thị trấn huyện lỵ, tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ công cộng, có chức năng thúc đẩy vùng nông thôn xung quanh phát triển;

(iii). Đối với khu vực nằm trong vùng đô thị, hoặc cạnh đô thị lớn tăng cường chức năng mới phù hợp với tiềm năng và lợi thế, phát triển trở thành những đô thị vệ tinh gắn chặt với chức năng kinh tế của đô thị lớn.

Quy hoạch phát triển các đô thị vừa và nhỏ gắn với đặc điểm bản địa tạo quan hệ giữa đô thị - nông thôn ngoại vi tương tác và liên kết cùng phát triển các đô thị lớn và vùng đô thị lớn.

VI. Phân bố đô thị trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng

Đô thị trung tâm quốc gia

Các đô thị lớn và cực lớn đã được định hình từ nhiều thập kỷ, là trung tâm đô thị quốc gia, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội quốc gia và vùng liên tỉnh; lĩnh vực, ngành quan trọng quốc gia. Phân bố hợp lý về nguồn lực tài chính, lao động, hạ tầng, đất đai phát triển hệ thống trung tâm đô thị quốc gia:

- TP Hà Nội: Thành phố "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", thành phố Hoà bình; trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tầm nhìn đến năm 2045 Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

- TP.HCM: Thành phố "Năng động - Hiện đại"; là trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, là thành phố lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tầm nhìn đến năm 2045 là trung tâm kinh tế, tài chính lớn, có tầm ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

- TP Hải Phòng: Thành phố cảng cửa ngõ phía Bắc; là trung tâm công nghiệp khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển. Tầm nhìn đến năm 2045 Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố cảng hàng đầu châu Á và thế giới.

- TP Đà Nẵng: Thành phố biển quốc tế; trung tâm đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ quốc gia; trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học công nghệ khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tầm nhìn đến năm 2045 TP Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

- Thành phố Thừa Thiên - Huế : Thành phố di sản văn hoá quốc tế; trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

Tầm nhìn đến năm 2045 Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

- TP Cần Thơ: Thành phố sinh thái quốc tế, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao.

Tầm nhìn đến năm 2045  Cần Thơ là thành phố phát triển khá ở khu vực châu Á.

Mạng lưới phân bố đô thị trung tâm cấp vùng

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm các đô thị Hạ Long, Hải Dương, Nam Định; Vùng Bắc Trung Bộ là các đô thị Thanh Hoá, Vinh; Vùng Nam Trung Bộ là các đô thị Quy Nhơn, Nha Trang; Vùng Tây Nguyên là các đô thị Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đà Lạt; Vùng Đông Nam Bộ là các đô thị Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu; Vùng ĐBSCL là các đô thị Long Xuyên, Mỹ Tho.

Mạng lưới phân bố đô thị chức năng lớn quốc gia

Thủ đô Hà Nội là đô thị trung tâm hành chính, chính trị quốc gia; TP.HCM là đô thị trung tâm tài chính quốc gia, TP Đà Nẵng là là đô thị trung tâm tài chính khu vực miền Trung và Tây Nguyên; TP Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm đô thị cảng - dịch vụ logistic quốc gia; Các thành phố Hạ Long, Sa Pa, Hội An, Nha Trang, Quy Nhơn, Phan Thiết, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo là trung tâm đô thị du lịch quốc gia; các đô thị Bắc Ninh, Bình Dương là trung tâm công nghiệp 4.0 quốc gia;

VII. Phương hướng phát triển hạ tầng đô thị

Phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong đầu tư và vận hành các hạng mục hạ tầng dùng chung tại đô thị. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và tiến tới làm chủ các công nghệ trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật.

Đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp dịch vụ đô thị. Nghiên cứu, hình thành mô hình tổ chức phù hợp và có cơ chế để Nhà nước khai thác giá trị gia tăng của đất đai từ đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.

