Huy động các nguồn lực tài chính để phát triển đô thị bền vững ở tỉnh Kiên Giang

MTXD - Tóm tắt: Phát triển đô thị bền vững đang là một xu thế mạnh mẽ trên thế giới. Phát triển đô thị ở tỉnh Kiên Giang trong bối cảnh mới cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên để phát triển đô thị bền vững, cần phải đảm bảo nhiều yếu tố tổng hợp trong đó có nguồn lực tài chính đóng vai trò hết sức quan trọng. Bài viết xem xét thực trạng phát triển đô thị và huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị theo hướng bền vững của tỉnh Kiên Giang.

MTXD - Tóm tắt: Phát triển đô thị bền vững đang là một xu thế mạnh mẽ trên thế giới. Phát triển đô thị ở tỉnh Kiên Giang trong bối cảnh mới cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên để phát triển đô thị bền vững, cần phải đảm bảo nhiều yếu tố tổng hợp trong đó có nguồn lực tài chính đóng vai trò hết sức quan trọng. Bài viết xem xét thực trạng phát triển đô thị và huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị theo hướng bền vững của tỉnh Kiên Giang. Bài viết chỉ ra một số hạn chế và nguyên nhân trong huy động các nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển đô thị bền vững ở Kiên Giang. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp để huy động nguồn lực tài chính cho đầu tưphục vụ phát triển đô thị bền vững ở Kiên Giang.

Từ khóa: Bền vững; Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Đô thị; Kiên Giang.

  1. Đặt vấn đề

Tương lai của loài người sẽ chủ yếu là ở thành phố. Vào năm 2050, Liên hiệp quốc dự báo có trên 2/3 dân số thế giới sẽ di chuyển đến làm việc, học tập và sinh sống ở các thành phố [18]. Do đó, khi bàn đến các vấn đề bền vững thì không thể không bàn tới các vấn đề phát triển bền vững đô thị. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở nhiều quốc gia trên thế giới đang kèm theo nhiều vấn đề ở các thành phố như sức ép dân số đến cơ sở hạ tầng đô thị và các dịch vụ xã hội. Các vấn đề khác như tình trạng ô nhiễm môi trường, gia tăng phát thải khí nhà kính và các vấn đề tiếp cận các dịch vụ xã hội cũng là vấn đề lớn ở nhiều thành phố. Để giải quyết các vấn đề đó, bên cạnh chính sách, thể chế, lập quy hoạch, việc huy động nguồn vốn để tập trung phát triển đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu có vai trò rất quan trọng.

Ở Việt Nam cũng vậy, đô thị hóa đang phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần kinh tế cũng góp phần đáng kể cho sự phát triển đô thị. Theo các chuyên gia, để đáp ứng mục tiêu phát triển hạ tầng đô thị, các tổ chức tài trợ quốc tế tính toán lượng vốn đầu tư vào hạ tầng cơ sở đô thị lên tới hàng chục tỷ USD, chiếm trung bình 20% tổng GDP của quốc gia. Theo Bộ Xây dựng, để đáp ứng các mục tiêu mà Việt Nam đặt ra đối với phát triển hạ tầng đô thị từ năm 2006 đến 2020, các tổ chức tài trợ quốc tế tính toán lượng vốn đầu tư vào hạ tầng cơ sở đô thị đã lên tới hàng chục tỷ đô la Mỹ (USD), chiếm khoảng 15% đến 20% tổng GDP của Việt Nam, Cụ thể, năm 2010 đầu tư khoảng 18 tỷ USD, đến năm 2020 khoảng 46 tỷ USD [3].

Bên cạnh vốn đầu tư từ ngân sách vốn hạn hẹp, rất cần bổ sung nguồn lực tài chính ngoài nhà nước và đầu tư của nước ngoài. Do đó, nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Điều này đến lượt nó đòi hỏi phải tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc các nguồn vốn quốc tế cho phát triển đô thị bền vững, với các cơ chế ưu đãi hợp lý.

Thông qua xem xét kinh nghiệm thực tiễn huy động đầu tư cho phát triển đô thị trên thế giới và Kiên Giang, bài viết có mục tiêu đề xuất các giải pháp huy động các nguồn lực tài chính để phát triển đô thị theo hướng bền vững ở tỉnh Kiên Giang. Bài viết dùng cách tiếp cận định tính và sử dụng phương pháp phân tích thống kê, tổng hợp, phân tích so sánh. Bài viết sử dụng các dữ liệu thứ cấp từ những nguồn tư liệu của tỉnh Kiên Giang.

  1. Một số vấn đề chung

Đô thị bền vững (sustainable citiy) và phát triển đô thị bền vững đã được đề cập ở nhiều văn bản và các nghiên cứu khác nhau. Mục tiêu thứ 11 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững - SDG 2030 - mà Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đưa ra là “Thành phố và cộng đồng bền vững” với nội dung là phát triển các thành phố và khu dân cư thành một nơi bao quát, an toàn, tiến bộ và bền vững [20]. Điều này cho thấy phát triển đô thị bền vững có vai trò rất quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của thế giới. Theo Timothy F. Slaper và cộng sự (2011), đô thị bền vững là đô thị được thiết kế có cân nhắc đến các khía cạnh xã hội, kinh tế, môi trường và có môi trường sống linh hoạt cho các cư dân hiện tại, mà không ảnh hưởng đến khả năng trong tương lai các thế hệ tiếp theo [25]. Mega và cộng sự (1998) cho rằng bản chất của phát triển thành phố bền vững là một thành công trong việc cân bằng kinh tế và môi trường thông qua các quá trình có sự tham gia tích cực của dân cư [22]. Một thành phố bền vững được tổ chức để cho mọi công dân được đáp ứng nhu cầu và nâng cao phúc lợi của họ, mà không làm tổn hại đến môi trường tự nhiên hoặc gây nguy hại cho điều kiện sống của những người khác, bây giờ và trong tương lai [21]. Một khía cạnh rất quan trọng được nhấn mạnh liên quan đến việc đạt được phát triển đô thị bền vững ở các thành phố được Burgess, R và cộng sự (2000) nhắc đến là phải tuân thủ nguyên tắc các nguồn lực không vượt quá khả năng môi trường của nó, công bằng, thúc đẩy công bằng xã hội [17]. Một số học giả châu Âu cũng có quan điểm khá tương đồng về đô thị phát triển bền vững khi định nghĩa “phát triển đô thị bền vững là mang lại các dịch vụ môi trường, xã hội và kinh tế cơ bản cho tất cả cư dân mà không đe dọa đến khả năng tồn tại của các hệ thống tự nhiên, xây dựng và xã hội mà trên đó của những dịch vụ này phụ thuộc” [19].

