Hưng Yên chuyển mình trong vóc dáng “tiểu Tràng An”

MTXD - Những năm trước, vào mỗi kỳ nghỉ lễ, tôi và gia đình thường chọn Hưng Yên là điểm đến để tham quan, khám phá. Cùng với vẻ đẹp thanh bình của làng quê Bắc Bộ, Hưng Yên gợi lên những hình ảnh đẹp - nét xưa hòa quyện cùng phố phường hiện đại. Câu ví “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến” làm nhiều người mường tượng về một thương cảng cổ nổi tiếng vào thế kỷ 16-18. Thời điểm ấy, phố Hiến là một

MTXD - Những năm trước, vào mỗi kỳ nghỉ lễ, tôi và gia đình thường chọn Hưng Yên là điểm đến để tham quan, khám phá. Cùng với vẻ đẹp thanh bình của làng quê Bắc Bộ, Hưng Yên gợi lên những hình ảnh đẹp - nét xưa hòa quyện cùng phố phường hiện đại. Câu ví “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến” làm nhiều người mường tượng về một thương cảng cổ nổi tiếng vào thế kỷ 16-18. Thời điểm ấy, phố Hiến là một đô thị trải dài theo tả ngạn sông Hồng. Văn bia chùa Thiên Ứng (năm 1625, đời vua Lê Thần Tông) cũng đã ghi: "Phố Hiến nổi tiếng trong bốn phương là một “tiểu Tràng An" - tức là một kinh đô thu nhỏ...

Thế vững từ văn hóa, lịch sử

Cái danh xưng “tiểu Tràng An” làm tôi tò mò trong lần đầu đặt chân về Hưng Yên. Và rồi, sau khi được anh bạn quê Hưng Yên dẫn đi tham quan các di tích nổi tiếng, trong đó có chùa Chuông, đền Mây, đền Mẫu, Văn miếu Xích Đằng, hồ Bán Nguyệt..., tôi đã hiểu thêm phần nào về vóc dáng của một thương cảng cổ sầm uất chỉ sau kinh thành Thăng Long.

Trong số các di tích văn hóa, đền Mẫu tọa lạc ngay bên bờ hồ Bán Nguyệt là địa điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch. Đền gắn với một huyền tích về bà Dương Quý Phi, là cung tần của vua Tống thời xưa. Theo sử sách ghi lại, vào năm 1279, quân Nguyên xâm lược nước Tống, vua và hoàng tộc thất thủ nên đã phải chạy xuống phương Nam theo đường thủy. Trên đường chạy, họ bị tướng nhà Nguyên là Trương Hoằng Phạm bắt được, vua Tống cũng như một số phi tần không chịu đầu hàng nên đã nhảy xuống biển tuẫn tiết. Thi thể của Dương Quý Phi trôi dạt vào bãi cát, được người dân vùng đất phố Hiến chôn cất chu đáo và lập đền thờ từ đó đến nay. Khu đền Mẫu được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông. Trải qua nhiều thế kỷ, khu đền đã được tu sửa nhiều lần và vẫn bảo toàn toàn vẹn những nét cổ kính xưa.

Nghi thức rước kiệu tại lễ hội đền Mẫu, Hưng Yên

Là nơi giao thương nổi tiếng bậc nhất vùng Bắc Bộ, từ thời nhà Trần, các thương nhân người Hoa ở Xích Đằng (Phố Hiến) đã có những mối liên hệ với các cảng: Hội Triều (Thanh Hóa), Càn Hải và Hội Thống (Nghệ An). Qua hai hệ thống sông Đàng Ngoài và sông Đáy, Phố Hiến còn bắt nhịp với các tuyến giao thương quốc tế ở biển Đông như: Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, cũng như với các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… Bởi vậy, Phố Hiến mang một nền văn hóa đa sắc tộc. Nền văn hóa đô hội này thể hiện rõ qua những công trình kiến trúc nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của các cộng đồng. Nổi bật và rõ nét nhất là các phong cách kiến trúc Việt Nam, Trung Hoa, thấp thoáng có phong cách kiến trúc châu Âu (ở Phố Hiến có 1 nhà thờ cổ, xây dựng từ thế kỷ 17, theo phong cách Gô-tích - nhà thờ Kitô giáo). Nét xưa Phố Hiến hòa quyện với không gian, nhịp sống hiện đại đã tạo nét hấp dẫn riêng cho thành phố Hưng Yên muôn màu, muôn sắc.

