Hà Tĩnh: Sẽ xử lý nghiêm vụ "phù phép" nhà cao tầng kiên cố
MTXD - Liên quan đến sự việc một số hộ dân ở bên ngoài chợ Chay, xã An Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, sau khi trúng thầu các ki-ốt để kinh doanh, đã tự ý "phù phép" những dãy ki-ốt này thành nhà cao tầng kiên cố để ở mà không gặp phải bất kỳ một trở ngại nào từ chính quyền địa phương, ông Nguyễn Anh Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đơn vị đang lập đoàn kiểm tra để làm rõ vấn đề.
"Không chỉ kiểm tra mỗi chỗ xã An Dũng mà sẽ kiểm tra trên toàn bộ các xã của huyện để xác định lại các sai phạm tồn đọng do yếu tố lịch sử để lại, sau đó sẽ có hướng xử lý dứt điểm", ông Đức nói.
Từ đất cho thuê làm kiot kinh doanh nay đã được “phù phép” thành những ngôi nhà hai tầng, ba tầng kiên cố.
Cũng theo ông Đức, những sai phạm tại xã An Dũng là do trước đây xã đang có quyền cho phép người dân xây dựng, nên mới xảy ra tình trạng người dân xây dựng trái phép trên đất ki-ốt như vậy. Hiện nay, những sai phạm tồn đọng năm này qua năm khác tại xã An Dũng cũng đang làm đau đầu lãnh đạo huyện, tuy nhiên sai thì phải xử lý chứ không thể để như vậy được, cái nào không nằm trong thẩm quyền của huyện thì chúng tôi sẽ xin ý kiến các sở, ban, ngành cấp tỉnh hướng xử lý", ông Đức cho biết thêm.
Như tạp chí Môi trường Xây dựng đã thông tin, vào khoảng từ năm 1996 đến năm 1998, xã Đức An (nay là xã An Dũng) tiến hành cho đấu thầu 16 ki-ốt, ở bên ngoài khu vực chợ Chay, với diện tích từ 24 đến 70m2 để tạo điều kiện cho các hộ dân kinh doanh vô thời hạn. Đến đầu năm 2000, chính quyền địa phương tiếp tục giao thêm 1 ki-ốt cho một hộ dân khác.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng các ki-ốt để kinh doanh, không hiểu bằng cách nào mà 10/17 hộ dân đã tự ý "phù phép" các ki-ốt kinh doanh trên thành những căn nhà cao tầng khang trang, kiên cố để ở mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Theo ghi nhận, trong số 10 hộ xây dựng nhà ở kiên cố thì có 9 hộ xây dựng nhà 2 đến 3 tầng; 1 hộ xây nhà cấp 4 kiên cố.
Ông Phan Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã An Dũng, cho biết các ki-ốt trên được xã bàn giao cho các hộ dân dùng để kinh doanh, buôn bán vô thời hạn từ năm 1996 tới năm 1998. Hiện tại, đã có 10 hộ đã tự ý xây dựng nhà ở cao tầng, kiên cố. Có những hộ xây dựng từ cuối năm 2000, có những hộ thì mới xây dựng từ năm 2021, 2022.
Những ngôi nhà tầng kiên cố xây dựng trái phép trên đất ki-ốt xảy ra ngay cạnh UBND xã An Dũng nhưng không biết do chính quyền “ bất lực”, hay cố tình làm ngơ mà không xử lý.
Cũng theo ông Kiên, lý do dẫn tới việc sai phạm mới chồng lên sai phạm cũ là do có nhiều vướng mắc khó giải thích trong đó có việc: "Do trước đây đã có những hộ dân họ đã xây dựng được nhà ở rồi mà không có chuyện gì cả, nên bây giờ những hộ khác họ nói người khác làm được thì họ cũng làm được, từ đó khiến cho UBND xã không thể xử lý và đình chỉ" ông Kiên nói.
Về vụ việc này, luật sư Võ Ngọc Giao- Công ty luật TNHH ATD, đoàn luật sư Tp. Hà Nội phân tích
- Việc UBND xã An Dũng cấp quyền sử dụng đất làm kiot kinh doanh không thời hạn như vậy có đúng hay không?
