Hạt ngọc của trời
MTXD - Vào mùa thu hoạch, những người dân vẫn với phương thức thu hoạch lúa ngày cũ và dùng đôi bàn tay sần chai để tuốt từng bông lúa, nâng niu những hạt ngọc của trời như tạ ơn cả tạo hóa.
Người Hrê vốn là cư dân làm nương rẫy, trước khi xuất hiện lúa nước thì lúa rẫy là nguồn sinh kế quan trọng nhất. Hiện nay, ở các bản làng vùng cao, đất dốc hoặc không có đất sản xuất, đồng bào vẫn chọn phương thức canh tác nương rẫy. Thuở xưa, lúa rẫy là nguồn sinh kế quan trọng nhất của người đồng bào Hrê. Trong canh tác, người Hrê quan niệm phải thực hiện nghi lễ thờ cúng thần Lúa - vị thần đóng vai trò quan trọng, mang đến sự no đủ. Tôn kính thần Lúa linh thiêng, người Hrê đề ra nhiều nguyên tắc trong canh tác lúa rẫy và tuân thủ rất nghiêm ngặt. Người Hrê cho rằng, thần Lúa có mối quan hệ gắn kết mật thiết với người phụ nữ trong gia đình.
Lúa rẫy của người Hrê dù năng suất khá khiêm tốn và bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nhưng vẫn được người dân trồng hàng năm.
“Đến mùa rồi, phải đi thu hoạch thôi!”, già Phạm Văn Minh ở xã Ba Nam (H. Ba Tơ, Quảng Ngãi) khi nhìn những bông lúa nương đã chín vàng rủ xuống giữa lưng chừng đồi. Loại lúa rẫy của đồng bào Hrê ở vùng núi này vẫn được trồng theo cách truyền thống nhất, nguyên sơ nhất như bao đời người dân vẫn trồng như thế.
Lúa rẫy phát triển hầu như dựa vào các điều kiện tự nhiên, bà con không hề sử dụng thuốc hóa học trong quá trình chăm sóc.
Khi lúa trên nương vàng óng ả và trĩu hạt, từng gia đình lên rẫy để thu hoạch lúa.
Dẫu rằng, nhiều người dân Hrê ở khắp các vùng Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà của Quảng Ngãi, hay vùng An Lão (Bình Định) cũng đã biết trồng lúa nước từ rất lâu, và có nhiều cải tiến để nâng cao năng suất. Nhưng riêng với lúa rẫy, người Hrê vẫn có sự gìn giữ nhất định với cách thức trồng cấy xưa cũ này. Đối với đồng bào Hrê, hạt lúa rẫy có giá trị tinh thần rất lớn. Nhiều người cao tuổi vẫn truyền kể lại cho người trẻ cách thức trồng lúa lâu đời.
Lễ cúng cơm mới kết thúc, cả gia đình lên rẫy tuốt lúa, họ mang theo gùi và tuốt lúa bằng tay, khoảng 2-3 hôm lúa đã về đầy kho.
Khác với lúa nước, lúa rẫy có thời gian sinh trưởng và phát triển lâu hơn, theo đó từ khi trỉa hạt đến lúc thu hoạch khoảng 5 - 6 tháng. Bắt đầu vào mùa mưa hằng năm, người Hrê lại lên đồi phát dọn cây cỏ, khi rẫy đã được dọn sạch để lại trên mặt đất một lớp tàn tro và phần đất khá màu mỡ bên dưới, lúc ấy bà con mới mang gùi lên rẫy trỉa lúa. Những chiếc gậy được vót nhọn là dụng cụ dùng để chọc lỗ trỉa giống. Lúa rẫy phát triển hầu như dựa vào các điều kiện tự nhiên, bà con không hề sử dụng thuốc hóa học trong quá trình chăm sóc.
Khi thu hoạch lúa, người Hrê thường dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi mang về để đưa vào kho lúa.
Sau nhiều tháng, khi những hạt lúa trên những quả đồi đã to tròn, chắc nịch, vàng ươm cũng là lúc người làng bắt đầu vào vụ thu hoạch. Và trước khi thu hoạch lúa phải cúng thần linh, đó là phong tục không thể thiếu của người dân nơi này. Anh Phạm văn sung (xã ba nam) cho biết, cây lúa rẫy ngoài việc mang lại lương thực duy trì cuộc sống cho người Hrê thì còn mang ý nghĩa tín ngưỡng, bản sắc văn hóa riêng. Do đó vào thời điểm lúa chín, bà con người Hrê phải tuốt lúa về giã ra cúng các vị thần linh trước rồi mới được thu hoạch.
Trên những triền đồi ửng nắng, từng nhóm người thoăn thoắt tuốt những bông lúa vàng óng ả bằng đôi tay gân guốc của mình.
Người Hrê cho rằng, thần Lúa có mối quan hệ gắn kết mật thiết với người phụ nữ trong gia đình.
Đến mùa thu hoạch, từ tờ mờ sáng anh Sung đã cùng bà con mang theo gùi và những bao đựng lúa để lên rẫy tuốt lúa. Lúc còn nhỏ anh vẫn thường theo cha mẹ lên rẫy nên tuốt lúa bằng tay trần. Ban đầu hai bàn tay cũng đau nhức, thậm chí đầy vết xước, song làm mãi thành quen. Trên những triền đồi ửng nắng, từng nhóm người thoăn thoắt tuốt những bông lúa vàng óng ả bằng đôi tay gân guốc của mình. Dẫu hiệu quả kinh tế không cao, nhưng với đồng bào Hrê thì hạt lúa rẫy có giá trị tinh thần rất lớn đối với họ. Bây giờ, vào mùa tuốt lúa ai ai cũng mong chờ, như một ngày hội nhỏ của bản làng vậy. Từng tiếng gọi nhau í ới, từng tiếng cười đùa giòn giã vang lên khắp triền đồi, thi thoảng có những khúc hát bằng tiếng Hrê vang lên theo gió bay đi khắp các triền thung lũng, như báo hiệu mùa thu hoạch no ấm bắt đầu. Thi thoảng, những tiếng hát vọng lại từ những sườn đồi xa xa, như cũng chung bản hòa ca của thiên nhiên vào mùa thu hoạch.
Bây giờ, vào mùa tuốt lúa ai ai cũng mong chờ, như một ngày hội nhỏ của bản làng vậy.
Cơm mới từ lúa rẫy của người Hrê.
“Đây là tín ngưỡng, văn hoá của đồng bào dân tộc Hrê chúng tôi. Nhờ các vị thần linh phù hộ mới có lúa rẫy. Hơn nữa, tuốt bằng tay sẽ tách được hạt thóc ra không phải tốn tiền hay mất thời gian thuê máy tuốt lúa. Hiện tại, việc thờ cúng thần Lúa đã được người Hrê giản lược, thường chỉ cúng tạ ơn thần linh sau khi thu hoạch. Mặt khác, một số kiêng kị và nghi thức phức tạp trong thờ cúng thần Lúa cũng đã được lược bỏ”, Già Phạm Văn Minh ở xã Ba Nam chia sẻ. Dù trải qua nhiều thế hệ, lúa rẫy vẫn gắn bó không thể thiếu trong bữa ăn, tín ngưỡng của người dân Hrê, dẫu lúa nước đã trở thành lương thực chính, máy móc đã được đưa vào để hoạt động nông nghiệp, nhưng người Hrê ở Ba Tơ nơi đây vẫn trỉa hạt để giữ gìn truyền thống văn hóa lúa rẫy của đồng bào mình.
Huấn Trương – Xuân Sang
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.