Đổi đời ở bản “không quốc tịch”

MTXD- Mấy mươi năm không có quốc tịch, nhiều người Pa Kô – Vân Kiều ở biên giới Việt – Lào đã rất thiệt thòi. Nhưng từ khi có Quốc tịch Việt Nam, những đồng bào này đã được hỗ trợ rất nhiều từ cộng đồng cũng như chính quyền sở tại.

MTXD - Mấy mươi năm không có quốc tịch, nhiều người Pa Kô – Vân Kiều ở biên giới Việt – Lào đã rất thiệt thòi. Nhưng từ khi có Quốc tịch Việt Nam, những đồng bào này đã được hỗ trợ rất nhiều từ cộng đồng cũng như chính quyền sở tại.

Thực hiện các chính sách xã hội tại chính quyền địa phương cho người dân A Dơi Đớ.

Người dân A Dơi Đớ sau nhiều năm đã có quốc tịch.

Chuối là sản vật địa phương được mang bán cho các thương lái.

Ngôi làng cha, mẹ, con cái mỗi người mang một quốc tịch

Chuyện tưởng như đùa, mà có thật đã từng tồn tại ở bản A Dơi Đớ (nằm ở địa phận xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), nhiều gia đình ở bản phải chấp nhận cảnh “một gốc, hai ngọn” mà gia đình già làng Hồ Văn Kía là ví dụ.

Cách đây vài năm thôi, gia đình già làng Hồ Văn Kía vẫn không một mảnh giấy lận lưng. Ông Kía và con trai cả sinh ra ở đất Lào, vợ và 2 đứa con sau sinh ở Việt Nam nên mang quốc tịch Việt Nam. Những đứa cháu sinh ra không biết mang quốc tịch gì nên nhiều chuyện oái oăm từ việc giấy tờ này nảy sinh khiến nhiều gia đình này lâm vào cảnh dở khóc dở cười.

Chuyện tưởng chỉ như ở thời nảo thời nào, hay ở tận đẩu tận đâu vậy mà lại có thật và đã diễn ra ở huyện Hướng Hóa. Khi hầu hết trẻ em ở bản sinh ra đều không có giấy khai sinh; Người già mất đi cũng vội vã được đưa vào rừng ma, tuyệt nhiên không được chứng tử chỉ bởi một vấn đề quốc tịch. Điều đó đã khiến không ít người dân ở chốn này sống bất hợp pháp trên đất quê hương mình mà từ đời ông cha đã sống và đã chết ở đây. Họ rất lo khi lũ trẻ sinh ra luôn miệng hỏi: “Pả ơi! Quê mình ở đâu?”, “Mình là người Lào hay Việt?”... khi “cây có cội, suối có nguồn” nhưng người làng vẫn đau đáu chuyện giấy tờ quốc tịch.

Bản A Dơi Đớ hiện tại có 53 hộ dân với hơn 270 nhân khẩu, sau hoạch định biên giới năm 1977, phần lớn các hộ dân sang Lào sinh sống. Tuy nhiên, nỗi nhớ quê nhà đã thúc giục họ trở về và vô hình trung, những cư dân này rơi vào cảnh sống bất hợp pháp trên đất quê hương. Già làng Hồ Văn Kía đưa tay chỉ lên tấm ảnh Bác Hồ đặt trang trọng ở gian nhà chính, từ tốn bảo: “Hầu hết bà con bản mình đều sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hướng Hóa. Nhiều người từng tham gia kháng chiến, là Đảng viên, có thẻ cử tri, ai cũng mang họ Bác Hồ và quý trọng Người”. Do mang quốc tịch Lào nên ông Kía không có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình. Người con trai cả sinh ra trên đất nước bạn, mang quốc tịch giống cha. Về phần mình, vợ ông Kía lại là người Việt Nam. Ba người con sau của ông bà ra đời ở bản A Dơi Đớ, lựa chọn quốc tịch theo mẹ. Thế hệ trước kéo theo đời sau, giờ đây các cháu của vợ chồng ông Kía cũng “chia nhóm” với hai quốc tịch khác nhau. Cũng như ông Kía, gia đình bà Hồ Thị Hiềng có tất cả 5 người con, trong đó, 3 người được sinh ở Việt Nam. Năm 2000, gia đình bà và một số gia đình khác ở A Dơi Đớ Lào rủ nhau về Việt Nam sinh sống. 

Gia đình ông Hồ Văn Kía mỗi người “lận lưng” một quốc tịch. 

