Hà Tĩnh: Cần mạnh tay xử lý các bãi tập kết vật liệu xây dựng tự phát
MTXD - Hàng trăm điểm tập kết vật liệu xây dựng trái phép mọc tràn lan tại Hà Tĩnh không chỉ làm mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn gây thất thoát tài nguyên.
Thời gian qua, hoạt động của các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng không phép trên địa bàn Hà Tĩnh diễn ra hết sức phức tạp. Các bãi tập kết vật liệu tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép ngay tuyến đường Quốc lộ 1A gây mất an toàn giao thông
Dọc Quốc lộ 1A đoạn đi qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng hai bên đường. Cát được đưa về tập kết với khối lượng lớn, sau đó bán đi nhiều nơi phục vụ các công trình xây dựng. Đáng nói là hầu hết các bãi tập kết này đều mọc tự phát, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Tại các bến tập kết trái phép, việc mua bán cát sỏi diễn ra rầm rộ. Các đầu nậu còn ngang nhiên chọn nhiều vị trí đẹp dọc Quốc 1A để tập kết, vận chuyển cát trái phép... Thậm chí, không ít bãi tập kết nằm ngay trong khu vực hành lang giao thông.
Thống kê trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên hiện có 34 điểm, bãi tập kết kinh doanh cát sỏi, nhưng mới chỉ có 2 bãi tập kết cát sỏi nằm trong quy hoạch và có các hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định. Để chấm dứt tình trạng này, ngày 15/8/2021, UBND huyện Cẩm Xuyên đã có văn bản yêu cầu các hộ kinh doanh cát sỏi tự phát ngừng hoạt động. Thế nhưng, thực tế thời gian qua, các bến bãi tự phát vẫn hiện hữu, gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng giao thông.
Tình trạng các bãi tập kết tự phát, không phép mọc lên nhan nhản trong nhiều năm qua
Lý giải về vấn đề này một lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên cho hay, địa phương đã nhiều lần kiểm tra, rà soát và lập biên bản xử lý vi phạm, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhiều hoạt động bị ngưng trệ, lượng cát sỏi của các hộ kinh doanh tồn dư nhiều nên chưa thể xử lý dứt điểm. Trước mắt, huyện yêu cầu các chủ hộ không được tiếp tục thu mua, tập kết cát sỏi về kinh doanh, buôn bán và có kế hoạch chuyển đổi nghề lao động phù hợp để ổn định sinh kế lâu dài.
Không chỉ riêng huyện Cẩm Xuyên mà tại các địa phương khác tình trạng bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép cũng diễn ra khá “sôi động”.Điều đáng nói là đa phần các bãi tập kết này đều hình thành tự phát, không được cấp phép, “chủ đầu tư” chỉ tận dụng những bãi đất trống ven đường, vườn nhà để tập kết vật liệu xây dựng phục vụ công trình dự án và nhà ở. Một số nơi cát sỏi được tập kết, kinh doanh ngay dưới chân cột điện, nguy cơ mất an toàn lưới điện, an toàn cháy nổ luôn tiềm ẩn.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện chỉ có 30 điểm, bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi có đủ điều kiện và các hồ sơ, thủ tục pháp lý kinh doanh. Còn lại có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm điểm, bãi tập kết cát sỏi tự phát mọc lên tại nhiều địa bàn trong tỉnh.
Bãi tập kết cát của gia đình anh Lê Văn Hải ở xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên vi phạm hành lang giao thông, cát vương vãi, gây ô nhiễm môi trường trên Quốc lộ 1A.
Về vấn đề này, ông Trần Xuân Thạch, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà, thị trường bất động sản và Vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho biết: “Hiện Sở Xây dựng đã lập đề cương, nhiệm vụ về chương trình phát triển vật liệu xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tập trung phối hợp kiểm tra, rà soát, đánh giá khách quan về hoạt động kinh doanh cát sỏi nhằm chấn chỉnh, khắc phục kịp thời việc kinh doanh khai thác cát sỏi không đúng quy trình, quy định. Tăng cường kiểm soát, hạn chế tối đa tình trạng khai thác lậu, hoặc tiếp tay cho khai thác cát lậu, tiêu thụ cát sỏi không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, các khoản thuế của Nhà nước”, ông Thạch cho hay.
Cát sỏi là vật liệu xây dựng thông thường, không thuộc diện cấm trong kinh doanh, nhưng đã kinh doanh thì phải đảm bảo các điều kiện theo quy định. Việc ở tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện rất nhiều bãi tập kết cát sỏi tự phát "mọc lên" trong mùa xây dựng cho thấy công tác quy hoạch, quản lý Nhà nước vẫn còn bất cập, lỏng lẻo. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các cấp, ngành chức năng chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng tập kết trái phép kéo dài. Để xử lý dứt điểm tình trạng này, Hà Tĩnh cần có những giải pháp căn cơ và chế tài mạnh tay hơn.
THU HƯỜNG
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.