Hướng tới những đô thị xanh ven biển bền vững tại Việt Nam

​MTXD - Tóm tắt: Trong xu hướng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường hiện nay, việc lựa chọn hướng xanh cho các đô thị ven biển để phát triển và liên kết kinh tế là yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương có biển. Điều đó sẽ giúp các tỉnh phát huy tối đa được nguồn lực về tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ... của địa phương.

MTXD - Tóm tắt: Trong xu hướng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường hiện nay, việc lựa chọn hướng xanh cho các đô thị ven biển để phát triển và liên kết kinh tế là yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương có biển. Điều đó sẽ giúp các tỉnh phát huy tối đa được nguồn lực về tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ... của địa phương. Dải đất ven biển Việt Nam trải dài là sự đa dạng về lịch sử hình thành, phong phú về địa hình và môi trường, khí hậu tự nhiên, xã hội nên cũng tạo ra rất nhiều các khu vực có đặc trưng văn hóa khác biệt.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra quốc tế của các địa phương có biển. Kinh tế biển vẫn còn nhỏ bé về quy mô, còn bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề. Các đô thị biển phát triển thiếu định hướng không khai thác được thế mạnh là những đầu tàu của kinh tế biển.

 Từ khóa: Bền vững văn hóa ; Đô thị xanh ven biển, Giá trị bản địa, Kinh tế biển, Nhà cao tầng ven biển

  1. Đặt vấn đề

 Là quốc gia ven biển, Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km, với trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, như: giao thông vận tải biển; khai thác và chế biến khoáng sản; khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển... đặc biệt các đô thị ven biển có thể coi là những cực phát triền kinh tế biển.

 Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong phát triển kinh tế biển từ khi thực hiện Chiến lược Biển Quốc gia từ năm 2008. Tuy nhiên, Việt Nam chưa phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra quốc tế của các địa phương có biển, kinh tế biển vẫn còn nhỏ bé về quy mô, còn bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề. Điều đáng chú ý là việc phát triển kinh tế biển chưa gắn với liên kết kinh tế vùng, chưa tạo thành được chuỗi kết nối giữa các địa phương có biển và các địa phương khác, do vậy chưa tạo ra mối liên kết kinh tế, phát huy được lợi thế so sánh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Các đô thị biển phát triển thiếu định hướng không khai thác được thế mạnh là những đầu tầu của kinh tế biển [1].

Trong quá trình khai thác, xây dựng, phát triển kinh tế biển của các địa phương có biển đã bộc lộ nhiều bất cập của việc thiếu sự liên kết các đô thị biển trong quá trình đó, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Gắn kết kinh tế vùng còn thiếu đồng bộ làm cho kinh tế biển không thực sự trở thành động lực và tác động lan toả đến các lĩnh vực khác.

 2.Thực trạng đô thị biển Việt Nam

Đô thị ven biển được xem là các cực mũi nhọn phát triển kinh tế biển. Trong xu hướng liên kết kinh tế và hợp tác hiện nay, việc lựa chọn các đô thị ven biển để phát triển và liên kết kinh tế là yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương có biển, điều đó sẽ giúp các tỉnh, vùng tiết kiện được nguồn lực về tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ... của địa phương. Hơn nữa, cần phải tập trung nguồn lực cho các đô thị ven biển, nhằm tạo sự đột phá mạnh và sức lan tỏa rộng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các đô thị biển đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch chung nhưng cũng mới chỉ giải quyết được vấn đề tổ chức mặt bằng tổng thể, phân khu chức năng, các hướng phát triển… mà chưa đề xuất được không gian kiến trúc, đặc biệt là trên các mặt tiền tuyến ven biển, các quy định về tầng cao trung bình và các chỉ tiêu chủ yếu của đô thị hướng biển. Các dự báo về quy mô dân số và dự kiến phân bổ dân số cho từng khu vực chưa hợp lý, chưa đủ cơ sở làm tiền đề cho việc nghiên cứu các vấn đề phát triển đô thị liên quan. Quy hoạch chi tiết chạy đua theo phong trào khai thác chia lô, chiếm lĩnh toàn bộ không gian đô thị. Tổ chức môi trường ở còn ỉ lại các khu vực tự nhiên mà quên đi việc cải thiện môi trường, không gian tại các khu đô thị. Những vành đai huyết mạch ven biển chưa có cơ hội kết nối sâu trong đất liền nên chưa phát huy hết các yếu tố gợi mở của biển. Và, thực tế hiện nay có rất nhiều ý kiến tranh cãi về cách phát triển của đô thị này. [5]

