Hà Nội vững bước trên đường đổi mới

​MTXD - Mang trọng trách giữ nhịp đập cho tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thế, lực và uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

MTXD - Mang trọng trách giữ nhịp đập cho tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thế, lực và uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Quy mô và tầm vóc ngày càng lớn mạnh

Mỗi dịp tháng 10 về, Hà Nội lại như được làm mới khi khoác lên mình cảnh sắc tươi vui của cờ hoa chào mừng Ngày giải phóng Thủ đô. Phố phường bừng sáng trong tiết Thu và những khuôn mặt người tươi vui như gián tiếp khẳng định Hà Nội đang đi lên và đi đúng hướng trong tiến trình phát triển.

Nhìn lại lịch sử của 68 năm qua, ngay sau khi tiếp quản Thủ đô (ngày 10-10-1954), Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo thành phố. Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đất nước thống nhất, Hà Nội là một công trường lớn, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.

Thành phố Hà Nội ngày càng đẹp và hiện đại. Ảnh: internet

Đặc biệt, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các nghị quyết của Đảng bộ thành phố ngày càng đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của nhân dân. Nhờ đó, kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư, phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân.

Ngày 1-8-2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, thành phố chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Từ một thành phố có quy mô diện tích và dân số nhỏ bé (152,2km² với 43,7 vạn người), Hà Nội ngày nay đã mang tầm vóc của một đô thị lớn với diện tích 3.342,92km², dân số gần 10 triệu người; đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước; ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, cả nước…

Thường xuyên trở về thăm Thủ đô trong suốt nhiều năm định cư ở CHLB Đức, gia đình ông Lê Đức Chung và bà Nguyễn Thị Hòa vẫn không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay của thành phố nơi mình sinh ra.

“Mỗi lần quay về Thủ đô là mỗi lần chúng tôi đi hết bất ngờ này tới bất ngờ khác. Diện mạo của Thủ đô thay đổi từng năm, tháng và ngày càng khang trang. Nhiều công trình, dự án lớn hoàn thành, làm cho thành phố ngày càng hiện đại hơn. Qua theo dõi thông tin, những người con xa quê hương như chúng tôi còn được biết, Hà Nội luôn giữ vai trò dẫn đầu trong sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ; được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” và đã tham gia mạng lưới các “Thành phố sáng tạo”… Chúng tôi rất mừng cho quê hương”- bà Nguyễn Thị Hòa cho biết.

Hàng loạt các công trình mới được khởi công, tạo thế và lực mới cho Thủ đô phát triển. Ảnh: internet

Vượt qua thách thức, vững bước đi lên

Những bước tiến mạnh mẽ mà Hà Nội đạt được đã ngày càng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và đối với công cuộc đổi mới đất nước. Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, có được những thành tựu đó là do Đảng bộ thành phố đã luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quan tâm nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của Thủ đô trong từng giai đoạn phát triển.

Đặc biệt, trong 2 năm cùng cả nước chống dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Thành phố luôn thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu, chủ động kịch bản, áp dụng giải pháp hành chính và chuyên môn y tế để khoanh vùng, dập dịch hiệu quả, từ đó, tập trung trung thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế như Chính phủ chỉ đạo.

Ngay từ trong dịch bệnh, Hà Nội đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng tương ứng với mức độ dịch Covid-19 trên tinh thần là giảm mức độ ảnh hưởng của dịch; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, thành phố chú trọng 3 nhiệm vụ quan trọng: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; Điều hành, thu-chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Bằng những giải pháp quyết liệt, 9 tháng năm 2022, thành phố đã đạt được kết quả ở nhiều ngành, lĩnh vực, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, nhiều ngành tăng trưởng ấn tượng. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 8,6%; khu vực dịch vụ phục hồi tốt, cung ứng hàng hóa ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý III tăng cao so với quý trước và cùng kỳ năm trước, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố. Lũy kế 9 tháng, Hà Nội thu hút 1,019 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư. (Trong ảnh Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng trao đổi với các doanh nghiệp hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra hồi tháng 10-2021. Ảnh: kinhtedothi.vn)

Bên cạnh đó, văn hóa nghệ thuật, thể thao được quan tâm phát triển; thị trường lao động việc làm sôi động trở lại; an sinh xã hội được bảo đảm.

Thành phố cũng quyết tâm thực hiện các dự án, công trình mang tầm nhìn chiến lược. Trong đó, cùng với việc tích cực triển khai Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Hà Nội đã khởi công dự án xây dựng hầm chui Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng; Khởi công Dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội... Tới đây, các dự án đường Vành đai 2 Ngã Tư Vọng - Vĩnh Tuy; Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội trên cao cùng dự án Cầu Vĩnh Tuy 2... đưa vào vận hành sẽ không chỉ tạo thế và lực mới cho Thủ đô phát triển mà còn giải quyết những vấn đề cấp bách mà cuộc sống đặt ra.

Trên hành trình hướng tới tương lai, Hà Nội xác định xây dựng hệ thống chính trị của thành phố trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố; phát huy tính tiên phong, gương mẫu song song với đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên để củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Thành phố cũng xác định rõ yêu cầu văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển bền vững. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, để phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến …

Đứng trước hàng loạt các nhiệm vụ được đặt ra từ Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đang nêu cao quyết tâm chính trị đưa Thủ đô ngày càng phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới của đất nước như những gì thành phố này đã và đang làm suốt 68 năm qua...

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh từng nhận định, về cơ bản, Hà Nội phản ánh một nước Việt Nam thu nhỏ, xét trên mọi mặt. Trong mỗi bước đi của Hà Nội đều thể hiện sự vận dụng đúng đắn, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các yếu tố: Kế thừa và phát triển, giữa kiên định và đổi mới.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương gợi mở, sự phát triển trong tương lai của Thủ đô cần tiếp tục hội tụ được cả ba việc lớn. Đó là “định vị tầm nhìn và mục tiêu phát triển của Hà Nội hội tụ với tầm nhìn và định hướng phát triển chung của đất nước”; “sự hội tụ giữa nguồn lực của cả nước với nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô” và “sự thống nhất, hội tụ và phát huy sức mạnh của “ý Đảng, lòng dân” - nhân tố quan trọng hàng đầu để Hà Nội vươn tới tầm cao phát triển mới". 

Theo HUY DƯƠNG-Qđnd.vn

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.