Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong chấm dứt ô nhiễm nhựa
MTXD - Doanh nghiệp là động lực và hạt nhân của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu do đó doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa.
Đó là chủ đề của Hội thảo "Doanh nghiệp với Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa" do Bộ TN&MT và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức ngày 12/4/2023 tại Hà Nội.
Doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa
Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái tự nhiên, sức khỏe con người và cảnh quan. Nhận thức được tầm quan trong việc giải quyết các thách thức liên quan đến chất thải nhựa, thời gian qua, Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế và có hành động cụ thể ở phạm vi quốc gia.
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và môi trường (UNDP) cho biết: "Các thách thức về ô nhiễm nhựa sẽ không thể giải quyết nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp. Những cam kết giảm thiểu lượng rác thải nhựa của doanh nghiệp vừa giúp nâng cao uy tín thương hiệu, thể hiện trách nhiệm với trái đất, đồng thời tái chế đang mở ra một ngành kinh tế mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn".
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) Hoàng Xuân Huy thông tin, Việt Nam đã cùng với các quốc gia trên thế giới thông qua Nghị quyết 5/14 tại Hội nghị Đại hội đồng môi trường toàn cầu lần 2 (UNEA5.2), thống nhất việc xây dựng một "Công cụ toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý về chấm dứt ô nhiễm nhựa, bao gồm rác thải nhựa đại dương". Chính phủ Việt Nam đã quyết định tham gia vào quá trình đàm phán Thỏa thuận, dự kiến kéo dài từ nay đến hết năm 2024.
Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tham gia đàm phán và thành lập ban công tác đàm phán để chính thức tham gia đàm phán Thỏa thuận từ tháng 6/2022 đến hết năm 2024. Bộ TN&MT dự kiến là cơ quan chủ trì đàm phán Thỏa thuận. Nội dung của Thỏa thuận sẽ có 2 nhóm, gồm các nghĩa vụ mang tính bắt buộc và các nghĩa vụ có tính tự nguyện. Việc điều chỉnh chính sách theo các nghĩa vụ đã cam kết khi thoả thuận bắt đầu có hiệu lực, cả bắt buộc và tự nguyện đều sẽ có những tác động, ảnh hưởng ở mức độ khác nhau đến một số đối tượng cụ thể, đặc biệt là khối tư nhân.
Việc Việt Nam tham gia đàm phán Thỏa thuận có ý nghĩa to lớn; thể hiện vai trò, trách nhiệm quốc gia, đóng góp vào nỗ lực chung giải quyết thách thức toàn cầu, đáp ứng yêu cầu và xu thế hội nhập với quốc tế về vấn đề giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa. Đây cũng là cơ hội để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa. Đồng thời là cơ hội để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ sạch thân thiện môi trường, các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn lĩnh vực nhựa, tăng cường hợp tác và hỗ trợ của quốc tế.
Chính vì vậy, theo ông Đào Xuân Lai, doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đàm phán Thỏa thuận. Bởi doanh nghiệp là động lực và hạt nhân của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo Thỏa thuận là cần thiết để đảm bảo rằng, rác thải nhựa sẽ được giảm thiểu tối đa.
Mặt khác, các doanh nghiệp có nguồn lực và chuyên môn để phát triển các công nghệ mới và vật liệu thay thế, tạo ra các sản phẩm mới thay thế, giúp giảm sử dụng nhựa hoặc làm cho việc sản xuất sử dụng nhựa bền vững hơn. Vì thế, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đàm phán, sẽ giúp đưa ra được các giải pháp sáng tạo để giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe chia sẻ những thông tin ban đầu về việc Việt Nam tham gia vào tiến trình đàm phán Thỏa thuận, những công việc chuẩn bị cho các phiên đàm phán sắp tới; các tác động của Thoả thuận đối với ngành nhựa dưới góc nhìn kinh doanh.
Theo ông Hoàng Xuân Huy, đây là một thỏa thuận ràng buộc mang tính chất pháp lý và có sử dụng chế tài (cơ chế tham vấn, giải quyết tranh chấp nếu vi phạm cam kết). Những nghĩa vụ được cam kết sẽ được đánh giá kỹ lưỡng về năng lực thực hiện để đảm bảo khi đã ký kết và phê chuẩn, Việt Nam sẽ thực hiện hiệu quả và nghiêm túc, tránh việc vi phạm cam kết.
Các tác động về chính sách cần phải được đánh giá trước, trong đàm phán và sau khi ký kết làm cơ sở cho việc xác định các phương án đàm phán, đưa ra các mức cam kết phù hợp được nội luật hóa thành các chính sách liên quan của quốc gia.
Ông Hoàng Xuân Huy cũng cho rằng, nhận thức của mọi người dân, doanh nghiệp, các cấp quản lý (trong sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa, xử lý ô nhiễm nhựa) là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, công tác truyền thông trong thời gian tới sẽ là nhân tố quyết định đến việc thực thi nghiêm túc và hiệu quả Thỏa thuận.
Nam Anh -TH
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.