- iệc UBND xã An Dũng cấp quyền sử dụng đất làm kiot kinh doanh không thời hạn như vậy là trái thẩm quyền bởi:
UBND xã An Dũng cấp quyền sử dụng đất làm kiot kinh doanh vào năm 1996. Thời điểm này, chính sách về đất đai được thực hiện theo Luật đất đai năm 1993. Khoản 3 Điều 23 Luật đất đai năm 1993 quy định về thẩm quyền giao đất để sử dụng vào mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp được quy định như sau:
“3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giao đất để sử dụng vào mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp theo quy định sau đây:
a) Từ 1 ha trở xuống đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng, đất khu dân cư nông thôn, đất đô thị và từ 2 ha trở xuống đối với đất trống, đồi núi trọc cho mỗi công trình không thuộc các trường hợp quy định tại mục b khoản 3 Điều này;
b) Từ 3 ha trở xuống đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng, đất khu dân cư nông thôn, đất đô thị; từ 5 ha trở xuống đối với đất trống, đồi núi trọc cho mỗi công trình đường bộ, đường sắt, đường dẫn nước, đường dẫn dầu, đường dẫn khí, đường điện, đê điều và từ 10 ha trở xuống đối với đất trống, đồi núi trọc cho mỗi công trình xây dựng hồ chứa nước;
c) Giao đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng để hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở; đất chuyên dùng này để sử dụng vào mục đích chuyên dùng khác hoặc để làm nhà ở; đất đô thị theo định mức do Chính phủ quy định;
d) Kế hoạch giao đất khu dân cư nông thôn để Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giao đất cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở.”
Theo quy định trên, UBND xã An Dũng không có thẩm quyền giao đất. Thẩm quyền giao đất thuộc về UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; UBND cấp huyện. Ngoài ra, Điều 25 Luật đất đai năm 1993 cũng quy định về việc không được uỷ quyền giao đất: “Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Luật này không được uỷ quyền cho cấp dưới”.
Như vậy, việc UBND xã An Dũng cấp quyền sử dụng đất làm ốt kinh doanh không thời hạn như vậy là trái thẩm quyền, không đúng quy định của pháp luật.
Đối với những trường hợp giao đất không đúng thầm quyền, khoản 1 Điều 60 Luật đất đai 2013 quy định: “Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc trường hợp thuê đất theo quy định của Luật này đã được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn sử dụng đất còn lại mà không phải chuyển sang thuê đất. Khi hết thời hạn sử dụng đất, nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn thì phải chuyển sang thuê đất theo quy định của Luật này.” Ngoài ra, khoản 3 Điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi khoản 19 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai 2013 quy định: “3. Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Nghị định này".
Như vậy để được công nhận, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở thì người được giao đất phải sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp và phải phù hợp với quy hoạch của địa phương đó và có giấy tờ chứng minh về việc nộp phí cho cơ quan, tổ chức để sử dụng đất (Khoản 4 Điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP).
Hai trong nhiều căn nhà cao tầng xây dựng trái phép trên đất ki-ốt dùng để kinh doanh
- Đối với quy định về việc cấp đất vào mục đích kinh doanh
Khoản 1,2 Điều 153 Luật đất đai 2013 có quy định:
“Đất thương mại, dịch vụ bao gồm đất xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, thương mại, dịch vụ” và việc sử dụng đất thương mại, dịch vụ phải “phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy định về bảo vệ môi trường”.
Cũng tại Điều này quy định: “Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ thông qua hình thức Nhà nước cho thuê đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất, thuê lại đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.” Do vậy để sử dụng đất vào mục đích kinh doanh, thương mại tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân chỉ có thể sử dụng thông qua hình thức Nhà nước cho thuê đất (trả tiền một lần, trả tiền hàng năm),nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê lại đất và nhận góp vốn mà không phải sử dụng qua hình thức Nhà nước giao đất.
