“Gã tử tế dị thường”
MTXD- “Ninh dị thường”, người dân vẫn bảo Ninh thế. Không hẳn vì Ninh đi “chấm phẩy” gần cả đời người, không phải vì mỗi lần nói chuyện với Ninh phải dùng chân tay nhiều hơn cả lời nói, không phải vì những nơi hắn đến ngay cả người lành, người khỏe cũng chẳng mấy ai dám đến, mà bởi những việc Ninh đã làm khiến nhiều người tròn mắt ngạc nhiên.
Đôi chân bị tật do di chứng lúc trẻ, việc đi lại với Ninh là rất khó khăn, nhưng Ninh vẫn đi để trao quà cho những mảnh đời bất hạnh khác.
Mấy đài truyền hình làm phim về Ninh, báo viết về Ninh xếp đầy trên ngăn tủ trang trọng của phòng sách. Chẳng mấy người biết Ninh là kẻ nằm trong số ít những con người vượt qua số phận một cách đường hoàng và giá trị. Cuộc đời Ninh thật lạ, có đủ các cung bậc của cuộc sống: Hạnh phúc có, may mắn có. Thế nhưng những bất hạnh, khổ đau cũng thật tận cùng. Cuộc đời Ninh lận đận lắm. Ninh cười, như muốn gạt đi mọi thứ thuộc về quá khứ không vui của mình.
Một mình sống với mẹ từ năm 7 tuổi. Từng học văn rất giỏi. Thế nhưng cơn bạo bệnh thời trẻ dại bất ngờ khiến Ninh mang hình hài co quắp, miệng méo xệch không phát nổi thành âm. Mẹ Ninh bán cả gia sản chữa chạy nhưng lực bất tòng tâm. Ninh sống sót nhưng không đầy đặn như trước. 24 tuổi một mình lạc lõng ở đất phương nam xô bồ. Ninh bán vé số dạo mưu sinh, vẫn ấp ủ những con chữ nuôi mộng mị thời thơ dại ở đất Sài thành. Bao lần bị giựt vé số. Bao lần chân cà thọt đuổi theo không được. Hết vốn, hết đường làm ăn. Ninh trở lại Đà Nẵng long đong với nghiệp cũ.
Phòng đọc sách miễn phí của Ninh.
Một dạo ấy, đời Ninh buồn như trấu cắn!
Khổ ám thân từ thời thơ dại. Ninh thương mình, thương mẹ già vì Ninh mà khổ cả một đời. Bỏ phận làm thuê nơi xứ người vất vưởng, Ninh về quê chăm mẹ. Mảnh vườn, ngôi nhà cũ níu chân Ninh lại sống kiếp thanh đạm qua ngày. Có người bạn thấy bà cụ mẹ Ninh cái lưng còng đứng chưa tới 1 mét mỗi bận khách vào bẻ từng cọng phên rách từ vách nứa nhóm bếp, đun củi nấu nước mới thương quá vận động xây cho một căn nhà. Rồi người mua cho cái quạt, mua cho cái ấm điện, mua cho bộ bàn ghế.
Ninh bên mẹ già tóc đã bạc trắng cùng bạn bè.
Ninh mở quán cà phê nhà quê. Thế là thành “Thi Hữu quán”. Nhưng vẫn không đủ sinh nhai. Vậy mà Ninh vẫn mở quán. “Thi Hữu quán” mà Ninh dựng nên nằm im lìm bên rặng chuối vườn, quanh năm chỉ thấy gió lùa. Tụ họp là dăm bảy khách quen, toàn bạn văn nghệ. Ngày bán được vài chục ly, coi như cũng đủ tiền đong gạo. Ấy vậy mà Ninh vẫn lẳng lặng để dành mỗi ngày dăm ba ngàn, gom lại cuối tháng mang xuống cho người bạn vong niên sống tội như Ninh có gạo ăn. Đời mà! Vốn trong cái khổ người ta thường hiểu nhau hơn. Mười năm trời như thế, Ninh giúp bạn không đói, mặc dù Ninh cũng đói chẳng kém gì.
Thi Hữu Quán từ hồi ấy đến giờ vẫn thế. Nghèo tơ tướp như đời Ninh, nhưng ấm tình người hơn trăm vạn câu nói. Ngày bán được dăm ba chục, Ninh chia ra từng khoản. Ngoài khoản mua gạo cho mẹ, cho người bạn tật nguyền của mình thì Ninh còn để giành một ít mỗi ngày mua sách vở, quần áo cho lũ học trò nghèo nơi thôn dã, hay để gửi đến các hoàn cảnh khốn cùng mà Ninh biết.
Gã tử tế dị thường Trần Phước Ninh.
Ninh đi những đâu cũng không nhớ nữa. Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, TP.Hồ Chí Minh hay cả những chốn rừng thiêng nước độc tít tận triền núi cao cũng đã từng in dấu chân Ninh. Ninh đi để trao tiền cho người khốn khổ hơn Ninh, trao quà bánh, sách vở, áo ấm cho lũ trẻ nghèo. Ninh cứ đi, một chân tập tễnh “chấm phẩy” cũng chẳn ngại. Người lành còn nản, Ninh chẳng lành nhưng chưa chút từ nan. Tóc Ninh đã hai màu buồn. Điều ấy có hề gì, bởi tâm hồn Ninh vẫn còn trẻ lắm, còn nhiều nhiệt huyết và ước mơ. Những ước mơ cho nhiều mảnh đời khốn khó.
