Đổi thay ở Pêtapót - Bài 1: Những bước chân trong rừng thẳm
MTXD - Ngôi làng ấy từng một thời suýt bị bỏ quên, nằm biệt lập với thế giới xung quanh và chỉ trở mình khi được công nhận, rồi từ đó những người lính biên phòng “ba cùng” đã khoác lên một hình hài mới.
Pêtapót xa ngái lắm! Nhiều người chỉ nghe tới tên thôi là đã chùn bước. Nhưng Kring Phiếu - Bí thư Đoàn xã Đắc Pring (Nam Giang, Quảng Nam) xốc nhẹ chiếc túi trên vai rồi rồ ga cho con “chiến mã” của mình bắt đầu hành trình vượt rừng, vượt suối, vượt những con dốc cao để vào với Pêtapót. Nơi được xác định thuộc địa phận thôn 48 (xã Đắc Pring) với địa hình hiểm trở, chia cắt.
Cán bộ chiến biên biên phòng và đoàn viên thanh niên phát quang, sửa chữa đường từ thôn 48 lên Petapot.
Pêtapót nhiều năm về trước tưởng chừng là một ngôi làng bị lãng quên giữa đại ngàn Trường Sơn. Ban đầu có 8 hộ với 39 nhân khẩu, đến nay, cụm dân cư có 9 hộ với 38 nhân khẩu, đây là những cư dân được di cư từ xã Đắc Plô (huyện Đắc Glei, Kon Tum). Gần 25 năm qua, từ năm 1999 khi di cư đến đây, gần 40 con người dắt díu nhau sống vá víu tạm bợ với cây với rừng, với con thú và những loài quả dại. Không đường, không điện, không trạm y tế, không trường học, không sóng điện thoại, không tivi hay thông tin liên lạc, không có cả phương tiện cơ bản là xe máy hay xe đạp. Những cư dân người Ve (một nhánh Giẻ Triêng) này cứ thuận theo trời theo đất mà sống như thế.
Rồi những người lính biên phòng Đồn biên phòng Đắc Pring đã đến và khoác lên ngôi làng một hình hài mới. Những người lính biên phòng lên đây dựng lán ở lại “3 cùng” với nhân dân. Họ chặt cây rừng xẻ ván đóng nhà, vác ximăng từ gần 20km làm sàn nhà, vận chuyển những tấm tôn lợp thành nóc. Nhờ vậy mà cả 9 hộ trong làng từ đó mới có cái nhà trú nắng mưa. Rồi những người lính biên phòng lại mở lớp dạy cái chữ, dạy người làng cách trồng lúa nước, kéo ống nước về tới bếp mỗi nhà, dạy cách phòng chống muỗi chống sốt rét và nhiều loại bệnh, nếp ăn nếp ở của người làng từ đó đã tốt lên rất nhiều. Con đường đất được mở ra để tuần tra biên giới hơn chục năm trước và cũng nhờ vậy mà Pêtapót được biết đến với thế giới bên ngoài. Dù vậy, sau nhiều năm, cuộc sống dân làng bản Pêtapoóc vẫn còn rất khó khăn. Giữa nắng chiều biên giới, Pêtapót nằm nép mình lặng lẽ giữa bạt ngàn rừng xanh thật yên bình.
Trưởng cụm dân cư Pêtapoóc - bà Y Kiêng (48 tuổi) bảo rằng cuộc sống bây giờ đã đỡ vất vả hơn ngày xưa nhưng vẫn còn nhiều thiếu thốn. Nhưng người làng đã được hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền tỉnh Quảng Nam, chính quyền huyện Đông Giang, các cấp ngành đoàn thể của xã Đăk Pring và những việc làm thiết thực của cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Đăk Pring đã đến đây cùng ăn cùng ở cùng làm với người làng. Bà Y Kiêng chia sẻ, người dân tại Pêtapót hiện giờ cơ bản đã ổn định. Người dân chỉ mong muốn được cấp trên quan tâm hỗ trợ làm đường giao thông, hỗ trợ bò giống, tuabin và tivi để xem các chương trình thời sự và học hỏi cách làm ăn mới.
Đoàn công tác của Huyện ủy Nam Giang cũng đã đến thăm, tặng quà các hộ gia đình tại Pêtapót.
Lần đầu tiên trong đời, người làng đã biết đến những thứ như ống nước, những viên thuốc, những viên ngói viên gạch, những loại cao lương mỹ vị như mỳ tôm, thịt hộp, xúc xích...và biết tới cả “cái hộp biết phát hình, phát tiếng”. Những thứ ấy, người Pêtapót vốn tưởng chỉ có trong mơ. Như vào giữa năm 2022, lần đầu tiên trong cuộc đời người dân nơi đây được chiêm ngưỡng một “công trình kỳ vĩ”, đó là ngôi nhà được xây bằng gạch, trát xi măng đầu tiên của làng. Công trình ấy do các nhà hảo tâm, đoàn viên thanh niên xã Đăk Ping phối hợp cùng cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Đăk Pring xây dựng cho anh Hồ Kring Gióng. Ngôi nhà gạch đầu tiên ở Pêtapót là một kỳ tích của tuổi trẻ Nam Giang, với sự chung tay của thợ xây do một thanh niên trẻ tên Hiên Cuôn tạo dựng. Do ngôi làng nằm biệt lập giữa núi rừng nên đoàn thanh niên và anh Hiên Cuôn cùng anh em đội thợ xây đã phải dùng sức người vận chuyển gần 7.000 viên gạch, 2 tấn xi măng, 40 tấm tôn, 1 tấn thép băng rừng lội suối gần 20km vào Pêtapót. Ròng rã hơn 2 tháng trời, công trình lịch sử hoàn thành trong niềm vui của dân làng, khi lần đầu tiên ở cụm dân cư nơi biên cương xa xôi, cách trở này một căn nhà bê tông kiên cố được dựng lên. Một dấu mốc mới cho sự đổi thay của bản làng hẻo lánh này.
Không chỉ có ngôi nhà bê tông đầu tiên, đội thợ xây do Hiên Cuôn phụ trách thời gian qua cũng đã đắp đường, phát quang nhiều đoạn đường vào với Pêtapót để người dân thuận tiện đi lại. Cùng với đó, chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm cũng thường xuyên vận động, hỗ trợ cho người dân trong làng. Đơn cử như trong hai ngày 21 và 22/4 vừa qua, đoàn công tác của Huyện ủy Nam Giang cũng đã đến thăm, tặng quà các hộ gia đình tại Pêtapót. Tại đây, đoàn đã tiến hành trao 9 suất quà (10.000.000 đồng/suất) cho các hộ dân tại cụm dân cư Pêtapót xã Đắc Pring, tiến hành lắp đặt 11 đèn năng lượng mặt trời cho các hộ dân (trị giá 4,5 triệu đồng).
Nhuận Mẫn – Huấn Trương
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.