“Bức tường cao ốc” trên đường Trần Phú (Nha Trang) - Ảnh: Tiến Thành

Cơn sốt “bất động sản du lịch” đã tạo được cơ hội tốt cho việc phát triển quy hoạch - kiến trúc các đô thị ven biển Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời cũng nảy sinh những vấn đề gây tranh cãi về những lợi thế và bất cập của việc xây dựng nhà cao tầng ven biển.

Trong các đô thị hiện đại không thể thiếu hình ảnh của các tòa nhà cao tầng, có lẽ đô thị biển cũng vậy. Có thể nói các tòa nhà cao tầng có tác động tích cực về môi trường đô thị như là tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm lưu lượng giao thông và lượng khí thải carbon dioxide... [6]

Nhà cao tầng ven biển có những lợi thế về tạo dựng cảnh quan hiện đại, về quảng bá thương hiệu và hưởng lợi từ các tài nguyên thiên nhiên như nắng, gió, tầm nhìn, không khí trong lành… Chúng luôn được các nhà đầu tư du lịch cũng như các nhà quy hoạch kiến trúc tận dụng. Một ví dụ thành công của nhà cao tầng ven biền là Marina Bay ở Singapore, nhưng Singapore lại là một trường hợp đất chật, bãi biển không đẹp hoàn toàn toàn khác so với các đô thị biển Việt Nam. Singapore đã từng bỏ tiền mua cát ở biển miền Trung Việt Nam đổ cho những bãi biển của họ.

Bên cạnh lợi thế luôn là những bất cập, trước hết nhà cao tầng thích hợp với các đô thị nén nhiều hơn so với đô thị biển, bởi đô thị biển thường là không gian nghỉ dưỡng du lịch với nhiều yếu tố thiên nhiên thoáng đãng, mật độ xây dựng thấp hơn. Vì vậy khi đưa một khối tích công trình lớn như các nhà cao tầng vào khung cảnh đô thị biển sẽ gây tác động mạnh tới cảnh quan đô thị, ảnh hưởng đến phân bố mật độ đô thị và thông gió đô thị. Việc xây dựng một ngôi nhà cao tầng trong một khu vực đô thị sẽ là một biến động lớn về mật độ xây dựng. Do đó số lượng và sự phân bố nhà cao tầng trong qui hoạch phát triển đô thị cần hết sức cẩn trọng nếu không nó sẽ dẫn đến sự quá tải hạ tầng đô thị và phá vỡ trạng thái cân bằng gây ra nhiều bất ổn về môi trường, kinh tế và xã hội. Với chiều cao và diện mặt đứng lớn, nhà cao tầng sẽ che chắn ánh mặt trời tạo ra nhiều vùng bóng đổ, làm thay đổi chuyển động không khí tác động đến các vùng tiểu khí hậu đô thị. [6] Những “dãy tường cao ốc” ven biển sẽ che hết gió mát, nắng và gây ra ô nhiễm “tầm nhìn biển” của phần đô thị biển phía sau.