Ở Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu đề cập đến phát triển đô thị bền vững. Nguyễn Thị Hoa (2014) cho rằng phát triển đô thị bền vững đây là một quá trình tất yếu khách quan, là quá trình phát triển của đô thị gắn liền với cả nền kinh tế, tuy nhiên bản thân nó sẽ chứa đựng cả 2 mặt tích cực và tiêu cực. Vì vậy, quản lý và định hướng để Phát triển đô thị bền vững là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để vượt quan được những vấn đề thách thức trong quá trình thực hiện phát triển một hệ thống đô thị bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường [4]. Đào Hoàng Tuấn và cộng sự (2009) đã hệ thống lại đô thị bền vững là quá trình phát triển với quan niệm đầy đủ là khi nó đạt được sự thống nhất trong một khuôn khổ bền vững cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường, nhằm nâng cao chất lượng sống của thế hệ hiện tại mà không làm ảnh hưởng tới các nhu cầu phát triển của thế hệ tương lai. Khuôn khổ đó phải thể hiện thống nhất giữa kế hoạch, qui hoạch, quản lý phát triển và hành động thực hiện với sự đồng thuận của mọi thành phần xã hội: nhà nước, tư nhân, cộng đồng; mọi cấp độ: địa phương, thành phố và quốc gia [10].

Về tiêu chí của đô thị bền vững, Cơ quan môi trường Châu Âu đã đưa ra hệ thống các tiêu chí đánh giá theo cách tiếp cận phát triển bền vững của một đô thị gồm 15 chỉ tiêu: i) Phát thải CO2 bình quân đầu người từ tiêu thụ năng lượng; ii) Hiệu quả năng lượng trong giao thông; iii) Hiệu quả sử dụng năng lượng sinh hoạt; iv) Hiệu quả sử dụng nước đô thị; v) Cường độ phát thải; vi) Tái chế; vii) Chuyển đổi đất đô thị; viii) Tiếp cận không gian xanh; ix) Mật độ NO2; x) Mật độ PM10; xi) Tỷ lệ thất nghiệp; xii) Hiệu quả sử dụng đất; xiii) Chiều dài mạng lưới giao thông công cộng; xiv) Đăng ký ô tô; xv) GDP bình quân đầu người. Ngoài ra, còn có Bộ chỉ tiêu thành phố xanh Châu Âu, tập trung các lĩnh vực chủ yếu liên quan đến môi trường bền vững, đặc biệt tập trung vào yếu tố năng lượng và phát thải CO2 chứ không tập trung vào yếu tố xã hội như sức khỏe, hạnh phúc hay chất lượng cuộc sống, theo 08 nhóm chính; i) CO2, ii) Năng lượng; iii) Công trình; iv) Giao thông; v) Nước; vi) Sử dụng đất và chất thải; vii) Chất lượng không khí; viii) Chính sách môi trường.

Trung Quốc đưa ra bộ chỉ tiêu bao gồm 5 nhóm chính với 16 tiêu chí cụ thể: i) Nhu cầu thiết yếu (tỷ lệ tiếp cận cấp nước, không gian sống, bác sĩ, tỷ lệ giáo viên - học sinh); ii) Hiệu quả năng lượng (tiêu thụ điện, tiêu thụ nước sinh hoạt, tái chế chất thải công nghiệp, công nghiệp nặng); iii) Môi trường sạch (Mật độ SOx, NOx, PM10; tỷ lệ xử lý nước thải; tỷ lệ thu gom chất thải); iv) Môi trường xây dựng (Mật độ xây dựng, giao thông công cộng); v) Cam kết phát triển bền vững (số lượng chuyên gia môi trường, quỹ môi trường).

Ở Việt Nam Nhà nước đã ban hành Bộ chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh [3], theo đó có 24 chỉ tiêu được chia thành 4 nhóm: i) Nhóm chỉ tiêu kinh tế (gồm 5 chỉ tiêu nhằm đánh giá hiệu quả tăng trưởng kinh tế về sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị); ii) Nhóm chỉ tiêu môi trường (gồm 10 chỉ tiêu nhằm đánh giá về chất lượng môi trường và cảnh quan đô thị, mức độ áp dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, xả thải, phát thải khí nhà kính trong phát triển đô thị); iii) Nhóm chỉ tiêu xã hội (gồm 4 chỉ tiêu nhằm đánh giá về hiệu quả nâng cao chất lượng và điều kiện sống của người dân đô thị); iv) Nhóm chỉ tiêu thể chế (gồm 5 chỉ tiêu nhằm đánh giá về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền đô thị đối với công tác xây dựng đô thị tăng trưởng xanh).

