Hội An và nguồn thu từ bài toán bán vé tham quan phố cổ. Bài 2: Bài toán giúp bảo tồn và phát huy di sản
MTXD - Việt Nam hiện có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, cũng là những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bởi vậy hoạt động du lịch tại các địa điểm này luôn được nhiều người quan tâm.
Có lẽ, ít người biết rằng người Hội An có chút tự tôn với di sản của mình. Hằng ngày họ sinh sống và tạo nên một bản sắc của đô thị cổ, là một nhân tố của “khu di tích sống”, nơi mà giá trị của di sản thể hiện ở cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể và cả con người trong một không gian rộng lớn, chứ không chỉ đơn thuần là bó hẹp trong những ngôi nhà cổ, những con đường cổ hay các di tích rời rạc.
Du khách tham quan tại phố cổ Hội An.
Theo UBND TP Hội An, việc áp dụng bắt buộc mua vé đối với tất cả du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An là để đảm bảo công bằng đối với địa phương và tất cả du khách. Đặc biệt, sẽ có 2 lối đi riêng tại các đường chính vào khu phố cổ, gồm một lối đi dành cho người dân địa phương và một lối đi dành cho du khách. Trường hợp người dân và du khách ở lại Hội An lâu ngày thì sẽ có phương án để nhận diện riêng, có lối đi riêng. Bởi quyết định công nhận phố cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới thì toàn thể cảnh quan khu phố cổ là di sản chứ không phải chỉ riêng một di tích nào. Bởi Chủ trương “lấy di tích nuôi di tích”, “khai thác du lịch gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị di tích” trong mấy chục năm qua cũng là vấn đề nhất quán. Ngay chính UNESCO châu Á- Thái Bình Dương cũng đã đánh giá cao cách làm này và cho đây là “mô hình mang nhiều ưu điểm” vì quản lý được nguồn vé, tránh những tiêu cực xảy ra tại điểm di tích, nhất là kiểm soát được số lượng khách tham quan. Cùng với đó, sẽ hạn chế tình trạng dẫn khách tham quan “chui” dẫn đến thất thu vé tham quan, vốn là nguồn ngân sách chủ yếu để phục vụ các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, phát triển du lịch Hội An.
Theo lãnh đạo TP Hội An, nguồn thu từ việc bán vé tham quan sẽ phục vụ cho việc trùng tu di sản, cải tạo hạ tầng trong khu phố cổ, phục vụ tổ chức các sự kiện du lịch, cũng như hỗ trợ người dân trong việc trùng tu cải tạo nhà. Tất cả kinh phí triển khai đều lấy từ nguồn thu vé tham quan. Vì vậy tất cả du khách khi đến tham quan Hội An phải có trách nhiệm mua vé. Nhiều người lo ngại việc bán vé thu tiền sẽ nảy sinh nhiều bất cập, như việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ việc bán vé này sẽ như thế nào. Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, gần 85% tiền thu được từ vé tham quan dành cho việc đầu tư trùng tu các di tích, chi trả cho các chủ di tích tập thể và tư nhân, duy tu, bảo dưỡng các công trình công cộng phục vụ khách tham quan.
Vé tham quan phố cổ được bán nhiều năm qua với các mệnh giá 80 và 120 ngàn đồng.
Một phép tính đơn giản với không gian đô thị cổ Hội An, khi có tới 1.107 di tích kiến trúc, trong đó sở hữu tư nhân và tập thể có 932 di tích (84,18%), sở hữu nhà nước có 175 (15,80%) trong vùng lõi di sản này. Trước sự khắc nghiệt của thiên tai và cả tác động của con người, những di tích ngày đã và đang ngày càng xuống cấp, có nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng cần bảo tồn, tu bổ ngay lập tức. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để bảo tồn, sửa chữa những di tích xuống cấp nghiêm trọng có hạn. Đơn cử như di tích Chùa Cầu, mặc dù đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng hằng ngày vẫn phải “gồng gánh” trên mình hàng ngàn du khách tham quan. Mới đây, vào cuối tháng 12/2022 di tích đặc biệt hiếm thấy này mới được tạm “nghỉ ngơi” để trùng tu các hạng mục với nguồn kinh phí đầu tư 20,2 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách tỉnh Quảng Nam và UBND TP. Hội An là chủ yếu. Chùa Cầu là biểu tượng của văn hóa Hội An, nhưng góp phần vào văn hóa Hội An và quần thể “di tích sống” hàng ngày đón hàng ngàn du khách là cả ngàn di tích khác, cùng với đó là những nét văn hóa, lối sống, con người Hội An đang ngày ngày cố gắng gìn giữ, bảo tồn để tạo nên một Hội An là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Việc chấn chỉnh những hoạt động du lịch để ổn định lại nguồn thu từ vé tham quan, Hội An mới thực sự đủ năng lực tài chính để kiên trì thực hiện các dự án “Đêm phố cổ”, “Phố cổ không có tiếng động cơ”, “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ”, “Thử nghiệm mở rộng thời gian và nội dung phục vụ khách tham quan khu phố cổ Hội An vào ban đêm”, “Giờ tắt điện” cùng với đó là các sự kiện văn hóa - du lịch, chăm lo môi trường vệ sinh, cảnh quan, trật tự và hàng loạt những vấn đề dân sinh của cư dân phố cổ. Nếu chỉ trích từ ngân sách nhà nước sẽ không đủ, và di sản sẽ có nguy cơ chết dần như cơ thể thiếu dần sự sống. Việc triển khai các biện pháp chống thất thu, siết chặt việc bán và kiểm soát vé, quyết liệt xử lý đối với những trường hợp cố tình đưa khách đi chui được triển khai song hành với việc bồi dưỡng các nguồn thu từ vé tham quan với rất nhiều công việc để làm sao “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”, không thể để hình ảnh Hội An xấu đi trong mắt du khách chỉ vì một tấm vé.
Việc TP Hội An đặt ra quy định bán vé mới cho thấy nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc xây dựng vững chắc hơn nguồn thu để bảo tồn di sản. Tuy nhiên đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, cần một cách tiếp cận thận trọng để giữ gìn thương hiệu thành phố du lịch thân thiện. Nếu di sản không nuôi được di sản, đó có lẽ là điều đáng tiếc nhất, bởi hòn ngọc quý trong tay đã suy giảm mất giá trị của mình, bởi chính bản thân mình vậy. Đây có lẽ là bài toán mà chính quyền thành phố Hội An cần giải quyết.
Tiêu Dao
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.