Hoàn thiện thể chế để quan hệ đất đai vận động có hiệu quả trong kinh tế thị trường
MTXD - Cần khẳng định và thể chế hóa trong Luật Đất đai quyền sử dụng đất là quyền tài sản - loại tài sản đặc biệt, không giống như các tài sản dân sự khác (điều này đã được nêu trong Nghị quyết số 19 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
Trong Hiến pháp 2013, Bộ luật dân sự 2015 và Luật Đất đai 2013 quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của pháp luật”
Để việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất có hiệu quả cao, góp phần rất quan trọng vào việc huy động nguồn lực đất đai để phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới, cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện đồng bộ thể chế về đất đai, với những định hướng chủ yếu và quan trọng sau đây:
1. Nhận thức đúng và chế định rõ hơn các quyền của người sử dụng đất trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai
Cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất “chế độ sở hữu toàn dân về đất đai” ở nước ta là sự thống nhất các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích cốt lõi giữa các chủ thể Quốc gia - Dân tộc - Nhà nước - các cộng đồng dân cư - người sử dụng đất, để trên cơ sở đó chế định phù hợp tương quan giữa quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích của chủ thể sở hữu Toàn dân, Nhà nước và các chủ thể sử dụng đất. Không thể coi các chủ thể sử dụng đất chỉ là người sử dụng đất thuần túy; trong bản chất thực tế các quyền của người sử dụng đất có chứa đựng những nội dung của các quyền sở hữu.
Đồng thời các chủ thể sử dụng đất còn là thành viên của chủ thể sở hữu toàn dân. Do đó, các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích của người sử dụng đất cần phải được chế định đầy đủ, đồng bộ cả về hai tư cách: tư cách là thành viên của chủ sở hữu Toàn dân và tư cách là một chủ thể sử dụng đất cụ thể. Đồng thời, phải chế định rõ hơn trách nhiệm, trách nhiệm giải trình của Nhà nước (các cơ quan, đơn vị nhà nước cả trong hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp) trong việc đảm bảo, bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể sử dụng đất trong cả hai tư cách đó ở tất cả các cấp độ tổ chức nhà nước (Trung ương, tỉnh - thành phố, huyện - quận, xã - phường) và các cộng đồng dân cư.
Khắc phục cơ bản tình trạng một số không ít cơ quan nhà nước, cán bộ công chức lạm dụng chức quyền (lạm dụng các quyền của đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý), quan liêu, vì tư lợi, lợi ích nhóm đã không tôn trọng và đảm bảo đúng, đầy đủ quyền và lợi ích của các chủ thể sử dụng đất; đồng thời một số người sử dụng đất chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn và thực thi tốt các quyền và nghĩa vụ của mình.
2. Cần chế định quyền sử dụng đất là quyền tài sản
Cần khẳng định và thể chế hóa trong Luật Đất đai quyền sử dụng đất là quyền tài sản - loại tài sản đặc biệt, không giống như các tài sản dân sự khác (điều này đã được nêu trong Nghị quyết số 19 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và được chế định trong Bộ luật Dân sự 2015). Quyền sử dụng đất phải là quyền tài sản của các chủ thể sử dụng đất (sẽ khác nhau đối với các loại đất khác nhau); nhưng về phương diện chung đó cũng còn là tài sản của quốc gia, của cả dân tộc.
Quyền tài sản đối với đất đai không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, mà còn là một giá trị xã hội, môi trường sinh thái, một nhân tố quan trọng kết nối cá nhân - gia đình - cộng đồng - xã hội. Việc chế định rõ quvền sử dụng đất là một loại tài sản sẽ tạo cơ sở pháp lý cần thiết để các quyền của người sử dụng đất tham gia đầy đủ vào các quan hệ dân sự, quan hệ thị trường.
Cần nhận thức rõ: Quyền sử dụng đất của các chủ thể trong chế độ sở hữu toàn đân không phải là một quyền được ban phát, mà là một quyền cấu thành hữu cơ, khách quan, tất yếu của cấu trúc quan hệ sở hữu toàn dân về đất đai của quốc gia.