Một số nghiên cứu còn đưa thêm Bộ chỉ số đô thị chống chịu với BĐKH (khá tương đồng với các Bộ chỉ tiêu phát triển đô thị bền vững) dùng để đo lường khả năng chống chịu của đô thị, bao gồm các tiêu chí cụ thể: i) Nhóm sức khỏe và phúc lợi: Giảm thiểu nguy cơ tổn thương, đa dạng môi trường sống và lao động, đảm bảo an toàn sức khỏe và sinh mạng; ii) Nhóm kinh tế và xã hội: hỗ trợ lẫn nhau và tính tập thể, an ninh và ổn định xã hội, quản lý tài chính và ổn định kinh tế; iii) Nhóm môi trường và hạ tầng: Giảm rủi ro vật thể, đảm bảo dịch vụ trọng yếu liên tục, giao thông và thông tin liên lạc tin cậy; iv) Nhóm chiến lược và lãnh đạo: Quản lý và lãnh đạo hiệu quả, trao quyền cho các bên liên quan, quy hoạch phát triển tích hợp [2].

Trên thế giới nhiều quốc gia lựa chọn các giải pháp huy động khác nhau nhưng tựu trung lại bao gồm hai kênh chính là phát hành trái phiếu và huy động vốn theo mô hình hợp tác công - tư (PPP) cho các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dự án cung cấp dịch vụ công ích, thương mại, giải trí, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, môi trường (cấp nước, thoát nước, xử lý rác…) để phục vụ phát triển đô thị. Một số quốc gia phát triển thấp dựa nhiều vào nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (Official Development Assistance - ODA). Nguồn vốn này thường có những đóng góp quan trọng cho quá trình ban đầu của phát triển kinh tế - xã hội nhưng khi các quốc gia đã phát triển hơn, nguồn vốn ODA vừa bị giảm vừa đóng vai trò kém quan trọng hơn.

Loại hình đối tác công - tư (PPP) PPP là một cơ chế nhằm gia tăng sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng. Để huy động nguồn lực cho phát triển đô thị hình thức PPP hầu như là loại hình phổ biến nhất. Nhiều nước đang phát triển (ví dụ Ấn Độ) đã sử dụng loại hình PPP khá tốt trong huy động nguồn lực cho phát triển đô thị. Bằng cách xây dựng hệ thống chính sách và thể chế hóa PPP, thành phần kinh tế tư nhân được khuyến khích tham gia vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển đô thị và kênh huy động vốn này đã tỏ ra có hiệu quả đáng kể.

Kể từ khi xuất hiện vào năm 1993 đến nay, ODA đã hỗ trợ xây dựng và phát triển một số ngành và lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam. ODA đã có vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở kết cấu hạ tầng và phát triển hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, từ những năm 2010 trở đi, Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, nguồn ODA dần dần bị giảm đi, Việt Nam được coi “tốt nghiệp ODA” và do đó vai trò của ODA cũng bị giảm.

Trong khi đó, theo Báo cáo Triển vọng Cơ sở hạ tầng Toàn cầu (Global Infrastructure Outlook), Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ đô la để có thể đạt được các mục tiêu cơ sở hạ tầng vào năm 2040. Trong bối cảnh nợ công tiệm cận mức trần 65% GDP, khả năng vay vốn từ các ngân hàng phát triển đa quốc gia bị hạn chế, Việt Nam cần phải huy động các dòng đầu tư mới. Do những hạn chế về ngân sách hiện tại, ước tính hơn 50% kinh phí cần thiết sẽ đến từ khu vực tư nhân. Để có thể khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân đòi hỏi phải có môi trường đầu tư thuận lợi, cũng như điều kiện để nhà đầu tư đạt được mức lợi nhuận phù hợp với rủi ro. Điều này đòi hỏi phải có những chính sách và cơ sở pháp lý nhằm tạo ra một nền tảng nhất quán và bền vững cho quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư nhân.

Việt Nam đã bắt đầu chú ý đến hình thức huy động vốn ngoài Nhà nước thông qua quan hệ đối tác công tư dưới các hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT từ khá sớm - cuối những năm 1990. Năm 1997 Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/ND-CP về hình thức BOT áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước và Nghị định 62/1998/ND-CP về hình thức BOT-BTO-BT áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngày 11 tháng 5 năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2007/NDCP về các hình thức BOT-BTO-BT áp dụng đối với tất cả các loại hình sở hữu trong nền kinh tế, bao gồm sở hữu nước ngoài và sở hữu trong nước. Nghị định 78/2007/ND-CP sau đó đã được thay thế bằng Nghị định 108/2009/ND-CP và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 71/2010 / QĐ-TTg thí điểm mô hình đầu tư theo hình thức PPP, trong đó quy định một cách toàn diện các hình thức đầu tư công vào dự án PPP. Khái niệm PPP đã được công nhận bởi các văn bản pháp lý có hiệu lực cao hơn bao gồm Luật đấu thầu 43/2013/QH13, Luật Đầu tư công 49/2014/QH13, Luật Xây dựng 67/2014/QH13 và Luật Đầu tư 67/2014/QH13. Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2015/ND-CP về PPP, hợp nhất Nghị định 108/2006/ND-CP và Quyết định 71/2010/QĐ-TTg và ban hành Nghị định 30/2015/NDCP hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Luật Đấu thầu trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Năm 2018, Nghị định 15/2015/ND-CP đã được thay thế bằng Nghị định 63/2018 / NDCP quy định các lĩnh vực, yêu cầu và thủ tục đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đặc biệt, khung khổ pháp lý quan trọng nhất cho hình thức PPP là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 18/6/2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, tạo ra môi trường thuận lợi để có thể huy động được các nguồn lực ngoài Nhà nước.