Ly hương, nỗi nhớ bản làng, dòng tộc khiến những người như ông Hồ Văn Kía sống trong hoang hoải. Ông Hồ Văn Kía và vợ dắt díu con trở về quê cũ. Đất của gia đình từ thời tổ tiên chẳng còn, ông vào rừng dựng tạm nhà để ở. Chỉ sau vài năm, nơi gia đình ông Kía sinh sống đón chào thêm những hộ dân mới. Họ đều có gốc gác là người Việt Nam nhưng lại mang quốc tịch Lào. Thế rồi, chẳng mấy chốc, bản A Dơi Đớ thành lập.

Anh Hồ Văn A Lỗ, một người dân trong bản, chia sẻ: “Mình biết ngày trở về sẽ gặp rất nhiều khó khăn nên quyết tâm ở lại Lào dẫu nhớ quê hương đến thế nào đi chăng nữa nhưng bố mẹ mình thì khác, ông bà bảo chỉ có thể nhắm mắt xuôi tay trên đất tiên tổ. Cuối cùng, cả đại gia đình mình cùng nhau trở về, ở với người làng ở bản A Dơi Đớ. Khổ mấy cũng cam lòng!”. 

Rưng rưng quốc tịch

Ở tỉnh Quảng Trị có 18 xã thuộc hai huyện Hướng Hóa và Đakrông có biên giới giáp với hai tỉnh Savẳnnakhệt và Salavan (Lào), có hơn 12.300 hộ gia đình, với 58.000 nhân khẩu, trong đó, hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều. Ở đây, tình trạng hôn nhân không đăng ký kết hôn giữa cư dân hai bên biên giới vẫn còn nhiều và có xu hướng ngày càng tăng dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Nhiều người suy nghĩ giản đơn rằng sống ở đâu cũng được, nếu thấy không hợp thì về lại quê cũ, cũng chỉ cách nhau cái bờ ruộng, cái quả đồi mà thôi. Nhưng thực sự, có quá nhiều vấn đề từ suy nghĩ giản đơn ấy. Không còn gốc gác để xác minh nên, mang tiếng là người Việt, sống trên đất nước mình nhưng số phận không khác gì những người sống “ngụ cư” ngay trên mảnh đất tổ tiên bao đời. Cuộc sống của những con người “lưu lạc” cứ chông chênh vô định như thế. Cái ăn không đủ, không mảnh đất cắm dùi, chuyện mai táng cũng lắm xót xa. Những hộ gia đình khá giả còn tổ chức đám tang rồi chôn cất. còn lại thì đa phần họ phải tổ chức “chui”. Người nào chết thì dân làng lặng lẽ làm đám tang, chẳng báo cáo chính quyền địa phương vì có báo cáo cũng bằng không, vì chẳng thể làm giấy chứng tử. Chính quyền địa phương cũng chỉ biết thế, có chăng thì cử cán bộ xuống viếng như một người bình thường.

Chính vì thế, cuộc sống của họ cứ long đong không một mảnh giấy lận lưng, không một cục đất chọi chim như cách dân gian vẫn thường gọi. Ngay cả khi được trở về cố quốc sau những ngày sống bên kia biên giới, người nào còn họ hàng ở bên này thì xin nhờ tá túc, mượn nương rẫy để làm, người nào không có thì che tạm túp lều sống qua ngày, vỡ một khoảnh đất trồng cấy lấy cái ăn. Không một người nào có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hoặc chí ít cũng nhớ được quê hương mình để chính quyền xác minh cấp giấy tờ và tạo điều kiện sinh sống. Đời ông đã thế, đời cha đã vậy, và đến đời những đứa trẻ đang lớn lên từng ngày ở cái bản này cũng đối mặt với tình cảnh đó.

Nhưng rồi, thương cảnh hầu hết gia đình ở bản A Dơi Đớ đều không được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước, bao tháng năm phải sống trong những căn chòi lụp xụp, cư dân trong những căn chòi ấy không được tính vào dân số địa phương. Những đứa trẻ cũng từ đó sinh ra, không giấy tờ, không được đi học đã thiệt thòi nhiều quá. Chính quyền địa phương xã A Dơi, và cả huyện Hướng Hóa đã linh động, tạo điều kiện hết sức để người dân trong bản và cả nhiều bản khác được hưởng những chính sách của nhà nước, được từng bước làm quốc tịch, làm sổ hộ khẩu, làm bảo hiểm y tế…

Ngày 8/7/2013, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đã ký thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước. Tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã có 756/855 người Lào được nhập quốc tịch Việt Nam, và bản A Dơi Đớ từ đó đến nay có 170 người được nhập quốc tịch. Sau nhiều năm sống không hợp pháp trên đất Việt, giờ đây họ chính thức có quyền công dân. Ông Pả A Dỗ, một người dân A Dơi Đớ cũng vui mừng vì đã được hưởng nhiều chính sách của nhà nước: “Chúng tôi đã được nhập quốc tịch Việt Nam để có cuộc sống ổn định trên chính quê hương mình và rất cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã tạo điều kiện cho chúng tôi. Dân làng chúng tôi hứa sẽ thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Công an xã A Dơi tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở thôn A Dơi Đớ trong đợt lũ lụt cuối năm 2020.

