Di dân nhập cư và đại dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương: Bài học kinh nghiệm trong phát triển đô thị bền vững
MTXD - Tóm tắt: Bình Dương là một trong những địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ có quy mô, số lượng lớn các khu công nghiệp cùng với nguồn lao động nhập cư đã làm cho quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh những chuyển biến tích cực của đô thị hóa cũng còn nhiều thách thức đặt ra, đặc biệt trước bối cảnh đại dịch Covid-19. Phạm vi bài viết, tác giả trình bày mối liên hệ giữa lao động nhập cư, gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa với những khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ở Bình Dương hiện nay, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, vận hành đô thị trong thời gian tới.
Từ khóa: Bình Dương; Công nghiệp hóa; Đại dịch covid-19; Đô thị hóa hiện đại hóa; Lao động nhập cư.
- Đặt vấn đề
Tỉnh Bình Dương thuộc vùng Đông Nam Bộ, đồng thời nằm trong quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm khai thác tối đa khai thác lợi thế “kép”, tỉnh đã thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và người lao động, hoàn thiện cơ sở giao thông, quy hoạch các cụm, khu công nghiệp… đến nay đã đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Với số lượng lớn các cụm công nghiệp, nguồn nhân lực nhập cư, dư địa có khả năng mở rộng, nâng cấp đơn vị hành chính đã thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa của tỉnh. Không thể phủ nhận, hơn 20 năm qua với trọng tâm phát triển công nghiệp, cùng đóng góp quan trọng của lao động nhập cư đã làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt, không gian đô thị. Tuy vậy, do đô thị hóa nhanh nên đã phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trước tác động của đại dịch Covid-19 hiện nay. Những vấn đề có tính cấp thiết như: chính sách an sinh xã hội; giãn cách và quản lý dân số thành thị; đa dạng hóa sinh kế hậu dịch bệnh…, đồng thời cũng mang tính chiến lược lâu dài như: quy hoạch, liên kết vùng nhằm ứng phó trước tình huống khẩn cấp; năng lực, trình độ quản lý dân số đô thị… Do vậy, việc làm rõ thực trạng đang diễn của đô thị Bình Dương hiện nay là hoàn toàn cần thiết, thời sự để có được bài học kinh nghiệm trong quy hoạch, phát triể đô thị tương lai.
2-Di dân nhập cư và áp lực dân số đô thị trước đại dịch Covid -19 tỉnh Bình Dương hiện nay
Những lợi thế của Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được tỉnh Bình Dương khai thác theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp, tạo nguồn vốn hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển dịch kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp - đô thị - dịch vụ nhằm tận dụng tối đa sức sản xuất của nguồn nhân lực lao động nhập cư và các doanh nghiệp đầu tư. Đến nay (2020), toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.721 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 84,4% và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 789,91 ha. (Cục thống kê Bình Dương, 2020b, tr. 44). Chính vì có số lượng lớn các khu công nghiệp nên tỷ lệ nhập cư tìm kiếm việc làm của Bình Dương luôn tăng cao. Năm 2019, tổng dân số của tỉnh đạt gần 2,5 triệu người, sau T.p Hồ Chí Minh (9.038.6) và Đồng Nai (3.113,7), mật độ dân số trung bình của Bình Dương 912 người/km2 , xếp thứ hai sau T.p. Hồ Chí Minh là 4385 người/km2 , (Tổng cục thống kê; 2020a. tr, 98). Năm 2019, tỷ lệ nhập cư trung bình của Đông Nam Bộ là 16,1%, (Bình Phước là 5,0%; Tây Ninh là 2,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu là 7,6%; Đồng Nai là 13,3%; TP. Hồ Chí Minh là 18,3%) thì Bình Dương lên đến 43,4%. (Tổng cục thống kê, 2020a, tr. 132). Lý giải yếu tố này phải kể đến lợi thế dư địa để phát triển công nghiệp của Bình Dương dồi dào, cơ hội sinh kế người lao động luôn khả thi bởi cơn “khát” lao động của các doanh nghiệp; mặt bằng chi phí sinh hoạt ổn định đối với người lao động, chính sách thu hút và an sinh xã hội có nhiều mặt tích cực. Mặc dù trong những năm trở lại đây các địa phương đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm nhằm “ly nông không ly hương” nên chỉ số có giảm nhưng vùng Đông Nam Bộ nói chung và Bình Dương nói riêng vẫn luôn dẫn đầu cả nước về chiều cạnh này.
