Giọt đắng say lòng !
MTXD - Chẳng biết tự bao giờ, cà phê đã trở thành thức uống không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là chốn đô thị hiện nay. Trong ngày, nếu chưa uống một ly cà phê thì cảm thấy bứt rứt, khó chịu như bị thiêu thiếu cái gì đó! "Nghiền" là một chuyện, nhưng "gu" cà phê ở các vùng miền, địa phương cũng khác nhau.
Chẳng hạn, với người Huế, văn hóa cà phê gói gọn trong ba từ: Đậm đặc, tinh và chậm rãi, như tính cách của người Cố đô. Đặc biệt, người Huế có thể uống cà phê vào bất cứ thời gian nào trong ngày. Vì thế, những quán cà phê dọc hai bờ sông Hương lúc nào cũng tấp nập.
Còn ở TP Hồ Chí Minh, cà phê không chỉ là thức uống để ngồi nhâm nhi, mà còn để giải khát (nhiều đá, nhiều sữa nhưng ít cà phê). Vào quán cà phê, nếu bạn gọi cà phê sữa hoặc cà phê đá, thì chủ quán sẽ mang ra một ly (cốc) to với đủ tất cả thành phần theo yêu cầu và khuấy sẵn (có thể kèm cả ống hút)!
Với người Hà Nội, thức uống này lại có vị trí rất riêng trong lòng những người yêu "giọt đắng". Dân “sành” tìm đến cà phê như một cách để cảm nhận vẻ đẹp riêng, trầm lắng của người Tràng An. Mặc dù trên các tuyến phố lớn, nhỏ, dọc, ngang ở Hà Nội đâu đâu cũng có quán cà phê, nhưng khu vực thu hút đông đảo người yêu "cà phê phố cổ" vẫn là phố Hàng Hành. Ở đây có 4 quán cà phê nổi tiếng và lâu đời, như: Nhân, Đinh, Giảng, Lâm.
Cà phê Hà Thành xưa phổ biến là cà phê đen nóng pha "phin", có thể uống với chút đường kính. Nhưng ngày nay, cà phê có thêm nhiều loại để đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách: Nâu đá (cà phê, sữa, đá), đen đá (cà phê đen, đá), nâu (cà phê sữa nóng), đen (cà phê đen nóng). Ngoài ra, còn có một loại cà phê đặc trưng riêng của người Hà Thành, đó là cà phê trứng (cà phê nóng với lớp trứng gà đánh bông phủ lên trên). Tại một số quán, cà phê lại còn được pha với một chút rượu, phục vụ những thực khách muốn có cảm giác là lạ, nồng ấm của "vị sắc"... Thế nhưng, văn hóa cà phê của người Hà Thành vẫn vậy: Chậm rãi và nhâm nhi.
Chiều Đông, khi cơn gió lạnh ùa về, ngồi bên "phin" cà phê, lắng nghe từng giọt,…từng giọt tý tách rơi và ngắm dòng người tấp nập qua, cảm giác thật thú vị! Và cứ thế, chốn náo nhiệt bỗng trở nên bình dị qua từng giọt đắng rơi rơi...
Người ta từng ví: Tình yêu giọt đắng cũng giống như tình yêu đôi lứa. Cảm xúc khi yêu một ai đó, cũng chẳng khác là bao khi nếm một ly cà phê đúng điệu. Ban đầu thì đăng đắng, mới lạ, sau đó chất đắng thành ngọt, chất lạ thành quen và trở nên gần gũi, thân quen… Song, cả tình yêu lẫn cà phê đều rất cần thời gian để trải nghiệm, cảm nhận thẩm thấu, giao thoa và dung hòa các khác biệt. Có như vậy, sự mới lạ mới trở thành một phần không thể thiếu của bản ngã và không thể tách rời... Khó có thể từ bỏ một hương vị dịu ngọt, quyến rũ của giọt đắng vốn đã gắn bó thân quen.
Việt Phương
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.