Cũng như nhiều người khác, từ năm 2019 gia đình ông Hồ Văn Ven cũng đã có hộ khẩu tại thôn A Dơi Đớ. Cũng như nhiều người ở đây được nhập quốc tịch Việt Nam, sau khi nhập quốc tịch, ông Ven cũng như bà con được cấp đất, có thẻ bảo hiểm y tế, được thụ hưởng nhiều chế độ, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Từ đầu đến cuối xóm “xâm cư”, nếu trước kia là con đường đất lầy nhầy vào mùa mưa và mù mịt bụi vào mùa nắng, thì nay đã thay thế bằng con đường bêtông sạch sẽ. Tháng 3/2019, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã triển khai làm đường bê tông vào thôn A Dơi Đớ dài gần 1km theo chuẩn nông thôn mới với số vốn gần 1 tỷ đồng. 2 bên đường, một đoạn lại có cờ Tổ quốc treo cạnh những mái nhà sàn mới được dựng lên. Những người dân ở bản  A Dơi Đớ đã được nhập quốc tịch Việt Nam sau nhiều ngày, đã có hộ khẩu, trẻ em đã có giấy khai sinh, được đi học đến bậc THCS ở địa phương. Ông Hồ Văn Trỉa ở bản cũng đã hiến gần 1.000m2 đất ở gần nhà để khi chính quyền địa phương xin được kinh phí sẽ đầu tư xây trường mầm non, trẻ con sẽ không phải đi học xa nữa...

Anh Hồ Văn Chua bày tỏ: “Tôi rất phấn khởi, cá nhân rất vui, không diễn tả nổi cảm xúc. Sau khi được cấp quốc tịch Việt Nam, tôi và những người khác tại xã được cấp chứng minh thư, bảo hiểm y tế, được cấp đất đai để ổn định cuộc sống. Nếu không có Đảng và Nhà nước quan tâm, có lẽ chúng tôi không có được như ngày hôm nay!”.

Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Ba Tầng đã hỗ trợ đắc lực người dân trên địa bàn xã A Dơi, trong đó có bản A Dơi Đớ bằng việc phổ biến khoa học kỹ thuật đến với người dân. Làm theo hướng dẫn đó, nhiều gia đình đã từ bỏ cung cách làm ăn cũ chuyển sang hướng chăn nuôi, canh tác mới, lấy ngắn nuôi dài. Nhiều hộ gia đình như ông Hồ Lua ở bản này đã tích cực khai hoang ruộng nước, mở mang thêm diện tích trồng sắn, đồng thời vay vốn ngân hàng chính sách để chăn nuôi heo rừng và gia súc khác, gia cầm. Do thay đổi nếp nghĩ, cách làm mà gia đình ông mỗi năm có nguồn thu trên dưới 200 triệu đồng, không những đủ cho sinh hoạt đàng hoàng, mà còn có phần dư để tiếp tục đầu tư vào hồ ao, ruộng rẫy…và giúp đỡ những gia đình khác cùng làm kinh tế.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết: “Từ năm 2013, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào có thoả thuận về giải quyết người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào. Tại Quảng Trị, có 855 trường hợp được phê duyệt cho nhập quốc tịch. người dân 4 xã Ba Tầng, A Túc, Xy và A Xing. Ngành tư pháp sẽ cấp cho người dân giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, kết hợp với các ngành cấp chứng minh thư, sổ hộ khẩu, bảo hiểm y tế và nhiều chế độ an sinh xã hội…”

Người dân A Dơi Đớ sau nhiều năm đã có quốc tịch.

Đại úy Lê Đức Luận, Trưởng Công an xã A Dơi cho biết: “Vấn đề dân di cư tự do tồn tại nhiều năm chưa dứt điểm, gây khó khăn quản lý dân cư và ổn định cuộc sống người dân. Phần lớn hộ dân di cư sống ở các xã biên giới Việt Nam khó khăn do không quốc tịch, hộ khẩu, không có đất sản xuất, con em học tập khó khăn. Việc nhập quốc tịch giúp những người dân này rất nhiều trong cải thiện cuộc sống”.

Bây giờ, có mặt ở A Dơi Đớ, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những hàng cột điện thẳng tắp đứng cặp đều ven các tuyến đường liên thôn rộng rãi, phẳng phiu. Hai bên đường là những ngôi nhà khang trang lẩn khuất giữa um tùm cây trái. Tất cả đều toát lên một sắc diện mới của vùng biên giới này.                                                                                  

MINH NGỌC –VÂN ANH

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.