Giải bài toán xử lý rác thải cồng kềnh ở Thủ đô

MTXD – Hiện 23 phường thuộc 5 quận của Hà Nội đã chủ động bố trí các điểm tập kết rác thải cồng kềnh, tạo tiền đề cho việc phân loại rác đồng loạt trên toàn thành phố.

MTXD – Hiện 23 phường thuộc 5 quận của Hà Nội đã chủ động bố trí các điểm tập kết rác thải cồng kềnh, tạo tiền đề cho việc phân loại rác đồng loạt trên toàn thành phố.

Mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 7.000-7.500 tấn rác thải sinh hoạt và chất thải khác, trong đó có rác thải cồng kềnh. Ảnh minh họa

Triển khai thí điểm phân loại rác thải tại 5 quận

Mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội phát sinh khoảng 7.000-7.500 tấn rác thải sinh hoạt và chất thải khác, trong đó có rác thải cồng kềnh. Không khó để bắt gặp tình trạng các loại rác thải cồng kềnh tại nhiều tuyến phố của Hà Nội như: Bàn ghế, giường tủ đã hư hỏng... vứt bừa bãi trên vỉa hè, dưới lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị và mất an toàn giao thông. 

Với khối lượng rác nhiều như vậy, nếu không được thu gom, xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đô thị.

Do khối lượng rác cồng kềnh nhiều nên công tác thu gom, vận chuyển, xử lý loại rác thải gặp không ít khó khăn. Đa số công nhân vệ sinh môi trường vẫn phải thực hiện phá dỡ thủ công tại chỗ, rồi mới đưa lên xe vận chuyển đi xử lý...

Là đô thị có lượng rác thải sinh hoạt lớn, rác cồng kềnh chiếm tỉ lệ cao hơn so với nhiều địa phương, do đó bài toán giải quyết chất thải rắn cồng kềnh vẫn đang là bài toán khó đối với ngành môi trường trên địa bàn Hà Nội. 

Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định, bắt đầu từ ngày 1/1/2025, các địa phương triển khai phân loại rác tại nguồn.

Để sớm đưa luật vào cuộc sống, từ tháng 6/2024, TP. Hà Nội đã triển khai thí điểm phân loại rác thải tại 23 phường của 5 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Nam Từ Liêm.

Trong thời gian này, URENCO triển khai thu gom rác thải cồng kềnh theo hai hình thức, người dân mang rác thải cồng kềnh tới điểm tập kết theo quy định hoặc gọi điện theo số hotline, đơn vị sẽ đến tận nhà thu gom hoàn toàn miễn phí.

Theo báo cáo của Công ty Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) 7, trung bình mỗi tháng, chỉ riêng địa bàn quận Nam Từ Liêm đã phát sinh khoảng 30 tấn rác thải cồng kềnh từ các khu dân cư. Khối lượng không nhỏ, nếu không được thu gom xử lý sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.

Hiện URENCO 7 đã tiến hành phân loại và thu gom đối với rác cồng kềnh tại tất cả các phường trên địa bàn quận. Thay vì dùng phương án truyền thống thu gom rồi phá dỡ, cuốn ép rác nhằm giảm diện tích để chôn lấp như trước đây, từ đầu năm 2024, Công ty đã tiến hành đưa vào vận hành dây chuyền xử lý các loại rác cồng kềnh để tiếp tục tái sử dụng. Với cỗ máy nghiền có công suất lớn, các tấm gỗ, giường tủ… đều bị nghiền nát trong tích tắc. Do có nhiệt trị cao, chất thải thành phẩm có thể được sử dụng làm nhiên liệu đốt cho các lò hơi.

Trước đây, Hà Nội chưa có quy định về việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh nên loại rác này không nằm trong hợp đồng đấu thầu rác thải sinh hoạt ở các quận, huyện. Việc xử lý rác thải cồng kềnh được kỳ vọng sẽ tìm đầu ra cho loại rác thải này, vốn là vấn đề lâu nay các phường vẫn loay hoay trong việc tìm phương án xử lý.

Là một trong 5 quận được lựa chọn triển khai thí điểm, quận Hoàn Kiếm hiện đang triển khai thí điểm mô hình "Quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn".

Theo đó, các phường thuộc quận Hoàn Kiếm đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai phương án phân loại rác theo các bước như: Chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng (giấy, nhựa, kim loại); chất thải cồng kềnh (bàn, ghế, tủ, cành cây…); chất thải nguy hại (pin, ắc quy, vi mạch điện tử…) và chất thải còn lại. Sau khi phân loại, rác sẽ được tập kết đúng địa điểm, vị trí, thời gian quy định để công nhân môi trường đi thu gom…

Để làm tốt công tác phân loại rác thải tại nguồn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lê Anh Thư đề nghị cấp ủy và chính quyền 18 phường chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành có liên quan của quận tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt đến từng người dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn phường; rà soát, đề xuất bố trí các điểm tập kết rác thải sau khi phân loại phù hợp với thực tế và thông tin đến người dân trên địa bàn được biết...