Quan điểm được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra trong nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, ban hành.( Ảnh: Internet)
3. Tiếp tục đổi mới tư duy về xây dựng, cụ thể hóa và chế định đồng bộ các quyền gắn hữu cơ giữa quyền với trách nhiệm của người sử dụng đất
Cần tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng, cụ thể hóa và chế định các quyền của người sử dụng đất theo hướng thúc đẩy sự vận động các quyền gắn với nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng đất trong kinh tế thị trường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất vì lợi ích của người sử dụng đất và vì lợi ích chung của đất nước.
Chế định rõ hơn nội dung và phạm vi vận động của từng quyền đối với từng loại chủ thể sử dụng đất và từng loại đất, để tạo không gian tự chủ của các chủ thể sử dụng đất (ví dụ không gian chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không gian chuyển đổi chủ thể sử dụng đất…).
Bổ sung và hài hòa các quyền của người sử dụng đất nêu trong Luật Đất đai và các quyền của người sử dụng đất được chế định trong Bộ luật Dân sự về quyền tài sản và các luật liên quan khác.
Đồng thời, cần chế định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm tương ứng của các chủ thể sử dụng đất trong việc thực hiện các quyền sử dụng đối với từng loại đất (ví dụ cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các chủ thể sử dụng đất nếu chậm hay không đưa đất vào sử dụng, để đất hoang, làm đất bị ô nhiễm, sử dụng không đúng mục đích…).
4. Hoàn thiện cơ chế đảm bảo quyền của người sử dụng đất được thực thi có hiệu quả
Các quyền của người sử dụng đất chỉ có thể được thực thi đầy đủ, hiệu quả trong tương quan hữu cơ với việc hoàn thiện chức năng và cơ chế thực hiện vai trò “Đại diện chủ sở hữu” và vai trò thống nhất quản lý về đất đai của Nhà nước, và với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Bởi vì, việc thực hiện và sự vận động các quyền của người sử dụng đất trong thể chế kinh tế thị trường phục thuộc một cách quyết định vào việc các cơ quan nhà nước thực hiện các chức năng và quyền về đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là các quyền: quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; quyết định mục đích sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai…
Trong Luật Đất đai và các chế định pháp lý liên quan cần phải chế định đầy đủ, đồng bộ việc thực hiện các quyền này của Nhà nước trong tương quan với việc bảo vệ các các quyền và lợi ích của chủ thể sử dụng đất.
Đây chính là một nội dung quan trọng, một “mắt xích” chủ yếu cần được nghiên cứu cả về lý luận và tổng kết thực tiễn đề có những chế định pháp lý phù hợp, trong đó việc chế định và thực thi các quyền và trách nhiệm của Nhà nước (quyền về đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhà nước) phải hướng tới bảo vệ và tạo điệu kiện để các chủ thể sử dụng đất thực hiện hiệu quả các quyền và lợi ích của mình theo quy định của pháp luật, trong lợi ích chung của cả đất nước.
Trong đó, cần chế định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể nhà nước trực tiếp sử dụng đất, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất trong hệ thống chính trị. Cùng với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để tạo cơ sở pháp lý và các chính sách phù hợp để các chủ thể sử dụng đất hướng tới sử dụng đất có hiệu quả cao nhất.
Khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí. (Ảnh: Internet)
5. Hoàn thiện thể chế để quan hệ đất đai vận động có hiệu quả trong kinh tế thị trường
Cần nhận thức đúng bản chất của sự vận động quan hệ đất đai - các quyền của người sử dụng đất trong điều kiện kinh tế thị trường. Đó chính là sự vận động các quyền của quan hệ sở hữu đất đai và giá trị của đất đai, tập trung ở 4 quyền quan trọng nhất: i) - Quyền chiếm hữu; ii) - Quyền định đoạt; ii) - Quyền quản lý sử dụng; iii) - Quyền hưởng lợi (thụ hưởng).
Trong nền kinh tế thị trường, quan hệ đất đai, đất đai luôn luôn vận động theo các quy luật khách quan, theo các hướng chủ yếu sau: có thể chuyển từ mục đích sử dụng này sang mục đích sử dụng khác có giá trị cao hơn; chuyển từ chủ sử dụng này sang chủ sử dụng khác có năng lực sản xuất kinh doanh cao hơn; tích tụ, tập trung đất đai hợp lý cho sản xuất hàng hóa, gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hơn hiệu quả sử dụng đất.
