Hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%
MTXD - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương có diện tích rừng tự nhiên giảm rà soát, làm rõ nguyên nhân, thực hiện giải pháp phục hồi rừng và xem xét trách nhiệm theo quy định.
Năm 2022, diện tích rừng bao gồm rừng trồng chưa khép tán là 14.790.075ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%.
Cụ thể, trong số diện tích rừng trồng chưa khép tán14.790.075ha, rừng tự nhiên có 10.134.082ha, rừng trồng có 4.655.993ha; diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13.926.043ha.
Theo quyết định công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Kiểm lâm thiết lập cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng quốc gia theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp; tổ chức quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng trên phạm vi toàn quốc.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Ủy ban Nhân dân các cấp (huyện, xã) thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Rừng trồng trên cát ở các xã ven biển huyện Triệu Phong, Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Sử dụng số liệu hiện trạng rừng để cập nhật diễn biến rừng năm tiếp theo. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chủ rừng nghiêm túc thực hiện công tác theo dõi, cập nhật và báo cáo diễn biến rừng hàng năm theo quy định.
Đối với các địa phương có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2022, các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, kiểm tra làm rõ nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phục hồi diện tích rừng bị giảm; xem xét trách nhiệm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.
Các địa phương chưa công bố hiện trạng rừng năm 2022 chịu trách nhiệm trước các cơ quan có thẩm quyền về việc không công bố hoặc chậm công bố hiện trạng rừng theo quy định của pháp luật.
Trước đó, hiện trạng rừng toàn quốc năm 2021 như sau diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 14.745.201ha; trong đó, rừng tự nhiên là 10.171.757ha; rừng trồng là 4.573.444ha.
Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc là 13.923.108ha, tỷ lệ che phủ là 42,02%.
Đến hết năm 2025, cả nước phấn đấu trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Đây là mục tiêu của Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Đề án, phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Thanh niên Đà Nẵng tham gia trồng cây. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Đề án nêu rõ nhiệm vụ là trồng thành công một tỷ cây xanh phù hợp với điều kiện sinh thái, quy hoạch và quỹ đất hiện có của từng địa phương, trong đó, trồng 690 triệu cây cây xanh phân tán (khu vực đô thị và nông thôn), bình quân trồng 138 triệu cây/năm.
Chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích, có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao, cây quý, hiếm, mang bản sắc văn hóa địa phương/vùng/miền.
Tại khu vực đô thị, cây xanh được trồng trên vỉa hè đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng, vườn nhà và các công trình công cộng khác.
Tại khu vực nông thôn, cây xanh được trồng trên đất vườn nhà, hành lang giao thông, ven sông, kênh, mương, bờ vùng, bờ thửa, nương rẫy; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng và các công trình công cộng khác; kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán; các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đất bị suy thoái, sa mạc hóa, bãi thải khai thác khoáng sản và đất chưa sử dụng khác.
Cũng theo Đề án, trồng cây xanh trong rừng tập trung. Cụ thể, trồng 180.000ha rừng trồng tập trung, tương đương khoảng 310 triệu cây (bình quân trồng 36.000ha rừng/năm, tương đương 62 triệu cây/năm), gồm trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 30.000 ha, tương đương 70 triệu cây (bình quân 6.000 ha/năm, tương đương 14 triệu cây/năm); trồng mới rừng sản xuất 150.000 ha, tương đương 240 triệu cây (bình quân 30.000 ha/năm, tương đương 48 triệu cây/năm).
Đối với rừng đặc dụng, trồng các loài cây bản địa có phân bố tự nhiên trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó; đối với rừng phòng hộ, trồng các loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt; đối với rừng sản xuất, trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày.
Về địa điểm trồng, với đất rừng phòng hộ, diện tích đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ, trong đó đặc biệt ưu tiên trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng phòng hộ vùng ven biển.
Với đất rừng đặc dụng, diện tích đất chưa có rừng, chưa đủ tiêu chí thành rừng trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng là vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài-sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan; diện tích đất được quy hoạch trồng mới rừng sản xuất.
Năm 2021, mặc dù có nhiều diễn biến phức tạp về thiên tai, dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống người dân; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, nhưng thực hiện Chương trình "Trồng 1 tỷ cây xanh," cả nước đã trồng được 277.000ha rừng tập trung và gần 100 triệu cây phân tán (vượt 10% so với kế hoạch). Đến nay, độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng từ 28% vào năm 1990 lên trên 42% vào năm 2022; hấp thụ được trên 70 triệu tấn CO2.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để nâng cao chất lượng rừng, giai đoạn tới, cần rà soát, đánh giá diện tích đất lâm nghiệp và rừng để bố trí hài hòa các loại rừng; đánh giá, lựa chọn, lập danh mục cơ cấu loài và giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao, phù hợp với từng điều kiện lập địa, đáp ứng yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng; nghiên cứu chọn tạo giống mới, khảo nghiệm các giống cây trồng lâm nghiệp đã được công nhận theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu kinh doanh gỗ lớn và thúc đẩy hoạt động chuyển giao những giống mới vào sản xuất; nghiên cứu xây dựng kỹ thuật tối ưu về chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng cung cấp gỗ lớn, trồng lại rừng sau khai thác, trồng rừng mới theo hướng thâm canh...
Việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, mang lại nguồn lợi to lớn cho Việt Nam ở hiện tại và tương lai.
Điều này, thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và suy giảm các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh.
Thảo Sâm-TH (Nguồn: Vietnam+)
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.