3. Thực trạng huy động nguồn lực phục vụ phát triển đô thị bền vững ở tỉnh Kiên Giang

3.1. Thực trạng phát triển đô thị ở Kiên Giang

Tỉnh Kiên Giang là một trong những địa phương còn khó khăn trong phát triển, nhưng với khát vọng vươn lên, Kiên Giang đang dần trở thành nơi đáng sống. Nhờ những nỗ lực đáng ghi nhận trong hai thập niên vừa qua, Kiên Giang đã có sự phát triển vượt bậc trong phát triển đô thị theo hướng bền vững với nhiều khu đô thị mới mang dáng dấp “đô thị hiện đại và kiểu mẫu” nằm trải dài ven các bờ biển.

 Một nguyên nhân quan trọng của sự phát triển này là sự chú trọng của địa phương trong công tác lập quy hoạch phát triển đô thị biển ven biển, quản lý tài nguyên, môi trường ven biển, hải đảo; kết cấu hạ tầng được tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp như: các cảng biển, sân bay, đường hành lang ven biển, khu neo đậu tàu,... Đặc biệt là sự phát triển của các đô thị ven biển đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược, nhiều dự án du lịch quy mô lớn được hoàn thành và đã được đưa vào khai thác.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được tỉnh quan tâm chú ý, thể hiện trong thực hiện cải cách hành chính, cải tiến phương thức làm việc, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính, tạo lập nhiều kênh thông tin kết nối với doanh nghiệp. Chính vì vậy trong thời gian qua, việc cải thiện môi trường đầu tư cho mạng lưới đô thị của tỉnh tiếp tục được mở rộng và phát triển, nhất là triển khai hiệu quả các Chương trình phát triển đô thị xanh [15], đô thị bền vững, đô thị thông minh. Bên cạnh công tác quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế/chính sách khuyến khích đầu tư, địa phương đã đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh của Kiên Giang đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước để mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển đô thị.

Theo báo cáo đánh giá về Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn đến năm 2025 [13] đã có sự bứt phá tăng tốc trong xây dựng các đô thị động lực như các thành phố: Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là các đô thị biển đảo kiểu mẫu của địa phương. Kết quả thực hiện được ghi nhận vào số liệu cập nhập tại thời điểm tháng tháng 01/2021 được tổng hợp tại Bảng 1 và Bảng 2.

 Bảng 1. Tỷ lệ đô thị hóa tính đến thời điểm năm 2020

Nguồn: Sở Xây Dựng tỉnh Kiên Giang

 Bảng 2. Tổng hợp hệ thống đô thị đến năm 2020

Nguồn: Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang

 Có thể thấy tỷ lệ đô thị hoá của Kiên Giang đạt 28,64% là cao hơn so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mức trung bình khoảng 26%. Tương tự tỷ lệ đô thị hoá toàn đô thị đạt 34,47% cao hơn trung bình của Vùng ĐBSCL 31,16%. Kết quả này cho thấy tuy là địa phương có điều kiện khó khăn nhưng Kiên Giang đã cố gắng vươn lên để đạt những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong đó có đô thị hoá. Tuy nhiên, Kiên Giang đang còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư cải thiện các thành phố hiện có và phát triển mới thêm nhiều đô thị mới.

Tính đến thời điểm 2021, Kiên Giang chỉ có duy nhất Phú Quốc là thành phố được Chính phủ lựa chọn thí điểm [9] và Kiên Giang đã triển khai xong giai đoạn I của Đề án Xây dựng thành phố thông minh Phú Quốc [12]. Đề án này tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, rộng khắp, mọi lúc, mọi nơi thỏa mãn nhu cầu sử dụng viễn thông - công nghệ thông tin phục vụ các gói dịch vụ cung cấp cho người dân và du khách 12] bao gồm các nội dung cụ thể là: i) Trung tâm điều hành thông minh giúp lãnh đạo và các cơ quan chức năng của Phú Quốc giám sát và quản lý dịch vụ thành phố tốt hơn; ii) Hệ thống chính quyền điện tử đây là quy trình liên thông tự động giữa các cấp hành chính và dùng chung cho hồ sơ tiếp nhận trực tiếp tại bộ phận một cửa trực tuyến trên mạng, có thể gọi là "dịch vụ công trực tuyến", rất tiện lợi cho người dân và chính quyền. Mô hình này cho phép gắn kết hồ sơ với các nghiệp vụ tại các bộ phận xử lý liên quan, giúp toàn bộ thông tin xứ lý nghiệp vụ được mã hóa theo từng hồ sơ. Người dùng được sử dụng giao diện thân thiện, đảm bảo truy cập đơn giản với các trình duyệt Website phổ thông như IE, Firefox, Chrome, Opera… iii) Hệ thống du lịch thông minh giúp du khách sẽ tiếp cận được các dịch vụ du lịch một cách dễ dàng thông qua các ứng dụng (App). Kể cả Chính quyền quản lý được mọi hoạt động liên quan du lịch, ngược lại doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm dịch vụ, qua đó thể hiện trách nhiệm cũng như ý thức xây dựng hình ảnh, thương hiệu, uy tín; iv) Hệ thống giám sát môi trường xây dựng được mạng lưới quan trắc chất lượng không khí, chất lượng môi trường.

