Giải ngân tiền hỗ trợ thuê trọ: Để người lao động không mòn mỏi ngóng chờ
MTXD - Nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở cho biết, việc triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà chậm khiến số lượng người lao động được thụ hưởng chưa nhiều. Hàng trăm ngàn công nhân thuê trọ vẫn đang ngóng trông khoản tiền hỗ trợ này để giảm bớt tiền thuê trọ, sớm vượt qua khó khăn.
Chậm giải ngân, người lao động ngóng chờ
Thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (với mức 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng), hàng triệu người lao động tại các đô thị đang chờ mong số tiền này.
Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động là hết sức thiết thực, nhân văn, thể hiện sự quan tâm, lo lắng kịp thời của Chính phủ đối với hàng triệu người lao động.
Theo Phó Cục trưởng Cục việc làm Tào Bằng Huy, mục đích của Quyết định 08 nhằm hỗ trợ người sử dụng lao động "thu hút", "giữ chân" người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Nguyên tắc hỗ trợ là trên cơ sở đề nghị của người lao động đang ở thuê, ở trọ, đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.
Tuy nhiên, đến nay tiến độ triển khai tại nhiều địa phương rất chậm, chưa kịp thời chia sẻ được khó khăn với người lao động và người sử dụng lao động. Chị Hoàng Thu Thảo (làm việc tại một công ty giày da trên địa bàn KCN Điện Bàn, QUảng Nam) cho biết, để tăng thêm thu nhập gửi về quê nuôi con, tối nào chị cũng tất bật làm thêm việc đến tận khuya mới nghỉ. Chia sẻ về khoản tiền hỗ trợ thuê trọ, chị cho hay, dù 1,5 triệu đồng trong 3 tháng không phải là nhiều nhưng trong tình hình giá cả leo thang hiện nay thì với chị càng đáng quý. Vì đó là nguồn động viên, chia sẻ của Nhà nước dành cho công nhân sau đại địch Covid-19. Lúc nghe công ty triển khai "gói" chính sách, chúng tôi rất phấn khởi, mong chờ. Với khoảng hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho 3 tháng thuê trọ, không nhiều nhưng phần nào giúp giảm bớt những khó khăn trong thời điểm này đối với hàng triệu người lao động có thuê nhà trọ. Hồ sơ đã được công ty nhanh chóng nộp cho UBND quận. Tuy nhiên, đến nay khi liên hệ thì nhận được câu trả lời chưa có kinh phí chuyển về.
Cũng như, hàng triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở nhiều nơi cũng đang trông ngóng được hỗ trợ để có thêm tiền trả tiền nhà trọ. Nhiều công nhân chia sẻ, hiện lương tháng và tiền tăng ca của công nhân dao động ở mức 6 - 9 triệu đồng. Chỉ riêng tiền điện, nước lẫn tiền nhà, chị đã phải chi trả từ 1,5 tới 2,5 triệu đồng/tháng. Đồng lương ít ỏi nhưng đủ thứ phải lo, do đó, số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng theo gói hỗ trợ của Chính phủ là số tiền nhiều công nhân đã mong mỏi suốt 2 tháng nay.
Tiền hỗ trợ thuê trọ là khoản tiền giúp người lao động vượt qua khó khăn hiện tại.
Công nhân trông ngóng, còn lãnh đạo các công ty thì cảm thấy nghi ngại khi ngày nào họ cũng nhận được câu hỏi của người lao động “khi nào có tiền” hay “chắc lên tivi nhận”. Trước sự chờ đợi đó, chủ các doanh nghiệp đã liên tục kiến nghị đến cơ quan chức năng nhanh chóng hoàn thành thủ tục, sớm giải ngân để công nhân yên tâm làm việc.