Do đó, các quyền của người sử dụng đất cũng vận động trong cơ chế thị trường gắn liền với sự vận động của quan hệ đất đai. Chính vì vậy, các quyền của người sử dụng đất không thể chỉ xem xét và chế định ở dạng tĩnh, mà phải tạo cơ sở pháp lý cho các quyền đó vận động có hiệu quả trong cơ chế thị trường vì lợi ích của chủ thể sử dụng đất và của cả xã hội.
Trong nền kinh tế thị trường vấn đề sở hữu “của ai” và phương diện hiện vật của đối tượng sở hữu không có ý nghĩa quyết định cao như trong nền kinh tế hiện vật - bao cấp. Phương diện giá trị trao đổi và "ai là người có năng lực sử dụng có hiệu quả nhất" cho mình và cho xã hội mới đóng vai trò quyết định cho sự vận động của các đối tượng sở hữu, trong đó có đất đai
Trong chế độ “sở hữu toàn dân về đất đai”, trên thực tế, các chủ thể sử dụng đất không chỉ thực hiện chức năng sử dụng đất đai thuần túy, mà còn thực hiện một số phần quyền của chủ sở hữu với mức độ khác nhau, như quyền chuyển đổi, sang nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất...
Việc tiếp tục phân định rõ, hợp lý các quyền đó với các quyền của Nhà nước (với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý) nhằm đảm bảo quan hệ đất đai vận động trong cơ chế thị trường có hiệu quả nhất cả về kinh tế, xã hội và môi trường là một nhiệm vụ quan trọng của việc tiếp tục đổi mới luật pháp về đất đai.
Vì vậy, cần phải tiếp tục đơn giản hóa, hợp lý hóa, công khai hóa, minh bạch hóa các thủ tục và chi phí hành chính liên quan đến quyền tiếp cận đất đai, gắn với tăng tính ổn định của các cơ chế, chính sách sử dụng đất đai. Trong kinh tế thị trường, đất đai luôn có xu hướng vận động dưới tác động của cơ chế thị trường.
Do đó, các quyền của Nhà nước cần phải được nghiên cứu điều chỉnh, quy định cho phù hợp với mục đích sử dụng của từng loại đất và sự vận động của mục đích sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường, nhằm tạo không gian tự chủ cần thiết cho các quyền của chủ thể sử dụng đất vận động có hiệu quả cao.
Chẳng hạn trong khuôn khổ đất nông nghiệp, “đất lúa cứng” cần có cơ chế quản lý chặt chẽ, còn các đất nông nghiệp khác, kể cả đất lúa nhưng không phải là “đất lúa cứng”, cần cho phép người sử dụng năng động thay đổi mục đích sử dụng trong khuôn khổ đất nông nghiệp, hoặc chuyển sang mục đích sử dụng khác theo những quy định cụ thể, công khai, minh bạch, hạn chế những can thiệp mang tính hành chính “xin - cho”, cửa quyền.
Vấn đề quan trọng đặt ra là cần chế định khung pháp lý hợp lý, đồng bộ cho sự vận động của mục đích sử dụng đất, hình thành các loại thị trường đất đai, gắn với sự vận động các quyền của chủ thể sử dụng đất trong cơ chế thị trường; đảm bảo sự hài hòa về quan hệ lợi ích giữa các chủ thể liên quan, sẽ tạo được động lực thúc đẩy quan hệ đất đai vận động theo hướng ngày càng nâng cao hơn hiệu quả sử dụng đất.
6. Riêng về quyền của các chủ thể sử dụng đất nông nghiệp
Có một số ý kiến đề xuất phải sớm xác lập lại quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất cho nông dân, coi đó như một tiền đề tiên quyết để cho nông dân yên tâm yên tâm sản xuất, đồng thời là cơ sở để tích tụ - tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Nhưng thực tiễn trên thế giới đã cho thấy rõ sở hữu tư nhân về ruộng đất không phải là điều quyết định tuyệt đối, cao hơn tất cả . Ở nước ta, trên thực tế, từ khi ban hành Luật Đất đai 1993 đến nay, các quyền của người sử dụng ruộng đất tương đồng với nhiều nội dung của quyền sở hữu tư nhân trên thế giới. Thành tựu của nền nông nghiệp, trong đó có sản xuất lương thực trong hơn 30 năm qua đã nói lên điều này.