Cái lon sữa đặt ở một góc trên chiếc bàn cũ, trong đó có toàn tiền lẻ. Ấy là số tiền mỗi ngày Ninh bỏ vào để giúp bạn, giúp người. Mỗi ngày một đôi ngàn đồng. Khi quán đông khách thì nhiều hơn. Ninh ấm lòng chi lạ khi cuối tháng thấy cái lon sữa đầy hơn. Có người nói Ninh “này nọ”. Ninh chỉ chặc lưỡi “thây kệ!”. Ninh chỉ có bấy nhiêu. Ninh muốn cho. Ninh khát khao được trải tấm lòng mình với mọi người. Thế thôi!
Ninh giúp người bạn có gạo ăn. Giúp bà cụ trọng bệnh sống cô độc mỗi ngày có người trò chuyện để thanh thản ra đi. Ninh giúp cậu học trò cụt chân có tiền học đại học. Ninh đưa cậu bé mồ côi về nuôi rồi cho đi học nghề. Ninh lặn lội cho từng mảnh đời bất hạnh của tận cùng khổ đau có nghị lực và niềm tin sống. Thấy học sinh quê mình nghèo khó ăn không đủ no, cái sách cái bút không có, sợ lũ trẻ thất học, Ninh vận động bạn bè 150 suất quà cho Trường mẫu giáo xã Duy Thu, rồi Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Duy Nghĩa, H. Duy Xuyên, Quảng Nam), và nhiều trường khác nữa.
Cặm cụi, nhẫn nại, hy vọng là điều mỗi lần Ninh ngồi bọc hàng trăm cuốn vở cho lũ trò nghèo miền sơn cước. Một mình Ninh làm lấy tất cả. Có khi dăm bảy trăm cuốn, có khi cả nghìn cuốn. Xong, Ninh lại đi! Phía núi có những ánh mắt trẻ thơ hy vọng chờ Ninh, khốn khó và cực nhọc như tuổi thơ của Ninh vậy. Ninh còn làm nhiều điều hơn thế nữa. Kể ra chẳng hết.
Nhờ sự vận động và hỗ trợ của bạn bè, nhà hảo tâm nên Ninh đã khánh thành phòng đọc sách miễn phí mới với khoảng không gian rộng hơn, hàng ngàn đầu sách mới đã được thêm vào phòng sách cũ để phục vụ bà con trong vùng. Đó không chỉ là niềm vui của Ninh, mà còn của bà con nơi đây và bạn bè khắp nơi gửi gắm niềm tin vào người đàn ông “dị thường” này. Ninh yêu sách, quý sách như chính tính mạng của mình. Nhìn lũ trẻ quê không có điều kiện đọc sách. Ninh vận động, xin, mượn hàng trăm đầu sách về lập nên phòng đọc sách miễn phí. Không chỉ cho lũ trẻ, mà còn cho cả người lớn. ở cái thời mà đọc sách là điều gì đó xa xỉ, thì quê Ninh, quanh nhà Ninh ai cũng thích đọc sách. Mỗi khi ai đó tặng sách, Ninh nâng niu như đứa con bé bỏng trên tay mình. Chỉ sợ rớt, chỉ sợ làm đau. Phòng sách miễn phí của Ninh mỗi ngày có cả trăm lượt người đọc. Học sinh, giáo viên, nông dân, bô lão đều đến. Họ đọc. Họ góp sách. Họ chia sẻ. Họ nhân lên niềm vui của Ninh. Ninh chỉ cần như thế.
Ngày ngày, Ninh vẫn cặm cụi gom sách vở. Cặm cụi bán cà phê kiếm sống và cái lon sữa mỗi ngày thêm chặt. Nâng niu từng trang sách, viết từng bài thơ cho thỏa nỗi lòng với con chữ. Tóc hai màu, Ninh không có vợ, vẫn sống với mẹ già lưng đã còng sát đất và tóc đã nhuốm màu sương mai. Nếu có tặng Ninh tiền, Ninh vẫn nhận nhưng sẽ tiếp tục mang đi cho những mảnh đời khốn khó hơn. Nếu có tặng Ninh sách, thứ đồ mà bây giờ người ta không còn mấy thích thú nữa, thì Ninh trân quý hơn mọi thứ. Nếu có tìm đến Ninh, cứ hỏi bất kỳ người dân nào ở TT Nam Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) thì người ta sẽ chỉ đến tận nơi, và có thể sẽ đưa tới tận nơi, hoặc chở Ninh đến. Ninh vẫn “dị thường” như từ nửa đời người trước khi bạo bệnh.
Đã ở cái tuổi hơn 48, nhưng tâm hồn Ninh vẫn trẻ. Muốn biết, cứ hỏi “gã dị thường tử tế” Trần Phước Ninh. Cái tên như ám vào cuộc đời Ninh chuyện làm phước. Không công. Không nề hà. Suốt đời…
TIÊU DAO
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.