Đã rõ nguyên nhân, cần tích cực giải ngân
Hơn 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, đời sống của hàng triệu người lao động thật sự khó khăn khi thu nhập giảm sút. Chính phủ cùng các bộ, ngành đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như hỗ trợ cho người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ người lao động và con người lao động khi thành phố áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, người lao động không đến nơi làm việc; hỗ trợ người lao động bị Covid-19. Có thể nói, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp hay chính sách hỗ trợ cho người lao động quay trở lại thị trường lao động làm việc hết sức thiết thực, nhân văn, thể hiện sự quan tâm, lo lắng kịp thời của Chính phủ đối với hàng triệu người lao động; tiếp thêm động lực và niềm tin cho người lao động. Do đó, chính sách hỗ trợ càng kịp thời, đúng lúc thì sự hỗ trợ sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn. Mong là tiền hỗ trợ thuê trọ cho người lao động sớm có để chính sách nhân văn này thực sự đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tính đến ngày 4/8/2022 có hơn 252.560 người lao động nhận tiền hỗ trợ thuê nhà với hơn 150,8 tỉ đồng được giải ngân đến tay người lao động. Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến sẽ có 3,4 triệu lao động với số tiền giải ngân lên đến 6.600 tỉ đồng. Trong khi đó, tới đây, ngày 15/8 sẽ là hạn cuối nhận hồ sơ hỗ trợ, tức là chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc việc triển khai, nhưng nhiều người lao động cần hỗ trợ vẫn mòn mỏi chờ đợi. Vậy nguyên nhân vì sao?
Nguyên nhân chính của việc đến thời điểm hiện nay số hồ sơ được phê duyệt chưa nhiều là do người lao động, người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục 1 lần nên đến tháng 7/2022, hầu hết người sử dụng lao động mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Người sử dụng lao động yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ bổ sung để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ như hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ nhà trọ, giấy đăng ký tạm trú... kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ để xác minh tình trạng cư trú của người lao động
Ngoài ra, người sử dụng lao động có tâm lý sợ bị thanh, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; một số người lao động e ngại khi lập đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ gặp khó khăn trong việc cư trú vì liên quan đến việc đăng ký tạm vắng, tạm trú.
Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm; công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời.Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục để tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động nhưng đến khi thực hiện, một số địa phương lại máy móc. Nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách. Việc bố trí, sử dụng kinh phí để triển khai thực hiện chính sách chậm nên kinh phí hỗ trợ không kịp thời đến được với người lao động.
Nhiều người lao động đang ỏ trọ tại các khu công nghiệp mong ngóng tiền hỗ trợ.
Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, đến ngày 4/8/2022 theo thống kê mới nhất, hiện cơ quan này đã tiến hành xác nhận cho hơn 2,9 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc để xác minh đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ thuê nhà. Cụ thể, đơn vị này đã xác nhận đối tượng thuộc diện hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng tiền thuê nhà trọ cho 34.865 đơn vị với 2.957.609 lao động có tham gia BHXH bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Bên cạnh đó, với đối tượng được hỗ trợ mức 1 triệu đồng/người/tháng, tại 50 tỉnh, thành phố, BHXH Việt Nam đã xác nhận cho 10.444 đơn vị với 174.529 lao động có tham gia BHXH bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Thống kê cho thấy các địa phương đã thực hiện chi tiền hỗ trợ gồm: Hà Nội, TP HCM, Yên Bái, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau... Đến nay, 51 tỉnh, thành đã phê duyệt hồ sơ của 17.300 doanh nghiệp, với 1,2 triệu lao động. 31 địa phương đã giải ngân 350 tỉ đồng, cho 620.000 lao động. Tỉ lệ lao động được hỗ trợ thuê trọ đạt 5,4%, tăng hơn 4% so với đầu tháng 7. Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện còn 29 địa phương chưa giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà. Các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, An Giang, chỉ đạt dưới 1%, trong khi thời hạn giải ngân sắp hết.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục đôn đốc, kiến nghị và phối hợp với chủ doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Cùng với đó, cán bộ công đoàn phải chủ động đề xuất, kiến nghị và phối hợp hỗ trợ chủ doanh nghiệp triển khai việc lập danh sách, các biểu mẫu đăng ký thủ tục thực hiện hỗ trợ. Công đoàn các cấp cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Kiến nghị và phối hợp với chính quyền đồng cấp giải quyết các vướng mắc phát sinh về trình tự thủ tục hồ sơ của người lao động để kịp thời được hỗ trợ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Kiến nghị và phối hợp với chính quyền đồng cấp giải quyết các vướng mắc phát sinh về trình tự thủ tục hồ sơ của người lao động kịp thời được hỗ trợ.
MINH NGỌC
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.