Tỉnh Hưng Yên là khu vực tập trung nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Toàn tỉnh hiện có trên 800 di tích lịch sử và văn hóa, trong đó có hơn 140 di tích lịch sử được xếp hạng cùng hàng nghìn tài liệu và hiện vật cổ có giá trị. Ngoài quần thể di tích Phố Hiến, khu di tích Đa Hòa - Dạ Trạch, khu tưởng niệm lương y Hải Thượng Lãn Ông; đền thờ thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh… là những di tích lịch sử văn hóa rất có giá trị cho phát triển du lịch. Hưng Yên là tỉnh đứng thứ 2 cả nước có nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như: Văn miếu Xích Đằng, một trong 6 văn miếu còn tồn tại trong cả nước, cụm di tích phố Hiến, cụm di tích Đa Hòa - Dạ Trạch, cụm di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác… Bên cạnh đó, Hưng Yên còn có nhiều lễ hội truyền thống phản ánh khá rõ nét con người, truyền thống và phong tục của nền văn minh lúa nước.

Tỉnh Hưng Yên có bề dày văn hóa và truyền thống hiếu học. Thời nào cũng có người đỗ đạt cao, có nhiều trạng nguyên, tiến sỹ được ghi danh ở Văn miếu Quốc Tử Giám và Văn miếu Xích Đằng, là một biểu tượng của truyền thống hiếu học của nhân dân ta. Hưng Yên cũng là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; có nhiều danh tướng tên tuổi gắn với lịch sử vẻ vang của dân tộc như: Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Bình... Nhiều người con ưu tú của Hưng Yên đã trở thành những chiến sỹ cộng sản trung kiên, cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, tiêu biểu như các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Bùi Thị Cúc…, góp phần làm rạng rỡ truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, đất nước.

Vẻ đẹp thanh bình của hồ Bán Nguyệt, Hưng Yên

Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, quân và dân Hưng Yên đã đóng góp nhiều sức người, sức của, chi viện cho tiền tuyến; vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Những năm tháng đó, Hưng Yên vinh dự có 10 lần được đón Bác Hồ về thăm.

Dấu mốc 25 năm và những bước chuyển mình

Năm 2020, chúng tôi về thăm Hưng Yên đúng dịp tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 (nhiệm kỳ 2020-2025). Chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo tỉnh cho biết những con số ấn tượng về thành tích đạt được và cả các mục tiêu trong thời gian tới. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát kinh tế thấp, đến nay Hưng Yên đã xây dựng được một nền tảng kinh tế-xã hội tương đối đồng bộ, vững chắc. Kinh tế hằng năm tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước.

Nằm liền kề trung tâm thủ đô Hà Nội, hấp thu sự lan tỏa mạnh mẽ quá trình đô thị hóa của vùng thủ đô Hà Nội, trên địa bàn huyện Văn Giang đã và đang hình thành những đô thị hiện đại, kiểu mẫu kết nối với đô thị của Hà Nội. Điển hình là Khu đô thị Ecopark, từng đoạt 3 giải tại lễ trao Giải thưởng Bất động sản Quốc tế năm 2015 diễn ra tại Luân Đôn - Anh.

Vì có điều kiện địa lý thuận lợi, nằm trong khu vực trọng điểm tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nên Hưng Yên có nhiều ưu thế để phát triển kinh tế công nghiệp. Hưng Yên là một trong những tỉnh có ngành công nghiệp phát triển nhanh ở miền Bắc, trong đó, các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao và sử dụng nhiều lao động cũng có sự dịch chuyển tích cực. Bên cạnh phát triển các khu công nghiệp tập trung, Hưng Yên cũng phát triển nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp, như: Làng nghề làm Tương Bần, Làng nghề đúc đồng, Làng nghề làm hương xạ, Làng nghề gốm sứ, kim hoàn, mây tre đan xuất khẩu, chế biến nông sản... tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận không nhỏ người lao động, góp phần quan trọng nâng cao đời sống, giải quyết việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế ở địa phương.

Khu Công nghiệp Thăng Long II, khu công nghiệp kiểu mẫu của tỉnh Hưng Yên trong thu hút đầu tư nước ngoài

