Đời đêm của những nữ cửu vạn chợ đầu mối lớn nhất Đà Nẵng
MTXD - Kéo xe, bốc vác là công việc của cánh đàn ông sức dài vai rộng, thế nhưng không ít người phụ nữ chân yếu tay mềm đã chọn công việc nhọc nhằn ấy làm nghề mưu sinh.
Chuyện đời xuyên đêm
Khi mọi tuyến đường chìm trong sự yên lặng, thành phố còn đang trong giấc ngủ thì lại có những người phụ nữ cật lực làm việc xuyên màn đêm tại chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng). Họ chọn cho mình một công việc bán sức lao động để mưu sinh, đấy chính là làm cửu vạn kéo xe, một công việc lao động chân tay nặng nhọc nhất tại chợ. Những nữ cửu vạn này đã quá quen với cuộc sống lấy đêm làm ngày, họ không có một giấc ngủ ngon lành, một đêm thảnh thơi bởi bộn bề gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Vội vã đẩy xe để quay lại với chuyến hàng tiếp theo
Chợ đầu mối Hòa Cường là nơi phân phối số lượng lớn các mặt hàng nông sản phục vụ cho Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Khoảng 1h sáng hằng ngày chợ đã tấp nập, nhộn nhịp kẻ mua người bán. Khi những chiếc xe tải lớn chở hàng hóa cao ngất ngưởng trong nam, ngoài bắc đổ về thì một tốp khoảng vài chục người cửu vạn cả nam lẫn nữ rất khẩn trương, tất bật chạy đến nhấc từng thùng hàng xếp lên xe rồi oằn mình, ghì chặt càng xe kéo đi đến các sạp trong chợ. Mỗi chuyến, các nữ cửu vạn phải đi đoạn đường khoảng từ 200-500m. Dáng vẻ ai cũng gấp gáp, chạy ngược, chạy xuôi bất kể hàng nặng hay nhẹ, họ cố gắng đi thật nhanh về đích để còn quay lại với chuyến hàng tiếp theo.
Kéo xe, bốc vác là công việc của cánh đàn ông sức dài vai rộng, thế nhưng không ít người phụ nữ chân yếu tay mềm đã chọn công việc nhọc nhằn ấy làm nghề mưu sinh. Để có tiền họ phải oằn lưng kéo xe từ đầu đêm đến rạng sáng. Hầu hết các nữ cửu vạn là người nông dân nghèo ở quê ra thành phố tìm việc làm, cuộc sống khó khăn vất vả, ai cũng cố gắng nương nhờ vào công việc ở chợ đầu mối để kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
So với những cửu vạn là nam ở đây thì sức kéo của các nữ cửu vạn cũng không hề thua kém, dường như họ đã quá quen với công việc này rồi, nên dù kéo hàng nặng chân vẫn bước thoăn thoắt. Kéo xe liên tục xuyên đêm ngày này qua tháng khác khiến đôi bàn tay của các nữ cửu vạn chai sần và đầy vết xước.
Trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi, Cô Bùi Thị Sáu (47 tuổi, quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) lau vội những giọt mồ hôi đang chảy ròng trên khuôn mặt khắc khổ, cô trải lòng: “Tôi kéo xe ở chợ này hơn 2 năm, cái nghề này cơ cực lắm, kéo quần quật thâu đêm, vắt kiệt sức cũng chỉ được 100 đến 200 ngàn đồng. Làm ở đây đến 6h sáng thì tôi về chợp mắt vài tiếng lại đi phụ bán quán cơm cho người ta. Tôi ít học nên chẳng thể bán cái chữ để lấy tiền được, giờ phải đành ráng dùng sức mà kiếm tiền lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, sau này đỡ vất vả, thoát cảnh cửu vạn như mẹ nó.”
Khó nhọc kéo chiếc xe đầy hàng
Chồng mất sớm, cô Sáu sống cùng con gái ở quê, ngày ngày cày cuốc ruộng vườn, trồng rau củ mang ra chợ bán lấy tiền lo cho con ăn học. Hai mẹ con phải chi tiêu, ăn uống rất tằn tiện mới đủ trang trải học phí, sách vở cho con gái. Niềm hạnh phúc vỡ òa với cô khi con gái vào trường Đại học Y Dược Huế, thế nhưng niềm vui lại đi kèm với những lo âu về chi phí học hành, sinh hoạt cho con trong những năm sắp đến. Từ ngày con gái ra Huế nhập học cô cũng quyết định rời quê lên thành phố thuê trọ ở và tìm việc làm để có thể kiếm nhiều tiền hơn lo cho con. Đó cũng chính là nỗi niềm chung của trăm ngàn bậc cha mẹ ở các vùng quê nghèo, họ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời quanh năm suốt tháng cũng khó tích lũy đủ số tiền học phí cho con nơi phố thị.
Nhọc nhằn sau những vòng xe
Vì mưu sinh những nữ cửu vạn ở chợ đầu mối đã mặc kệ sự an toàn của sức khỏe chỉ biết kiếm càng nhiều tiền càng tốt. Để phục vụ nhu cầu cho những ngày rằm, mùng 1, hay các ngày lễ thì số lượng hoa quả từ các vùng đổ về chợ rất lớn. Mỗi nữ cửu vạn phải vắt cạn sức kéo trên 20 chuyến hàng trong đêm, để rồi khi về nhà lưng đau, tay nhức. Nhưng qua hôm sau, họ buộc phải lơ đi những cơn đau ấy để tiếp tục với công việc bán sức lấy tiền.
Những chuyến hàng cuối cùng vào rạng sáng
Chị Lê Thị Lý bán rau ở chợ, kể chuyện: “Làm nghề cửu vạn kéo xe này nhìn cô nào cũng hốc hác, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Họ cứ bạ đâu ngủ đấy, tranh thủ lúc không có hàng thì vào mái hiên chợ để chợp mắt tí lấy lại sức. Lúc trước ở chợ này nữ cửu vạn cũng đông lắm, nhưng nhiều cô vì kéo hàng nặng lâu ngày bị chấn thương, rạn xương nên họ nghỉ dần. Cái nghề này là thế vắt kiệt sức đổi lấy đồng tiền, rồi cuối cùng lại mua bệnh tật vào người.”
Chị Võ Thị Thơm là một trong những nữ cửu vạn làm việc lâu năm trong chợ Hòa Cường chia sẻ: “Làm nghề này phải có một sức khỏe dẻo dai mới bám trụ được. Ở đây chúng tôi làm chẳng biết ngày nghỉ là gì, có sức khỏe ngày nào thì phải tranh thủ kiếm tiền ngày đó.”
Cuộc sống của những nữ cửu vạn cứ diễn ra như một quy luật. Khi những tia sáng đầu tiên trong ngày bắt đầu cũng là lúc chợ đầu mối vãn khách. Những nữ cửu vạn ra về với tấm lưng thấm đẫm mồ hôi, bước chân cũng chậm rãi, mệt nhoài, mặt mũi ai cũng bơ phờ. Một ngày mới bắt đầu với nhiều lao động khác, nhưng với những nữ cửu vạn kéo xe thì mới chính thức bước vào giấc ngủ sau một đêm dài làm việc mệt nhọc.
ĐỨC CẦN – ĐỨC HUẤN
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.