Độc đáo chợ la làng ở kinh đô thời trang ‘Cồn plaza’
MTXD - Đó là chợ truyền thống lâu năm ở Đà Nẵng, nhiều người vẫn tự hào khi gọi đây là “Cồn Plaza”, còn với người dân bình thường thì hay gọi bằng cái tên dân dã nhưng lại khá đặc biệt là “chợ la làng”.
Từ lâu chợ Cồn (Đà Nẵng) nổi tiếng khắp gần xa không chỉ là ngôi chợ lâu đời với quy mô bề thế nằm ngay trung tâm thành phố như một niềm kiêu hãnh của người dân Đà Nẵng, từ khi du lịch Đà Nẵng phát triển, thì chợ Cồn trở thành một địa điểm mua sắm không chỉ của người dân địa phương mà còn của rất đông khách du lịch.
Tại khu bán đồ cũ ở chợ Cồn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cả trăm người chen chúc, lục lọi để tìm món đồ ưng ý với giá cực rẻ chi 10-40.000 đồng/chiếc.
Những ngày đầu hè, tại khu vực bán đồ bành, quần áo “sida” luôn tấp nập người mua kẻ bán. Thay vì phải bỏ hàng trăm nghìn đến cả triệu đồng để mua quần áo, nhiều người tìm mua đồ secondhand (đồ đã qua sử dụng) vì có giá rất rẻ từ 10.000-40.000 đồng/chiếc. Tại những khu vực bán đồ bành, nhiều loại quần áo, mũ, giày dép… được đổ đống trên nền bạt với lời mời hấp dẫn của người bán “mười nghìn một món, hai mươi nghìn một món đây”.
Tại những khu bán quần áo cũ đã qua sử dụng luôn tấp nập người mua, trong đó có nhiều người nước ngoài cũng tìm tới.
Theo chị Thoa, một tiểu thương tại đây cho biết, thời tiết bắt đầu vào mùa hè nên khách mua quần áo tấp nập hơn. Trong số các mặt hàng chị bán, áo ngắn tay, quần ngắn đi biển là rẻ nhất khi có giá từ 10-20.000đ, đắt nhất là những khoác gió, áo chống nắn hay quần jean…chỉ có giá 40-50..000 đồng/chiếc.
Say sưa lục tìm đồ cũ, bà Trần Thị Hiên (54 tuổi, trú tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, sau những ngày mùa đông và mưa ẩm ướt, thì thời tiết đã bắt đầu nóng lên nên bà đi chọn tìm những trang phục mát mẻ cho mùa hè. “Chợ Cồn bán đồ rẻ mà đa dạng, nên năm nào tôi cũng tìm tới đây mua đồ để về cho gia đình sử dụng. Nếu mua đồ hiệu thì mỗi lần cũng hết tiền triệu, nhưng ở đây chỉ cần 300-400 ngàn là có đủ cho gia đình sử dụng!”.
Tương tự như bà Hiên, sau một hồi tìm kiếm, Quỳnh Trang (sinh viên ĐH Đà Nẵng) cũng chọn được một chiếc áo với giá vài chục nghìn đồng. Trang chia sẻ, việc mua đồ cũ giúp Trang tiết kiệm được chi phí so với mua hàng ở shop, được thoải mái lựa chọn mà không lo về giá. Nếu chịu khó săn lùng sẽ tìm được những chiếc áo vừa rẻ, vừa độc, thậm chí có những chiếc áo gần như mới nguyên. Nhưng thật sự đi chợ Cồn mua đồ bành, người mua không chỉ chọn được hàng độc, hàng hiệu mà còn không bị nhăn nhó, đốt vía hay thậm chí xua đuổi như ở nơi bán các mặt hàng khác.
Chịu khó săn lùng sẽ mua được hàng đẹp giá hời.
Không chỉ có sự đa dạng về hàng hóa, mà mấy năm gần đây chợ Cồn còn được người ta biết đến với một cái tên khá lạ lẫm là “Chợ la làng”. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì người bán hàng vừa bán vừa rao to như thể la làng. Vào buổi sáng hay khoảng 4 giờ chiều mỗi ngày, ngay lối đi vào cổng chợ phía đường Ông Ích Khiêm, khu bán quần áo cũ được bày bán la liệt. Và ở đây người bán với đủ thứ giọng Quảng, Huế, Bắc, Nam... với cung trầm, cung thanh hòa nhau thành một bản hòa ca. Người mua còn được thưởng thức những lời rao dẻo quẹo kiểu như: “Rẻ rê rê, rẻ rề rề. Mười ngàn một cái mua về... chùi chân. Chùi chân rồi lại chùi tay. Chùi cả mặt mày mà vẫn còn nguyên”. Hay tếu táo như: “Áo sơ-mi Hàn Quốc, đầm dạ hội Nhật Bản đây... Không mua là dại là khờ. Mua rồi mới biết còn khờ... hơn lúc chưa mua”…
Mỗi món đồ tại đây chỉ có giá vài chục nghìn đồng.
Những người bán lý giải rằng rất nhiều hàng áo quần cũ giá cả rẻ, lại chất thành từng đống trên mặt bằng chật hẹp cỡ 2 mét vuông. Nếu không la, không rao thì làm sao khách hàng biết mà mua. Đặc biệt, “chợ la làng” bao giờ cũng ưu tiên cho lời rao, sau đó mới đến sản phẩm. Và cũng vì là hàng “la làng” nên khách không cần trả giá làm gì cho mệt sức. Cứ thoải mái chọn lựa và trả tiền theo như lời rao mà không liếc nhìn bảng giá.
Huấn Trương
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.