Do điều kiện lịch sử, trong Luật Đất đai có quy định thời hạn được giao sử dụng đất nông nghiệp của các hộ nông dân (nay đã nâng lên 50 năm). Để tạo tâm lý yên tâm của các hộ và phù hợp với yêu cầu ổn định phát triển sản xuất kinh doanh liên tục giữa các thế hệ, cần tiếp tục chế định rõ và thực hiện đúng: không thu lại ruộng đất nếu có nhu cầu sử dụng tiếp và sử dụng đúng quy định của pháp luật (trừ những trường hợp đặc biệt được Luật pháp quy định).
Sự vận động của ruộng đất theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong nền kinh tế thị trường có những đặc điểm khác với các loại đất khác. Ruộng đất lưu chuyển từ hộ này sang hộ khác (hoặc chủ thể sản xuất nông nghiệp khác); mức độ tích tụ - tập trung ruộng đất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (trong đó có yếu tố về thị trường; yếu tố về nhịp độ và quy mô rút lao động ra khỏi nông nghiệp cho phát triển công nghiệp và dịch vụ; quy mô và loại hình canh tác nông nghiệp hàng hóa hợp lý - hiệu quả; trình độ ứng dụng khoa học - công nghệ; điều kiện ruộng đất, dân số, tâm lý - tập quán về ruộng đất của người dân ở từng vùng…).
Để ruộng đất vận động có hiệu quả trong nền nông nghiệp hàng hóa, cần phải xây dựng đồng bộ một loạt các chính sách quan trọng, phù hợp với điều kiện từng vùng và từng loại hình canh tác, nhất là xây dựng thể chế và cơ chế lưu chuyển - tích tụ - tập trung ruộng đất phù hợp. Đây là một quá trình dài và là kết quả tổng hợp của tất cả các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học - công nghệ, pháp lý, môi trường…, gắn với quá trình phát triển công nghiệp, dịch vụ, phi nông nghiệp hóa và đô thị hóa.
Cần hoàn thiện động bộ thể chế để thúc đẩy quá trình tích tụ - tập trung ruộng đất theo các hình thức khác nhau: sang nhượng ruộng đất, góp cổ phần ruộng đất, ủy thác canh tác…để thúc đẩy phát triển các trang trại, các hộ gia đình liên kết ruộng đất với nhau trong các hợp tác xã tạo thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn; liên kết giữa các hộ gia đình, các hợp tác xã với các doanh nghiệp nông nghiệp; phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp lớn...,gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Về hạn mức giao đất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ nông dân cần được xem xét gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn và phát triển nông nghiệp hàng hóa, phù hợp với điều kiện lao động và ruộng đất của từng vùng. Về nguyên tắc, nếu xét theo thuần túy các nguyên tắc thị trường thì không cần chế định hạn mức nào về giao đất nông nghiệp và hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp đối với hộ nông dân, mà để cho thị trường điều tiết.
Tuy nhiên, thực tiễn lịch sử cho thấy, ruộng đất còn gắn liền với những vấn đề xã hội, công ăn việc làm, sinh kế, phân hóa giàu nghèo, những rủi ro không thể lường trước đối với các hộ nông dân, mà cơ sở kinh tế chủ yếu là dựa vào ruộng đất, khi chưa thể có các nguồn sinh kế ổn định lâu dài nào khác. Vì vậy, không nên để xẩy ra tình trạng ruộng đất tập trung quá lớn vào một số ít hộ, chủ thể sản xuất (vượt quá khả năng canh tác của chính họ và cho thuê lại như một hình thức phát canh thu tô trá hình; hoặc nhằm mục đích đầu cơ ruộng đất để tìm cơ hội xin chuyển đổi mục địch sử dụng).
