Đua thuyền đầu Xuân ở xứ đảo tiền tiêu
MTXD - Không chỉ là truyền thống hơn 300 năm, hội đua thuyền Tứ Linh ở đảo Lý Sơn đã trở thành một nét văn hóa, một loại hình du lịch, mà hơn hết đó còn là niềm tin của người dân đất đảo với cuộc sống ở hòn đảo tiền tiêu này.
Người dân xứ đảo tất bật cho những con thuyền đua vào đầu năm mới.
Lễ hội của trăm năm
Những ngày tháng Chạp ùa về, báo hiệu mùa Xuân đến. Cũng là lúc, sắc xuân tràn ngập khắp con đường làng, khoe sắc cùng với các nàng hoa, nào là cúc mai, hướng dương, hoa ly, bông vạn thọ, cành đào phương Bắc, chậu quất sum suê hoa quả… Tất cả bày biện từ ngay cảng Lý Sơn và trải dài bao phủ các con đường huyết mạch. Đây cũng là thời điểm trai làng, cùng bô lão từng đội đua ghe chuẩn bị trang hoàng cho chiếc ghe tứ linh của thôn mình.
Chưa có một vùng đất nào mà từ người dân đến chính quyền chú tâm đến việc giữ gìn các phong tục tập quán, lễ thức, cúng tế, hội hè nơi đình làng, lăng xóm, tộc họ và trong mỗi gia đình… như ở Lý Sơn. Chính vì thế mà các giá trị văn hóa, lễ hội trước, trong và sau Tết ở đây được cộng đồng bảo tồn và phát huy khá tốt. Người ta nói Tết Nguyên đán ở Lý Sơn đến sớm và kéo dài hơn đất liền, điều này thật không sai. Trước Tết cả tháng, người dân ở huyện đảo Lý Sơn đã bắt đầu chuẩn bị. Ở Lý Sơn mùa xuân là mùa của lễ hội. Có hội làng, hội xóm, hội lân, lễ hội ở Vạn Chài. Ngoài lễ hội mang tính cộng đồng làng xã, còn có lễ hội mang tính chất phạm vi tộc họ, tiền hiền, hậu hiền. Phong tục cúng bái ông bà trong ba ngày Tết ở mỗi gia đình được xem là nghi lễ không thể bỏ qua.
Hàng năm, lễ hội đua ghe tứ linh diễn ra dịp Tết cổ truyền.
Có lẽ, nhiều người đã từng chiêm ngưỡng những cuộc đua thuyền truyền thống ở trên sông tại nhiều địa phương, nhưng ở Lý Sơn có một cuộc đua thuyền truyền thống rất đặc biệt chỉ có trong ngày Tết. Đó là lễ hội đua thuyền Tứ Linh ở huyện đảo này. Dù thiên tai, mất mùa… dù đời sống của nhân dân khó khăn đến mấy, nhưng đến Tết nhất thiết phải có đua thuyền.
Lễ hội đua thuyền đầu Xuân trên đảo Lý Sơn là sinh hoạt văn hóa truyền thống, gắn kết cả về phần lễ với phần hội.
Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Lý Sơn mang tính đặc thù và quy mô hơn tất cả hội đua thuyền nào tổ chức ở Quảng Ngãi, không chỉ về số lượng người xem, thời gian tổ chức đến 4 ngày, từ ngày mồng 4 âm lịch tới ngày mồng 8 âm lịch hằng năm. Mỗi dịp xuân đến, các tộc, họ trên đảo tổ chức hội đua thuyền nhằm tri ân tổ tiên có công khai khẩn, mở mang đất đảo trù phú; tưởng nhớ đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa dong buồm ra khơi dựng bia cắm mốc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây lễ hội lớn nhất trong năm, thu hút sự tham gia của người dân vùng đất đảo. Lễ hội bắt đầu vào ngày mùng 4, sau lễ hóa vàng và kết thúc vào ngày khai hạ, mùng 7 tết. Lễ hội đua thuyền tứ linh đầu xuân trên đảo Lý Sơn đã tồn tại và duy trì hơn 300 năm qua. Đây là nét văn hóa truyền thống dân gian, mang đậm bản sắc của cư dân biển đảo. Lễ hội diễn ra hàng năm, từ ngày mồng bốn đến mồng tám Tết.
Những chiếc thuyền được làm tại các xưởng ở đảo trong tháng Chạp.
Ông Nguyễn Quyền (63 tuổi, ở thôn đông An Hải, Lý Sơn) cho biết: “Lý Sơn trước đây có 2 xã là An Vĩnh và An Hải. Hội đua thuyền diễn ra riêng tại mỗi xã gần như đồng thời. Hội đua thuyền Lý Sơn diễn ra theo từng làng, với 4 thuyền đua tranh trong 4 ngày, mỗi ngày một cuộc. Đường đua gồm 4 vòng (8 dạo), tổng chiều dài khoảng 2,5 hải lý. Các thuyền được đổi đường đua mỗi ngày và được xếp thứ hạng (nhất, nhì, ba, tư) theo ngày đó. Đến ngày cuối (mùng 7), người ta cộng lấy kết quả của 4 cuộc đua để xét giải chung cuộc!”. Những năm gần đây, để tăng thêm tính hấp dẫn, các vị bô lão thống nhất tổ chức thêm cuộc đua toàn huyện diễn ra vào chiều ngày 8 âm lịch. Cuộc đua cũng có 8 đội tham gia, mỗi xã 4 đội, nhưng chỉ gồm 2 vòng. Vòng đầu, 8 đội đua để chọn ra 4 đội vào vòng sau tranh chức quán quân.
Trong cuộc đua thuyền đầu năm, khi hàng ngàn người đứng trên bờ hò reo, thì những chiếc thuyền tứ linh nổi bật trên thềm san hô phủ màu xanh rêu tạo nên bức tranh biển đảo độc đáo giữa mùa xuân mới.