Đánh giá kết quả ban đầu cho thấy đến nay, đề án xây dựng thành phố thông minh Phú Quốc bắt đầu vận hành đồng bộ các hợp phần giai đoạn đầu như: Hệ thống chính quyền điện tử của Phú Quốc cung cấp gần 450 thủ tục hành chính công mức 3 cấp huyện và cấp xã; Hệ thống giao thông thông minh, hệ thống này đang thực hiện giám sát, ghi nhận hình ảnh các phương tiện tham gia giao thông…Ngoài ra, hệ thống này cũng giúp giám sát các khu vực công cộng, khu dân cư trọng điểm, phức tạp. Với nhiều tính năng hữu ích như giám sát, cảnh báo phát hiện xâm nhập, giám sát vật thể khả nghi… hệ thống đang hỗ trợ đắc lực cho công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tiếp theo là giải pháp thành phố an toàn với nhiều ứng dụng trên di động giúp người dân có thể báo cáo sự cố (tai nạn, trộm cắp, các hành vi vi phạm trật tự an ninh đô thị…) cho cơ quan quản lý cũng như giúp cơ quan và lực lượng có trách nhiệm nhanh chóng tiếp nhận, điều động xử lý. Việc quản lý lưu trú cũng đã được thực hiện trực tuyến. Hệ thống hiện đã được triển khai và sử dụng chính thức cho Công an Phú Quốc và các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Đối với lĩnh vực môi trường, tại Phú Quốc đã triển khai thử nghiệm 4 trạm quan trắc không khí và một (01) trạm quan trắc nguồn nước. Hiện các trạm đang thực hiện đo các tham số chính cho không khí và cho nguồn nước.

Tuy nhiên, xây dựng đô thị thông minh là một quá trình lâu dài còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Tiếp tục triển khai các nội dung của Đề án trong giai đoạn tiếp theo, đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển, tình hình thực tế tại Phú Quốc và lộ trình của Đề án theo 6 nhóm trụ cột/đặc điểm chính của một đô thị thông minh, bao gồm: (1) Quản trị thông minh, (2) nền kinh tế thông minh, (3) giao thông thông minh, (4) môi trường thông minh, (5) người dân thông minh, và (6) cuộc sống thông minh.

Hiện nay, Kiên Giang chuẩn bị triển khai xây dựng đô thị thông minh cho những thành phố tiếp theo, riêng Phú Quốc đang kêu gọi đầu tư giai đoạn II theo đề án của địa phương này [14]. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số khu đô thị xanh và theo hướng bền vững của Kiên Giang như khu đô thị kiểu mẫu ven biển Phú Cường, Khu đô thị đảo Grand City New An Thới - Phú Quốc…

3.2. Thực trạng huy động nguồn lực phục vụ phát triển đô thị bền vững ở tỉnh Kiên Giang

Ước tính, vốn đầu tư vào phát triển đô thị theo hướng bền vững chiếm khoảng 15 - 20% tổng GDP của Việt Nam (khoảng 48 tỷ USD vào năm 2020). Đây là con số rất lớn, trong khi nguồn ngân sách hiện nay còn rất hạn hẹp. Chính vì vậy cần phải đa dạng và thu hút các nguồn vốn khác nhau, khuyến khích sự tham gia của các khu vực ngoài Nhà nước.

 Kiên Giang thời gian qua cũng đã có những hoạt động huy động vốn phục vụ phát triển đô thị theo hướng bền vững. Bảng 3 cho thấy Kiên Giang đã huy động các nguồn vốn phục vụ phát triển đô thị như các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giáo dục, y tế, môi trường…bằng nhiều hình thức như kêu gọi vốn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (FDI, ODA…). Trong giai đoạn 2016 - 2020 tổng vốn huy động toàn xã hội đạt 222.666 tỷ đồng (khoảng 9,6 tỷ USD), tăng bình quân 6,19%/năm và chiếm 52,12% GRDP của tỉnh [16].

Bảng 3. Tổng hợp huy động cơ cấu vốn đầu tư phục vụ phát triển đô thị (2016 – 2020)

Nguồn:Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang

Về cơ cấu vốn (Hình 1), vốn ngân sách nhà nước là 25.323,7 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD), chiếm 11,4% tổng huy động vốn; vốn đầu tư doanh nghiệp trong nước là 167.876,24 tỷ đồng (khoảng 7,3 tỷ USD), chiếm 76%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 1.937,19 tỷ đồng (khoảng 84,23 triệu USD), chiếm 0,87%. Như vậy, đây là kết quả khá khả quan từ góc độ đa dạng hóa nguồn lực, thoát khỏi sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Thực trạng này đang tạo thuận lợi lớn cho việc huy động vốn để đầu tư phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Hình 1. Cơ cấu huy động vốn đầu tư phục vụ phát triển đô thị (2016- 2020)

Nguồn: Cục Thống Kê Kiên Giang

Hình 2. Kết quả huy động vốn vay (2016 - 2020)

Nguồn: Cục Thống Kê Kiên Giang

Trong lĩnh vực thu hút vốn ODA, vốn ODA của Kiên Giang năm 2016 là 182,505 tỷ đồng; 2017 là 194,50 tỷ đồng; 2018 là 40,99 tỷ đồng; 2019 là 216,466 tỷ đồng và 2020 là 268,19 tỷ đồng. Lĩnh vực hạ tầng xã hội và hạ tầng kinh tế là các lĩnh vực nhận được ODA nhiều nhất. ODA chủ yếu là nguồn vốn vay, thông qua khu vực công được thể hiện tại Hình 2.

 Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong hoạt động huy động vốn. Mặc dù thu hút và huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội là đáng kể, tuy nhiên vốn từ nhà đầu tư trong nước chiếm đến 76%. Huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các dự án phát triển đô thị là rất thấp - chỉ 8,7%. Trong khi đó, tổng vốn FDI của Kiên Giang là trên 4,8 tỷ USD đứng thứ 20/63 tỉnh/thành phố. Cơ cấu như vậy là vẫn dựa vào vốn trong nước, chưa thu hút được nhiều vốn từ bên ngoài. Đây vừa là khoảng trống nhưng cũng là cơ hội để cho Kiên Giang cần phải chú ý về chính sách thu hút FDI trong thời gian tới. Nguồn huy động theo hình thức ODA ở Việt Nam mặc dù có vai trò và đóng góp quan trọng nhưng với xu hướng giảm dần trong tương lai theo lộ trình “tốt nghiệp” ODA của Việt Nam, nguồn vốn này sẽ không thể được trông cậy nhiều.