Do đó, những hạn mức này vẫn chưa nên bỏ, song cần được mở rộng dần (phụ thuộc vào điều kiện của từng vùng). Đồng thời, cần nghiên cứu để chế định mở rộng hơn các chủ thể được sử dụng đất nông nghiệp: không chỉ các hộ nông dân trực canh trên địa bàn, không chỉ các chủ thể (doanh nghiệp) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, mà có thể cho phép các chủ thể khác có tiềm lực được sử dụng đất nông nghiệp để tham gia phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Vấn đề cơ bản nhất là chế định rõ không được thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép, chế định rõ các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm khi sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời, để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, ổn định, hiệu quả, các chủ thể sản xuất cần phải được xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng cần thiết (như nhà xưởng, kho…) trên đất nông nghiệp; do đó cần ban hành rõ các cơ chế chính sách liên quan đến vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh.
7. Về quyền sử dụng đất đai trong các đơn vị sản xuất kinh doanh có nguồn gốc đất đai từ các nông, lâm trường quốc doanh
Sau nhiều lần cải cách, đổi mới, đến cuối năm 2018 các công ty nông, lâm nghiệp (trước đây là các nông, lâm trường) vẫn còn giữ - quản lý diện tích đất rất lớn với hơn 1,8 triệu ha . Mặc dù đã qua nhiều bước đổi mới cơ chế quản lý, có một số chuyển biệc tích cực; tuy nhiên, quan hệ đất đai trong các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng cũng đang còn bộc lộ rất nhiều bất cập cả về quan hệ sở hữu, mô hình và cơ chế quản lý của các chủ thể, hiệu quả sử dụng đất thấp .
Ở đây có các nguyên nhân khách quan, song vướng mắc chủ yếu vẫn là thể chế - mô hình quản lý sử dụng đất và sản xuất kinh doanh; chưa chế định rõ, hợp lý quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích của người (tổ chức) được trao quyền đại diện chủ sở hữu, người sử dụng đất, người lao động, chưa đảm bảo được mối quan hệ hữu cơ - bền vững giữa người được giao khoán với đất đai.
Do đó, cần phải nghiên cứu sâu cả về lý luận và tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, cụ thể các loại mô hình công ty nông, lâm nghiệp trong từng lĩnh vực, đồng bộ cả về phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, văn hóa…, trong đó có vấn đề cốt lõi là quan hệ quyền sử dụng đất đai giữa Nhà nước (ai) - các công ty nông, lâm nghiệp (mà trực tiếp Ban giám đốc, người đứng đầu) - và những người được giao khoán, sử dụng đất; để đưa ra được những mô hình, cơ chế, chính sách và hình thức quản lý - sử dụng đất đai phù hợp, hiệu quả trong các công ty nông, lâm nghiệp.
Trong đó phải đảm bảo sự gắn kết ổn định, bền vững về lợi ích và quyền, trách nhiệm giữa người được giao quản lý đất với người trực tiếp sử dụng đất với đất đai, loại bỏ tâm lý và các hình thức “làm thuê”, “thầu khoán” nhất thời, không phù hợp với tính chất của từng lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp. Trên cơ sở đó xây dựng được các mô hình công ty nông, lâm nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững phù hợp ở từng vùng và trong từng lĩnh vực sinh thái.
8. Vấn đề giao đất, giao rừng cho các hộ nông dân và cộng đồng dân cư
Đây cũng là một nội dung quan trọng cần được làm rõ và hoàn thiện. Luật Đất đai 2013, Điều 5 đã chế định “Cộng đồng dân cư” là một trong các chủ thể sử dụng đất. Cần phải nghiên cứu và tổng kết thực tiễn làm rõ địa vị pháp lý của chủ thể “Cộng đồng dân cư”, bản chất của việc giao đất giao rừng cho các hộ nông dân và cộng đồng dân cư ở địa phương, nhất là đối với cộng đồng người dân tộc.
Vì đối với cộng đồng người dân tộc đất - rừng theo quan niệm truyền thống lịch sử lâu đời có ý nghĩa vô cùng hệ trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, đời sống tâm linh của cả cộng đồng, gắn liền với mỗi gia đình và mỗi con người, mà trước đây thường được quản lý theo luật tục.
Cần phải nghiên cứu xác định rõ các mô hình và cơ chế giao đất giao rừng có hiệu quả nhất cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái gắn với cộng đồng dân cư cụ thể trên các địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc…; chế định rõ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm lợi ích của cộng đồng dân cư và người đại diện pháp lý của cộng đồng này; chế định rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với cộng đồng dân cư, giữa cộng đồng dân cư với chính quyền địa phương, trong việc giao đất - giao rừng.