 Bức tường đang được dựng lên tại bờ biển thành phố Đà Nẵng (nguồn Sài Gòn giải phóng Online)

Trên thế giới có nhiều cách đánh giá và các tiêu chí khác nhau để xác định một đô thị xanh bền vững. Tuy nhiên, trong “Hiệp định Thành phố Môi trường của Liên Hiệp Quốc năm 2005”, một chương trình hành động được đưa ra bao gồm 7 nội dung được xem là tiền đề của các tiêu chí của đô thị xanh sau này, đó là:

1. Năng lượng: Tăng cường sử dụng Năng lượng tái tạo; Ứng phó với Biến đổi khí hậu;

2. Giám chất thải: Thành phố không chất thải; Nêu cao trách nhiệm của nhà sàn xuất, trách nhiệm của người tiêu dùng;

3. Thiết kế thành phố: Công trình Xanh; Quy hoạch đô thị xanh; Giải quyết nhà ổ chuột;

4. Thiên nhiên của thành phố: Công viên, vườn hoa; Phục hồi nơi sinh cư của các loài động vật đặc biệt là động vật hoang dã;

5. Giao thông vận tải: Giao thông công cộng; Phương tiện giao thông sạch; Giảm tắc nghẽn;

6. Sức khỏe môi trường: Giảm khói bụi, chất độc; Hệ thống thực phẩm an toàn sức khỏe; Không khí trong sạch;

7. Nước: Cấp nước hiệu quả; Bảo tồn nguồn nước; Giảm thiểu nước thái [7] Xét trên những tiêu chí của đô thị xanh, những đô thị ven biển Việt Nam có những lợi thế và nhiều tiềm năng. Tuy nhiên có thể thấy nhiều thách thức đang đặt ra đòi hỏi đô thị ven biển Việt Nam phải thay đổi để hướng tới những mục tiêu bền vững hơn.

3. Hướng đi nào cho các đô thị ven biển Việt Nam?

Tăng trưởng xanh đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia trong giai đoạn hiện nay nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, xu thế này được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Chiến lược tăng trưởng xanh là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến kinh tế xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh đã trở đường hướng phát triển ở Việt Nam hiện nay. [2]

 Bên cạnh đó, ngành công nghiệp không khói (smokeless industry) là tên gọi khác của ngành du lịch đã và đang có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu: đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp hơn 10% GDP, giá trị xuất khẩu từ du lịch đạt hơn 20 tỷ USD và chính thức trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Với lợi thế bờ biển dài nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa đặc sắc… loại hình đô thị du lịch nghỉ mát và sinh thái là phù hợp và đặc trưng trong hệ thống đô thị biển Việt Nam [10]

 Công cuộc xanh hóa các đô thị biển hoàn toàn mang tính khả thi. Cần xác lập quan niệm, tiêu chí tương thích, nhất là mô hình chuyển đổi một đô thị biển đơn thuần sang đô thị xanh ven biển một cách tổng thể trên nền tảng của những thế mạnh tự nhiên đặc trưng riêng của từng khu vực. Biến đổi khí hậu có những tác động mạnh mẽ đối với đô thị ven biển. Cần có các biện pháp phòng chống và ứng phó với biến đổi khí hậu như đưa ra các dự báo sớm về mực nước biển dâng hay thiên tai… với độ chính xác cao.

Về nhà cao tầng, trước hết cần chú ý những đặc trưng của nhà cao tầng ven biển để có giải pháp quy hoạch - kiến trúc thích hợp. Như vậy rõ ràng là khi sử dụng kiến trúc cao tầng ven biển cần chú ý tới những điều kiện và yêu cầu khác với kiến trúc cao tầng thông thường, trước hết ở khâu quy hoạch và kiến trúc, tiếp theo là những vấn đề về kỹ thuật, về môi trường và biến đổi khí hậu, về vật liệu xây dựng và kỹ thuật thi công trong điều kiện xâm thực biển… rất cần có các nghiên cứu chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu cấp thiết này. Cần rà soát điều chỉnh các dự án ven biển có yếu tố cao tầng về tỷ trọng, mật độ, kích thước của nhà cao tầng, cần chú ý khai thác các lợi thế tự nhiên của biển địa phương, tạo được các đô thị du lịch biển có bản sắc riêng, không nên chạy đua theo các kỷ lục và không cần lấy nhà cao tầng để làm biểu tượng địa phương. Quy mô và phong cách kiến trúc cao tầng rất cần hài hòa với tầm vóc và bản sắc của từng đô thị biển khác nhau, và chỉ nên dùng trong trường hợp cần thiết tạo điềm nhấn đô thị. [3]