Trong cuộc đua thuyền đầu năm, khi hàng ngàn người đứng trên bờ hò reo, thì những chiếc thuyền tứ linh nổi bật trên thềm san hô phủ màu xanh rêu tạo nên bức tranh biển đảo độc đáo giữa mùa xuân mới.
Tình quê trong những chiếc thuyền
Ở đảo Lý Sơn, ngày Tết cổ truyền của dân tộc thật đáng nhớ và đặc biệt, không chỉ đối với cư dân đất đảo mà với cả những người ở phương xa, bởi những giá trị văn hóa truyền thống hết sức đặc trưng. Cả năm bôn ba giữa trùng sóng đại dương, ngày Tết cổ truyền, bà con lối xóm trên đất đảo tiền tiêu mới có dịp tụ họp đông đủ nhất. Bên chiếc bánh chưng, bánh ít lá gai, hành chua, thịt heo, hải sản cùng tí tách món hạt dưa thì câu chuyện chuẩn bị đua ghe “Long, Lân, Quy, Phụng” luôn rộn ràng trên đảo Lý Sơn.
Sở dĩ gọi là “đua thuyền tứ linh” vì trong cuộc đua có sự tham gia tranh tài của 4 con thuyền, mỗi thuyền mang tên một con vật trong bộ tứ linh, đó là: Long, Ly (Lân), Quy, Phụng (Phượng). Thuyền đua làm bằng mê tre, dài khoảng 8 mét, lòng thuyền chỗ rộng nhất chừng 1,5 mét, có dáng thon và nhẹ để khi đua có thể lướt nhanh về phía trước. Đầu và đuôi thuyền người ta trang trí hình các con vật rồng, lân, rùa, phượng, theo kiểu chạm khắc trên gỗ rồi ghép vào thuyền. Gỗ dùng chạm khắc là loại gỗ cây bợp, có đặc điểm nhẹ và không bị mối mọt làm hỏng.
Bàn tay của những người thợ tài hoa trên quê đảo chạm khắc hết sức sinh động, làm cho người xem nhìn con thuyền khi đang đua có cảm giác như những con vật trong tứ linh đang lướt nhanh trên sóng biển.
Mỗi đội đua thường có 15 người, đều là nam giới, trong đó có 1 tổng lái, 1 tổng thương, 1 tổng mũi, và 12 tay chèo. Tổng mũi là người chỉ huy, ngồi ở đầu thuyền; tổng thương ở giữa lo tác nước; tổng lái chiếm vị trí đuôi thuyền, là tay chèo lão luyện, vừa dùng mái chèo giữ thăng bằng cho con thuyền khi lướt nhanh về phía trước, vừa ra những động tác mạnh mẽ, khéo léo lái con thuyền đua ở những điểm quay đầu.
Ở Lý Sơn này có 13 họ tộc trên đảo là hậu duệ của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Cụ Ngô Lý (84 tuổi, ngụ thôn Đông, xã An Vĩnh) tâm sự: “Cứ mùng 1 Tết hàng năm, tôi cùng con cháu đi dâng hương tại nhà thờ tổ tiên, đình làng và Khu trưng bày Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Thông qua từng tờ sắc lệch, mô hình chiếc thuyền câu ngày xưa và các kỷ vật, tôi kể con cháu nghe về tổ tiên mình đã anh dũng bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đã cập kề tuổi gần đất xa trời rồi, tôi mong con cháu luôn khắc ghi lịch sử về Đội hùng binh Hoàng Sa và phải lưu truyền cho thế hệ sau”.
Lễ hội diễn ra hàng năm, từ ngày mồng bốn đến mồng tám Tết.
Ý nghĩa sâu xa của hội đua thuyền là để tỏ lòng cảm tạ các vị thần linh phù hộ cho dân làng có được cuộc sống bình an, khương thới; làm nông, làm biển được mùa, tri ân các bậc tiền hiền đã có công khai khẩn, xây dựng cuộc sống lâu dài trên quê đảo, tưởng nhớ quan quân và binh phu các đội Hoàng Sa, Bắc Hải. Đây cũng là dịp để người dân rèn luyện sức khỏe, thi thố tài năng điều khiển ghe thuyền. Lễ hội nhằm tưởng nhớ cội nguồn tổ tiên, các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc cũng như cầu mong quốc thái dân an, ngư dân thuận buồm xuôi gió, ra khơi khai thác hải sản được mùa.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Lễ hội đua thuyền đầu xuân trên đảo Lý Sơn là sinh hoạt văn hóa truyền thống, gắn kết cả về phần lễ với phần hội, lôi cuốn đông đảo người dân địa phương du khách, tạo nên không khí phấn khởi, vui tươi trên đất đảo mỗi dịp Tết đến, xuân về”. Tết ở Lý Sơn đặc biệt hơn cả là tính cố kết cộng đồng thông qua những phong tục, tập quán từ rất lâu đời. Và ngày Tết ở Lý Sơn cũng không sao quên được hương vị của những món ăn truyền thống.
Huyện đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao.
Hàng năm, lễ hội đua ghe tứ linh không chỉ diễn ra dịp Tết cổ truyền, mà người dân Lý Sơn còn tổ chức vào dịp Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch. Trong tháng 4/2013, Bộ VHTT-DL đã công nhận Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và với những ý nghĩa độc đáo, thì ngày 30/9/2020 vừa qua, Bộ VHTTDL có Quyết định số 2729/QĐ- BVHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đua thuyền Tứ Linh (xã An Hải, An Vĩnh), một lễ hội truyền thống độc đáo của cư dân huyện đảo Lý Sơn.
Huấn Trương
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.