 Một khoảng trống quan trọng nữa là hình thức PPP - vốn khá hiệu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới - thì lại chưa được triển khai nhiều ở Kiên Giang. Một lý do quan trọng là tuy đã có khuôn khổ pháp lý quan trọng là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 nhưng các văn bản hướng dẫn Luật vẫn chưa đầy đủ. Việc còn thiếu các hành lang pháp lý cụ thể đang là một cản trở và là sự lãnh phí cơ hội để huy động được vốn ngoài xã hội và lãng phí cơ hội để phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững. Các mô hình có vốn mồi của Nhà nước để khuyến khích và thu hút vốn ngoài Nhà nước còn ít và chưa phổ biến.

 Từ khía cạnh tài chính cho phát triển kinh tế xanh và đô thị bền vững, hệ thống tín dụng xanh, tài chính xanh là một cơ chế khá tốt để huy động vốn cho đô thị bền vững. Ở Việt Nam, Chính phủ đã có một số chính sách phát triển thị trường tài chính xanh. Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước cũng đã có một số văn bản pháp lý khuyến khích tín dụng xanh. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Kế hoạch hành động của ngành tài chính Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đưa ra nhiệm vụ cụ thể là xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh.

Nguồn lực tài chính xanh này nếu được triển khai sẽ hứa hẹn là kênh quan trọng để có thể huy động vốn cho phát triển đô thị ở Kiên Giang theo hướng bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế, các kênh huy động nguồn lực theo hướng này hầu như chưa được triển khai ở Kiên Giang. Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam (được phê duyệt thông qua Quyết định 1393/QĐ-CP năm 2012) và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh (Quyết định 403/QĐ-CP) đã quy định rõ trọng tâm ưu tiên vào 03 nhiệm vụ: i) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; ii) Xanh hoá sản xuất; iii) Xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Những nội dung này là hoàn toàn phù hợp cho việc xây dựng các đô thị xanh và đô thị bền vững. Căn cứ Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, Kiên Giang cũng đã triển khai cụ thể bằng Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 11/5/2018 của UBND tỉnh Kiên Giang để phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo kế hoạch này, mục tiêu cụ thể đề ra là: vào năm 2020 giảm cường độ phát thải khí so với mức phát triển bình thường của năm 2020 là 3,3% tương đương 730 nghìn tấn CO2 tương đương; năm 2025 giảm là 21,2% và 5,5 triệu tấn CO2 và đến 2030 căn cứ vào kết quả các giai đoạn trước để xác định mục tiêu cụ thể. Rất tiếc là việc triển khai các nội dung Chiến lược Tăng trưởng xanh cũng như Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh ở các địa phương nói chung và Kiên Giang nói riêng vẫn còn hạn chế. Đặc biệt là việc huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu của tăng trưởng xanh ở địa phương chưa thực hiện được bao nhiêu do hạn chế trong việc xác định các ưu tiên huy động và phân bổ nguồn lực cũng như do bản thân nguồn lực còn hạn hẹp. Mặc dù chủ trương của tỉnh luôn là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các thành phần kinh tế trên địa bàn đầu tư phát triển sản xuất, phát triển đô thị, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh nhưng qua báo cáo của các cơ quan chức năng của tỉnh, các kênh “tài chính xanh” vẫn còn chưa được triển khai trên địa bàn tỉnh. Các nhà đầu tư dự án đô thị tại địa phương này đều cho biết chưa nhận được những gói tín dụng xanh mà chủ yếu là vay thương mại thông thường. Vì thế các cơ chế hỗ trợ cho phát triển đô thị theo hướng bền vững chưa được triển khai cụ thể, làm lãnh phí cơ hội phát triển. Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, công trình dân sinh…của các khu đô thị mới đều do nguồn nguồn lực từ doanh nghiệp ngoài nhà nước, mà trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm đa số, chưa có nhiều sự tham gia của khu vực nước ngoài. Như vậy, việc huy động vốn của tỉnh Kiên Giang cho mục tiêu phát triển đô thị bền vững đang còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết cả về lượng lẫn về hình thức. Nguyên nhân của hạn chế trong huy động vốn hiện nay, trong đó có áp dụng hình thức PPP và thu hút FDI, tập trung ở một số vấn đề sau: Một là, còn nhiều vướng mắc và hạn chế trong các qui định về đất đai. Không phải nhà đầu tư FDI ít quan tâm đến các dự án phát triển đô thị, mà do các dự án này đều gắn liền với sử dụng diện tích đất rất lớn, trong khi hệ thống pháp lý quy định về quản lý đất đai chưa hấp dẫn, còn có nhiều vướng mắc ví dụ như theo pháp luật hiện hành quy định công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mà chỉ được thuê đất trực tiếp từ nhà nước, tuy nhiên thời hạn thuê tối đa không quá 50 năm. Trong khi các dự án đô thị thời hạn đầu tư và khai thác sản phẩm cần có thời gian rất lâu, có thể kéo dài hơn so với 50 năm. Hai là, do đặc thù của một số khu vực thuộc tỉnh Kiên Giang liên quan đến quốc phòng, an ninh nhất là những địa phương giáp biên giới, hải đảo là khu vực phòng thủ của quốc gia, do vậy, nhà đầu tư trong nước gặp thuận lợi hơn khi quyết định chọn Kiên Giang để thực hiện các dự án phát triển đô thị trong khi nhà đầu tư nước ngoài là ở vị thế bất lợi hơn. Từ đó, việc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài là khó khăn hơn. Ba là, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh thường quảng bá hình ảnh, cơ chế chính sách, các dự án kêu gọi vào các lĩnh vực sản xuất (trong khu công nghiệp), thương mại, dịch vụ…còn các dự án đô thị chỉ do bản thân doanh nghiệp là chủ dự án chủ động giới thiệu và gọi vốn đầu tư hoặc liên kết, liên doanh…Trong khi đó, thời gian qua, các chủ dự án chưa đẩy mạnh hoạt động xúc tiến này một cách rộng khắp và chưa lan toả được nhiều đến với các tập đoàn kinh tế trên thế giới. Liên kết vùng chưa được tận dụng và phát huy trong xúc tiến đầu tư. 4. Một số giải pháp chính sách chủ yếu huy động nguồn lực tài chính phục vụ phát triển đô thị bền vững ở Kiên Giang trong thời gian tới