Công ty URENCO Chi nhánh Hoàn Kiếm rà soát, bố trí thùng đựng theo phân loại rác thải sao cho nhân dân dễ nhận biết và thuận lợi trong việc bỏ rác thải; bố trí xe thu gom kín khít để không gây ô nhiễm môi trường và bảo đảm mỹ quan đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Tăng cường xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm

Được biết, Hà Nội bắt đầu thí điểm phân loại rác tại nguồn giai đoạn một đến quý I/2025. Hoạt động này là tiền đề cho phân loại rác mở rộng đồng loạt trên trong năm 2026.

Cụ thể, 23 phường thuộc 5 quận bao gồm: Quận Hai Bà Trưng thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ, quận Ba Đình tại phường Nguyễn Trung Trực; quận Nam Từ Liêm áp dụng tại hai phường Phú Đô, Cầu Diễn; quận Đống Đa tại phường Nam Đồng. Riêng quận Hoàn Kiếm do đã có nền tảng từ trước nên thí điểm ở cả 18 phường.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty URENCO Hà Nội cho biết, để xử lý hiệu quả nguồn chất thải rắn, cồng kềnh, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có văn bản về việc thí điểm thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cồng kềnh trên địa bàn 5 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Nam Từ Liêm từ tháng 6 đến tháng 12/2024. Lãnh đạo Thành phố giao các địa phương phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội triển khai các công việc liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cồng kềnh, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định.

Theo đó, thay vì dùng phương án truyền thống là thu gom rồi phá dỡ, cuốn ép rác để chôn lấp, rác thải cồng kềnh từ hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đường phố được tiến hành thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết xử lý bằng cách nghiền nhỏ rồi bán lại cho các cơ sở sản xuất làm nguyên liệu vận hành lò hơi.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, phương án này phù hợp với hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác tại nguồn của Bộ Tài nguyên và Môi trường là loại rác bắt buộc phải được phân loại từ ngày 1/1/2025. Đồng thời, mô hình thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh là bước đệm để thành phố có những phương án hoàn chỉnh, đồng bộ hơn trong công tác xử lý loại chất thải này.

UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị triển khai mô hình thí điểm tại 5 quận theo đúng quy định. Sau thời gian thí điểm, Sở chủ trì tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị để báo cáo, đề xuất UBND thành phố triển khai nhân rộng từ ngày 1/1/2025.

Là một trong 5 quận thực hiện nghiêm mô hình thí điểm, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho biết, việc thí điểm chương trình là việc rất cần thiết. Để chương trình thí điểm đi vào thực chất, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nhận diện các loại rác thải.

Đồng thời, công bố rộng rãi về thời gian, địa điểm tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt… để người dân biết, thực hiện theo đúng các quy định đề ra.

Cụ thể, theo lãnh đạo quận Đống Đa, đối với rác thải có khả năng tái chế ở hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ như giấy thải, sách vở bìa, cốc nhựa, vỏ chai… UBND phường Nam Đồng - đơn vị tổ chức thí điểm đã bố trí điểm tập kết để thu theo thời gian cố định mỗi tuần hai lần.

Đối với rác thải cồng kềnh như tủ, bàn, ghế, sofa… UBND quận đã yêu cầu UBND phường Nam Đồng bố trí điểm tập kết để người dân mang chất thải đến tập kết, tránh tình trạng đổ thải bừa bãi như hiện nay gây mất mỹ quan đô thị và khó khăn cho đơn vị duy trì…

Bên cạnh đó, UBND quận Đống Đa cũng đã yêu cầu UBND phường Nam Đồng bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giữ vệ sinh môi trường theo các phương án đã được duyệt. Tăng cường xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá xét duyệt danh hiệu gia đình văn hóa.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 các địa phương phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Công nhân môi trường sẽ từ chối thu gom rác không phân loại. Hộ gia đình, cá nhân không phân loại, hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Theo Thùy Chi – Chinhphu.vn

Các tin khác

TẠP CHÍ ĐANG DỪNG HOẠT ĐỘNG THEO QUYẾT ĐỊNH CỦA CƠ QUAN CHỦ QUẢN-Trân Trọng !
Học sinh Hà Nội hân hoan đón chào năm học mới 2024 - 2025
Học sinh Hà Nội hân hoan đón chào năm học mới 2024 - 2025

MTXD - Sáng nay 5/9, cùng với các trường học trên cả nước, tại hơn 2.900 trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đồng loạt diễn ra lễ khai giảng năm học 2024-2025.

Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...