Như vậy, cần phải xác định và chế định rõ khái niệm “cộng đồng dân cư” về mặt pháp lý và phải có người đại diện được luật pháp thừa nhận để có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện có hiệu quả vấn đề giao đất - giao rừng cho các cộng đồng dân cư.
9. Về một số quyền sử dụng đất cụ thể khác
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật và chính sách đất đai, trong đó có các quyền của người sử dụng đất trong giai đoạn mới, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh một số cơ chế, chính sách cụ thể sau:
Nghiên cứu hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, thủ tục, quy trình đảm bảo công khai, minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định giá đất, thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất…; khắc phục cơ bản tình trạng quy hoạch treo, không phù hợp với chiến lược phát triển, đầu cơ đất đai để trục lợi, tình trạng khiếu kiện về đất đai; đảm bảo sự hài hòa về quyền, nghĩa vụ, lợi ích giữa xã hội, nhà nước, các cộng đồng dân cư và các chủ thể sử dụng đất.
Nghiên cứu hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách về các loại thuế, phí liên quan đến quyền sử dụng các loại đất, cho thuê quyền sử dụng đất gắn liền với các tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất, để ngăn chặn tình trạng giao dịch ngầm, trao tay, đầu cơ đất đai; thúc đẩy các chủ thể sử dụng đất đai có hiệu quả.
Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Cần phải quy định chặt chẽ thủ tục thế chấp để ngăn chặn những trường hợp lợi dụng; chế định rõ cơ chế, chính sách về “thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam”, “về thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn từ ngân hàng nước ngoài”.
Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách xử lý phần vốn góp bằng quyền sử dụng đất của phía chủ thể Việt Nam trong các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài, khi phía bên Việt Nam muốn chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn góp bằng quyền sử dụng đất . Nên xử lý theo hướng cho nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng đã được xác định và trong khung thời gian tồn tại của dự án.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách để các chủ thể sử dụng đất tham gia có hiệu quả vào thị trường bất động sản, nhất là đối với các loại hình mới đang xuất hiện chưa được chế định trong các luật. Trong Luật đất đai 2013 có các quy định để đất đai được tham gia thị trường bất động sản (đó là đất mà người sử dụng có một trong các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất).
Cần cụ thể hoá đầy đủ hơn thành cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp để các quyền trên có đầy đủ cơ sở pháp lý vận động có hiệu quả, minh bạch khi tham gia vào thị trường bất động sản; trong đó cần xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp, chặt chẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản, theo hướng nhà đầu tư nộp tiền thuê đất như giao đất có thu tiền sử dụng đất (như đối với doanh Việt Nam) để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở tại Việt Nam.
Có thể nói, hoàn thiện đồng bộ thể chế về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích của các chủ thể sử dụng đất, tạo cơ sở để quan hệ đất đai vận động có hiệu quả tổng hợp cao trong kinh tế thị trường, mang lại lợi ích cho mình và cho cả xã hội là điểm quy tụ trung tâm của đổi mới và hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách về đất đai trong giai đoạn mới.
Việc đổi mới và hoàn thiện vai trò của Nhà nước cả trong tư cách là đại diện chủ sở hữu và trong tư cách là chủ thể pháp lý thống nhất quản lý nhà nước về đất đai đều phải hướng tới mục tiêu chủ yếu này.
PGS.TS TRẦN QUỐC TOẢN
(Chuyên gia cáo cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)
Tài liệu tham khảo:
1. Đổi mới quan hệ sở hữu đất đai - Lý luận và thực tiễn; Chủ biên - PGS.TS Trần Quốc Toản, NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2013.
2. Đổi mới và hoàn thiện thể chế phát triển nông nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Báo cáo trình Trung ương; Chủ trì - Trần Quốc Toản, và các cộng sự; Hà Nội 2013
3. Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới quan hệ sở hữu đất đai trong giai đoạn mới; PGS.TS Trần Quốc Toản, Hội đồng Lý luận Trung ương, 2021
4. Phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; (Taichinh) - 11/10/2017; Theo Vy Hương/daibieunhandan.vn
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.