4.1. Định hướng chung

Tỉnh Kiên Giang đã xác định phát triển đô thị bền vững là xu thế tất yếu của phát triển. Địa phương đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ đô thị hoá lên 41,45% vào năm 2025. Tỉnh đã xác định các đô thị động lực như Phú Quốc trở thành thành du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế; thành phố Rạch Giá là một trong bốn đô thị của vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long; thành phố Hà Tiên trở thành đô thị kinh tế cửa khẩu quốc tế; thị xã Kiên Lương là đô thị công nghiệp… Trước thực trạng huy động nguồn lực phục vụ phát triển đô thị bền vững ở tỉnh Kiên Giang còn nhiều hạn chế trong khi ngân sách nhà nước vẫn còn eo hẹp, cần phải tiếp tục khuyến khích kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn trong nước và quốc tế, kể cả tận dụng nguồn ODA nếu còn điều kiện. Cần phải đa dạng hóa các hình thức huy động vốn từ xã hội và từ bên ngoài Việt Nam để có điều kiện tiếp cận được tư duy mới, công nghệ mới (đặc biệt là công nghệ thông minh) và phong cách sống hiện đại, sinh thái, bền vững khi qui hoạch và phát triển các khu đô thị theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, chống chịu được với biến đổi khí hậu. Trong các hình thức đó, PPP là một hình thức khá hiệu quả nên cần phải chú ý phát huy hình thức này.

 4.2. Một số đề xuất giải pháp chủ yếu

- Cân đối ngân sách hàng năm đảm bảo chi phí trong việc thực hiện tổ chức xúc tiến đầu tư phát triển đô thị để thu hút nguồn vốn hợp pháp trong nước và quốc tế.

- Thành lập cơ quan quản lý các nguồn vốn và thẩm định dự án riêng cho lĩnh vực đô thị, là cơ quan độc lập trực thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Công khai, minh bạch như thông báo về giá thầu, các quy tắc đấu thầu và thủ tục mở thầu rộng rãi.

- Chính quyền địa phương cần phải phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và đầu tư thay vì để cho các doanh nghiệp phát triển đô thị tự làm. Sự phối hợp của các bên liên quan trong quảng bá, xúc tiến phát triển đô thị sẽ tốt hơn nhiều so với chỉ một bên làm. Sự phối hợp trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần phải được thực hiện ở qui mô quốc gia, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Như vậy, bên cạnh các giải pháp phối hợp quảng bá cho du lịch cũng cần phải chú ý hơn đến phối hợp quảng bá trong thu hút đầu tư phục vụ du lịch ở các qui mô khác nhau, đặc biệt là qui mô vùng và giữa các tỉnh liền kề.

- Ưu tiên lựa chọn hình thức hợp tác đầu tư công tư (PPP) là hình thức đầu tư hiệu quả và phổ biến tại các nước trên thế giới. Hình thức này được đánh giá là giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, giảm sự lệ thuộc vào nguồn vốn ODA, nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ, đồng thời giảm tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, sẽ đó thay đổi diện mạo đô thị, đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng trong tình hình mới. Đây là hình thức mở ra thị trường và cơ hội đầu tư tương đối hấp dẫn cho nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

 - Thông qua Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan thương vụ, các cơ quan và tổ chức xúc tiến đầu tư và Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước để giới thiệu tiềm lực địa phương và kết nối trao đổi nhu cầu phát triển đô thị bền vững.

- Tăng cường hợp tác Quốc tế chuẩn bị sự bứt phá của tỉnh trong giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 cũng như hậu Covid-19 để bắt kịp dòng chảy đầu tư nước ngoài, đặc biệt vào lĩnh vực phát triển đô thị.

 - Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, gặp gỡ doanh nghiệp (trực tiếp và trực tuyến) để giới thiệu các dự án đô thị của doanh nghiệp Kiên Giang đến nhà đầu tư FDI. Bên cạnh những giải pháp của địa phương một số kiến nghị đến các cơ quan Trung ương như sau:

Thứ nhất, đảm bảo ổn định vĩ mô và ổn định môi trường đầu tư kinh doanh để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư. Thông thường đầu tư vào cơ sở hạ tầng là đầu tư dài hạn bị tác động bởi nhiều yếu tố rủi ro, do đó rất cần phải đảm bảo các yếu tố ổn định về môi trường kinh doanh để hạn chế rủi ro, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Thứ hai, Đa dạng hóa các sản phẩm tài chính phục vụ cho việc huy động tài chính phục vụ phát triển đô thị bền vững, trong đó phát hành trái phiếu, trái phiếu ưu đãi.

Thứ ba, rà soát và hoàn thiện các chính sách liên quan đến khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dài hạn và tái đầu tư trong nước, trong đó đặc biệt là chính sách về đất đai, các văn bản pháp lý liên quan đến PPP.

