Hà Tĩnh: Làng nghề trầm hương hối hả vào vụ Tết
MTXD - Những ngày cuối năm, làng trầm hương xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) lại hối hả, nhộn nhịp, tất bật để sản xuất để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Từ lâu, xã Phúc Trạch được mệnh danh là thủ phủ của cây dó trầm. Đây là một trong những loại cây kinh tế chính của xã Phúc Trạch, góp phần rất lớn trong việc tăng thu nhập cho người dân địa phương. Các sản phẩm từ trầm có giá trị từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng nghề sản xuất hương trầm đang đưa lại nguồn thu ổn định cho người dân, đặc biệt trong dịp Tết.
Thời điểm cận Tết, sản phẩm trầm hương làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thị trường của hương trầm đã mở rộng đến các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh qua kênh bán hàng trực tuyến.
Dó trầm xã Phúc Trạch được mọi người biết đến với những sản phẩm trầm hương riêng biệt từ cây dó bầu. Tuy nhiên, đặc biệt nhất vẫn là hương trầm. Về xã Phúc Trạch trong những ngày cuối năm, từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng ngửi thấy mùi hương trầm phảng phất trong gió. Hương trầm của Phúc Trạch có mùi thơm dịu nhẹ, không khắt nồng. Khác với các sản phẩm hương khác, hương trầm của Phúc Trạch còn có thành phần là trầm hương của cây dó bầu. Nhiều khách hàng vốn đã yêu thích thứ hương trầm miền sơn cước này đến dịp Tết lại tìm về đây lấy hàng.
Tranh thủ thời tiết nắng ráo các cơ sở và tiến hành phơi nắng, hoặc sấy khô để hoàn thiện sản phẩm.
Không chỉ hương trầm - thứ không thể thiếu trong ngày tết Nguyên đán, người dân Hương Khê đã mạnh dạn sáng tạo, du nhập nhiều công nghệ sản xuất sản phẩm mới từ cây dó trầm, đồng thời nâng cao chất lượng và được thị trường ưa chuộng.
Tranh thủ những ngày nắng ráo, nhiều hộ mang hương ra phơi. Sau khi khô, lên màu đẹp, cây hương được đóng gói cẩn thận, chất thành từng khu chuẩn bị đưa lên xe vận chuyển đến nơi phân phối.
Anh Nguyễn Thức Chính, chủ HTX sản xuất trầm hương Hiền Linh (thôn 1, xã Phúc Trạch) cho biết: “Vụ Tết, cơ sở của tôi xuất ra thị trường khoảng hơn 50.000 thẻ hương tương đương 3 tấn bột; hơn 1.000 hộp hương nụ với giá từ 300 – 400 ngàn đồng… Tính doanh thu mỗi mùa Tết gia đình tôi đạt được từ 600 – 700 triệu đồng. Ngoài các lao động thường xuyên thì riêng vụ Tết gia đình tôi phải thuê thêm 10 lao động địa phương để kịp sản xuất nguồn hàng cung ứng . Riêng năm 2021,2022 doanh thu của HTX đạt gần 2 tỷ đồng”.
Những miếng trầm hương được người thợ lấy ra từ cây dó bầu. Một kg trầm bán giá 10 triệu đồng trở lên.
Ngoài hương trầm, trầm hương còn được chế tác, trưng bày trong nhà, làm các đồ trang sức, mỹ nghệ, tinh dầu…đều mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều năm trở lại đây, loài cây này được coi là cây làm giàu của địa phương.
Vừa nâng niu từng sản phẩm làm ra từ trầm hương, Chị Võ Thị Nga chủ cơ sở chế tác dó trầm Thọ Nga phấn khởi chia sẻ: “Gần Tết, có ngày cơ sở bán được cả trăm triệu đồng. Còn cây trầm cảnh được chế tác từ dó trầm rẻ nhất cũng 10 triệu đồng, cây cao lớn, thế đẹp, nhiều dó có giá 50 - 100 triệu đồng, trong khi cây "gia bảo" có giá nửa tỷ đồng".
Với quan niệm chưng, sử dụng dó trầm để đưa lộc vào nhà, mang lại may mắn cho gia chủ. Do vậy, nhu cầu về các sản phẩm từ dó trầm những ngày tết ngày càng lớn. Những sản phẩm từ cây dó trầm không chỉ được bán ở thị trường trong nước mà còn được bán ra cả nước ngoài.
Mỗi sản phẩm trầm hương có công thức sản xuất khác nhau nhưng có điểm chung là sử dụng nguyên liệu chính từ cây dó trầm trồng trên đất Hương Khê và không sử dụng hoá chất độc hại. Cây dó trầm sau khi thu hoạch sẽ được đẽo sạch phần gỗ trắng, chỉ dùng phần trầm (thường có màu đen hoặc ngả nâu), từ đó người dân mới sản xuất thành nhiều sản phẩm khác nhau như: Các loại trầm thẻ, trầm nụ, hàng mỹ nghệ, hàng xông, tinh dùa, trầm cảnh
Ngoài việc sử dụng các phương pháp sản xuất truyền thống, các cơ sở sản xuất hương trầm Phúc Trạch còn kết hợp với máy móc hiện đại. Nhiều năm trở lại đây, hương sản xuất ra không chỉ dồi dào về số lượng mà chất lượng cũng bảo đảm hơn.
Ông Trần Quốc Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: “Xã Phúc Trạch có gần 2.000 hộ dân trồng, với diện tích khoảng khoảng trên 300 ha diện tích trồng cây dó trầm. Nghề làm hương trầm xuất hiện thời gian sau này nhưng nhiều cơ sở sản xuất hương đã tiêu thụ rộng rãi khắp cả nước, đem lại thu nhập cao cho người dân trong dịp Tết”.
Một mùa xuân mới đã lại về. Và trong không khí tấp nập, rộn ràng nơi làng nghề trầm hương "triệu phú" xã Phúc Trạch, những người thợ vẫn miệt mài để chế tác ra những sản phẩm tuyệt mỹ từ cây dó trầm. Và đặc biêt, làm ra những búp hương trầm hương thơm dịu nhẹ, thanh khiết với mong ước đưa đến cho mọi gia đình một cái tết đầm ấm, vui tươi.
Thu Hường
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.