Mặt khác, đối với việc giao đất, có hai hình thức giao đất đó là không thu tiền sử dụng đất và có thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên đối với những trường hợp giao đất vào mục đích kinh doanh, tức là có sinh lợi nhuận thì Nhà nước cho thuê đất hình thức có thu tiền. Căn cứ vào Điều 55 Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất như sau:
- Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở;
- Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;
- Tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.
Và phải đáp ứng điều kiện quy định ở Điều 52 Luật đất đai 2013:
“1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.”
Như vậy, để được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao quyền sử dụng đất thì phải đáp ứng đủ điều kiện trên và phải thuộc một trong những trường hợp quy định ở Điều 55 Luật đất đai 2013.
- Theo quy định, việc các hộ kinh doanh được cấp đất nhưng xây dựng nhà kiên cố sẽ bị xử lý như thế nào? Trách nhiệm của UBND xã An Dũng trong sự việc này?
- Việc các hộ kinh doanh được cấp đất nhưng xây dựng nhà kiên cố sẽ bị xử lý như thế nào
Luật xây dựng 2020 và các luật chuyên ngành khác không định nghĩa cụ thể nhà kiên cố là như thế nào nhưng theo Công văn 134/BXD-QLN về việc trả lời Sở Xây dựng tỉnh tỉnh Hậu Giang về khái niệm loại nhà kiên cố và bán kiên cố vào ngày 15/12/2015 thì Bộ xây dựng đã đưa ra khái niệm về quy định này như sau: “Nhà kiên cố là nhà có cả ba kết cấu chính đều được làm bằng vật liệu bền chắc; nhà bán kiên cố là nhà có hai trong ba kết cấu chính được làm bằng vật liệu bền chắc”.
Luật nhà ở 2014 cũng quy định tại khoản 1 Điều 3: “ Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân” và mục đích sử dụng đất thương mại theo khoản 1 Điều 153 Luật đất đai 2013 có thể nhận thấy rằng đất thương mại không được sử dụng để xây dựng nhà ở.
Cũng theo Phụ lục 1 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT quy định về đất thương mại, dịch vụ là đất sử dụng xây dựng:
- Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thương mại;
- Các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, dịch vụ, thương mại.
(Kể cả trụ sở; văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế; đất làm kho, bãi để hàng hóa của tổ chức kinh tế không thuộc khu vực sản xuất; bãi tắm)
Như vậy, đất thương mại dịch vụ được sử dụng để xây dựng các cơ sở, công trình được quy định như trên. Vì vậy, trong trường hợp người dân muốn xây nhà ở phục vụ cho việc sinh sống sẽ không phù hợp. Bởi lẽ, nhà ở là công trình xây dựng được thiết kế để phục vụ mục đích sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Đất thương mại, dịch vụ là loại đất được sử dụng để xây dựng các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thương mại và các công trình khác phục vụ cho mục đích kinh doanh, dịch vụ, thương mại. Cũng cần lưu ý rằng, nhà ở khác với ki ốt, cửa hàng (có thể có không gian để ở), vì vậy khi xây dựng cần phân biệt rõ ràng giữa các loại công trình này. Do đó, việc xây dựng nhà ở trên đất thương mại, dịch vụ bị cấm, và thay vào đó, nhà ở phải được xây dựng trên đất ở (đất thổ cư). Nếu muốn xây dựng nhà ở trên đất thương mại, dịch vụ thì phải xin chuyển mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ thành đất ở.
Các hộ kinh doanh được giao đất mục đích thương mại nhưng xây dựng nhà kiên cố có thể sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi chuyển mục đích sử dụng đất không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và hành vi không có giấy phép xây dựng khi xây dựng .
Đối với hành vi chuyển mục đích sử dụng đất mà không đăng ký được quy định tại nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Khoản 1 Điều 12 của nghị định này quy định về mức xử phạt như sau:
“Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần sang đất ở tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm dưới 0,05 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tíchđất vi phạm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
e) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 03 héc ta trở lên.”
Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 12 Nghị định này cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
“a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.”