Đến với tỉnh Hưng Yên thời gian gần đây, chúng ta dễ dàng nhận ra diện mạo mới của vùng đất này với những tuyến đường mới mở, những cây cầu nối nhịp qua sông Hồng, các khu đô thị khang trang, sạch đẹp… UBND tỉnh hiện đã phê duyệt 5 đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hưng Yên đến năm 2030; quy hoạch phân khu đô thị nhà ở diện tích 62,5 ha; 22 quy hoạch chi tiết xây dựng với tổng diện tích 291,2 ha; 1 quy hoạch khu công nghiệp diện tích 150ha; quy hoạch cụm công nghiệp tổng diện tích 319,66ha.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 19 cũng xác định, trong nhiệm kỳ 2020-2025 tỉnh Hưng Yên tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông, với mục tiêu: Cơ bản đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch các công trình giao thông trọng điểm có vai trò động lực phát triển kinh tế, công trình tăng tính kết nối với thủ đô Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình và các tỉnh trong khu vực. Phát triển giao thông đô thị và giao thông nông thôn tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, thông suốt. Hưng Yên cũng xác định những lợi thế, tiềm năng về các lĩnh vực: Du lịch, công nghiệp, dịch vụ... của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh đang nỗ lực xây dựng các khu Tổ hợp Đô thị - Thương mại - Dịch vụ; trong đó phải kể đến khu đô thị Ecopark với diện tích 500ha, khu đại học Phố Hiến với diện tích 1000ha và khu đô thị Mỹ Hào. Việc hoàn thành các khu tổ hợp đô thị - thương mại - dịch vụ này sẽ đưa tỉnh Hưng Yên trở thành trung tâm kinh tế, sôi động bậc nhất trong khu vực.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1070/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp sạch tại huyện Khoái Châu và Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Theo đó, diện tích sử dụng đất của dự án là 143,08 ha tại địa phận xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu và xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi. Với tổng mức đầu tư là 1.788,59 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 357,718 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được bàn giao đất. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư. Liên doanh các nhà đầu tư Dự án gồm: Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Tập đoàn Phát triển hạ tầng và đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài, Công ty Xây dựng KBI và Ngân hàng Shinhan.

Sau 25 năm tái lập tỉnh, Hưng Yên có thể tự hào về những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; nền kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển khá toàn diện. Hưng Yên ngày nay với những khu đô thị, khu công nghiệp khang trang, hiện đại đang được xây dựng và hình thành; cùng với truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường và trí tuệ của người dân Hưng Yên đã trở thành tiền đề quan trọng, tạo thế và lực để Hưng Yên vững bước trên con đường hội nhập, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Dư vị khó quên trên vùng đất nhãn

Là du khách ngoại tỉnh, dù đã nhiều lần về tham quan, khám phá vùng đất phố Hiến xưa, nhưng lần nào rời mảnh đất thanh bình ấy, chúng tôi cũng hẹn nhau sớm trở lại. Trong vô vàn lý do để trở lại vùng đất này, có một lý do là Hưng Yên cách thủ đô Hà Nội không xa, có khả năng liên kết với tuyến du lịch từ Hà Nội qua Hưng Yên, Hải Dương đi Hải Phòng, Quảng Ninh... Đây là một lợi thế quan trọng, nếu triển khai tốt và có sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh lân cận sẽ tạo nên những tuyến du lịch hấp dẫn.

Ngoài ra, lý do thuyết phục chúng tôi sớm trở lại vùng đất này chính là những đặc sản độc đáo của Hưng Yên mà chúng tôi đã “phải lòng” sau mỗi lần thưởng thức.

Nếu không tin, du khách hãy một lần thưởng thức món bún thang lươn Phố Hiến. Cũng giống như bún thang Hà Nội, món ăn đậm hương vị đồng quê này được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau như giò lụa, trứng rán, thịt ba chỉ, bún… nhưng vẫn sở hữu điểm khác biệt đó là ở phần thịt lươn xào lạ miệng. Bún thang lươn như một bức tranh muôn màu bởi nền trắng của bún, màu vàng của trứng gà, màu nâu vàng của lươn, màu trắng ngà của giò lụa, màu vàng béo của thịt ba chỉ kết hợp với màu xanh của rau răm, hành lá. Tất cả được kết hợp với nhau một cách thật hài hòa, tạo nên một thức quà tuyệt hảo mà ít món ăn nào có được. Vì thế mà những người con Hưng Yên có dịp trở về thăm quê hay những du khách thập phương đều mong muốn tìm đến thưởng thức hương vị đậm đà của bún thang lươn Phố Hiến, niềm tự hào của người Hưng Yên mỗi khi nhắc đến đặc sản của quê mình.

  • Đặc sản bún thang lươn

Cùng với bún thang lươn Phố Hiến, Hưng Yên còn nổi tiếng với món canh cá rô đồng, món ăn đậm chất hương đồng gió nội với hương vị đậm đà khó quên. Chỉ cần đi dọc tuyến đường từ Kim Động xuôi về thành phố Hưng Yên, du khách sẽ thấy các quán canh cá rô đồng mọc san sát nhau, quán nào cũng đông khách ra vào mỗi buổi sáng. Canh cá rô đồng được chế biến từ những nguyên liệu dân dã, đó là những miếng cá rô đồng chiên giòn béo ngậy, óng vàng sắc nghệ, đậu phụ chiên nóng hổi, chút dịu mát và cái hăng hăng của cải ngọt cùng phần nước dùng ngọt thanh. Chỉ vậy thôi cũng đủ làm níu chân thực khách mỗi khi có dịp ghé thăm.