Thứ tư, thông qua xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh thu hút vốn theo hình thức công - tư (PPP) ở cấp độ địa phương trong phát triển hạ tầng giao thông, bến cảng, viễn thông…vì đây là hình thức thích hợp nhất đối với lĩnh vực phát triển đô thị. Chú trọng thu hút cả khu vực nước ngoài trong các hoạt động PPP. Thứ năm, cho phép Kiên Giang có những thể chế đặc thù để mở cửa mạnh mẽ và phát triển du lịch. Trong điều kiện mới trong và sau bệnh dịch Covid-19, Kiên Giang và đặc biệt là Phú Quốc có thể mở cửa để đón khách du lịch cũng như đón các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn đến đầu tư tại đây, đáp ứng được nhu cầu bùng nổ du lịch sau khi đã khống chế được dịch bệnh.

5. Kết luận

Quá trình đô thị hóa theo hướng bền vững là tất yếu và là nội dung quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tỉnh Kiên Giang cũng cần phải chú trọng phát triển các đô thị theo hướng bền vững để các đô thị trở thành động lực phát triển và là phương tiện để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Các định hướng để phát triển đô thị bền vững có nhiều, bao gồm rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu; Lập kế hoạch huy động nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư xây dựng phát triển đô thị tăng trưởng xanh hàng năm và theo giai đoạn; Quản lý phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh.

Trong các định hướng đó, huy động nguồn lực và đưa ra các giải pháp cụ thể huy động nguồn lực từ bên ngoài là rất quan trọng. Kiên Giang hiện còn khá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA trong phát triển cơ sở hạ tầng. Trong phát triển đô thị, Kiên Giang cần có giải pháp đột phá hơn để đa dạng hóa mạnh mẽ hơn nữa các hình thức huy động vốn đầu tư, đặc biệt là hình thức PPP để thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và từ khu vực FDI. Để đạt được điều này, cần phải có sự sáng tạo và quyết tâm hơn nữa của chính quyền và sự phối hợp hiệu quả hơn giữa khu vực Nhà nước, doanh nghiệp và các hiệp hội cũng như có sự phối hợp tốt hơn giữa các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

BÙI QUANG TUẤN *

NGUYỄN DUY LINH THẢO **

 

Tài liệu tham khảo

1. Lê Trọng Bình (2009), Bài giảng môn học “Pháp luật và quản lý đô thị”, Khoa sau đại học - Trường Đại Học Kiến Trúc Hà Nội.

2. Bộ Xây Dựng (2016), Báo cáo Tổng kết thi hành pháp luật về quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam. Hà Nội.

3. Bộ Xây Dựng (2018), Thông tư 01/2018/TT-BXD quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Hà Nội ngày 5/1/2018.

4. Nguyễn Thị Hoa (2014), Ảnh hưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới đô thị hóa theo hướng bền vững ở Đà Nẵng, Luận án Tiến sĩ kinh tế.

 5. Quốc hội (2009), Luật Quy hoạch đô thị, Hà Nội.

6. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định 84/QĐ-TTg phê duyệt có Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, Hà Nội ngày 19/1/2018.

7. Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định số 445/QĐ-TTg Phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội ngày 07/04/2009. 8. Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định số 1659/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020, Hà Nội ngày 07/11/2012.

9. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 950/QĐ-TTg: Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Hà Nội.

10. Đào Hoàng Tuấn và Trần Thị Tuyết (2009), “Phát triển bền vững hệ thống đô thị ở Việt Nam: một số vấn đề về cơ sở lí luận và thực tiễn, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển - Viện Nghiên vứu và Phát triển TP. Hồ Chí Minh.

11. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (2013), Quyết định số 1342/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020, Kiên Giang ngày 20/5/2013.

12. Ủy ban nhân dân tỉnh (2017), Quyết định số 830/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Xây dựng thành phố thông minh Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020, Kiên Giang ngày 01/04/2017.

13. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (2017), Quyết định số 988/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn đến năm 2025, Kiên Giang, ngày 28/4/2017.

14. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (2017), Quyết định số 2301/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Xây dựng triển khai mô hình đô thị thông minh tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2017 - 2022, định hướng đến năm 2030, Kiên Giang ngày 31/10/2017.

15. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (2019), Kế hoạch số 43/KH-UBND về việc phát triển đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, Kiên Giang ngày 19/3/2019.

16. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (2020), Báo cáo số 331/BC-UBND tình hình phát triển kinh tế xã hội tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, Kiên Giang ngày 08/9/2020.

17. Burgess, R.; Jenks, M. Compact Cities: Sustainable Urban Forms for Developing Countries, 1st ed.; Routledge: London, UK, 2000, pp.

18. Environment, U. N. (2018-01-23). “Sustainable Cities” (Đô thị bền vững). UNEP - UN Environment Programme. Retrieved 2021-07-22.

 19. European Sustainable Cities—Report of the Expert Group on the Urban Environment; European Commission - DGXI Environment, Nuclear Safety and Civil Protection: Brussels, Belgium, 1996, pp. 8.

 20. Goal 11: Sustainable cities and communities. UNDP. Retrieved 12-07-2021. 21. Girardet, H. Creating Sustainable Cities; Schumacher briefing; Green Books for the Schumacher Society: Dartington, UK, 1999; ISBN 978-1-870098-77-9, pp.13.

22. Mega, V.; Pedersen, J. Urban Sustainability Indicators; Office for Official Publications of the European Communities: Luxembourg, 1998; ISBN 92-828 4669-5, pp.2.

 23. Michael Digregorio, Lê Quang Trung, Nguyễn Trí Thanh (2018), “Chỉ số chống chịu của các đô thị Việt Nam - Báo cáo chứng minh khái niệm” The Asia Foundation

24. Timothy F. Slaper and Tanya J. Hall (2011), “The Triple Bottom Line: What Is It and How Does It Work?” (Điểm mấu chốt của bộ ba: Nó là gì và nó hoạt động như thế nào?), www.ibrc.indiana.edu. Retrieved 2021-07-12.

* PGS. TS, Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam, email: bqt313@gmail.com. ** Thạc sĩ, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, email: ndlthao@yahoo.com.

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.