Phát triển kinh tế biển trong đó có du lịch nghỉ dưỡng là con đường tất yếu của Việt Nam, tuy nhiên rất cần hài hòa và đồng bộ giữa phát triển thị trường bất động sản với phát triển đô thị, không nên đầu tư quá ồ ạt mà cần khai thác và giữ gìn các tiềm năng du lịch của địa phương, sử dụng một cách hợp lý và thông minh nhất tài nguyên du lịch tự nhiên đã được thế giới đánh giá cao.

Trong chuỗi phát triển của các đô thị ven biển đều cần phải thực hiện đồng thời và tổng thể trên ba phương diện:

 - Thứ nhất, khai thác không gian biển, thiên nhiên biển (mặt biển, dưới biển, bầu trời trên biển….);

- Thứ hai, khai thác vùng bờ biển, cảnh quan ven biển (các cảng biển, bãi biển, khu kinh tế ven biển….);

 - Thứ ba, các lĩnh vực "hậu cần, kết nối" và “thị trường” cho kinh tế biển (vận tải biển, dịch vụ biển, chế biến sản phẩm khai thác biển, khoa học công nghệ, kết nối du lịch biển với tuyến du lịch đất liền, thị trường cho đầu ra của sản phẩm khai thác từ biển...). [8] Không gian kiến trúc cảnh quan đô thị chịu nhiều tác động lớn nhất khi xây dựng các công trình cao tầng ven biển. Các công trình cao tầng ven biển là điểm nhấn của đô thị, tạo sức hút mạnh mẽ đối với du lịch địa phương. Quá trình phát triển nhà cao tầng cần chú trọng phát triền hạ tầng đồng bộ kèm theo, chú trọng giữ gìn bản sắc đặc trưng của môi trường tự nhiên của địa phương. Việc xây dựng nhà cao tầng ven biển là một xu thế của nền kinh tế du lịch biển, tuy nhiên cần được áp dụng một cách thận trọng. Cách sử dụng kiến trúc cao tầng ở các đô thị biển cần hướng đến tối ưu hóa cảnh quan, không gian và nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách du lịch. [4] Cần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định riêng cho nhà cao tầng ở ven biển. Các công trình cao tầng phải đảm bảo xây dựng đúng theo quy hoạch, đảm bảo được đủ diện tích công cộng, đất cây xanh cho khu vực ven biển.

 HOÀNG MẠNH NGUYÊN*

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Anh Tuấn (2017), “Nghiên cứu một số định hướng phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế.

2. TS. Nguyễn Thị Thanh Tâm - Khoa Kinh tế chính trị, “Tăng trưởng xanh tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra”, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực 1.

3. TS. Trịnh Hồng Việt - Đại học Xây dựng miền Trung, Những lợi thế và bất cập của kiến trúc cao tầng tại các đô thị ven biển Nam Trung Bộ.

4. PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Nhà cao tầng ven biển - thực trạng và giải pháp

5. Nguyễn Cửu Loan - Tổng thư ký Hội QHPTĐT Đà Nẵng, Không gian kiến trúc đô thị biển Đà Nẵng trong mối tương quan với nhu cầu phát triển về đô thị.

6. Hoàng Mạnh Nguyên, Mô hình đô thị nén bền vững và thách thức trong phát triển nhà cao tầng tại Việt Nam - Tạp chí QuY hoạch Việt Nam.

 7. Đô thị xanh - Nguyễn Xuân Hải, Ủy viên chấp hành, thành viên Ban Tư vấn - Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

8. Kỷ yếu Hội thảo Kiến trúc xanh - Tương lai xanh, Viện Kiến trúc nhiệt đới - 2011.

9. Hội thảo “Nhà ở cao tầng Xanh” - Tuần lễ kiến trúc xanh 2019, Viện Đô thị xanh Việt Nam.

* PGS.TS, Viện KHCN Đô thị xanh, email: hmnguyen68@gmail.com.

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.