Bên cạnh đó, Điều 89 Luật xây dựng 2014 quy định: “Công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”. Do đó đối với đất thương mại không thuộc trường hợp được miễn giấy phép quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014 nên chủ sở hữu cần xin giấy phép xây dựng nhà ở để tránh bị phạt vi phạm hành chính. Khoản 7 Điều 16 nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
“a) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
Ngoài ra, tại khoản 15 Điều 16 nghị định 16/2022/NĐ-CP cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả:
“c) Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm với các hành vi quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 9, khoản 10, khoản 12, khoản 13 Điều này.
16. Đối với hành vi quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này mà đang thi công xây dựng thì ngoài việc bị phạt tiền theo quy định còn phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 81 Nghị định này”.
2.2. Trách nhiệm của UBND xã An Dũng
Điều 208 Luật đất đai hiện hành quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:
“1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.”
Việc quản lý đất đai của UBND xã giúp Nhà nước nắm bắt được tình hình sử dụng đất ở từng địa phương; nắm bắt được các cá nhân, hộ gia đình được cấp quyền sử dụng đất. Khi được cấp quyền sử dụng đất, các cá nhân, hộ gia đình có quyền sử dụng miếng đất đó đúng mục đích sử dụng ban đầu của nó hay chưa. Việc quản lý của UBND xã nhằm rà soát hiện trạng sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trên địa bàn để xử lý những vấn đề liên quan.
Việc quản lý đất đai của UBND xã giúp phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Do vậy, để xảy ra những sai phạm trên một phần cũng là do UBND xã An Dũng quản lý lỏng lẻo, chưa thật sát sao trong việc xử lý và ngăn chặn vi phạm. UBND xã An Dũng phải có trách nhiệm: Rà soát hiện trạng sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trên địa bàn xây dựng nhà kiên cố trên đất thương mại. Từ đó, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định và để xuất những hướng khắc phục tình trạng trên.
Nếu UBND xã không xử lý trường hợp vi phạm về việc các hộ kinh doanh được cấp đất nhưng xây dựng nhà ở kiên cố thì UBND xã phải lập hồ sơ các trường hợp vi phạm và báo cáo với UBND cấp huyện xử lý. Đối với UBND xã đã để xảy ra trường hợp vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND cấp huyện nên có biện pháp xử lý ra quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND cấp xã để chỉ đạo xử lý đến khi vi phạm được khắc phục.
- Việc lập biên bản như biên bản ngày 27/7/2022 của UBND xã An Dũng có đúng theo quy định không?
Như đã phân tích ở trên, căn cứ vào Điều 38 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng như Điều 78 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng thì chủ tịch UBND cấp xã cũng có thẩm quyền xử phạt vi phạm. Chủ tịch uỷ ban Nhân xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền lên đến 5.000.000 đồng; tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm” đối với hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực đất đai. Trong lĩnh vực xây dựng, chủ tịch UBND xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền lên đến 10.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng.
Như vậy, phụ thuộc vào mức phạt đối với hành vi vi phạm lĩnh vực đất đai để xem xét có thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì Chủ tịch UBND xã mới có quyền ra quyết định xử phạt được.
Trong trường hợp ở xã An Dũng, đối với hành vi chuyển mục đích sử dụng đất mà không đăng ký dưới 0,5 hecta nếu quyết định xử phạt là 5.000.000 đồng thì chủ tịch UBND xã ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên nếu mức xử phạt trên 20.000.000 đồng thì thẩm quyền xử phạt không còn thuộc về chủ tịch UBND nữa. Do vậy, trường hợp này UBND xã An Dũng chỉ lập biên bản ghi nhận về sự việc và yêu cầu người sử dụng đất sử dụng đúng như mục đích ban đầu là kinh doanh thương mại là đúng theo quy định pháp luật. Còn việc có xử phạt hay không và mức xử phạt là bao nhiêu thì phải tuỳ thuộc vào diện tích đất của từng kiot mà mỗi hộ đang sử dụng.
Tạp chí điện tử Môi trường Xây dựng kính chuyển nội dung trên đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền, vào cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có).
Mỹ Hà.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.