Hái “lộc rừng” đầu năm ở xứ Quảng
MTXD - Những ngày đầu xuân mới này, người dân của huyện Phước Sơn, Quảng Nam lại tất bật đi hái lộc rừng. Lộc của rừng mùa này là những cây chít đót hoa nở trắng rừng, và người dân kéo nhau đi lấy chít đót như đi hái lộc đầu xuân vậy.
Chít đót lấy từ rừng về được bán ngay cho các tiểu thương.
Sau những trận mưa rừng, mùa này miền núi Phước Sơn đầy nắng ấm, và cũng là mùa của những cây chít đót. Tại xã Phước Năng, những đoàn người đi hái lộc đầu năm miệng nhai trầu đỏ thắm, trên tay là một con dao nhỏ.
Mỗi chuyến vào rừng tìm cây đót, người ta tranh thủ thu hoạch cả lá đót, bông đót và con sâu đót. Công dụng của bông đót làm chổi thì ai cũng biết, lá đót thì để gói những loại bánh đặc thù của người dân vùng này. Còn sâu đót thì là một thứ dược liệu quý để ngâm rượu. Rượu hoặc cốm sâu đót là vị thuốc rất bổ dưỡng đối với những người mới ốm dậy, trẻ suy dinh dưỡng và người già.
Mùa này, nhiều người dân đi lấy chít đót về bán nâng cao thu nhập.
Anh Hồ Văn Thời (thôn 2, xã Phước Năng) cho biết: “Mình cứ kiếm được 10 cây đót thì bó lại một bó, bán được 1.500 đồng. Làm một ngày, mỗi người cũng có thể kiếm được khoảng 80-100 nghìn đồng, người khỏe có thể kiếm gấp đôi. Công việc này phù hợp với cả những phụ nữ, trẻ em và người già nên ai cũng làm được.
Mặc dù công đoạn bứt đót khá vất vả, nhiều trường hợp phải đối mặt với hiểm nguy bởi đót thường mọc từng bụi, lùm ở nơi có độ dốc cao, muốn bứt đót phải dùng hai chân trụ vững ở độ nghiêng khá cao, đồng thời một tay nắm giữ lá đót trên cùng, tay còn lại nắm bông đót kéo ngược về phía sau!.
Bù lại những vất vả, thu nhập từ bứt đót cũng khá. Anh Hồ Văn Thời và nhiều người khác cho biết, trung bình mỗi ngày các anh bứt được khoảng 50 - 70kg, nếu cân tươi thì 2.500đ/kg cho loại bông đót mới trổ và 2.000đ/kg cho loại đót già. Còn phơi khô thì thương lái sẽ thu mua với giá 8.000đ/kg. Mỗi ngày sau khi trừ ăn uống, bình quân thu nhập khoảng 80.000 – 100.000đ/ngày/ người… đó là một khoản thu nhập đáng kể với người dân vùng cao nghèo khó này.
Chít đót lấy trên rừng về được phơi khô để bán với giá cao hơn.
Trong khi đó mùa bứt đót kéo dài hết tháng Giêng âm lịch nên thời gian cho bà con lên nói bứt đót còn kéo dài. Mỗi năm, người ta khai thác từ khu vực này khoảng vài trăm tấn đót tươi. Việc ăn nên làm ra của các doanh nghiệp sản xuất chổi đót đang tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động ở vùng núi này. Mọi người gọi đó là “lộc xuân”.
Không chỉ với xã Phước Năng, mà người dân các Phước Thành và nhiều xã miền núi khu vực Đăk Glei (Kon Tum) này cũng tấp nập người đi bứt đót. Lộc rừng đầu năm hy vọng sẽ đem lại nguồn lợi cho người dân, khởi đầu cho một năm mới khấm khá hơn.
MINH NGỌC
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.