Dự án Làng đại học Đà Nẵng treo 25 năm: Dân khổ, chính quyền khó
MTXD - Dù nhiều lần khảo sát, lên kế hoạch nhưng Dự án Làng đại học Đà Nẵng vẫn treo 25 năm khiến người dân và chính quyền địa phương chỉ biết ngóng chờ.
Làng đại học còn dở dang
Dự án Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 1997 với khoảng 300ha, trong đó khoảng 110ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và khoảng 190ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.600 tỷ đồng. Sau 25 năm, dự án mới chỉ triển khai được một phần thuộc thành phố Đà Nẵng.
Một phần dự án bên phía Đà Nẵng đã được triển khai.
Thế nhưng đến nay, sau 25 năm Dự án Đại học Đà Nẵng mới chỉ triển khai được một phần nhỏ thuộc thành phố Đà Nẵng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, công tác quản lý an ninh, trật tự xã hội và xây dựng tại địa phương. Theo quy hoạch được duyệt, Dự án Đại học Đà Nẵng có khoảng 190ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Đến nay, dự án mới chỉ triển khai 1,02ha khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng đường bao làng đại học. Tuy nhiên, việc triển khai mới chỉ dừng lại ở công tác đền bù và tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng để xây dựng khu tái định cư.
Trong Báo cáo số 150/BC-UBND, ngày 5/8/2022 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã giao Ủy ban Nhân dân thị xã Điện Bàn chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát thực trạng tại khu vực dự án đối với gần 160ha còn lại, kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, tổng diện tích đất ảnh hưởng là 1.591.028m2. Có 1.845 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó có 1.375 hộ ảnh hưởng đất ở, 30 hộ ảnh hưởng đất tôn giáo và 440 hộ ảnh hưởng đất nông nghiệp. Có 817 căn nhà thuộc diện giải tỏa trắng. Tổng số lô tái định cư dự kiến cần bố trí là 3.155 lô. Tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự kiến (theo Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam) là khoảng 2.776 tỷ đồng. Dự kiến chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực tế khoảng 4.164 tỷ đồng.
Từ khi công bố Dự án Đại học Đà Nẵng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng kinh tế-xã hội tại khu vực không được đầu tư, nâng cấp. Địa phương không thể đầu tư bêtông hóa giao thông nông thôn nên cả khu vực chỉ có một tuyến đường bêtông rộng 3m dài khoảng 1,7km còn lại là đường đất. Hiện nay, đường dây, trụ điện khu vực khối phố Câu Hà nằm trong dự án xuống cấp nghiêm trọng, các trụ điện chữ H, đường dây điện bị nghiêng ngả, thường xuyên xảy ra sự cố, nguy cơ xảy ra tai nạn điện rất cao, nhất là trong mùa mưa bão nhưng cũng không thể đầu tư cải tạo, nâng cấp. Các công trình văn hóa, thể thao chưa được đầu tư xây dựng, nhà trẻ, trường mẫu giáo tạm bợ…
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã đề xuất tập trung ưu tiên vốn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là ở địa phận Quảng Nam. Ông Vũ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thuộc làng Đại học Đà Nẵng từ nguồn ngân sách Trung ương trong kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 để tập trung thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm sớm chấm dứt tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài.
Qua kiểm tra, rà soát dự án phần lớn ảnh hưởng đến đất ở và nhà ở của nhân dân dẫn đến chi phí bồi thường tăng cao và rất khó khăn, phức tạp trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án cơ bản không khả thi. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trong báo cáo về tình hình triển khai dự án Đại học Đà Nẵng trên địa phận thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đề xuất chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho làng Đại học Đà Nẵng hơn 4.164 tỷ đồng, nếu không đủ nguồn vốn thì giảm diện tích từ 160ha xuống còn 50ha. Số đất này nằm ở khối phố Tứ Hà và Câu Hà phường Điện Ngọc, gồm 6ha đất ở; 3,9ha đất nông nghiệp và 40ha đất nghĩa trang, tín ngưỡng với 222 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng chi phí GPMB dự kiến khoảng 333,8 tỷ đồng. Suất vốn đầu tư xây lắp và thiết bị với diện tích 50ha là 482 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư dự kiến là 815,8 tỷ đồng.
Trong trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn để GPMB toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam đề nghị điều chỉnh quy hoạch phân khu (1/2000) để tập trung triển khai thực hiện trên phần diện tích khoảng 50ha nêu trên. Phần diện tích còn lại loại ra khỏi ranh giới dự án để UBND tỉnh Quảng Nam lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân tại khu vực; đồng thời, hình thành khu đô thị vệ tinh phục vụ làng ĐH Đà Nẵng.
Dự án Đại học Đà Nẵng 'treo' nhiều năm.
Dân khổ, chính quyền khó
Theo tìm hiểu, từ năm 1997 đến nay, người dân ở khu vực này không được lập hộ mới, tách thửa, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất. Các hộ bị ảnh hưởng đường bao vẫn chưa được bồi thường thiệt hại, chưa có kế hoạch di dời. Đến khi Luật Xây dựng năm 2013 có hiệu lực, các hộ dân trong khu vực mới được cấp phép xây dựng có thời hạn trong phạm vi đất thuộc Dự án Đại học Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Thành (trú khối phố Câu Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết nhà cửa xuống cấp nhưng nhiều năm qua không thể xây dựng, sửa chữa vì nằm trong vùng quy hoạch Dự án Đại học Đà Nẵng. Cuộc sống ở đây rất khó khăn vì thiếu nước sạch, điện thắp sáng. Hàng ngày, một số người dân đi chở nước sạch ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn về nấu ăn, còn điện phải kéo đường dây từ nhà hộ dân ở nơi khác về sử dụng. Tình trạng này diễn ra trong suốt 25 năm qua.
Do bức xúc về chỗ ở, nhiều hộ dân đã xây dựng, cơi nới nhà cửa. Nhiều trường hợp khác cũng xây dựng trái phép trên diện tích đất quy hoạch dự án để chờ giải tỏa, đền bù. Từ 2009 đến nay, có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép, tổng diện tích đất tại khu vực xây dựng trái phép gần 05ha. Mặc dù, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều biện pháp xử lý tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự tại khu vực này vẫn diễn biến rất phức tạp, việc mua bán chuyển nhượng đất đai tự phát giữa các hộ dân vẫn diễn ra, chính quyền địa phương không thể kiểm soát được, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, nếu không có giải pháp giải quyết kịp thời sẽ tạo điểm nóng, gây mất an ninh - trật tự tại địa phương.
Quảng Nam ủng hộ tiếp tục triển khai dự án, tuy nhiên có hướng điều chỉnh cho phù hợp.
Đáng quan tâm hơn, hiện nay, số lượng nhân khẩu không đăng ký lưu trú tại khu vực ngày càng tăng. UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận, dự án kéo dài trong nhiều năm khiến cho công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác quản lý nhân, hộ khẩu trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Việc cư trú, lưu trú, tạm trú tại khu vực đại học rất phức tạp nên việc nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng tội phạm và vi phạm pháp luật gặp nhiều trở ngại, tạo ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến ANTT.
Người dân địa phương mong muốn ngành chức năng sớm triển khai dự án hoặc có chính sách tạo điều kiện cho nhân dân ổn định cuộc sống. Lãnh đạo các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam cũng kiến nghị Trung ương bố trí vốn để tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm sớm chấm dứt tình trạng "treo" tại dự án làng Đại học Đà Nẵng.
NHUẬN MẪN – ĐỨC HUẤN
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.