Nguồn lao động nhập cư tăng nhanh, quy mô và số lượng công nghiệp được mở rộng, thành lập đã góp phần làm cho quá trình đô thị hóa của Bình Dương diễn ra mạnh mẽ. Thời gian đầu chia tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước (1997), tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng hơn 20%, phần lớn tập trung khu vực có lợi thế đi trước, tiếp giáp với T.p. Hồ Chí Minh; Đồng Nai. Trong 10 năm trở lại đây, khi cơ sở hạ tầng giao thông, quy hoạch công nghiệp, liên kết vùng được định hình và đi vào hoạt động thì quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh, từ 31,66% năm 2010 tăng lên trên 88% năm 2019, trở thành 1 trong 4 tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. (Tổng cục Thống kê Việt Nam, 2020b, tr. 54). Đến nay vùng Đông Nam Bộ đang có những thay đổi chiến lược phát triển đô thị như: T.p. Hồ Chí Minh đô thị thông minh, chất lượng cao; T.p. Vũng Tàu tập trung vào đô thị gắn với du lịch; Đồng Nai tập trung khai thác hết công năng, cơ sở hạ tầng công nghiệp của đô thị Biên Hòa có lịch sử trước 1975, đồng thời hướng vào thế mạnh cây công nghiệp; cây ăn trái của các thị xã đạt nông thôn mới, tuy nhiên, quá trình đô thị hóa của Bình Dương chưa cho thấy dấu hiệu giảm, thậm chí chiến lược phát triển được tỉnh phê duyệt thời gian tới sẽ nâng cấp thêm hai thị xã lên thành phố trực thuộc tỉnh, đồng nghĩa 5/9 đơn vị hành chính sẽ là thành phố trực thuộc tỉnh trong tương lai gần. (Phương Lê; 2021).
Quá trình đô thị hóa đã làm cho tỷ lệ dân số thành thị Bình Dương tăng nhanh, năm 2019 đạt 1.961.862 chiếm 79, 87% dân số toàn tỉnh, (Cục thống kê Bình Dương; 2020a, tr. 57). Đằng sau con số này phản ánh nhiều nội dung tích cực, thể hiện trên các mặt kinh tế - văn hóa, xã hội,… Bởi thực chất đó là sự chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, nâng cao trình độ, tay nghề lao động; thay đổi cách thức quản lý, vận hành xã hội từ “tĩnh” sang “động”, song song đó đòi hỏi con người với kỹ năng, thái độ, tay nghề, học vấn và tinh thần thượng tôn pháp luật, khả năng thích ứng lối sống đô thị… Tuy nhiên, do đô thị Bình Dương mang đặc điểm đô thị - công nghiệp nên tỷ lệ dân số thành thị chịu ảnh hưởng nhiều từ nhu cầu chuyển đổi, mở rộng đơn vị hành chính cùng số lượng rất lớn người lao động nhập cư. Đến năm 2019, quá trình đô thị hóa góp phần làm cho đơn vị hành chính cấp xã của Bình Dương nhất trong vùng Đông Nam Bộ với 42 xã, (T.p. Hồ Chí Minh có 58 xã; Bình Phước có 92 xã; Bà Rịa - Vũng Tàu có 51 xã; Tây Ninh có 80 xã; Đồng Nai có 136 xã). Thống kê cũng cho thấy những khu vực phát triển công nghiệp đều có đơn vị hành chính xã/thôn giảm nhanh, nổi bật là T.p. Dĩ An từ 8 xã đến năm 2013 đã không còn đơn vị hành chính cấp xã; tương tự T.p. Thuận An từ 6 xã đến nay còn 1 đơn vị hành chính cấp xã; T.p. Thủ Dầu Một từ 6 xã đến 2013 cũng hoàn thành 100% đô thị (Cục thống kê Bình Dương; 2019a, tr. 27). Ngược lại, các huyện/thị không quy mô các khu công nghiệp, số lượng di dân lao động nhập cư thấp thì tỷ lệ chuyển đổi đơn vị hành chính diễn ra chậm hơn, thậm chí có khu vực không thay đổi, như huyện Dầu Tiếng có 11 xã và huyện Phú Giáo có 10 xã đến nay sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm chủ đạo và số hộ nông dân tiếp tục tăng thêm. Chuyển đổi, mở rộng địa giới hành chính là đòi hỏi tất yếu của đô thị hóa, quá trình này mang lại nhiều thay đổi tích cực nếu kịp thời nắm bắt trong bối cảnh, xu thế chung của vùng để hội nhập và phát triển, nhưng cũng nảy sinh nhiều hệ lụy nếu các cơ hội, tiềm năng không được khai thác phù hợp với không gian và thời điểm thích hợp, Do đó đòi hỏi cần có những đánh giá, quy hoạch khoa học cùng đầu tư mang tầm chiến lược dài hạn để khai thác hiệu quả bền vững tiến trình này.
Bảng 1. Dân số thành thị và tốc độ đô thị hóa ở Bình Dương giai đoạn 2005-2019
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ niên giám thống kê tỉnh Bình Dương giai đoạn 2005 - 2019
Do đặc thù đô thị của Bình Dương mang đặc điểm đô thị công nghiệp nên những khu vực được ưu tiên đầu tư đều có tốc độ đô thị hóa cao và diễn ra tình trạng dân số quá tải. Cụ thể như: T.p. Dĩ An là 8.002 người/km2 ; T.p. Thuận An là 7.210 người/km2 và T.p Thủ Dầu Một là người/km2 , đến nay các khu vực này tỷ lệ đô thị đều đạt gần 90%, cá biệt như Dĩ An đã chuyển 100% thành đô thị. Trong khi đó các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên mật độ dân số dao động khoảng trên dưới 200 người/km2 . (Cục thống kê Bình Dương, 2019b, tr. 59). Sự phân bố không đồng đều này nhằm khai thác lợi thế, tạo điều kiện đi trước cho các khu vực nhiều thế mạnh về cơ sở hạ tầng giao thông; tiếp giáp với cực tăng trưởng kinh tế T.p Hồ Chí Minh, mặt khác duy trì thế mạnh nông nghiệp chế biến mà tỉnh có ưu thế. Tuy vậy, những khu vực có mật độ dân số cao cũng luôn đối mặt với áp lực về giao thông; nhà ở; y tế; giáo dục; an ninh; khu vui chơi… Do đó, thời gian tới Bình Dương cần có chiến lược phát triển đô thị lý hơn nhằm góp phần gắn kết, hỗ trợ để cân đối tỷ trọng kinh tế, cân bằng về mặt xã hội, môi trường sinh thái, khai thác thế mạnh từng khu vực, đồng thời hạn chế thấp nhất những mặt trái nảy sinh.
Có thể khẳng định quá trình đô thị hóa của Bình Dương đã mang lại những thay đổi quan trọng không thể phủ nhận như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế; việc làm, tăng thu nhập; hình thành lối sống đô thị; thay đổi cách quản lý hành chính từ nông thôn sang quản lý hành chính đô thị … Đến nay, từ một địa phương sản xuất nông nghiệp, lao động nông thôn chiếm tỷ lệ cao, cơ bản tỉnh đã chuyển sang tỉnh công nghiệp - dịch vụ, khai thác tốt quy hoạch, liên kết vùng, đóng góp quan trọng vào quy hoạch, phát triển vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Nằm trong xu hướng phát triển đô thị của cả nước, đô thị Bình Dương vừa có những nét chung, đồng thời mang dấu ấn, đặc điểm riêng biệt, đặc biệt trước bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. Nhưng có thể nhận thấy nhiều vấn đề được đặt ra cho phát triển đô thị bền vững cần giải quyết kịp thời, bởi một mặt đại dịch Covid-19 không chỉ làm trầm trọng hơn những khiếm khuyết của đô thị, mặt khác đặt ra nhiều nội dung cần bổ sung, hoàn thiện. Thực tế, nếu trước đây những hạn chế tất yếu của quá trình đô thị hóa có thể khắc phục, điều chỉnh bằng những chính sách kinh tế, biện pháp hành chính thì đại dịch Covid-19 lại cho thấy những giải pháp tạm thời và sự can thiệp đơn lẻ của một tổ chức trong bộ máy hành chính đo thị là không hiệu quả và thậm chí bất khả thi. Đến tháng 8/2021, Việt Nam đã ghi nhận 4 đợt dịch Covid-19 với mức độ lây nhiễm khác nhau trên toàn lãnh thổ (lần thứ nhất bắt đầu từ 23/1/2020 và lần thứ 4 bắt đầu từ 27/4/2021). Kể từ đầu dịch đến nay 15/08/2021, Việt Nam có 275.044 ca nhiễm, đứng thứ 78/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.798 ca nhiễm). (Bộ y tế, 2021). Riêng đối với tỉnh Bình Dương, trong đợt dịch thứ 4, tính đến (15/ 8/2021) đã ghi nhận 43.979 ca; 361 bệnh nhân tử vong, đang điều trị 11.322 bệnh nhân, trong đó 2.727 ca có triệu chứng, 1.197 bệnh nhân có bệnh nền và 715 bệnh nhân chuyển nặng. Toàn tỉnh hiện có 1.246 khu vực phong tỏa với 125.627 người; 19.369 người đang cách ly tập trung; 3.873 trường hợp F1 cách ly tại nhà và 967 trường hợp F0 cách ly tại nhà. (Yến Nhi, 2021).
Đặc biệt, đợt dịch thứ 4, từ góc độ phát triển đô thị bền vững có thể nhận thấy vấn đề giữa quản lý, quy hoạch đô thị, dân số thành thị và khả năng lây nhiễm, khống chế dịch bệnh có nhiều mối liên hệ, tác động với nhau. Thực tế, nguy cơ lây lan và số ca nhiễm của Bình Dương tập trung chủ yếu tại những đô thị có số lượng lớn các khu công nghiệp với số lượng công nhân đông đúc trong các khu trọ. Điều này cũng dễ hiểu khi cơ chế và tốc độ lây lan dịch bệnh phụ thuộc rất nhiều vào khoảng cách giữa người với người và khả năng quản lý nhân khẩu đô thị. Qua bản đồ dịch bệnh (Bản đồ 2.1) ngày 15/8 đã cho thấy toàn bộ các khu vực của Bình Dương đã có ca nhiễm với số lượng và mức độ khác nhau. Sự khó khăn, phức tạp trong kiểm soát dịch bệnh càng tăng lên khi lao động nhập cư của tỉnh phần lớn sống tại các khu phòng trọ với không gian hạn chế, khả năng giữ khoảng cách tối thiểu để an toàn, tránh lây lan rất ít ỏi, đó cũng lý giải vì sao khi triển khai thực hiện giãn cách tại chỗ số ca lây nhiễm chéo lại tăng lên trong các khu phong tỏa. Không gian sống của người lao động nhập cư tỉnh Bình Dương tập trung nhiều trong các dãy, khu nhà trọ được khép kín, đáp ứng hai nhu cầu cơ bản, thường nhật chủ yếu giải quyết chỗ ăn và chốn ngủ sau thời gian làm việc. Cảm giác và thực tế chật hẹp này thường được thay thế bằng giấc ngủ sau giờ tan ca, tuy vậy sẽ là không gian nguy hiểm nếu dịch bệnh bùng phát, phong tỏa, cấm và hạn chế đi lại. Đây cũng là bài học, kinh nghiệm của Bình Dương nói riêng để các địa phương có điểm tương đồng rút ra bài học quy hoạch, phát triển đô thị trong tương lai, đặc biệt vấn đề không gian, “khoảng trống an toàn” của đô thị.
Hình 1. Sự phân bố mức độ lây nhiễm dịch bệnh covid-19 tình Bình Dương, 8/2021
Nguồn: Sở y tế Bình Dương. https://soyte.binhduong.gov.vn/ Bản tin covid 19 ngày 15/8/2021
Hiện nay tại Bình Dương các khu công nghiệp gần như đã phủ kín toàn tỉnh, một số khu vực mặc dù ưu tiên phát triển nông nghiệp nhưng ít nhiều đều có các cụm, khu công nghiệp phụ trợ. Chiến lược phát triển và quy hoạch này tỏ ra khá hiệu quả trong khai thác lợi thế cơ sở hạ tầng giao thông, tạo đà và tích lũy nguồn vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, với số lượng các khu công nghiệp, mật độ dân số và đô thị hóa cho thấy có nhiều mối liên hệ, tác động đến nhau và là bài toán khá nan giải. Không những vậy, do lao động công nghiệp có tính chất lâu dài nên phần lớn lao động đến Bình Dương đều mang theo gia đình, con cái, ngoài nhu cầu rất lớn về nhà ở còn nhiều nhu cầu bức thiết khác như: giáo dục; không gian vui chơi, giải trí; y tế. Do đó, chiến lược phát triển đô thị thời gian tới, vấn đề không gian sống, nhà ở, nhằm đảm bảo sinh hoạt, lao động sản xuất phải được ưu tiên hàng đầu, trong quy hoạch, phát triển đô thị ngoài những dự báo theo lối mòn, kịch bản cũ thì cần thiết có những hoạch định cho tình huống khẩn cấp, đặc biệt nhận thức được tính nguy hiểm và hậu quả lớn lao khi dịch bệnh xảy ra.
Bảng 2. Mối liên hệ giữa mật độ dân số - Khu công nghiệp - Số ca nhiễm covid-19 tỉnh Bình Dương Các huyện/thị Tỉnh Bình Dương
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bình Dương 2019; Sở Y tế Bình Dương; https://soyte.binhduong.gov.vn/ Bản tin covid 19 ngày 15/8/2021
Ngoài ra sự khó khăn trong qua trình kiểm soát, khống chế dịch bệnh cũng phải kể đến một số bộ phận người dân đô thị có ý thức chưa cao trong chấp hành quy định phòng chống dịch, vẫn mang nặng ứng xử tùy tiện, thiếu văn hóa thành thị. Đây cũng là một trong những mặt trái của quá trình đô thị hóa, đặc biệt đối với khu vực chuyển đổi hành chính từ xã lên phường đã làm cho một bộ phận lớn người nông dân được chuyển thành thị dân trong một thời gian ngắn ngủi.
3-Đại dịch Covid-19 và một số bài học kinh nghiệm cho phát triển đô thị tỉnh Bình Dương hiện nay
Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, tiếp cận từ góc độ phát triển đô thị của Bình Dương đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm cho quy hoạch, phát triển đô thị bền vững. Nổi bật đó là:
Thứ nhất: Đặc biệt chú trọng vấn đề quản lý và dự báo dân số trong phát triển đô thị
Dân số và phát triển đô thị luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, có thể khẳng định bài toán cốt lõi của đô thị trực tiếp hay gián tiếp đều xoay quanh vấn đề dân số, cụ thể đó chính là con người với nhu cầu từ cơ bản đến nâng cao. Sự chủ động trong quản lý và dự báo dân số còn là cơ sở hoạch định cho nhiều nội dung quan trọng như: nhà ở; giao thông; y tế; giáo dục, an sinh xã hội… Từ thực tiễn đại dịch Covid-19 ở Bình Dương cho thấy sự quá tải của dân số đô thị cùng chính sách quản lý nhân khẩu còn nhiều lúng túng, tạo ra không ít khó khăn trong quá trình truy vết, khống chế dịch bệnh. Là một trong những đại dịch lớn trong lịch sử nên sự bối rối nhất định trong ứng phó trước đại dịch cũng là tình trạng chung ở các địa phương, tuy nhiên nếu tiếp cận sâu xa, căn nguyên thì nút thắt nằm ở bài toán kiểm soát, chủ động nắm bắt thông tin nhân khẩu, quy hoạch dân số. Quản lý tốt nhân khẩu không chỉ để đưa ra chính sách cụ thể, chính xác, kịp thời trong hỗ trợ, cứu tế mà còn nâng cao khả năng ứng phó, truy vết chính xác nguồn lây nhiễm trong đại dịch. Tuy nhiên, cũng cần mềm dẻo và mở rộng nội hàm trong quản lý dân số, bởi đó không chỉ là những con số giản đơn với cách thức quản lý hành chính sơ cứng, vô hình trung lại làm tăng thêm khó khăn, giảm hiệu quả trong bối cảnh đại dịch hiện nay.
Bình Dương có thế mạnh kinh tế, đang thực hiện xây dựng đô thị thông minh với nền tảng công nghệ cao nên việc quản lý nhân khẩu bằng hệ thống điện tử cũng sẽ là gợi mở và cần thực hiện nhằm đảm bảo góp phần vào tính chính xác, kịp thời trong phòng chống dịch hiện nay.
Thứ hai: Trong quy hoạch, phát triển đô thị cần thực hiện chặt chẽ liên kết vùng
Bình Dương là một tỉnh có nguồn lao động nhập cư cao nhất cả nước, đặc biệt đến từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời gian qua việc liên kết đã được thực hiện khá tốt nhằm đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ an sinh xã hội… Trước thực tế đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của liên kết vùng, trước hết là điều tiết, tiếp nhận dòng chảy nguồn nhân lực khi mức độ lây nhiễm cao và khả năng quá tải của hệ thống y tế. Nếu tính liên kết vùng được thực hiện chặt chẽ, thông suốt còn đảm bảo kiểm soát tốt kế hoạch di tản người nhập cư khỏi vùng có nguy cơ cao trong các đô thị. Thời gian qua, hành trình người lao động đi làm xa quê di chuyển tự phát khỏi các đô thị lớn nói chung và Bình Dương nói riêng đã tạo ra không ít khó khăn cho cả nơi đến và nơi đi về thu dung điều trị, cách ly an toàn nhằm hạn chế lây lan. Như vậy, để thấy rằng trong tương lai gần, quy hoạch và phát triển đô thị cần có thêm nội dung dự phòng cho tình huống khẩn cấp để các địa phương có sự phối hợp tốt nhất, an toàn nhất cho người lao động nói chung và cư dân trong các đô thị nói riêng.
Thứ ba: Nâng cao hiệu quả chính sách an sinh xã hội, ưu tiên cho người yếu thế trong đô thị
Hệ thống an sinh luôn có tầm quan trọng đặc biệt trong xã hội, không chỉ thể hiện trách nhiệm, giá trị nhân văn, công bằng mà còn đảm bảo kịp thời hỗ trợ những cá nhân, nhóm yếu thế, dễ tổn thương hòa nhập cộng đồng. Đối với quá trình đô thị hóa, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid19 hiện nay thì chính sách an sinh sẽ là một trong những “phao cứu sinh” hiệu quả. Đô thị Bình Dương có số lượng lớn những người nhập cư tập trung trong khu nhà trọ, các khu công nghiệp, vấn đề nan giải và cấp thiết chính là sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của chính sách an sinh xã hội, trước hết là những nhu yếu phẩm, thuốc men, mặt hàng thiết yếu... Thực tiễn cho thấy trong thời gian bùng phát dịch bệnh, gói an sinh xã hội đã kịp thời hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng, cá nhân yếu thế, tuy nhiên để đạt được sự kỳ vọng như vai trò vốn có của chính sách an sinh xã hội thì rõ ràng cần bổ sung thêm một số nội dung và cách thức vận hành để kịp thời, chủ động ứng phó với đại dịch. Trước hết, cần huy động rộng rãi nguồn lực con người và vật chất tham gia vào hệ thống an sinh xã hội; trong quá trình triển khai hỗ trợ cần xác định đúng “điểm”, “diện”, tránh cào bằng, không dung túng, bao che để hưởng lợi bất chính từ chính sách. Với đặc thù đô thị - công nghiệp nên phần lớn người lao động xa quê đến Bình Dương mang theo gia đình, người thân, do vậy chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội cần có sự “phân tầng” trong quá trình thực hiện, chọn lựa đúng điểm nóng, đông đặc của dịch bệnh trong các khu đô thị để đưa gói hỗ trợ, chính sách an sinh trúng, đúng, kịp thời.
Thứ tư: Nâng cao năng lực quản lý đô thị, năng lực ứng phó, xử lý tính huống khẩn cấp.
