Giữ gìn tâm thức thờ cúng Hùng Vương của người Việt trong thời đại công nghệ số
MTXD - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một hình thức tín ngưỡng dân gian độc đáo của dân tộc Việt Nam được hình thành, phát triển từ văn hóa thờ cúng tổ tiên, đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Mỗi dân tộc đều có bề dày lịch sử, văn hóa riêng thể hiện cho sức sống, sự phát triển lịch sử và bản sắc văn hóa của dân tộc đó. Với người Việt Nam, Hùng Vương được xem là tổ tiên của cả dân tộc, là khởi nguồn con Rồng cháu Tiên và đất Tổ, nơi thờ cúng Hùng Vương ở Đền Hùng (Phú Thọ) được cho là thánh địa linh thiêng của dân tộc.
Với mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sâu thẳm tâm thức của người Việt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vừa mang ý nghĩa linh thiêng với nhân dân, vừa biểu tượng cho sự tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là lời nhắc nhở về lòng tự tôn, tự hào dân tộc, là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của người Việt Nam từ bao đời nay.
Đoàn lễ rước kiệu qua cổng Đền Hùng
Ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng Ba âm lịch đã trở thành ngày hội của toàn dân tộc Việt Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc tới Nam, đâu đâu cũng có những người con náo nức hướng về nguồn cội. Nhiều người đã không tiếc công sức, hành hương về Đền Hùng, thắp nén hương tỏ lòng tri ân tiên tổ, kính lễ các Vua Hùng.
Thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã khơi dậy tâm thức của mỗi người Việt Nam về nguồn cội, đạo lý, đạo đức, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của cả dân tộc. Thông qua lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã tạo môi trường hội tụ bản sắc sáng tạo văn hóa, hội tụ các thành tố văn hóa, bồi đắp niềm tin cũng như các thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm được tổ chức cũng là một cách thức chuyển tải những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam dù ở năm châu bốn biển đều hướng về nguồn cội. Thờ cúng Hùng Vương là cảm thức tâm khảm của người Việt, là ngày lễ quan trọng của cả nước hướng về cội nguồn dân tộc.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương luôn có vị thế đặc biệt trong tâm thức người dân Việt Nam, được tổ chức trang nghiêm trải qua các triều đại; nhưng chỉ đến triều nhà Nguyễn-năm 1917 mới có quy định chính thức lấy ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm làm ngày “quốc tế” (quốc lễ, quốc giỗ).
Từ đó, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm được chính thức hóa bằng luật pháp. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22 ngày 18-2-1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng Ba âm lịch hằng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương-hướng về cội nguồn dân tộc. Hằng năm, đến ngày linh thiêng này, người dân cả nước hướng về đất Tổ Đền Hùng-nhớ về cội nguồn của dân tộc.
Các đoàn rước kiệu tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Giữ gìn tâm thức thờ cúng Hùng Vương trong bối cảnh công nghệ số
Trước đây, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được thực hiện theo truyền thống, thường gắn với các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian trong cộng đồng. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ số, việc thực hiện tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện nay đã có nhiều thay đổi. Công nghệ số đã giúp người Việt tiếp cận với thông tin về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn thông qua các trang web, blog và các ứng dụng di động.
Ngoài ra, các hoạt động truyền thống cũng đã được phát triển thông qua sử dụng công nghệ số như trình diễn nghệ thuật, truyền tải thông điệp về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nhờ công nghệ số, nhiều người không có điều kiện trực tiếp tham dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cũng có thể tham dự một cách gián tiếp, chẳng hạn như xem qua các nền tảng công nghệ.
Những người chưa đến Đền Hùng cũng có thể xem, tham quan, tìm hiểu thông qua nền tảng số; thậm chí, với công nghệ 3D, người xem qua các nền tảng số còn hiểu được nhiều thông tin, chiều cạnh, góc độ của di tích, các hiện vật cũng như tổng quan khu di tích. Công nghệ số giúp chúng ta bất cứ khi nào, ở đâu cũng có thể tìm hiểu, nghiên cứu, thậm chí tham dự vào không gian lễ hội và các hoạt động của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Với những ý nghĩa đó, công nghệ số, chuyển đổi số góp phần lan tỏa giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến với nhiều người trên khắp thế giới, thông qua đó góp phần tô đậm thêm tâm thức đối với tín ngưỡng này.
Nhân dân và du khách về dự Giỗ Tổ Hùng Vương.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, từ sự phát triển của công nghệ, một số người Việt đã dần bỏ quên hoặc ít quan tâm đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Với sự bùng nổ và lấn át của các trò chơi trực tuyến, hoạt động quảng cáo, dịch vụ thương mại và các nội dung giải trí khác, nhiều người trẻ đã dành nhiều thời gian cho việc giải trí trên mạng thay vì tìm hiểu và gìn giữ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Sự phát triển của công nghệ số cũng có thể gây ra mất cân bằng về tâm linh và văn hóa, khiến cho người ta đánh giá giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo một cách khác, chỉ coi đó là một hoạt động văn hóa truyền thống mà bỏ qua ý nghĩa tâm linh của nó. Điều này có thể dẫn đến sự phai nhạt ý thức về giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tâm thức người Việt Nam.
Để bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trước sự tác động của công nghệ số, cần có sự tham gia của cộng đồng. Điều này sẽ bao gồm việc tạo ra những nội dung giáo dục phù hợp với công nghệ số để giới thiệu và truyền bá cho thế hệ trẻ biết đến tín ngưỡng này và tăng cường sự hiểu biết về tầm quan trọng của nó trong giữ gìn văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Để bảo tồn và phát triển tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tâm thức người dân Việt Nam, cần phải có những giải pháp như giáo dục, tuyên truyền để truyền tải giá trị và ý nghĩa của tín ngưỡng này cho thế hệ trẻ. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng để tổ chức các hoạt động thờ cúng đúng truyền thống và hiệu quả, góp phần đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến gần hơn với người dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, công nghệ số cũng có thể được sử dụng để phát triển và quảng bá tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cho nhiều người hơn, như thông qua các ứng dụng di động hoặc trang web giới thiệu tín ngưỡng. Tuy vậy, cần bảo đảm rằng việc áp dụng công nghệ số phải được thực hiện đúng theo truyền thống và không làm mất đi giá trị của tín ngưỡng này.
Một trong những việc làm trước tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị nhiều mặt của di sản. Công nghệ số hay chuyển đổi số sẽ là giải pháp tối ưu để gìn giữ, phát huy và nâng tầm giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, mang lại hiệu quả thiết thực nhiều mặt như: Cung cấp cho cộng đồng những thông tin, sự hiểu biết nhiều hơn về giá trị của di sản văn hóa, cụ thể ở đây là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; ứng dụng số hóa vào công tác bảo tồn di sản văn hóa đáp ứng công tác quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản được tốt hơn nhất là trong ứng dụng khai thác dữ liệu là những tư liệu văn bản bằng giấy, bia ký... được số hóa phục vụ nghiên cứu, tham quan du lịch trên thực tế hoặc khai thác qua không gian mạng.
Muốn làm được việc này cần có lộ trình xây dựng các nội dung số hóa, tiêu chí thực hiện, phân chia theo thứ tự ưu tiên và việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu số hóa cũng cần được lượng hóa kỹ trước khi thực hiện nhằm tránh sai sót không đáng có về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được hun đúc qua nghìn đời nay của con dân đất Việt.
PGS, TS CHU VĂN TUẤN
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.