Giao thông: Tăng cường hiệu quả sử dụng hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm đô thị, không gian cao độ và không gian đa chức năng của đô thị. Thực hiện ngầm hóa mọi đường dây dịch vụ công cộng như cáp điện, cáp viễn thông, ống dẫn khí đốt…

Ưu tiên xây dựng hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn tại các đô thị đặc biệt và các đô thị có dân số trên 1 triệu người. Mở rộng giao thông công cộng bằng đường thủy tại các đô thị có nhiều sông ngòi, ven biển, các đô thị vùng ĐBSCL. 

Chuẩn bị kỹ thuật: Tính toán cân bằng đào đắp trong không gian đô thị. Hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc cống hóa các dòng sông, suối chảy qua đô thị. C

ó kế hoạch dài hạn bảo tồn, tôn tạo các sông, hồ, các công trình hạ tầng kỹ thuật, cây cổ thụ có giá trị lịch sử, văn hóa tại đô thị. Chú trọng hệ thống hồ điều hòa tại các dự án đô thị, coi đó là tiêu chí ưu tiên khi xem xét phê duyệt dự án.

Cấp nước: Ưu tiên xây dựng và phát triển hệ thống cấp nước liên vùng, liên đô thị và đô thị với nông thôn. Rà soát, kiểm soát chặt chẽ việc xã hội hóa trong cấp nước sạch đô thị, bảo đảm an ninh, an toàn cấp nước; thực hiện cấp nước không phân biệt địa giới hành chính; bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân, đặc biệt ở các khu vực thường xuyên bị xâm nhập mặn, hạn hán.

Cấp điện: Khuyến khích phát triển hệ thống chiếu sáng đường phố và chiếu sáng đô thị theo hướng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo; các hộ gia đình sử dụng thiết bị điện tiết kiệm.

Thông tin truyền thông: Xây dựng hạ tầng số đồng bộ tại các đô thị đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quy hoạch đô thị và trong quản lý phát triển đô thị; tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu tại đô thị như giao thông, năng lượng, điện, nước...; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và mô hình quản lý thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Thoát nước bẩn, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang: Có cơ chế đặc thù và có tính đột phá trong đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, chống ngập úng, triều cường tại các đô thị, nhất là tại các đô thị đặc biệt; hệ thống công trình xử lý nước thải tối thiểu cho các đô thị từ loại II trở lên, thực hiện đồng bộ việc thu gom và xử lý nước thải, tách biệt hệ thống nước thải và nước mưa tại các đô thị.

Tăng cường đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn, hỏa táng với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, thực hiện theo cơ chế liên kết và chia sẻ lợi ích giữa các địa phương trong vùng.

KTS PHẠM THỊ NHÂM 

Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia

 

 

Các tin khác

Cháy lớn thiêu rụi nhà sàn tại Lai Châu
Cháy lớn thiêu rụi nhà sàn tại Lai Châu

MTXD - Tối 25/4/2024, tại bản Lản Nhì Thàng, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ (Lai Châu), người dân địa phương phát hiện đám cháy ở nhà sàn của gia đình bà Tẩn Xoang Mẩy và báo cho lực lượng chức năng.

Trung đoàn 451 tổ chức hội thi báo cáo viên năm 2024
Trung đoàn 451 tổ chức hội thi báo cáo viên năm 2024

​MTXD - Ngày 25/4, tại Cam Ranh, Khánh Hòa, Trung đoàn 451, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã...

Phát triển phương tiện xe điện thông minh, thân thiện với môi trường
Phát triển phương tiện xe điện thông minh, thân thiện với môi trường

MTXD - Chiều 25/4, tại Hà Nội, Công ty xe điện Pega Việt Nam ra mắt sản phẩm xe máy điện mới Pega eSmart AI, với 2 phiên bản đi được quãng đường 110km và 160km/lần sạc, giá bán lần lượt 42 triệu và 50 triệu đồng

Triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024
Triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024

MTXD - Ngày 25/4/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Họp báo Công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024.

Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK (Hàn Quốc)
Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK (Hàn Quốc)

MTXD - Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ...