Đi tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xăng dầu trên cơ sở hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng
MTXD - Công ty Hải Hà là một trong những doanh nghiệp đã mang toàn bộ nguồn lực để chia sẻ khó khăn, chấp nhận lỗ nặng để đảm bảo chuỗi cung ứng xăng dầu không bị đứt gãy suốt 3 năm dịch bệnh. Nhưng đến nay, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa thể giúp doanh nghiệp phục hồi và đang đứng trước nguy cơ phá sản cận kề.
Gồng gánh nợ nần sau 3 năm chống dịch
Khi đại dịch COVID-19 và xung đột Nga – Ukraine đã tạo ra khủng hoảng kép trên phạm vi toàn cầu gây gián đoạn chuỗi cung ứng làm cho nguồn xăng dầu khan hiếm. Đối với nền kinh tế ở mọi quốc gia, xăng dầu là vật tư chiến lược nên trong mọi tình huống, khó khăn đến đâu cũng không được làm đứt gãy nguồn cung. Nhằm ổn định an sinh xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, liên tục trong các năm 2020, 2021, 2022, 2023, Chính phủ và các Bộ, ngành, các cấp cùng các doanh nghiệp đầu mối đã nỗ lực, cố gắng rất lớn để đảm bảo được nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, nhất là giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.
Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà là một trong 10 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu cả nước
Thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, ổn định an sinh xã hội tại Thái Bình và các tỉnh phía Bắc, Công ty TNHH Vận tải Thủy Bộ Hải Hà (Địa chỉ trụ sở chính: Số nhà 132, tổ dân phố số 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã mang toàn bộ nguồn lực để chia sẻ khó khăn với đất nước, nhân dân. Doanh nghiệp đã chủ động nguồn hàng, đảm bảo việc cung cấp đầy đủ nguồn xăng dầu, không để gián đoạn nguồn cung đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của công ty.
Bà Trần Tuyết Mai – Tổng giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thuỷ bộ Hải Hà cho biết: “Trong ba năm đại dịch Covid-19 bùng phát, Công ty Hải Hà gặp khó khăn chồng chất nhưng vượt lên tất cả, chúng tôi phải chấp nhận thu lỗ để nhập đủ xăng dầu phục vụ cho bà con nhân dân. Chúng tôi nghĩ rằng, đất nước đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, nhân dân không có xăng dầu để đi lại, doanh nghiệp không có xăng dầu để sản xuất kinh doanh nên mình vì nhân dân, vì đất nước góp phần ổn định tình hình, còn khó khăn, công nợ Công ty Hải Hà gánh chịu, chờ sau khủng hoảng Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ, công ty sẽ nỗ lực khắc phục”.
Công ty Hải Hà là một trong 10 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu cả nước được Bộ Công Thương giao chỉ tiêu tăng hạn ngạch, công ty đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu Bộ Công Thương giao, ngoài ra Công ty còn chung tay cứu trợ bổ sung nguồn hàng cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Hà Nội. Chính vì sự nỗ lực đảm bảo đủ xăng dầu cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, ổn định an sinh xã hội , góp phần cùng đất nước vượt qua đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế
Suốt 3 năm cùng cả nước chống dịch, doanh nghiệp này luôn đảm bảo chỉ tiêu thực hiện quota theo kế hoạch, năm 2020 là là 1.353.118 lít xăng dầu, năm 2021 là 1.613.698 lít và năm 2022 là 1.513.837 lít. Gần 50 thương nhân phân phối và hàng trăm cửa hàng đại lý xăng dầu nằm trên các tình, thành miền Bắc đã nhận được xăng dầu do Công ty Hải Hà phân phối để bán lẻ cho người tiêu dùng trong giai đoạn bệnh dịch. Hàng trăm tàu đánh cá của Thái Bình và các tỉnh lân cận nhờ đó mà có nguyên liệu để duy trì hoạt động, bám biển mưu sinh.
Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà chấp nhận thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, nhập khẩu xăng dầu cung ứng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cụ thể, năm 2020, Công ty Hải Hà đã lỗ 1.058 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 1.113,21 tỷ đồng và năm 2022, Công ty Hải Hà đã lỗ 2.048,66 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 lỗ 341,898 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 6 năm 2023, công ty đã lỗ luỹ kế 4.562 tỷ đồng. Mặc dù kết quả hoat động sản xuất kinh doanh của công ty thua lỗ nhưng năm 2022, công ty vẫn trả số thuế nợ năm cũ hơn 1.000 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước năm 2022 là 4.756 tỷ đồng.
Công ty Hải Hà tiếp tục bị Tổng cục Thuế Thái Bình triển khai các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ. Tính đến ngày 19/9/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà. Cụ thể: Cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với công ty theo 6 quyết định, liên tục từ ngày 26/6 đến ngày 28/8. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Thái Bình cũng tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp theo quyết định ngày 12/9 (hiệu lực từ ngày 13/9/2023 đến ngày 12/9/2024).
Chỉ trong năm 2023, Tổng cục Thuế đã ban hành 3 văn bản yêu cầu triển khai các biện pháp thu hồi nợ thuế của Hải Hà. Về phía công ty Hải Hà, ban lãnh đạo giãi bày, trong ba năm đại dịch COVID-19 bùng phát, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, nhân dân không có xăng dầu để đi lại, công ty phải kinh doanh dưới giá vốn, chấp nhận thua lỗ để nhập đủ xăng dầu phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, công ty kinh doanh trong điều kiện thua lỗ nhưng vẫn tìm nguồn tài chính hợp pháp để nộp lên ngân sách nhà nước với số tiền gần 10.000 tỷ đồng.
Những khó khăn này đã đẩy công ty Hải Hà đi đến bước đường đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, dòng tiền phải thu hồi từ khách hàng bị chặn đứng, nguy cơ phá sản cận kề.
Cần sớm có giải pháp cứu lấy các doanh nghiệp xăng dầu
Liên quan đến những khó khăn của các doanh nghiệp xăng dầu, trong đó điển hình là công ty Hải Hà, ngày 29/9, tại Đại hội lần thứ III của Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam (VINPA) đã đề xuất các giải pháp về phát triển thị trường xăng dầu lành mạnh, minh bạch, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch VINPA cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong những năm trước đây là công cụ của Chính phủ đảm bảo giá xăng dầu không tăng sốc trong bối cảnh thị trường thế giới biến động tăng mạnh. Tuy nhiên, tại thời điểm này, biên độ giao động của giá dầu so với thời điểm thành lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu trước khi Luật giá năm 2012 ra đời đã khác rõ rệt cả về giá và cơ cấu sản phẩm, do đó không còn theo tỷ lệ thuận thuần túy nữa và độ chênh cũng quá lớn. Vì vậy, Quỹ này trên thực tế chỉ bù được một phần và đang tồn tại sai lệch so với thời điểm hình thành. Vì vậy, cơ quan quản lý nên xem xét bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu này.
Bà Trần Tuyết Mai - Chủ tịch Chủ tịch Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà đồng tình với đề xuất này. Theo bà Mai, hiện nay trên 80% doanh nghiệp tư nhân ngành xăng dầu đang đối mặt với thua lỗ và mất gần hết vốn do tác động nặng nề của giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua, nhất là trong năm “dị thường” 2022 khi giá nhập khẩu xăng dầu dự trữ của một số doanh nghiệp đầu mối để đảm bảo nguồn cung theo chỉ đạo của Bộ Công Thương thường thấp hơn giá bán ra.
Vì vậy, nhà nước nên có chính sách khoanh nợ, giãn nợ giai đoạn 2020-2022 cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải thực hiện nhiệm vụ chính trị là đảm bảo an ninh năng lượng. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể tiếp tục tồn tại và thực hiện vai trò đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng. Thực tế là một số doanh nghiệp bị âm Quỹ bình ổn giá xăng dầu do lâm vào tình cảnh mất vốn sau 3 năm đại dịch COVID-19 vừa qua, riêng Hải Hà đang âm 5 tỷ đồng và đến nay chưa có nguồn để kết chuyển vè tài khoản Quỹ bình ổn giá theo quy định.
VINPA nhấn mạnh, trải qua năm 2022 đầy biến động, các thương nhân kinh doanh dầu bị thua lỗ sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới để hồi phục lại hoạt động kinh doanh trong bối cảnh nguồn tín dụng từ các ngân hàng tuy nhiều nhưng khó tiếp cận vì điều kiện cho vay rất khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp tư nhân.
Trong khi đó, hai nhà máy lọc dầu cung ứng 70 - 75% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước nhưng nguồn nguyên liệu dầu thô đầu vào của 2 nhà máy lọc dầu chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài nên về cơ bản giá dầu trong nước vẫn phụ thuộc vào những biến động của giá dầu thế giới.
Thực tế, các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu vẫn chưa lường hết được những biến động của thị trường. Quy trình sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật kéo dài tạo ra độ trễ nhất định. So với nhiều quốc gia trên thế giới, lượng dự trữ xăng dầu của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp: mức bình quân 5 năm qua khoảng hơn 370.000 m3 mỗi năm, tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng và 6,5 ngày tiêu thụ (số liệu Bộ Công Thương).
Trong bối cảnh nguồn cung thế giới gặp khó khăn, lượng dự trữ xăng dầu quốc gia thấp sẽ không phát huy được tác dụng trong những trường hợp cần thiết, không giải quyết được kịp thời tình trạng mất cân đối cung cầu trên thị trường như thời điểm quý IV/2022. Nếu Nhà nước không tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống kho dự trữ xăng dầu quốc gia riêng và gia tăng lượng dự trữ xăng dầu thì tình trạng trên sẽ còn có thể tiếp diễn trong thời gian tới.
Vì vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng và tạo lập thị trường xăng dầu minh bạch và phát triển ổn định trong bối cảnh mới, Nhà nước chỉ nên công bố giá cơ sở (giá xăng dầu thế giới, mức trích, chi quỹ bình ổn giá), còn lại nên trao quyền cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu, căn cứ vào các chi phí kinh doanh của doanh nghiệp mình. Như vậy sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Nhà nước cũng cần xây dựng chiến lược phát triển thị trường xăng dầu dài hạn, trong đó cần có những quyết sách như: Vấn đề dự trữ để đảm bảo an ninh năng lượng, quyền quyết định giá bán của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giải quyết mâu thuẫn giữa thuế nhập khẩu xăng dầu bằng 0 vào năm 2024 theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN với cam kết bảo hộ cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong 10 năm (2018-2028), phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên các quốc lộ hoặc trên các trục đường mới xây dựng, quản lý chất lượng xăng dầu để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch…
Cùng đó, Nhà nước cần có lộ trình điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế, đồng thời đảm bảo hài hòa ba lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng.
Ngoài ra, với xu hướng chuyển đổi năng lượng, sử dụng các nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch là rất lớn, để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm lọc hóa dầu trong nước, ngoài việc các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhằm tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm tiêu hao năng lượng, thay đổi cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường… các cơ quan quản lý tạo điều kiện về cơ chế chính sách thuế, về đầu tư nâng cấp mở rộng, về nguồn dầu thô và nguyên liệu đầu vào… giúp nhà máy hoạt động có hiệu quả và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.
Theo lộ trình, Luật Giá năm 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và sẽ tác động đến cơ chế điều hành giá xăng dầu. Vì vậy, giá xăng dầu sẽ tiếp cận sát hơn với giá thị trường, dưới sự quản lý của nhà nước.
Trước những khó khăn của công ty Hải Hà, mới đây, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã có báo cáo gửi các Bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép vận dụng tiết b, khoản 27, Điều 3 Luật Quản lý thuế (trường hợp bất khả kháng) để xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Hải Hà.
Nếu Công ty bộ Hải Hà được vận dụng quy định trên thì sẽ được khoanh nợ tiền thuế, các khoản nợ của Công ty với ngân sách nhà nước, sẽ chưa bị cưỡng chế thuế, Công ty Hải Hà sẽ có cơ hội được các tổ chức tín dụng tạo điều kiện để vay vốn tiếp tục kinh doanh, tiếp tục tạo ra nguồn thu nộp cho ngân sách nhà nước, từ đó có cơ hội để trả nợ dần tiền thuế với ngân sách nhà nước.
Phía công ty Hải Hà đang mong ngóng Chính phủ và bộ ngành Trung ương sớm xem xét có giải pháp để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, có cơ hội đóng góp vào sự nghiệp an ninh năng lượng Quốc gia và phát triển kinh tế của địa phương.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.