Canh cá rô

Chưa hết, du khách sẽ như bị “bỏ bùa” khi thưởng thức món gà Đông Tảo. Đó là một giống gà quý chỉ sinh sống tại huyện Khoái Châu. Loài gà này khá khó nuôi bởi nó đòi hỏi sự cẩn thận, kỳ công trong công đoạn chăm sóc và chẳng lạ gì khi nó được xem là thứ đặc sản Hưng Yên có một không hai. Gà Đông Tảo có điểm nhận dạng rất nổi bật với đôi chân to, sần sùi vô cùng dũng mãnh. Thịt gà Đông Tảo có mùi vị đặc trưng không hề giống với bất cứ loại gà thông thường nào khác nên được thực khách rất ưa chuộng. Rất nhiều món ăn được chế biến từ loại gà này như gà luộc, xôi gà, gà nướng,… tuy nhiên, cái hồn của món gà Đông Tảo nằm ở cặp chân. Chân gà hầm thuốc Bắc, cắn một miếng thịt mềm nhưng vẫn giòn sừn sựt chứ không bở và béo như chân gà thường. 

  • Đặc sản gà Đông Tảo

Người Hưng Yên còn tự hào với đặc sản cá mòi. Ở Hà Nội, cứ vào cữ tháng hai, tháng ba âm lịch, chúng tôi lại tìm về Hưng Yên để được thưởng thức món đặc sản hấp dẫn này. Cá mòi Hưng Yên con nào cũng béo và còn nguyên buồng trứng, khi ăn có vị thơm ngậy khó cưỡng nên ai đã một lần nếm thử hẳn khó có thể quên được. Cách chế biến cá mòi hết sức đơn giản, không cầu kì mà có thể nấu được rất nhiều món ăn như: Rán, băm chả, kho, nướng,... và du khách có thể thoải mái lựa chọn tùy theo sở thích và khẩu vị riêng của mình. 

  • Đặc sản cá mòi

Đấy là vài thứ đặc sản tạm đếm trên đầu ngón tay, ở Hưng Yên có tới hơn chục đặc sản thú vị nữa mà người viết không muốn “làm khó” cho dạ dày của người đọc. Chỉ xin nhắc tới một thức quà không thể thiếu và là niềm tự hào của người dân đất nhãn, đó là đặc sản nhãn lồng, một đặc sản từ lâu đã trở thành thương hiệu độc quyền mang nét đặc trưng và là niềm tự hào của tỉnh Hưng Yên. Tuy ngày nay có rất nhiều nơi trồng được nhãn, trong đó có những địa phương có cùng điều kiện khí hậu, cùng thổ nhưỡng nhưng chỉ có nhãn lồng Hưng Yên mới có được hương vị thơm ngon nổi tiếng mà không địa phương nào có được.

Tháng 7, tháng 8 hằng năm là mùa nhãn chín rộ, tháng 9 là mùa nhãn muộn. Thế nên, nếu đến Hưng Yên vào dịp ấy, đi trên đường, ai cũng có thể chạm tay vào những chùm nhãn to tròn, bóng mịn, nặng trĩu. Rồi khi nếm thử, du khách sẽ mê mẩn bởi hương vị ngọt thơm, giòn dai đậm đà ăn mãi mà không biết chán.

Đến với Hưng Yên vào dịp ấy, đi trên đường, ai cũng có thể chạm tay vào những chùm nhãn to tròn, bóng mịn, nặng trĩu

  • Chè sen long nhãn

Thành ngữ có câu “miếng ngon nhớ lâu”, quả thực, du khách khó có thể cưỡng lại được những đặc sản độc đáo của vùng đất, con người Hưng Yên. Vì thế, khi đặt chân đến vùng đất nhãn, trong hành trình khám phá vùng đất thanh bình, chúng tôi không quên dành thời gian để thưởng thức những đặc sản độc đáo của riêng Hưng Yên, thưởng thức để cảm nhận rõ hơn nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của vùng đất phố Hiến xưa. Chúng tôi vẫn hẹn nhau rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhịp sống trở lại bình thường, mảnh đất Hưng Yên vẫn còn rất nhiều những điều thú vị để thôi thúc chúng tôi sớm trở lại để tìm hiểu, khám phá.

                                                   Bài và ảnh: KHÔI NGUYÊN

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.