Doanh nghiệp Việt tại Nga bàn cách ứng phó với các lệnh cấm vận của phương Tây
MTXD - Chiều 2/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã tổ chức hội nghị với đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga để thảo luận, bàn biện pháp ứng phó với các lệnh cấm vận của phương Tây áp đặt đối với nền kinh tế và tài chính Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tổ chức hội nghị với đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga để thảo luận, bàn biện pháp ứng phó với các lệnh cấm vận của phương Tây áp đặt đối với nền kinh tế và tài chính Nga.
Các mặt hàng của Việt Nam xuất sang Nga rất đa dạng
Tham dự cuộc họp có Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga Lê Trường Sơn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nga Đỗ Xuân Hoàng, cùng đại diện nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng như tiểu thương thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau của Nga.
Phát biểu tại sự kiện, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga Dương Hoàng Minh cho biết quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Nga năm 2021 vẫn tăng trưởng tốt bất chấp những tác động lớn của đại dịch COVID-19.
Lần đầu tiên trong lịch sử kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã đạt 7,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 4,9 tỷ USD, tăng 25,9% so với năm 2020. Các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Nga rất đa dạng và nhiều mặt hàng tăng trưởng khá.
Phương Tây áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt Nga rất khắc nghiệt
Tuy nhiên trong những ngày gần đây, sau khi Tổng thống Nga công bố chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và phương Tây đã liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt tác động tới mọi mặt kinh tế của nước này.
Trưởng phòng Kinh tế - Khoa học – Giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Nga Lê Thị Huyền Minh đã tổng hợp các hình thức trừng phạt chính của phương Tây.
Bà Minh đánh giá đây là những biện pháp trừng phạt chưa từng có, rất khắc nghiệt và sẽ tác động sâu rộng tới kinh tế Nga.
Trong khủng hoảng vẫn có cơ hội
Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga Lê Trường Sơn cho rằng trước mắt cần tháo gỡ khó khăn về thanh toán do các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Ông cũng cho biết các hãng tàu biển có thị phần lớn ở Nga đã ngừng khai thác tuyến vận tải đến nước này, vì thế hoạt động logistic sẽ bị gián đoạn, tác động mạnh đến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa và vật tư để sản xuất.
Tuy nhiên, ông Lê Trường Sơn cho rằng trong cuộc khủng hoảng vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi các doanh nghiệp nước ngoài rời đi, bỏ lại những thị phần có thể tiếp cận.
Cần sớm có giải pháp thanh toán phù hợp
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu tham gia đều nêu những khó khăn, thiệt hại trong lĩnh vực kinh doanh của mình do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt, đồng thời đưa ra những gợi ý, khuyến nghị để hạn chế thiệt hại.
Đáng chú ý, trong số này là gợi ý như trong giai đoạn trước mắt doanh nghiệp cần co lại, bảo toàn vốn, quan sát diễn biến tình hình để đưa ra phương thức xử lý phù hợp.
Một ý kiến khác đề xuất kinh doanh bằng đồng ruble, hạn chế sử dụng ngoại tệ để tránh biến động tỷ giá, áp dụng các phương thức thanh toán bù trừ bằng đồng ruble hay đổi hàng với Nga để hạn chế việc chuyển tiền qua ngân hàng.
Nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ sớm có các biện pháp thanh toán thuận tiện với Nga, để giúp doanh nghiệp có thể tránh được rủi ro, tiếp tục kinh doanh ổn định tại Nga.
Tổng kết hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi đánh giá các sự kiện trong một tuần vừa qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình thế giới và khu vực, làm biến động toàn bộ đời sống của đông đảo bà con Việt Nam cũng như hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam tại Nga, từ doanh nghiệp nhà nước cho tới tư nhân.
Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi hiện cộng đồng đang ở thời điểm hết sức khó khăn. Ông cũng cho rằng hội nghị này rất hữu ích và thông qua những ý kiến đóng góp Đại sứ quán sẽ có những kiến nghị bước đầu nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn hiện nay, qua đó ổn định hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Nga./.
Theo chinhphu.vn
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.