Năng lực quản lý đô thị sẽ quyết định rất lớn đến tính bền vững, hiệu quả vận hành đô thị, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Không thể phủ nhận, những bất cập, lúng túng trong kiểm soát dịch bệnh nêu trên đều ít nhiều có nguyên nhân từ năng lực quản lý đô thị chưa đáp ứng tốt trước thay đổi đột ngột của đại dịch Covid - 19. Đó cũng lý giải không ít tình huống lúng túng, ỉ lại, mệnh lệnh, hành chính trông chờ chỉ đạo, không dám đưa ra quyết định khi dịch bệnh căng thẳng nên đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch bệnh. Nâng cao năng lực quản lý đô thị đòi hỏi thời gian lâu dài và khoa học do liên quan trực tiếp và xuất phát từ nhân tố con người nên cần nghiêm túc, minh bạch và cầu thị từ khâu quy hoạch đến đào tạo và sử dụng. Do đó cần đặc biệt coi trọng, xem quản lý đô thị là hoạt động khoa học mà còn là, ảnh hưởng trực tiếp trước hết đến tăng trưởng đô thị, sâu xa hơn nữa là con người cụ thể trong xã hội, do đó bên cạnh trình độ, năng lực thì đội ngũ quản lý đô thị cần có bản lĩnh, tầm nhìn kịp thời ứng phó trước tình hình mới, diễn biến phức tạp.
- Kết luận
Đến nay, đại dịch Covid-19 là một trong những vấn đề có ảnh hưởng, tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, đòi hỏi sự đóng góp, tham gia của nhân lực, vật lực, sự chung tay đoàn kết, cùng giải pháp đột phá nhằm khống chế dịch bệnh lây lan, đưa xã hội về trạng thái bình thường mới. Là một trong những tâm dịch lớn, đến nay dưới sự chung tay, hỗ trợ của cả nước, Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, triệt để nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả đại dịch gây ra. Qua thực tiễn đã cho thấy nhiều vấn đề mới phát sinh trong môi trường đô thị, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho phát triển đô thị bền vững, từ khâu quy hoạch đến vận hành, quản lý, cũng như những cơ chế nhằm đảm bảo khả năng ứng phó kịp thời trong tình hình mới. Tuy vậy, có thể nhận thấy xuyên suốt và mấu chốt trong phát triển đô thị bền vững chính là bài toán con người, từ năng lực đội ngũ quản lý đô thị đến chủ thể là những cá nhân với phẩm chất và trình độ tương ứng để tham gia vận hành đô thị./.
VŨ DUY ĐỊNH *
Tài liệu tham khảo
1. Cục Thống kê Bình Dương (2020). Niên giám thống kê Bình Dương, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
2. Cục Thống kê Bình Dương (2020b), Bình Dương 10 năm: Con số và sự kiện, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
3. Tổng cục Thống kê Việt Nam (2019a), Niên giám thống kê 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
4. Tổng cục Thống kê Việt Nam (2009b), Di cư và đô thị hóa: Thực trạng, xu hướng và những khác biệt, Nxb. Tài chính, Hà Nội.
5. Phương Lê, (2021). Thúc đẩy lộ trình thành lập 2 thành phố Tân Uyên và Bến Cát. Trích xuất từ: http://baobinhduong.vn/thuc-day-lo-trinh-thanh-lap-2-thanh-pho-tan-uyen-va -ben-cat-a245485.html. Bản cập nhật Cập nhật: 30-04-2021 | 05:45:19
6. Bộ Y tế (2021) Cập nhật bản tin Covid-19. https://covid19.gov.vn/. Trích xuất từ: https://covid19.gov.vn/big-story/ca-nhat-dien-bien-dich-covid-19-17121090 1110957364.htm).
7. Yến Nhi (2021), Đến ngày 15/8/2021, Bình Dương có 10.859 bệnh nhân khỏi bệnh. Trích xuất từ: https://www.binhduong.gov.vn/thong-tin-tuyen-truyen/2021/08/947-denngay-15-8-2021-binh-duong-co-10-859-benh-nhan-khoi-benh).
8. Sở Y tế tỉnh Bình Dương, https://soyte.binhduong.gov.vn/
* Tiến sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, email: dinhvd@tdmu.edu.vn.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.